nguồn: http://www.sggp.org.vn/xahoi/2008/11/171810/
Thực hiện văn minh đô thị tại khu vực xung quanh trường học, bệnh viện: Tăng sức thuyết phục của tuyên truyền
TPHCM đang bước vào những tháng cuối của năm 2008- năm được TP chọn là “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cảnh nhếch nhác, xô bồ trên các tuyến đường, trước các công sở… Trong số những “điểm nóng”, phải kể đến khu vực xung quanh cổng các trường học, bệnh viện- nơi mà các quy định không được thi hành hoặc mất tác dụng...
Hàng rong lấn chiếm vỉa hè, phụ huynh đón con em phải đứng dưới lòng đường gây nên cảnh kẹt xe nghiêm trọng trước cổng Trường tiểu học An Hội (đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp). Ảnh: T.THẢO
Nhếch nhác cổng trường
|
Mỗi khi tan trường, ở cổng phụ Trường THPT Marie Curie (đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3), hàng chục học sinh lại quây bên các quán hàng rong bán đủ loại bánh trái, nước ngọt “phơi mặt” giữa nắng bụi. Những quán hàng rong “di động” này được bày hẳn xuống lòng đường bất chấp cảnh kẹt xe khi phụ huynh đến đón con em.
Tương tự như vậy, trước cổng Trường Tiểu học An Hội (đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp), khi trống tan trường vừa vang lên cũng là lúc hàng chục hàng rong chộn rộn chuẩn bị “xuất hàng”. Do là trường tiểu học nên những bịch nước xirô xanh đỏ và que kem đủ màu thu hút rất đông các em nhỏ.
Ở đây, vỉa hè cũng được chiếm làm “điểm tập kết” hàng rong nên phụ huynh phải đậu xe xuống lòng đường. Do gần đó cũng có một trường học nên cảnh kẹt xe giờ cao điểm cũng là “chuyện thường ngày”.
Khu vực xung quanh trường Nguyễn Thị Diệu (đường Trần Quốc Toản, quận 3) cũng là một điểm nóng về buôn bán hàng rong. Nhiều học sinh vừa bước ra khỏi cổng trường là sà ngay vào hàng bánh trái gần đó. Để hút khách hàng tuổi teen, một tiệm kem tươi còn nghĩ ra cách đem chừng chục cái ghế nhựa ra bày ngay trước cổng trường và phục vụ kem tại chỗ cho các “thượng đế”.
Cứ chiều đến, vỉa hè đối diện Trường Du lịch Sài Gòn (đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3) lại được “chiếm giữ” bằng hàng loạt xe gắn máy của bãi giữ xe khu vực đó. Người đi bộ phải xuống lòng đường để đi.
Sau 10 giờ trưa, ngay trước cổng Trường THCS Công lập Tân Bình, quận Tân Bình đã đầy tờ rơi quảng cáo các dịch vụ ôn thi. Những tờ rơi này gặp mưa nhòe nhoẹt khiến phía trước cổng trường trông rất nhếch nhác.
Có bệnh viện: có hàng rong!
Người bán hàng rong “đổ bộ” xung quanh các tuyến đường trước Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: H.Hiệp
Đó là một thực tế tại khu vực xung quanh các bệnh viện ở TPHCM nhiều năm qua. Xuất phát từ nhu cầu của người bệnh và người nuôi bệnh nên những hàng rong xung quanh những nơi này thường rất “đắt”!
|
Trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đường Phạm Ngọc Thạch, quận 10 xuất hiện một quán cà phê vỉa hè rất “hoành tráng” với đầy đủ dù che, ghế ngồi. Vỉa hè đối diện, cũng bị một số người khác lấn làm quán cà phê “di động”. Khi có lực lượng kiểm tra chuẩn bị đi qua, những quán cà phê “di động” này được cảnh báo bởi đội ngũ những người chạy xe ôm ngay đầu ngã tư gần đó.
Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, do có lực lượng bảo vệ thường xuyên nhắc nhở hàng rong bán trên vỉa hè nên những người bán hàng chuyển qua bán hàng di động với các xe đẩy đầy tiện lợi. Đẩy tới đâu, bán tới đó và đuổi tới đâu, chạy tới đó rồi tiếp tục… bán!
Bệnh viện 115 (đường Thành Thái, quận 10) dù có vị thế nằm gần chợ nhưng khu vực trước cổng bệnh viện cũng không thoát được cảnh hàng rong lấn chiếm bán hàng. Còn khu vực Bệnh viện Nhi đồng 2 (đường Lý Thái Tổ) thì do có lực lượng Quản lý đô thị quận 10 thường xuyên kiểm tra xử phạt nên đội quân hàng rong chuyển qua khu vực đối diện bên kia đường bán hàng. Vì vậy, cảnh những bậc cha mẹ ẵm theo con băng ngang đường để mua đồ là cảnh thường thấy ở khu vực này.
Tuyên truyền- Nặng về hình thức
Thời gian qua, việc tuyên truyền cho người dân hiểu thêm về nếp sống văn minh đô thị đã được nhiều địa phương thực hiện tương đối đầy đủ. Ở các góc phố, nơi công cộng đều thấy những băng rôn tuyên truyền không xả rác, giữ vệ sinh.
Cổng trường học nào cũng thấy khẩu hiệu “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn” nhưng trên thực tế, tại phần lớn các cổng trường học của TPHCM, chuyện sạch đẹp và an toàn chỉ là điều không tưởng! Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, thành viên Ban Chỉ đạo Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, cho rằng, việc tuyên truyền về văn minh đô thị, trường học nào cũng đều thực hiện nhưng còn mang nặng hình thức.
Ông kể, khi đến làm việc với Trường THCS Nguyễn Thị Diệu, Ban Giám hiệu nhà trường than thở là việc giữ gìn trật tự, vệ sinh trước cổng trường nếu chỉ một mình nhà trường làm không thì không xuể.
Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao- Du lịch cũng cho rằng: Ngoài cổng trường, bệnh viện là thuộc trách nhiệm của địa phương nên cũng không thể quy hết trách nhiệm cho bệnh viện, trường học được. Ngay cả khi đi kiểm tra cùng đoàn của TP ở 27 bệnh viện, ông cũng chưa thấy bệnh viện nào có hệ thống xử lý rác thải tốt.
Trước đây, khu vực xung quanh Trường ĐH Kiến trúc TPHCM và ĐH Kinh tế TPHCM, sinh viên uống cà phê, ngồi la liệt trên vỉa hè xung quanh cổng trường gây mất mỹ quan nghiêm trọng. Bẵng đi một thời gian, tình hình khu vực xung quanh trường ĐH Kinh tế TPHCM đã được cải thiện phần nào còn ở Trường ĐH Kiến trúc TPHCM thì vẫn không có gì thay đổi.
Lý giải về điều này, ông Lê Hiếu Đằng cho biết: Do Trường ĐH Kinh tế TPHCM cùng với địa phương đã “ngồi lại với nhau” cùng tìm cách khắc phục nên tình trạng sinh viên “ngồi đồng” đã giảm hẳn. “Nếu như lực lượng ở địa phương thường xuyên kiểm tra, ghi tên những sinh viên vi phạm và gửi về nhà trường, chắc chắn sẽ không có cảnh gây mất mỹ quan đô thị đến như vậy”, ông Đằng kết luận.
Điểm nóng số 1 về buôn bán mất trật tự được báo chí thời gian qua đề cập nhiều chính là khu vực xung quanh Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ông Lê Hiếu Đằng nói: Cái khó ở đây là nhu cầu mua đồ ăn, đồ dùng của người bệnh và người thăm nuôi là rất cao nhưng bản thân căn tin của bệnh viện lại không đáp ứng được nên người dân phải tìm ra ngoài. Theo ông, việc căn cơ nhất chính là giải quyết vấn đề cốt lõi “bán hàng rẻ, đảm bảo chất lượng tối thiểu” cho người dân ngay bên trong bệnh viện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua khi đánh giá về tình hình thực hiện văn minh đô thị trên địa bàn TP cũng nhìn nhận: “Cần phải làm một cách thực chất hơn, đầu tư việc tuyên truyền về chiều sâu, nhắm mạnh vào các đối tượng người dân ngoại tỉnh, các khu phố, tổ dân phố, công nhân lao động, nhất là đối tượng học sinh sinh viên. Trước khi yêu cầu người dân thực hiện tốt thì biện pháp tuyên truyền, hình thức tuyên truyền của chúng ta phải sâu, tạo “ấn tượng” để người dân làm theo, hình thành thói quen của thị dân”.
Thạch Thảo- Hồng Hiệp
TLV: Điều mâu thuẫn hiện nay là những hình ảnh mang đậm hơi thở của Sài Gòn xưa ít nhiều vần không thóat khỏi vấn đề này. Những khu phố cổ sẽ mất đi phần “hồn” nếu thiếu vắng những sinh hoạt, làm việc của người Hoa ở Chợ lớn; Hình ảnh trên bến dưới thuyền sẽ không còn tồn tại song song với cảnh quan dọc kênh Nhiêu Lộc; … nên chăng Thành phố tổ chức một cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng dung hòa, phát triển trên nền tảng những giá trị văn hóa được nâng niu gìn giữ,…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét