Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

081202- Quy hoạch giao thông đô thị: "Lắm cha con khó lấy chồng!

nguồn: http://beta.baomoi.com/Home/DauTu-QuyHoach/www.vtc.vn/Quy-hoach-giao-thong-do-thi-Lam-cha-con-kho-lay-chong/2228962.epi

Hiện nay, hệ thống giao thông của chúng ta có cái dở là "lắm cha con khó lấy chồng". Chúng ta tham khảo rất nhiều nhà tư vấn nước ngoài nhưng mỗi nhà tư vấn một kiểu dẫn đến sự chậm trễ, ách tắc, chậm ngày nào thì ùn tắc càng trầm kha ngày đó.

TS Nguyễn Văn Thụ, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT, ĐH GTVT đã nói như vậy về thực trạng quy hoạch giao thông ở VN.

Giao thông đô thị đang chịu hậu quả của "vết dầu loang"

- Thưa ông trận mưa lũ lịch sử ở Hà Nội trong tháng 10 vừa qua cho thấy hệ thống giao thông đô thị đang quá tải so với sự phát triển. Hà Nội đã đổ rất nhiều tiền của để cải thiện năng lực giao thông nhưng rõ ràng sự yếu kém trong công tác quy hoạch giao thông đang ngày càng bộc lộ rõ nét hơn ?

- Đúng như vậy! Trận lụt vừa qua thể hiện khiếm khuyết cơ bản là hệ thống giao thông không đồng bộ, vì đã làm đường thì phải kèm theo hệ thống thoát nước. Nhưng hiện nay trong quy hoạch chưa có phố nào chuẩn về thoát nước nên khi mưa to nước chảy ngược là điều dễ hiểu.

Nguyên tắc khi thiết kế là phải cống phải làm theo chiều dốc dần để cho nước chảy đến các điểm thoát nước, hồ điều hòa. Song việc này chúng ta chưa có phố chuẩn làm nền tảng, những công trình xây dựng sau này cũng không có cơ sở để làm theo.

- Khu vực nội thành Hà Nội quy hoạch từ rất lâu nhưng không xảy ra ngập, ách tắc trong khi các khu mới lại xảy ra tình trạng đó, rõ ràng những quy hoạch mới của chúng ta chưa kế thừa được mà thậm chí còn kém đi rất nhiều ?

- Khu nội thành dù được quy hoạch khá lâu nhưng không bao giờ ngập không bao giờ tắc đường vì đơn giản những quy hoạch đó hướng được tầm nhìn hàng trăm năm. Còn bây giờ tầm nhìn về quy hoạch ngắn quá, các dự án quy hoạch toàn dự báo đến 2020.

Một một con đường, cây cầu, được coi là hoàn hảo nếu như sau hàng trăm năm chỉ cần cải tạo mặt đường cho tốt hơn, đẹp hơn còn mọi thiết kế, kết cấu kỹ thuật hoàn toàn không bị thay đổi.

TP HCM là một điển hình, lúc lập quy hoạch chỉ tính có 2 triệu dân, nhưng về sau phát triển theo lý thuyết "vết dầu loang" đã dẫn đến hệ thống giao thông, thoát nước quá tải đến khi muốn giải tỏa để xây dựng thì vô cũng khó khăn.

- Nhưng đâu là khó khăn mà khiến cho các nhà làm quy hoạch phải làm theo kiểu "vá víu" không có chiến lược dài hơi, thưa ông?

- Vấn đề đặt ra là tiền đâu để làm. Ví dụ, đường vành đai chạy từ Cầu Giấy lên khu Kim Liên, trong khi quy hoạch đã nhìn thấy trước khi làm đường qua Đại sứ quán Liên bang Nga, bệnh viện Nhi, bệnh viện Phụ sản thụt hết vào trong. Việc đó đã tính rồi nhưng giải tỏa như thế nào?

Quy luật khách quan là phải có con đường ấy, vấn đề là thực thi được không đó là vấn đề khác. Dân biết lợi ích nhưng với cái lợi trước mắt tư tưởng là tái định cư, giải phóng mặt bằng trong xây dựng công trình công cộng phải đến nơi ít nhất bằng hoặc phải hơn dân mới chuyển đã làm níu chân các nhà quy hoạch.

Ngay thành phố Hà Nội là điển hình, trước đây có tàu điện mặt đất, dẹp bỏ rồi thử nghiệm tàu điện bánh đúc được thời gian ngắn rồi bỏ, đó là chiến lược sai. Trên thế giới nhiều phố hẹp vẫn có đường sắt đôi, còn ở ta đã dỡ đi giờ rất khó để làm lại. Thiệt hại nhất đó là mọi sự chậm trễ dẫn đến sự ách tắc, chậm ngày nào là thiệt hại ngày ấy.

Theo tôi phải có một bộ tổng tham mưu để tư vấn những vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay đang có cái dở là "lắm cha con khó lấy chồng" chúng ta tham khảo rất nhiều nhà tư vấn nước ngoài nhưng mỗi nhà tư vấn một kiểu nên cũng gây khó khăn.

Giao thông ngầm là phương án tối ưu trong tương lai

- Vậy chẳng lẽ cứ loay hoay với bài toán quy hoạch mà không có một hướng đi cụ thể, thưa ông ?

- Chiến lược phát triển giao thông đô thị chung thì có (phát triển tàu sắt trên cao, tầu điện ngầm)... Lúc nào chúng ta cũng hô hào phải phát triển tàu điện ngầm, Metro... nhưng cụ thể như thế nào, thực hiện ra sao, tiền ở đâu, tuyến này bắt đầu từ năm bao nhiêu thì chưa có, thậm chí khâu đầu tiên là đấu thầu kỹ thuật thiết kế còn chưa làm được nổi thì bao giờ mới xong.

Để giải quyết vấn đề này cần phải sử dụng chuyên gia Việt Nam, thuê chuyên gia nước ngoài lập phương án, có phản biện xã hội rồi xây dựng chương trình hành động mới khả thi.

- Theo ông, để cụ thể hoá từng bước và và sớm đưa các dự án giao thông hiện đại phù hợp với quy hoạch thì cần phải có phương án như thế nào?

- Quy trình hiện nay là thường giao cho 2 ban tư vấn làm trình đến UBND thành phố rồi góp ý chỉnh sửa rồi lại trình lên trung ương rồi các bộ từ đó dẫn đến tình trạng dự án lâu được duyệt.

Tới đây nên giao toàn bộ cho 2 thành phố lập phương án, xác định cho các thành phố đến thời hạn bao nhiêu đấy nghe 2 thành phố hay ban tư vấn 2 thành phố thuyết trình sau đó lấy ý kiến phản biện, xin ý kiến Bộ Chính trị và quyết luôn chương trình hành động.

- Hiện chúng ta đang cân nhắc giữa hai phương án là ngầm hoá và đường sắt trên cao để giải quyết bài toán giao thông đô thị, là nhà chuyên môn ông nghiêng về phương án nào?

- Theo tôi phương án thực hiện giao thông ngầm là hợp lý, vì nguyên lý của giao thông ngầm là phải lựa chọn phương án vĩnh cửu đầu tư một lần nhưng sẽ có tác dụng lâu dài. Còn phương án tàu điện trên cao có vẻ không hợp lý bới còn liên quan đến còn kiến trúc đô thị, tâm linh, không thể cho tàu điện trên cao chạy qua hồ Hoàn Kiếm được... Thi công hệ thống tàu điện trên cao nhanh hơn, rẻ hơn nhưng tính hiệu quả lâu dài và nhiều vấn đề xã hội khác thì giao thông ngầm ưu việt hơn rất nhiều.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Minh(thực hiện)

Không có nhận xét nào: