Khu di chỉ Óc Eo còn lại ngày nay ở Thoại Sơn, An Giang
(LĐ)- 2008 được xem là năm của các đô thị cổ, khi ngành khảo cổ học (KCH) VN tập trung vào những cuộc khai quật lớn tại Huế, Hội An, Hà Nội...
Tuy nhiên, việc quy hoạch đô thị mới hiện đang có những mâu thuẫn với quá trình nghiên cứu và bảo tồn di tích ở các đô thị cổ. TS Nguyễn Thị Hậu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM- đã có cuộc trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này.
Nhân hội thảo quốc tế "Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL) sau 5 năm nghiên cứu"- được tổ chức tại Hà Nội, chị có thể cho biết đánh giá của chị dưới góc độ chuyên môn về quá trình nghiên cứu, khai quật khu di tích này? Nếu không có các chuyên gia nước ngoài thì liệu các chuyên gia trong nước có đảm đương nổi công việc này không?
- Việc phát hiện và khai quật KCH khu di tích HTTL có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử- văn hoá VN. Cuộc khai quật khu di tích HTTL hoàn toàn do các nhà KCH Viện KCH thuộc Viện KHXH VN đảm trách. Sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài chủ yếu là tư vấn các phương án bảo tồn và trùng tu di tích. Đây là lĩnh vực mà KCH VN chưa có nhiều kinh nghiệm và còn thiếu rất nhiều phương tiện kỹ thuật.
Việc khai quật KCH đô thị nói chung đang gặp nhiều khó khăn vì diện tích rộng, nhiều tầng văn hoá dày, địa hình đô thị hiện đại chồng lên trên... Vậy theo chị, để bảo vệ những khu di tích đang nghiên cứu, cần có những quy chế KCH nào?
- Sự huỷ hoại di tích lịch sử- văn hoá trên quy mô ngày càng lớn, tốc độ ngày càng diễn ra phổ biến trên thế giới, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Diện tích đất đai bị khai thác tối đa vào các mục đích kinh tế. Tại các thành phố, di tích trên mặt đất cũng đang bị đặt trên "bàn cân" giữa bảo tồn và di dời giải toả cho quy hoạch một thành phố, đô thị hiện đại hơn.
Hai khó khăn lớn nhất là mâu thuẫn giữa việc khai quật nghiên cứu cần thời gian dài, kinh phí lớn với việc cần "giải toả" nhanh để xây dựng các công trình lớn, mâu thuẫn giữa việc cần bảo vệ, bảo tồn di tích với việc phát triển đô thị văn minh hiện đại. KCH cần đi trước một bước. Đó là tiến hành những đợt khảo sát lập bản đồ các di tích, trước mắt tại những vùng đã quy hoạch xây dựng phát triển. Khai quật nghiên cứu nhằm đánh giá giá trị di tích và qua đó, đề xuất việc cần thiết phải bảo tồn hay có thể "giải toả" di tích.
Xin chị cho biết, việc quy hoạch đô thị mới mà thiếu điều tra nghiên cứu KCH thì sẽ dẫn đến những hậu quả gì?
- Cũng như tình hình chung của cả nước, quá trình đô thị hoá đang diễn ra quá nhanh chóng. Yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội lập ra những vùng quy hoạch xây dựng, nhưng chưa được điều tra nghiên cứu về KCH và các di sản văn hoá khác. Hiện nay, nhiều tỉnh đã có những chương trình điều tra KCH, điều tra di sản văn hoá ở một số khu vực đã được quy hoạch, nhằm lập kế hoạch bảo vệ cho phù hợp.
Tuy nhiên, những khu vực đó thường là vùng đồng ruộng hoặc ngoài đô thị, còn trong các đô thị và KCN thì hầu như ngành khảo cổ khó có thể thực hiện chức trách và công việc của mình.
Minh Thi thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét