TT&VH
Buổi hội thảo chuyên đề về quy hoạch khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 13/12/2008, do UBND TP.HCM chủ trì đã trở thành diễn đàn để mổ xẻ đồ án thiết kế quảng trường Trung tâm, công viên vòng cung và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn.
Dù đã được chọn trao giải nhất vào tháng 10/2008, nhưng đồ án thiết kế do tập đoàn Deso Defrain - Souquet Architectes, thực hiện đã bị nhiều ý kiến cho là là bất cập và xa rời thực tế.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ kết nối với quận 1
Quảng trường hay thung lũng?
Ngày 23/10/2008, tập đoàn Deso Defrain - Souquet Architectes đã nhận giải nhất cuộc thi thiết kế quảng trườngtrung tâm, công viên vòng cung và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, với sốtiền 50.000USD. |
Vượt qua 78 đối thủ khác, tập đoàn Deso Defrain - Souquet Architectes đã chiến thắng trong cuộc đua thực hiện đồ án thiết kế khu quảng trường trung tâm rộng 13ha, cùng khu công viên vòng cung ven bán đảo Thủ Thiêm, kết nối với khu đô thị hiện hữu bằng cầu vượt có chức năng đi bộ qua sông Sài Gòn. Theo đó, sẽ có một quảng trường hoành tráng nối liền từ bờ sông Sài Gòn, chạy giữa hai dãy cao ốc, tiến thẳng đến hồ điều hòa; song song với quảng trường là một dòng sông đào uốn lượn, chia các khu vực của khu vực đẹp nhất bán đảo Thủ Thiêm thành các phân khu. Ngoài rìa là khu vực công viên hình móng ngựa dài 800m. Người dân nội thành sẽ đi qua cầu vượt để đến sinh hoạt, vui chơi ở quảng trường và công viên ven sông.
Tuy nhiên, Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, cho rằng: “Việc bố trí hai dãy nhà cao tầng hai bên quảng trường sẽ tạo ra không gian thung lũng, sâu hun hút. Trong khi theo yêu cầu của đồ án quảng trường là nơi đa chức năng, không nên có cảnh quan đơn điệu. Nếu như khối nhà cao tầng chỉ nằm một bên, để bên phía còn lại cho cây xanh xen kẽ nhà hát, bảo tàng, thư viện, ... thì đẹp biết bao nhiêu”.
Chuyện biến quảng trường thành thung lũng bê tông cũng được Tiến sỹ Phạm Anh Dũng, Đại học Kiến trúc TP.HCM cảnh báo khi đề nghị thêm vào thật nhiều cây xanh để mềm hóa sụ cứng nhắc của không gian xây dựng. Tiến sỹ Phạm Anh Dũng phân tích cụ thể về tình trạng quảng trường hẹp bề ngang, trong khi chiều dài lại quá dài. Do chưa kết nối được mặt bằng nền và mặt đứng nên cả quảng trường nhìn như một thung lũng nhôm kính nếu thiếu cây xanh.
Cùng quan điểm này, ông Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện kiến trúc - Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), cho rằng đơn vị thiết kế đồ án cần trả quảng trường trung tâm về đúng với một nơi dành cho cộng đồng. Nếu cố gượng ép để gò các hạng mục chỉ để phục vụ việc diễu hành vào các ngày lễ lớn thì không ổn. Thực tế khu vực này là vùng đất thấp. Không điều chỉnh sẽ xuất hiện tình cảnh khó coi là “quần chúng ngồi dưới đồng bằng nhìn cảnh diễu hành trên đỉnh đồi”. Đây là điều chưa hề có tại bát kỳ cuộc diễu hành, diễu binh nào.
Không đồng ý với cách đặt vấn đề là các hạng mục đã tận dụng tốt môi trường tự nhiên vùng sông nước Nam Bộ, ông Ngô Trung Hải, nói thẳng: Khí hậu miền Nam nắng nóng mưa nhiều, quảng trường rộng mênh mông thì cái nóng do bức xạ nhiệt sẽ làm nản lòng nhiều người dân. Những cơn mưa ào ạt dễ gây ra hiện tượng ngập nước, vậy thì độ dốc của các hạng mục sẽ giúp thoát nước mưa ra sao?
Một số kiến trúc sư khác lại phân tích về hướng Đông - Tây của quảng trường sẽ biến thành “chảo lửa” vì đây cũng chính là hướng mọc và lặn của mặt trời. Dưới cái nắng phương Nam thì mặt sân rộng mênh mông sẽ là điểm hội tụ nhiệt. Kinh nghiệm quảng trường Ba Đình cho thấy, cần xẻ ô trồng cỏ hoặc bổ sung cây xanh hay mái che để tránh nắng.
Cầu vượt sông sẽ lệch tâm?
Phần phân tích về thiết kế cầu dành cho người đi bộ hình thước thợ vượt sông Sài Gòn cũng nhận được nhiều ý kiến “nóng”. Sở dĩ, có sự thay đổi vì đơn vị thiết kế đã dời vị trí đặt cầu từ công trường Mê Linh sang đầu đường Hàm Nghi, quận 1.
Đơn vị thiết kế đã dời vị trí đặt cầu từ công trường Mêlinh sang đầu đường Hàm Nghi, quận 1
Với cách gọi chiếc cầu bắc qua sông Sài Gòn hình thước thợ, giống gậy đánh khúc côn cầu, Giáo sư Hoàng Đạo Cung, cảnh báo nguy cơ sự cố vì thực tế cầu đã bị lệch tâm. Đây là nỗi lo sợ của ngành xây dựng. Ngoài ra hạng mục cánh kéo hình cánh sen ở giữa cầu sẽ bị xoạc ra vì toàn bộ trọng lượng một nửa cầu bị lệch tâm sẽ lật hẳn về một bên. Khi người dân tập trung lên cầu quá đông để sang quảng trường tham gia lễ hội thì khả năng đảm bảo an toàn sẽ ra sao? Nhấn mạnh tình trạng người dân sẽ ngại đi cầu, Giáo sư Hoàng Đạo Cung cho rằng: Độ dốc 4% theo thiết kế là nhiều. Chỉ cần đi bộ 500m, thì một người sẽ phải đi lên độ cao 20m, tương đương tòa nhà 4 tầng.
Ngay sau phần trình bày về sự lệch tâm của cầu vượt sông Sài Gòn, các cán bộ Sở Xây dựng, đã “nhanh chân” ra về vì ngại phải phát biểu về nguy cơ của chiếc cầu vượt sông hình thước thợ. Nhiều đại biểu đã tiếp tục đề nghị cần làm rõ việc các hạng mục này sẽ lấy vốn ở đâu, thời gian thi công ra sao, tổ chức quản lý thế nào vì tất cả đến thời điểm này vẫn chỉ là mô phỏng trên máy tính. Thậm chí có đại biểu còn cho rằng UBND TP.HCM chơi sang vì các công trình kiểu này chưa thấy ở đâu dám thực hiện khi chưa biết nguồn vốn lấy ở đâu?
Với cương vị người chủ trì cuộc hội thảo, ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận: Nghe các chuyên gia, các nhà khoa học phân tích đã “sáng” ra nhiều vấn đề tuy đây là cuộc họp lần thứ 6. Việc thiết kế cầu lệch tâm cần lưu ý vì nếu người dân tập trung lên cầu xem bắn pháo hoa, chen lấn quá tải trọng thì nguy cơ sự cố là có thật. Không cần làm mái che trên cầu để che nắng vì người dân phải biết vận dụng câu nói “nắng nghỉ, mưa ở nhà, mát đi chơi”. Về nguồn vốn, UBND TP.HCM sẽ thực hiện cơ chế đổi đất lấy công trình; doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng xong cả 3 hạng mục thì sẽ được giao một số khu đất có giá trị tương ứng với số tiền đầu tư. Tuy nhiên để thực hiện đồ án này, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện khác để thực hiện có hiệu quả việc phát triển phần lõi khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét