Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

081203- Di sản Hội An với nỗi lo mùa mưa bão

nguồn: http://www.baodatviet.vn/Home/Di-san-Hoi-An-voi-noi-lo-mua-mua-bao/20089/14193.datviet

Có tuổi thọ hàng trăm năm, lại nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, Di sản Văn hoá thế giới Hội An hàng năm phải oằn mình gánh chịu 3 - 4 cơn bão, lũ “ghé thăm”. Nguy cơ di tích bị xuống cấp là nỗi lo thường trực của chính quyền và người dân Hội An không chỉ trong mùa mưa bão.
Photobucket">

Hai ngôi nhà cổ số 102- 104 đường Bạch Đằng có nguy cơ xuống cấp trầm trọng hơn sau mùa mưa bão năm nay

Có tiền nhưng không dám vay

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích (TTQLBTDT) Hội An, hiện có 71 di tích nằm trong danh mục có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Số di tích này chủ yếu là các nhà thờ họ tộc, thuộc quyền sở hữu tư nhân. Hầu hết các gia đình này đều nằm trong diện khó khăn, không có khả năng trùng tu, sữa chữa. Mặc dù chính quyền thành phố Hội An đã tạo điều kiện bằng cách hỗ trợ kinh phí trùng tu từ 40% đến 75%, tuỳ từng di tích; đồng thời cho vay không lãi suất đến năm năm, nhưng việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ này chưa được người dân hưởng ứng.

Bà Nguyễn Thị Thanh 86 tuổi, ở số 120 đường Trần Phú, trăn trở: “Nói thiệt, Nhà nước quan tâm đến đó là vui rồi. Nhưng ngặt nỗi, thân già như tui, lại nuôi con dâu bị bệnh tâm thần, nằm chỗ hơn 40 năm nay, tiền ăn, tiền thuốc thang chạy chữa cho nó tôi lo chưa xuể, lấy mô ra tiền sửa nhà. Tôi làm dâu về nhà này đã hơn 65 năm, nay nhìn căn nhà thờ phụng ông bà, tổ tiên bị mục nát thế này, lòng áy náy lắm”.

Theo bà Thanh, năm rồi, nếu trùng tu thì chỉ tốn cỡ 350 triệu đồng, nhưng năm nay, vật giá tăng chóng mặt, nên muốn trùng tu phải mất 500 triệu đồng. Nhà nước có hỗ trợ 60% cũng chịu.
Không riêng gì nhà bà Thanh, nhiều ngôi nhà được xếp loại di tích đặc biệt, như những căn số 11/10, số 53, số 77, số 103, 126/2 đường Trần Phú, hay số 12/19, số 26 Lò Thị Chuông, số 78A đường Bạch Đằng, phường Minh An… cũng trong tình cảnh tương tự.

Bất lực trước bão lũ

Lý giải về nguyên nhân các di tích Hội An ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc TTQLBTDT cho biết, kinh phí không phải là gánh nặng, bởi lãnh đạo thành phố đã có những cơ chế, đầu tư hợp lý từ các nguồn ngân sách từ trung ương đến địa phương, sẵn sàng chi cho các hộ có di tích xuống cấp, cần phải trùng tu.
Photobucket">

Nhà thờ tộc Phạm ngày càng hoang phế nhưng không thể trùng tu được. Ảnh: Minh Hải


Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ, có quá nhiều nhà rệu rã, phải tu bổ, chi phí rất lớn, bình quân khoảng 500 triệu đồng một di tích. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ gia đình cũng phải bỏ ra từ 200 đến 300 triệu đồng để tu sửa, nhưng kinh tế của các hộ gia đình trong diện này thường rất khó khăn. “Vật liệu tăng giá vùn vụt, nhất là nguyên liệu gỗ làm nhà cổ hiện rất khan hiếm. Vì thế mới dẫn đến tình trạng, người dân bó tay trông chờ Nhà nước đầu tư 100% kinh phí. Còn nhà nước thì, tiền nằm sẵn trong két vẫn phải ngậm ngùi nhìn nhà cổ xuống cấp do không vận động được nguồn đối ứng từ dân”, ông Trung nói.

Một cản ngại khác là, khá nhiều di tích hiện là nhà thờ của họ tộc - một tài sản có nhiều đồng thừa kế. Vì thế khi đưa ra lấy ý kiến về việc tu sửa thì thường “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Điển hình, nhà thờ tộc Phạm số 122 đường Trần Phú đã sụp đổ hoàn toàn mái sau, cây cỏ mọc um tùm như vườn hoang giữa lòng phố cổ từ nhiều năm nay, nhưng không thể trùng tu, phục dựng, vì cả gia đình phái nhất (làm chủ sở hữu) hiện đang sinh sống tại nước ngoài.

Ngoài ra, theo ông Trung, hiện tượng sang nhượng các di tích, nhà cổ tại Hội An diễn ra khá sôi động. Chỉ riêng đường Trần Phú, đã có 21 căn nhà cổ bị sang tên, đổi chủ. Những chủ nhân mới là người tứ xứ, ngoài việc không hiểu hết văn hóa phố cổ, họ cũng không hề liên quan đến vấn đề thờ phụng ông bà tổ tiên của chủ nhân ngôi nhà cũ. Vì mua nhà với mục đích kinh doanh, buôn bán, nên không khó hiểu khi những người chủ mới chẳng cần gìn giữ hồn xưa, phách cũ, làm mất dần đi lối kiến trúc vốn có của nhà cổ.

Minh Hải

Không có nhận xét nào: