Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

081208- Từ Hội An đến… Hà Nội

nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/tu-hoi-an-111en-ha-noi/

Từ Hội An đến… Hà Nội

Nguyên Ngọc

Một trong những cái hay nhất của Hội An là nó luôn thấy rằng nó “ có vấn đề ”. Hội An rất đẹp, và giản dị mà thâm thuý nó biết rằng cái đẹp là văn hoá, mà văn hoá thì có một đặc điểm cố hữu là vừa bền vững vừa mong manh, rất mong manh, dễ vỡ, luôn bị uy hiếp bởi chính sự đi tới của cuộc sống, xưa nay vẫn vậy, đầy triển vọng cũng lại đầy thách thức, và thách thức thì ngày mỗi dữ hơn, thậm chí có thể ít văn hoá hơn, ngang nhiên, trắng trợn hơn. Nhất là văn hoá trọc phú đang lấn át bây giờ.

Tôi vừa có dịp ngồi với anh bí thư Hội An, hai anh em trằn trọc bàn với nhau suốt buổi chiều về một uy hiếp mới Hội An đang phải đối mặt, dường như có thể sẽ là sâu hơn, nguy hiểm hơn tất cả những lần nó từng trải qua : nhiều người, là các đại gia tất nhiên, từ Hà Nội, từ Sài Gòn, giàu lên rất dữ rất nhanh trong cơ chế thị trường hoang dã, đang đổ xô đến mua những ngôi nhà cổ ngay trong phố cổ Hội An. Nghe nói có cả người nước ngoài về nữa. Và người Hội An trong phố cổ thì đang bán nhà, đã đến mấy chục chiếc, rồi hẳn sẽ lên đến hàng trăm. Cũng dễ hiểu thôi, các gia đình sinh con đẻ cái, lớn phình lên, chia tách ra, cha mẹ có nhu cầu chia gia tài cho con cháu. Những người có tiền, thừa mứa tiền, rất nhạy với tín hiệu đó, liền chộp lấy cơ hội.

Họ mua nhà cổ Hội An để làm gì ? Có hai khả năng : giàu có, họ chơi sang, một cái mốt chơi sang trông ra rất “ có văn hoá ”, cao cấp. Các ngôi nhà cổ Hội An được họ mua để chơi như một món đồ cổ, hệt những thứ quý, hiếm, đắt tiền họ vẫn bày khoe trong tủ kiếng phòng khách của mình. Hết chơi lọ cổ, chum vại cổ, ông bình vôi cổ, bàn ghế, liễn phướng, cả thư tịch cổ…, bây giờ họ chơi đến nhà cổ. Thú chơi cao cấp, mốt mới, rất thời thượng. Thậm chí họ sẽ tu bổ những ngôi nhà ấy đẹp hơn lên rất nhiều, hết sức chăm chút, đúng kiểu, đúng cổ, rất chuyên nghiệp, đến chuyên gia Nhật, chuyên gia Pháp, chuyên gia Ba Lan từng giúp Hội An tu bổ nhà cổ nhiều năm nay chưa chắc đã bằng. Bởi họ thừa tiền, chẳng sá gì. Khả năng thứ hai : những người cũng rất giàu có, tất nhiên, mua để ở, hoặc như một kiểu nhà nghỉ cuối tuần độc đáo, rất lạ, hoặc làm chỗ dưỡng già, rất “ exotique ”, và sang hơn, “ văn hoá ” hơn hẳn các resort đang mọc lên nhan nhản bây giờ…

Cả hai loại người mua ấy sẽ không làm hỏng các ngôi nhà cổ Hội An, họ sành chơi lắm. Nhưng họ sẽ phá tan tành Hội An, phá đến tận gốc rễ, cốt lõi của Hội An. Sẽ không còn Hội An, sẽ mất hẳn Hội An, sẽ tiêu diệt Hội An. Bởi Hội An, cái lạ nhất, quý nhất, hay nhất, hấp dẫn nhất, đáng yêu nhất của Hội An, không nơi nào bằng, không chỉ là những ngôi nhà cổ vốn đã rất đẹp. Vẻ đẹp Hội An nằm trong một chiều sâu hơn, giản dị mà thăm thẳm, không gì thay thế được : những ngôi nhà cổ, rất đẹp, với những con người Hội An, rất đẹp, sống chính trong những ngôi nhà ấy. Những con người rất Hội An, bình dị, chân chất, thật thà, rất xưa, rất quê, mà đồng thời, kỳ diệu biết bao, lại rất phố, rất nay, rất hiện đại, rất văn minh, rất năng động, rất tân thời, một sự kết hợp, thậm chí không phải một sự kết hợp mà là một căn cốt cứ như là “ tự sinh ”, tuyệt diệu mà lại tự nhiên như không, hầu như chẳng cần chút cố gắng nào. Những con người như vậy sống trong những ngôi nhà như vậy làm nên cái ta vẫn gọi là “ văn hoá Hội An ”, một điều theo tôi đến nay vẫn chưa cắt nghĩa được hoàn toàn – cũng như những gì là văn hoá thật, văn hoá thật thì không bao giờ có thể cắt nghĩa được hoàn toàn, cho tận cùng, nó mãi mãi còn là bí mật, bí quyết… Một văn hoá Hội An như vậy đang bị tấn công, rất có thể trong trận tấn công tiêu diệt chiến quyết định lần này. Nếu những ngôi nhà cổ Hội An được bán ngày càng nhiều cho người nơi khác đến, thì rồi cái được gọi là văn hoá Hội An từng lặng lẽ khiêm nhường mà làm say mê du khách bốn phương không gì cưỡng được, sẽ ra thế nào? Sẽ ra thế nào một Hội An với lối sông Hà Nội hay Sài Gòn ? Một Hội An Hà Nội hoá hay Sài Gòn hoá ? Sẽ còn gì Hội An ?…

Rất may, Hội An biết điều đó, biết đây là thách thức có thể sinh tử, và đang nghĩ cách đề kháng. Anh bí thư Hội An nói với tôi : “ Chúng tôi đang tính, có thể như thế này chăng, đương nhiên không thể ngăn người ta bán nhà và mua nhà, chẳng luật pháp nào cấm được, và người ta cũng có nhu cầu thật sự. Vậy thì, chẳng hạn có thể quy định bán nhà trong phố cổ thì phải ưu tiên bán cho chính người Hội An. Nếu sau đó không có người Hội An nào mua được nữa, thì Nhà nước sẽ mua. Chúng tôi sẽ chuẩn bị một quỹ, bao nhiêu tỷ cũng sẽ quyết chuẩn bị cho kỳ được, để mua những ngôi nhà cổ trong phố cổ chủ nhân bắt buộc phải bán, sau đó sẽ cho chính những người chủ cũ ấy thuê lại, với giá rẻ. Nghĩa là vẫn giữ được con người Hội An sống trong những ngôi nhà cổ Hội An, không để cho những ngôi nhà cổ Hội An biến thành đồ cổ chết, thành “xác ướp Ai Cập” như anh đã có lần lo lắng. Chúng tôi cũng nghe được ý kiến anh tin rằng Hội An từng đủ sức Hội An hoá tất cả văn hoá ngoại lai đến từ bất cứ đâu, từ Nhật, từ Hoa, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, rồi cả Pháp và Mỹ… Hội An không sợ văn hoá ngoại lai, sức đề kháng văn hoá, khả năng tiếp biến và tiêu hoá văn hoá ngoại lai của nó là rất lớn. Chúng tôi cũng có lòng tin đó. Nhưng cũng phải tính đến tương quan lượng trong cuộc giáp mặt văn hoá, như chính anh từng nói, rất quyết liệt và cả hỗn hào lần này. Không thể để cho mọi chuyện diễn ra hoàn toàn tự phát…”. Anh bí thư Hội An là bạn tâm đắc của tôi. Tôi biết anh từng nhiều đêm mất ngủ, vắt tay lên trán, thao thức đến sáng trắng, đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, lo cứu lấy Hội An, cứu văn hoá Hội An, bởi văn hoá là cái phải lo cứu lấy từng ngày, ở đâu và xưa nay đều vậy. Đã là văn hoá thì bao giờ cũng mong manh mà…

Tôi nói chuyện Hội An lần này vì, xin thú thật, đang nghĩ đến Hà Nội, đến chuyện mở rộng Hà Nội với quy mô nghe đến kinh hoàng đang làm xôn xao dư luận, không chỉ dư luận, xôn xao tận đáy tâm tư mỗi người Việt. Nhiều người đã lên tiếng về các mặt lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, đất đai…, những lý lẽ đầy tâm huyết và cũng đầy thuyết phục. Tôi cũng không thể không xin góp một tiếng nói nhỏ.

Quá trình đô thị hoá là một quá trình chung, tất yếu, với những quy luật chung, đồng thời cũng là quá trình riêng, với những quy luật riêng của mỗi đô thị. Vậy thử nghĩ về quy luật đô thị hoá của Hà Nội xem sao, có gì độc đáo, khác biệt, tạo nên vẻ khác biệt, độc đáo không thể thay thế của nó, nhất là hiện nay khi ta đang muốn quy hoạch lại Hà Nội với ý đồ lớn và quy mô lớn chưa từng có.

Có thể như thế này chăng: một đặc điểm nổi bật của quá trình đô thị hoá Hà Nội là Hà Nội được hình thành, từ ban đầu, và trong suốt quá trình lịch sử, bằng một quá trình hội tụ văn hoá rất độc đáo, rất tập trung, và lâu dài. Ai cũng biết Thăng Long – Kẻ Chợ – Hà Nội trước tiên đã được hình thành bằng con đường hội tụ các làng nghề, vốn rất đặc sắc ở một vùng trung tâm của Bắc Hà. “ Ba mươi sáu phố phường ” (36 chỉ là một cách nói ước lệ để chỉ số nhiều, thật ra có đến hàng trăm phố phường, tôi đã thử đếm rồi) là một dấu vết sâu đậm của quá trình ấy, còn đậm không chỉ trong tâm tưởng mà cả trong đời sống thực tế cho đến tận ngày nay. Hội tụ làng nghề đương nhiên là hội tụ kinh tế. Nhưng ai cũng biết, làng nghề, vốn bắt đầu (và tồn tại lâu dài) theo phương thức thủ công, tức lấy sự khéo léo, tinh vi, cả tâm hồn người thợ, tài hoa của họ, thậm chí cả chất nghệ sĩ tiềm ẩn tích tụ lâu đời trong họ, nên cũng là văn hoá, thậm chí văn hoá theo nghĩa mộc mạc mà gốc gác, sâu xa nhất của văn hoá. Hà Nội là hội tụ văn hoá, đó là một điều cần khẳng định và đặc biệt nhấn mạnh, đặt lên hàng đầu trong mọi suy tính về Hà Nội. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta nhắc đến Lý Thái Tổ với tầm nhìn chiến lược có tính đột phá của ông, quyết rời rừng núi kín đáo mà chật hẹp Hoa Lư, ra đứng hiên ngang giữa đồng bằng sông Hồng trống trải, đối mặt với không gian mới rộng mở, chấp nhận thách thức mới để tìm cơ hội phát triển mới cho dân tộc. Yếu tố địa-chínhtrị-quânsự trong quyết định dũng cảm này thật vĩ đại. Riêng tôi, tôi còn muốn nghĩ thêm đến một khía cạnh nữa, có thể cũng quan trọng không kém : ra Thăng Long, cũng là Lý Thái Tổ muốn đến đứng tại trung tâm của vùng văn hoá Việt lâu đời nhất và đặc sắc nhất, Việt nhất. Thậm chí rất có thể phương diện văn hoá này nằm ở vị trí then chốt trong quyết định lớn của ông, là cái nền của những phương diện khác được tính toán kia. Một trong những dấu ấn đậm nét nhất của triều đại Lý, rồi đến Trần, là ý thức mạnh mẽ về việc xây dựng một nền móng tư tưởng văn hoá độc lập cho dân tộc, tạo động lực cơ bản cho một thời đại mới của dân tộc, thời đại phục hưng và phát triển độc lập hùng cường sau 1000 năm Bắc thuộc. Không phải ngẫu nhiên mà chính trong thời kỳ này đạo Phật, vốn được du nhập rất sớm vào nước ta, cả vài thế kỷ trước công nguyên, và ở tại trung tâm Luy Lâu vào loại lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, tức chính vùng Bắc Ninh với nhiều làng nghề đặc sắc vừa nói trên kia, đã được tổ chức nghiên cứu, Việt hoá, đậm đà nhất, một sự tìm tòi căng thẳng, vừa uyên bác vừa thực tế, kết hợp triết lý Phật giáo với văn hoá truyền thống Việt vốn có từ Hùng Vương. Lý Thái Tổ vốn từng là một người học trò chăm chỉ tại một ngôi chùa Phật bên Bắc Ninh… Nghĩa là nếu quyết định định đô Thăng Long là một quyết định chính trị, thì đó thật đúng ra là một quyết định chínhtrị-vănhoá, vănhoá-chínhtrị ; nếu Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước thì đó là một trung tâm chínhtrị-vănhoá, vănhoá-chínhtrị. Khởi đầu là vậy, quá trình là vậy, quy luật là vậy, nay cũng là vậy…

Chất văn hoá ấy, với tất cả chiều sâu lâu đời và tinh tế, thấm sâu trong mỗi con người Hà Nội, không khí Hà Nội, mọi sinh hoạt Hà Nội, trong cái gọi là “ chất Hà Nộ i” – cũng như “ chất Hội An ” vậy – riêng có và không gì thay thế được. Và văn hoá thì, thường vậy, vừa to lớn vừa được biểu hiện trong những thực thể rất nhỏ nhoi, rất ít được chú ý, rất dễ bị bỏ qua, thường khi mất đi rồi mới chợt thấy, chợt nhận ra, nhận ra thì không còn nữa rồi, mới hay rằng nó là quý biết bao, vô giá, chẳng tiền của nào và chẳng bao giờ mua lại được nữa …

Vậy mà, cũng phải nói thật điều này thôi, hình như trong quản lý Hà Nội lâu nay ta lại quá ít chú ý điều này, ít chú ý nhất, quá dễ hời hợt, cả bừa bãi nữa trong các quyết định của mình, quyết định xoá bỏ, “ giết chết ” cái này, để cho tồn tại cái kia, phát triển cái nọ, tùy tiện, vội vã, mà lại rất quyết đoán ! Chẳng hạn, cũng xin nói luôn một lần cho xong, quyết định xoá bỏ hàng rong trên các đường phố Hà Nội “ để cho Hà Nội sạch sẽ, tinh tươm, văn minh hơn ”, người ta bảo vậy. Quả thật tôi không biết là “ văn minh ” nào ? Hàng rong, thậm chí ngồi xổm trên vỉa hè ăn hàng rong là một nét văn minh của Hà Nội, mất đi rồi mà xem, Hà Nội sẽ mất đi một cái gì đó rất Hà Nội, rất Thạch Lam, rất Nguyên Tuân, rất Vũ Bằng, rất Phái… có hàng trăm ngôi nhà cao đến 7-8 chục tầng đang định xây để đua đòi với thiên hạ cũng chẳng thay thế được đâu. Những quầy sách bé tí bên bờ sông Seine là một nét văn minh không gì thay thế được của Paris, vô cùng đáng yêu và vô cùng văn hoá của Paris. Tôi cũng đã từng tận mắt nhìn thấy các hàng rong bán đủ thứ từ vật lưu niệm cho đến quần áo của người Hoa ngay trên hè phố New York, những xe bán hàng rong của người Việt trên đường phố Washington DC, không xa tòa Bạch Ốc… Ta muốn dọn hết cho văn minh hơn họ chăng ?…

Những năm qua cũng đã diễn ra một cuộc tàn phá dữ dội các làng nghề truyền thống nổi tiếng quanh Hà Nội, cả các chùa chiền lâu đời, đẹp đến mê hồn, và là nơi tích tụ lịch sử, văn hoá, tư tưởng của hàng nghìn năm văn minh Việt. Một trong những lực lượng đã tấn công và đang tiếp tục tấn công, đến mức hầu như chắc chắn sẽ tiêu diệt hẳn các di tích ấy là các khu công nghiệp hiện đại đang liên tục và hỗn hào mọc lên như nấm. Hà Nội sẽ là một Hà Nội như thế nào, sẽ còn gì là Hà Nội, với một Hà Nội đang mở rộng ra mênh mông, trên chính những vùng văn hoá cổ xưa ấy, để thành một trung tâm kinh tế, một trung tâm công nghiệp hiện đại ? Sao Hà Nội lại đi đua công nghiệp hoá với Thành phố Hồ Chí Minh ? Hình như còn định đua cả về nhà cao nhất nước và dân số đông nhất nước nữa kia.

Những người có trách nhiệm và có quyền đối với Hà Nội nên nhớ rằng Hà Nội, Hà Thành, Tràng An mà mình đang lãnh trách nhiệm trước lịch sử, cả với cha ông nghìn năm trước và con cháu bao thế hệ sau, có một chỗ mạnh không ai bì được là sự thanh lịch. Và thanh lịch là biết sang trọng mà không đua đòi. Không huênh hoang. Không cần to lớn, bề thế. Và nhất là trong sạch. Tôi biết anh bạn tôi, người lãnh đạo đêm đêm vẫn thao thức vì Hội An, là một người trong sạch đến mức có người bảo anh ta hơi “ gàn ” !

Có ai đêm đêm trằn trọc vắt tay lên trán để lo đến sự mất còn của những cái rất nhỏ nhoi mà trường cửu vô giá của Hà Nội trong những toan tính hẹp rộng nhỏ to của Hà Nội hôm nay. Bài học của phố cổ nhỏ Hội An, vậy đó, chẳng nhỏ chút nào. Người Tràng An từng rất văn hoá nhất nước nghĩ sao ?

NGUỒN : Tia Sáng 19.05.2008

Không có nhận xét nào: