Nguồn: http://forum.ashui.com/index.php?topic=1296.msg12909#msg12909
Cây đa, bến nước, sân đình - không gian truyền thống của nông thôn VN đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà đủ kiểu, tự phát của lớp nông dân "phất" lên.
Không ít người làm kiến trúc "đau đầu" khi nông thôn VN đang dần đánh mất những giá trị kiến trúc cốt lõi. Hội Kiến trúc sư VN (HKTSVN) đã tổ chức hội thảo "KTNT thời kỳ đổi mới" vào ngày 20.12 tại Ninh Bình để cùng nhau "gỡ" bài toán khó này.
Đổi mới theo hành trình... "ngược"
Đó là ví von của TS.KTS Lê Thanh Sơn - HKTS TPHCM khi nhìn nhận bức tranh KTNT sau 20 năm đổi mới. Nếu như hành trình "xuôi" trong quy hoạch KTNT từ trước đến nay luôn gắn với sự hoà hợp thiên nhiên, có điểm nhấn với không gian cộng đồng... thì nay, KTNT lại vận động theo hành trình "ngược": Dễ dãi bỏ qua giá trị truyền thống để có những không gian tư hữu cá nhân, phá vỡ toàn bộ kết cấu thuần tuý của làng Việt truyền thống.
Nhiều KTS đồng tình rằng, nông thôn VN thậm chí chưa được thiết kế theo đúng nghĩa đen của từ này, thực hiện bài bản các khâu thuê tư vấn nghiên cứu, khảo sát, đo vẽ... để "trình" ra một bản vẽ thiết kế hoàn chỉnh phù hợp với cảnh quan mỗi vùng miền. Thực tế, toàn bộ vốn đầu tư của Nhà nước chỉ dừng lại ở việc xây dựng hạng mục thiết yếu: Làm đường, xây cầu, kéo điện...
KTS Nguyễn Thị Hoà (HKTS Thái Bình) nêu thực tế: "Với những công trình kiến trúc cụ thể hoá về không gian thì KTS đang đứng ngoài cuộc, thậm chí không để tâm vì người nông dân không đủ tiền để thuê thiết kế. Kiến trúc là cách hiểu xa lạ đối với nông dân". Ông Sơn nhận định: "Sau 20 năm, những gì mà nông thôn VN sở hữu có chăng chỉ là sự thao túng của vật liệu, thiết bị rẻ tiền, hào nhoáng và bày trí lộn xộn".
Bắt đầu từ nhà ở
Hội viên HKTS Ninh Bình - ông Hà Thế Luân thẳng thắn cho rằng quy hoạch KTNT hiện chưa được nhìn nhận thoả đáng. Các cấp các ngành hầu như không coi KTNT là vấn đề lâu dài mà chỉ tập trung phong trào trước mắt (xoá nhà tạm, kiên cố hoá trường học, tái định cư...). Trong khi đó, ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, môi trường... đang đe dọa nhiều vùng nông thôn. KTS Nguyễn Thị Hoà cho biết: "Cần có sự khảo sát liên ngành giữa giao thông, thủy lợi, điện lực, kiến trúc... để có sự lồng ghép hợp lý".
Tại Thanh Hoá, Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh đã có chương trình nghiên cứu tổng thể kết cấu hạ tầng nông thôn đến 2020. Song, ngay cả đối với các khu tái định cư - nơi gần như phải quy hoạch lại hoàn toàn, thì các nhà hoạch định vẫn lúng túng khi chưa thống nhất hình mẫu KTNT lý tưởng. Nhà mái bằng gần như thay thế mái ngói bởi nông thôn miền núi hứng nhiều gió bão. KTS Nguyễn Vượng - HKTS Thanh Hoá băn khoăn: "Hội cần đưa sản phẩm kiến trúc khả thi cho nông dân thì họ mới áp dụng làm theo". KTS Lê Thanh Sơn khẳng định: "Không thể cấm nông dân ở nhà mái bằng nhưng phải hướng cho họ một vài mẫu nhà cơ bản phù hợp với cảnh quan chung và không làm phá vỡ không gian sinh hoạt cộng đồng".
Bắt đầu từ nhà ở là ý tưởng rõ nét nhất của HKTSVN tại hội thảo. Theo GS.TS Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch HKTSVN, đây là bước mở đầu cho quá trình nghiên cứu xây dựng đề cương chung về KTNT nhằm "hiến kế" cho Nhà nước. Trước mắt, hội sẽ trực tiếp khảo sát nhiều địa bàn nông thôn khác nhau về khí hậu, địa hình và tập quán sinh hoạt, dưới sự tham gia của các nhà khoa học, KTS tại chỗ. Theo đó, những mô hình KTNT thực nghiệm mang tính chất đại diện sẽ được hình thành trên cơ sở có sự đầu tư thoả đáng ban đầu của Nhà nước.
Theo Lao Động
Về một nền kiến trúc Việt Nam- Th.S.KTS. Lê Hữu Trúc
http://ashui.com/index.php?option=com_content&task=view&id=57&Itemid=56
Kiến trúc Việt Nam đã có một thời kỳ “bùng nổ”. Bối cảnh xã hội “đổi mới” và “mở cửa” đã mang lại khá nhiều điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt nghệ thuật - từ chuyện sáng tác, đến “giao lưu”, “hội nhập” v.v… Trong một khoảng thời gian ngắn năm bảy năm mà số lượng KTS trên cả nước đã tăng lên rất nhiều. Diện mạo kiến trúc cũng thay đổi. “Đa sắc, đa hình, đa ý” hơn với nhiều xu hướng cả tây lẫn ta, cả cổ lẫn kim cùng tồn tại. Sự hồ hởi, phấn khởi, lạc quan lan tràn khắp nơi, kích thích thêm cho niềm tin về sự lớn mạnh và tương lai rạng rỡ của kiến trúc nước nhà… Tuy nhiên, khi niềm hứng khởi chóng qua, cho đến giờ nhìn lại, hầu như ai cũng thấy, sự “bùng nổ”, náo nức kia chỉ là chuyện phong trào, chuyện xã hội mang tính nhất thời. Nó mới chỉ là sản phẩm tự phát của một bối cảnh xã hội đổi mới, chứ chưa phải là sản phẩm của một hay những cách thức tư duy mới.
Tổ hợp khách sạn Sài Gòn - Mũi Né
Giờ đây, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, các KTS có thể hoàn toàn “tự do” sáng tác. Nhưng xét đến cùng, “tự do” cũng là một thách thức, mà dường như các KTS Việt Nam, vẫn chưa được chuẩn bị kỹ về mọi mặt để có thể vượt qua. Tuy đã được cởi trói, nhưng dường như họ cũng không đóng góp được gì nhiều vào việc định ra những tiêu chuẩn, những giá trị mới để định hình một hệ thẩm mỹ thích nghi với thời đại, để đồng hóa được hai khái niệm kiến trúc Việt Nam thời “đổi mới” với kiến trúc “mới” Việt Nam. Trước tình trạng “manh mún, lộn xộn” của kiến trúc, nhiều người đã quy kết nguyên nhân cho sự ngưng trệ của môi trường sáng tác kiến trúc, cho sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, thông tin, đào tạo và tuyên truyền nghệ thuật, của phê bình kiến trúc v.v… Nhưng, thực ra, vấn đề còn là ở ý thức, ở nội lực của từng KTS. Không được dẫn dắt bởi một cách thức tư duy mới, các KTS, sẽ không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự sáng tạo, cũng như không biết làm thế nào để bảo toàn và phát triển nguồn năng lượng vốn có.
Bỏ qua những hiện tượng không lành mạnh trong các hoạt động sáng tác kiến trúc gần đây với những mục đích khác nhau bên ngoài nghệ thuật của khá đông KTS, thì ngay ở phần “nghiêm chỉnh” nhất, kiến trúc “mới” Việt Nam, vẫn đang “chấp chới” giữa các khuynh hướng kiến trúc ngoại nhập của phương Tây với nghệ thuật dân gian. Nói “chấp chới”, bởi không thấy gốc rễ, không có dấu hiệu của sự chuyển hóa thích ứng, sự thống nhất mang tính nội tại. Chỉ cần đặt những cuốn giải thưởng kiến trúc Việt Nam bên cạnh bất cứ cuốn sách nào điểm lại nghệ thuật kiến trúc phương Tây thế kỷ XX, và chỉ cần xem phần hình ảnh minh họa, ai cũng dễ dàng nhận thấy, kiến trúc “mới” Việt Nam cứ như một phiên bản mờ nhạt. Có lẽ, hoàn toàn không quá khi nói, trong một diện mạo như thế, kiến trúc “mới” Việt Nam nói chung, vẫn chỉ là một vùng ngoại vi của kiến trúc thế giới. Tất cả những cái được gọi là “Biểu hiện”, là “Trừu tượng”, “Phi cấu tạo” v.v… mà các KTS đang tự hào cho là “mới” và áp dụng vào thực tế, chỉ tô đậm thêm cho tính chất ngoại vi của kiến trúc “mới” Việt Nam mà thôi - đi sau quá xa là một, nhưng quan trọng hơn, là kém thực chất: cách vẽ mới đã không mang ý nghĩa của một cách nhìn mới, và đi kèm với nó là của khoa học công nghệ và vật liệu mới, nên tuy làm theo những hình thức rất mới của thiên hạ nhưng khi diễn giải, các KTS vẫn không có mấy sự khai phá, tự thể hiện, chỉ có sự đi theo, lặp lại… Còn trong những nỗ lực khác để tìm về với truyền thống dân tộc, để khai thác những hình ảnh biểu trưng của cái được gọi là “văn hóa làng”, “văn hóa tâm linh” v.v… thì hầu hết các tác phẩm mới chỉ dừng lại ở mức làm thỏa mãn sự hiếu kỳ văn hóa của một số người, của khách nước ngoài nói chung, chứ chưa làm nên giá trị và vị thế cho kiến trúc Việt Nam xét trên phương diện nghệ thuật.
Bưu điện Quốc tế Hà Nội
Đến lúc này, dường như, đã có thể nói về một sự đứt đoạn trong các quan hệ văn hóa kiến trúc. Hầu như ai cũng cảm thấy nghệ thuật của kiến trúc là thứ thật cần thiết như một nguồn năng lượng làm gia tăng chất lượng cuộc sống, làm gia tăng các khả năng thích nghi với cuộc sống đương đại…nhưng đồng thời, lại chẳng có mấy ai thực sự quan tâm, tiếp cận, tìm hiểu mỹ thuật kiến trúc trong một ý hướng chủ động, tích cực, cặn kẽ, và bài bản. Phần lớn các KTS vẫn chỉ chạy theo nhu cầu của thị trường, còn với số đông công chúng những người tạo nên thị trường thì nghệ thuật là thứ “kính mà không dám đến gần” biết là hay đấy nhưng không hiểu, không biết nên không tiếp cận, hoặc chỉ tiếp cận một cách sơ sài, cẩu thả; về phía các cơ quan quản lý, dường như cũng mới chỉ quan tâm đến khía cạnh pháp lý, những tiêu chuẩn về an toàn nói chung, tác phẩm không vi phạm luật pháp, chính trị là được chứ chưa thật sự quan tâm đến chất lượng nghệ thuật và thẩm mỹ của kiến trúc, giới phê bình kiến trúc thì hầu như không tồn tại, nếu có thì cũng im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu v.v…
Có thể giải thích một phần nguyên nhân thực trạng này, bằng những phân tích về sự yếu kém của hoạt động phê bình và thông tin tuyên truyền kiến trúc. Phê bình kiến trúc đã không đảm nhiệm được vai trò của nó, không kích thích được nhu cầu và khai mở ý thức sáng tạo nơi các KTS, không có khả năng làm cho công chúng yêu thích và hiểu biết sâu hơn về nghệ thuật, không thuyết phục được các nhà quản lý trong việc định hướng v.v… Sinh hoạt lý luận, học thuật rất ít, hình thức lại không phong phú, và thường chỉ dừng lại trong khuôn khổ của một vài hội thảo, diễn đàn xong rồi thôi, ít tạo được hiệu quả.
Trụ sở Bộ Tài Chính
Trong bối cảnh ấy, đa số các chủ đầu tư lại không hiểu hết cái đặc thù của công việc sáng tạo nghệ thuật. Họ thiếu hiểu biết về mỹ thuật, trong công việc còn mang nặng tính ngẫu hứng, nên nhiều khi đã can thiệp khá thô bạo vào công việc sáng tạo của KTS. Phần lớn thích bắt chước người khác mà làm chứ hiếm khi có “triết lý”, có “gu” riêng trong nghệ thuật…Trong một môi trường hành nghề như vậy, nên tuy số lượng KTS của chúng ta khá đông đảo, công trình mọc lên nhiều nhưng dường như chẳng có mấy tác phẩm có tiếng nói riêng, có khả năng đại diện cho nền kiến trúc Việt Nam để hòa nhập một cách hữu cơ vào đời sống xã hội và tạo được phong cách. Rất hiếm KTS sáng tạo “như một cuộc phiêu lưu”, thử nghiệm. Đa số, thường tìm đến những giải pháp an toàn với sự thỏa hiệp và cuối cùng là chiều chủ đầu tư để “phục vụ” cho cái này, hoặc cho cái kia...
Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Mỹ Đình, Hà Nội
Nhiều người cho rằng: đừng nên sốt ruột, thời gian sẽ tự điều chỉnh v.v... Nhưng thời gian cũng sẽ vô ích nếu không có sự vận động của ý thức và ý chí con người. Đúng là kiến trúc đương đại Việt Nam đang cần có phê bình, đang cần được nhìn lại. Nhưng, sẽ không có phê bình thực sự nếu không có căn cứ học thuật. Và sẽ không thể xây dựng cơ sở học thuật thực sự nếu không bắt đầu bằng thay đổi cách nhìn về văn hóa kiến trúc…Có lẽ không cần phải viện dẫn sách “Tây”, sách “Tàu” để biện giải cho khái niệm văn hóa kiến trúc. Bất cứ ai, suy nghĩ một cách thực tế, tiếp cận kiến trúc từ cơ sở tồn tại và phát triển của nó, từ các yếu tố chi phối, tác động đến sự vận động đổi mới của nó, từ nhận thức về ý nghĩa và giá trị của nó v.v…, đều dễ dàng nhận thấy sự tồn tại khái niệm văn hóa kiến trúc là đương nhiên và cần thiết. Không có gì mới mẻ hay đáng ngờ. Đương nhiên tồn tại và cần thiết được ý thức, nhưng cho đến nay, trong thực tế, khái niệm văn hóa kiến trúc chưa bao giờ được gọi tên với một nội hàm xác định, và đây là điều đáng phải suy nghĩ!?
Trong thực tế, cách tiếp cận kiến trúc của chúng ta, từ trước đến nay về thực chất vẫn còn nhiều bất cập. Điều này có nhiều biểu hiện. Một, trong khâu đào tạo và đầu tư cho sáng tác, chúng ta quan tâm đến yếu tố kỹ thuật nhiều hơn là nghệ thuật, thời gian và số môn ngoài nghệ thụât vẫn chiếm một tỷ trọng quá lớn trong chương trình đào tạo KTS, và ở nhiều nơi cách hiểu về công trình kiến trúc cũng không hơn một công trình xây dựng thuần tuý. Hai, trong khâu đánh giá và bình chọn tác phẩm chúng ta thường chỉ quan tâm đến những giá trị cũ ít nhiều đã ổn định, thích cái vừa phải, chừng mực, và thuận mắt hơn là khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo mới về mặt hình thức nghệ thuật (đây cũng là một đặc tính của dân tộc khó thay đổi). Ba, trong khâu tổ chức hoạt động phong trào, chúng ta nhấn mạnh đến ý nghĩa quần chúng, chính trị (của nó) với phương châm “vui là chính” nhiều hơn là ý nghĩa nâng cao chất lượng chuyên môn, học thuật. Bốn, trong định hướng sáng tác, chúng ta có khuynh hướng quay về các giá trị truyền thống với những ám ảnh về “bản sắc” không dứt ra được; chúng ta quan tâm đến vấn đề làm sao cho công chúng hiểu tác phẩm nhiều hơn là đề cao cái mới, cái tiền phong. Và, năm, như một hệ quả, chúng ta buông lỏng công tác phổ cập kiến thức nghệ thuật. Cách tiếp cận này có thể chấp nhận được trong điều kiện thời chiến. Nhưng nếu kéo dài, thì thực tế, ở một khía cạnh, nó trở thành sức ì cản trở sự phát triển bình thường của cả nền văn hóa mỹ thuật nói chung và văn hóa kiến trúc nói riêng, và ở khía cạnh khác, nó tự vô hiệu hóa, khiến cho cả nền kiến trúc rơi vào tình cảnh có định hướng, có tổ chức nhưng vẫn cứ như không…
Các cấu kiện trong thức kiến trúc cổ Việt Nam
Một thực tế khác: trước các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại phương Tây lan tràn, cả một thời gian dài, bởi đồng nhất tất cả chúng trong cái gọi là “nghệ thuật tư sản - suy đồi”, nên về mặt học thuật, chúng ta chưa bao giờ tiếp cận chúng một cách có hệ thống với thái độ phân tích khách quan để tìm cái hay, cái dở. Kết quả, cho đến nay, hầu như chẳng có mấy KTS Việt Nam thực sự am tường các khuynh hướng nghệ thuật đang hấp dẫn họ. Mơ hồ, nên họ không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự tiếp thu, sáng tạo. Ngay cả với giới phê bình cũng vậy, không được tiếp cận lý thuyết một cách đầy đủ, họ không biết căn cứ trên tiêu chuẩn nào để phê bình. Còn căn cứ trên các tiêu chuẩn quen thuộc, cũ kỹ tiếng nói của họ rất dễ trở nên lạc điệu, thậm chí vô duyên trước một thực tế kiến trúc nhiều biến đổi. Trước thực tế này, nhiều người đã đặt lại vấn đề về vai trò và trách nhiệm của phê bình kiến trúc. Nhưng thực ra, phê bình kiến trúc cũng “vậy thôi”. Thậm chí còn “tệ” hơn. Hầu như chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên ngành phê bình kiến trúc, chưa có ai được chuẩn bị chu đáo cho công việc phê bình. Trên cả nước, cũng chẳng thấy ai đủ sức đi làm cái công việc cắt nghĩa, phân biệt các giá trị nghệ thuật một cách bài bản và có hệ thống. Rất nhiều bài viết gọi là phê bình kiến trúc trên báo chí, nếu không phải là những bài mang tính chất giới thiệu, đưa tin thì cũng sa vào lối tán tụng hoặc phê phán một cách cảm tính. Nhiều bài viết đã nhầm lẫn trong việc đồng hóa cái đẹp trong nghệ thuật với cái đẹp trong cuộc sống, hay đồng hóa các giá trị thẩm mỹ với các giá trị đạo đức, luân lý v.v… Những bài viết này càng nhiều chỉ càng làm nản lòng những người muốn sống hết mình cho nghệ thuật, muốn đổi mới thực sự, và chỉ đẩy các KTS “yếu bản lĩnh” vào mê lộ, với những ham mê đầy ảo tưởng, và đẩy công chúng vào những ngộ nhận không biết đâu là nghệ thuật, đâu là phi nghệ thuật nữa…
Truyền thống mới cho kiến trúc Việt?
KTS. Hoàng Thúc Hào
Không kể những dự án kiến trúc quy hoạch (KTQH) do nước ngoài thực hiện thì dấu ấn nổi bật nhất của quy hoạch kiến trúc (QHKT) Việt đương đại là gì nếu không phải là “Kiến trúc giả cổ” và “Quy hoạch chia lô”?
Lẽ tự nhiên chúng ta sẽ hỏi: Tại sao dịch bệnh “nhại cổ” và “chia lô” thô thiển chỉ nảy sinh và bùng phát trên mảnh đất kiến trúc quy hoạch VN? Sao nó không xảy ra ở Thailan, Singapore, Trung Quốc...? Và tại sao chúng ta không kịp chế ra những Vacxin đủ sức chặn đứng các đại dịch này?
Khủng hoảng hệ thống giá trị
Xét về bản chất, có lẽ bởi chúng ta thiếu một hệ chuẩn các giá trị KTQH đủ khả năng miễn dịch. Thông thường kiến trúc phát triển theo một tiến trình, thời sau kế thừa những thành tựu của thời trước mà đi tiếp. Vậy một hệ thống giá trị phải là tinh hoa đúc kết nhiều đời, có khả năng đương đầu trước những biến động thời cuộc và làm nền tảng cho quá trình điều tiết và định hướng các bước phát triển tiếp theo.
Nhưng vì sao chúng ta đã chưa xây dựng được hệ thống các giá trị này?
Để trả lời cần một cái nhìn toàn cảnh. Phải nói trong lịch sử chúng ta từng có hệ thống giá trị KTQH. Tổng thể kiến trúc các làng đồng bằng Bắc bộ là minh chứng dễ thấy nhất: từ đường làng, cổng làng, luỹ tre, cây đa, đình làng, hệ thống hồ ao đến nhà ba gian hai chái, những gốc mít, khóm cau..., tất cả đều thống nhất kỳ lạ trong mối quan hệ về tỷ lệ, không gian, màu sắc, chất liệu. Đặc biệt một khía cạnh rất hiện đại là hệ sinh thái luôn duy trì được khả năng tự điều chỉnh và cân bằng. Song hệ giá trị đấy là sản phẩm của xã hội phong kiến phương Đông, của nền kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp. Nó ổn định suốt từ thời nhà Lý cho đến cuối thế kỷ mười chín, dù thiên tai địch họa liên miên. Tuy vậy, nó chỉ là hệ thống KTQH của nông thôn xưa, không phải và chưa bao giờ là hệ thống của đô thị.
Có sự đứt đoạn khi thực dân Pháp xuất hiện ở Đông Dương. Hệ giá trị KTQH của ta đầy bỡ ngỡ trước các giá trị kiến trúc đô thị phương Tây, khác xa mình. Người Pháp vào mang theo tàu hỏa, công nghệ khai mỏ, những quan niệm về đô thị và công nghệ QH hiện đại..., toàn những thứ người Việt chưa từng biết. Rồi sau đấy là hàng thập kỷ đấu tranh giành độc lập, và từ năm 1954 miền Bắc bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện kinh tế eo hẹp. Về KTQH chủ yếu áp dụng khuôn mẫu Xôviết và của phe XHCN, rồi đổi mới.
Tóm lại, chúng ta chưa có đủ thời gian và điều kiện cần thiết để xác lập hệ giá trị KTQH riêng. Trước là do Pháp, sau ảnh hưởng Liên Xô (cũ), miền Nam đậm dấu ấn Mỹ. Đến thời kỳ đổi mới, các trào lưu KT tràn vào như lũ. Và vì gần như chưa có sự chuẩn bị và thiếu hẳn một hệ thống chuẩn các giá trị nên hệ quả tất yếu là đâu đâu cũng đầy rẫy những sản phẩm lai căng, nhại cổ, là bệnh chia lô..., là những nạn dịch. Cái gọi là “khu đô thị mới”, “khu du lịch sinh thái” thời gian gần đây đã và đang ẩn chứa những mầm dịch nguy hiểm. Câu chuyện các văn phòng kiến trúc nước ngoài chiếm thế thượng phong trong cạnh tranh với các văn phòng nội cũng thật hiển nhiên và dễ hiểu.
Trích dẫn
Nhớ lại đầu những năm 80, dịch đá rửa đã nhấn Hà nội chìm trong một màu xám xịt, rồi “em ơi Hà nội chóp”, “ban công bụng chửa”, “thức cột, cửa vòm, con tiện”, “mái mansard”... Hàng ngàn ngàn tỷ đồng của dân bị tiêu tốn bởi hàng loạt đại dịch hình thức liên tiếp. Và sự thật đáng buồn là vùng tâm dịch luôn là Thủ đô Hà nội, nơi hội tụ tinh hoa cả nước. Đồng thời một trong những ổ phát dịch chính là khu vực kiến trúc các công sở, các cơ quan công quyền ở TW cũng như địa phương. Vì dân ta có thói quen mục sở thị, hay bắt chước. Họ thấy UBND tỉnh, quận hay trụ sở các cơ quan nhà nước rất hoành tráng, cầu kỳ. Họ tin đây là những mẫu hình lý tưởng có thể noi theo. Bởi vậy, dịch KT Pháp rởm đã lan nhanh chóng mặt, đương nhiên có sự thoả hiệp của một bộ phận không nhỏ KTS.
Hướng đến một truyền thống mới
Trước bối cảnh như vậy, KTQH Việt đương đại có khả năng kiến tạo một lộ trình nhằm thoát ra khủng hoảng?
Có khả năng tận dụng tối đa những cơ hội cạnh tranh để củng cố nội lực và từng bước xây dựng được nền móng riêng - vững chắc hay không?
Lịch sử kiến trúc đô thị thế giới ghi nhận truyền thống kiến trúc của Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, kiến trúc các thành phố thời Phục hưng: Florence, Pisa, Venice. Rồi quy hoạch kiến trúc Paris cận hiện đại, đến các thành phố đương đại của Mỹ và Châu Âu như New York, Chicago, Barcelona, Amsterdam, Berlin... Châu Á với Bắc Kinh, Tokyo, Thâm Quyến, Hông Kông, Thượng Hải..., Đông Nam Á có Kuala Lumpur, Singapore. Tất cả những thành phố có truyền thống kiến trúc nêu trên đều tồn tại một điểm chung bất biến: đó là sự cộng sinh hoàn hảo giữa vai trò của KTS- nhà QH đô thị với chủ đầu tư và vai trò quản lý nhà nước. Biểu hiện cụ thể ở công thức hợp trội 1+1>2. Nhà QH - KTS tự do, thỏa chí sáng tạo. Chủ đầu tư văn hóa cao, tôn trọng nghệ sỹ và có khả năng cảm thụ cái đẹp. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, ban hành các luật lệ về đầu tư xây dựng, quản lý đô thị..., miễn sao cuộc sống đô thị diễn ra khoa học, thuận tiện và lãng mạn nhất, miễn sao ý tưởng của người sáng tạo có thể bộc lộ rõ ràng, trung thực nhất. Tóm lại từng yếu tố của họ đều là 1, hay nói cách khác chúng có khả năng tự hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cùng hướng đến đích chung. Ở ta tình hình ngược lại, sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp, tầm nhìn hẹp, ngắn nên tất yếu 1+1<2. Các yếu tố đa phần chỉ là 0,3; 0,5, làm cách nào hợp trội?
Để ra khỏi khủng hoảng, phải thay đổi nhận thức từ gốc.
Trước tiên, nhà nước phải cho ra đời KTS Đoàn theo thông lệ quốc tế, tương tự luật sư Đoàn. Hội KTS đã soạn thảo pháp lệnh hành nghề KTS và quy chế KTS Đoàn công phu từ nhiều năm, đã làm việc với Bộ XD và có kiến nghị áp dụng thí điểm tại TP Hồ Chí Minh. Pháp lệnh này nếu được thông qua sẽ chính thức công nhận quyền sáng tạo và tự chịu trách nhiệm trước xã hội của KTS, đồng thời giảm thiểu đáng kể sự can thiệp thô bạo của những chủ đầu tư thực dụng, thiếu văn hóa vào quá trình sinh thành tác phẩm.
Kế tiếp cần phổ biến quy chế đấu thầu, thi tuyển thiết kế QH như thi tuyển công trình kiến trúc, tránh độc quyền nhà nước. Lâu nay, QH tất cả các đô thị đều do Viện QH - Bộ XD thực hiện với cùng một công nghệ lạc hậu và xơ cứng, thiếu chủ thuyết xuyên suốt. Hệ quả là hầu hết các đô thị đều na ná nhau, đơn điệu, không bản sắc. Việc cần làm là lập tức nghiên cứu, đổi mới công nghệ QH. Sao cho thích ứng với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Muốn vậy phải chọn lựa, xây dựng bằng được chủ thuyết dẫn đường.
Một điểm nữa là nếu Chính phủ sớm ra nghị định cấm UBND các tỉnh, quận xây dựng các công trình theo kiến trúc Pháp rởm thì hẳn dịch bệnh đã không bùng phát và lan nhanh đến vậy.
Tóm lại, để nền KTQH lâm vào khủng hoảng kéo dài, trách nhiệm chính thuộc Bộ XD. Và liệu KTQH có ra khỏi khủng hoảng và phát triển được hay không, trách nhiệm phần lớn vẫn thuộc Bộ XD, chính xác là phụ thuộc vào những chính sách nhà nước mà Bộ XD là cơ quan tham mưu trực tiếp.
Về phía KTS, bài học kinh nghiệm nào từ các KTS đương đại thế giới hữu ích cho Việt Nam? Những bậc thầy Hightech - siêu cấu trúc như Norman Foster, Gehry, Calatrava, Herzog De Meuron... chúng ta đành “kính nhi viễn chi”, hai - ba mươi năm nữa mới có khả năng tiếp cận. Tuy nhiên thế giới còn những đại biểu không kém phần ưu tú, những Tadao Ando, Mario Botta, Charles Correa, Glenn Murcutt... mà chúng ta có thể rút ra những bài học thiết thực. Ở những tác giả này đều có các điểm chung sau: họ làm chủ yếu công trình quy mô nhỏ và trung bình, tính kỹ thuật - công nghệ không quá phức tạp. Kiến trúc của họ đậm đặc tính địa phương đồng thời cái tính địa phương ấy lại toát ra cái toàn nhân loại. Ở Ando là những không gian riêng tư đối lập với không gian xã hội thông tin ầm ĩ bên ngoài. Botta khơi dậy nơi con người hiện đại “niềm thích thú biết ngạc nhiên”. Đặc trưng của Correa là các khu ở phổ quát cho người nghèo, người thu nhập thấp. Murcutt tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cái thần địa điểm, “kiến trúc chạm nhẹ vào đất”, tiết kiệm năng lượng.
Vấn đề là giữa chúng ta với những KTS Ando, Botta, Correa, Murcutt khác nhau ở chỗ, chúng ta chưa thấu hiểu và làm chủ được quá trình cốt tử của sáng tạo kiến trúc như họ đã làm: đó là việc kiến tạo một ý niệm xuyên suốt trong tổ chức không gian và khả năng xử lý kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới tương ứng. Chúng ta chưa xây dựng được những điểm tựa tinh thần - có thể là một hình thái, một triết lý không gian của riêng Việt Nam - để từ đó chủ động khúc xạ và ứng dụng khoa học công nghệ phương Tây, chứ không chỉ bị động chạy theo để rồi luôn tụt hậu và lạc hậu. Nên chăng cần thức nhận lại khái niệm “không gian mở”, “không gian lớp”. Đã có mở tức có đóng, đã có lớp tức có cấu trúc các lớp, có sự giao thoa giữa các lớp... Và ở thời đại thế giới là ngôi làng lớn thì nhất thiết trong cái bản địa, cái rất riêng của mình phải ẩn chứa những mã thông điệp mang tính toàn cầu.
Cuối cùng, thực tế kiến trúc xây dựng vô cùng sôi động. Chúng ta, những KTS - nhà quản lý - chủ đầu tư liệu có khả năng cộng sinh thoát ra khủng hoảng? Có khả năng hợp sức đặt những viên gạch đầu tiên cho sự khởi đầu của một truyền thống mới?
Tôi tin vào sự thức nhận của các nhà quản lý trẻ, các KTS - nhà QH trẻ. Tin rằng “nhân loại chỉ đặt ra những vấn đề mà họ có khả năng giải quyết”. Song lưu ý, then chốt nằm chính ở tính trung thực của vấn đề được nêu.
(Tạp chí Tia Sáng - 01/2008)
Nhà Quốc Hội (trích bài viết của GS-KTS Ngô Huy Quỳnh)
"Đó là những năm đầu của kế hoạch 5 năm, được tiến hành khẩn trương xây dựng một công trình biểu hiện quyền lực của nhân dân trong chế độ mới của nước CHXHCNVN : Nhà Quốc Hội.
Là một công trình lớn, nên mục tiêu thiết kế gồm 3 bộ phận: phòng họp đủ cho 1500 người, nơi làm việc của Thường vụ Quốc hội 42 phòng và 24 phòng của các Tiểu ban, bộ phận thứ ba là nơi chiêu đãi, trong đó có 2200m2 bếp. Cả ba bộ phận này gắn vào nhau làm một công trình.
Nhiệm vụ thiết kế nhà Quốc hội đã được dự kiến sau khi nhà Quốc hội ở Bắc Kinh được giới thiệu trên sách báo. Công phu nghiên cứu đã dựa vào kinh nghiệm của công trình xây trước.
Kinh nghiệm tiến hành thiết kế nhà Quốc hội cho thấy rằng khi tinh thần làm chủ của cán bộ nghiên cứu và thiết kế chưa cao thì việc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài dễ đưa đến sao chép hay rập khuôn, mặc dầu không ai muốn làm điều đó. Khi các mặt chính của công trình làm chúng ta thấy giống kiểu nhà Quốc hội ở Bắc Kinh, thì các tác giả đã đưa ra một phương án có một lầu cao ở chính giữa. Công trình trở nên đồ sộ. Điểm chóp cao nhất của công trình đã được thử đánh dấu trong không gian bằng một quả bóng chứa khinh khí, buộc vào một đầu dây và nhìn thấy khắp nơi quanh Hà Nội. Người ta cũng vui lòng nếu thấy nhà Quốc hội xây cao nhất Hà Nội. Lầu cao dự kiến có thể làm công trình rất độc đáo, nhưng các tác giả còn nghĩ dùng lầu cao này cho một việc gì?! Một sáng kiến muốn coi đây là một phòng đọc sách của Quốc hội. Tính sơ bộ, thấy nó phải tốn thêm vài triệu đồng. Vốn dành cho công trình dự kiến lúc bấy giờ là 30 triệu đồng, nên ý kiến này của các kts lúc ấy còn chưa dứt khoát.
Việc thiết kế và chuẩn bị xây dựng rất khẩn trương, nhưng Trung ương Đảng đã quyết định hoãn xây dựng nhà Quốc hội để tập trung sức người sức của vào những nhiệm vụ khẩn trương hơn của cách mạng.
Khi nhà Quốc hội tiến dần đến chỗ thi công thì đò án quy hoạch thủ đô Hà Nội, nhất là khu trung tâm của Hà Nội cũng được xác định ngày càng rõ ràng. Trung tâm Hà Nội, theo như nghị quyết số 98 của Bộ Chính trị bao gồm: "về phía Bắc từ quảng trương Ba Đình lên Ngọc Hà, Vạn Phúc, Bái Ân, Xuân Tảo, Xuân La, Nhật Tân quay xuống Quảng Bá, Nghi Tàm, Yên Phụ bao quanh hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Về phía Nam nối liền quảng trường Ba Đình với bờ sông Hồng bằng các đường lớn: Hùng Vương, Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Tràng TIền". Một đường lớn dự kiến mở từ quảng trường Ba Đình tiến về phía tây bắc tơi khu Quần Ngựa cũ, có sân vận động chiếm một diện tích lớn ở gần hồ Tây. Không có khó khăn đáng kể khi chọn khu vực này để đặt móng trụ sở Quốc hội. Có nhiều phương án khu trung tâm Hà Nội, lấy bình đồ kiểu trụ sở Quốc hội được xác định, có phương án bố trí mặt chính nhìn ra hồ Tây, có Phương án lại quay trụ sở Quốc hội nhìn về phía Đông và bao lấy cả khu di tích về thành nhà Lý mà bây giờ còn thấy như một số di tích Núi cung và hồ nước ở Đại Yên...Có phương án lại cho nhà Quốc hội quay về hướng Nam, nghĩa là nhìn về miền Nam, nơi đấu tranh quyết liệt chống Mỹ. Phương án khu trung tâm Hà Nội là nhằm mục đích xác định vị trí của trụ sở nhà Quốc hội, có dự kiến tương lai xây dựng các công trình lớn nằm trong khu trung tâm. Quy hoạch xây dựng khu trung tâm không dựa trên một dự kiến đầu tư nào trong kế hoạch 5 năm hay các thiết kế sau, chỉ có dự kiến đầu tư xây dựng trụ sở Quóc hội, cho nên khi hoãn việc xây dựng trụ sở Quốc hội thì tự nhiên quy hoạch khu trung tâm lúc bấy giờ không ai muốn làm nữa.
Nếu có một số tốn kém thì có thể thấy ở việc thiết kế công trình nhà Quốc hội, còn quy hoạch khu tring tâm đã vạch ra nhiều phương án, nhưng cũng chưa có bản đồ đồng mức đo đạc trước. Cả thiết kế công trình, cả thiết kế quy hoạch đã làm mà không có khảo sát địa chất công trình. Cho nên khi phát hiện những mảng bùn lầy ở độ sâu 4.5m thì bình đồ nhà Quốc hội đã xong rồi, chỉ cần xê dịch một chút là toàn bộ đồ án quy hoạch bị thay đổi hoàn toàn. Quy hoạch phải phục vụ kịp thời, có khi chỉ cần một thời gian rất ngắn là đã có một dự kiến phương án trung tâm. Không mấy khi công tác quy hoạch lại có yêu cầu khẩn trương mà lại ít tốn kém như vậy. Đặc điểm của tinh thần làm việc thiết kế quy hoạch và kiến trúc trong những năm 60 là phục vụ vô điều kiện của cán bộ kỹ thuật, kiến trúc và quy hoạch trong ngành kiến trúc và xây dựng."
Nhà Quốc hội Trung Quốc
Nhà Quốc hội Việt Nam vừa phá bỏ để xây mới
Phạm vi khu đất xây dựng hội trường Ba ĐÌnh mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét