Ðầu ra của quy hoạch đô thị phải là bản quy hoạch sử dụng đất, nó đưa ra một hình dạng đô thị dài hạn cụ thể là thiết kế về quy hoạch sử dụng đất cho các công trình bán lẻ, văn phòng, công nghiệp, nhà ở, không gian mở, sử dụng đất công cộng, hệ thống giao thông và bảo vệ môi trường sinh thái...
I -Thập niên 1960 đã thịnh hành quy hoạch tổng thể
Khu đô thị mới La Defense - TP Paris - Pháp
Quy hoạch tổng thể (master planning) bao gồm: các bản đồ và thuyết minh diễn giải chỉ rõ các sử dụng được cho phép về các phần đất sử dụng riêng trong khu vực hoặc xác định cụ thể các loại sử dụng đất tương tự theo luật, các mật độ chiều cao công trình độ lùi và các tiêu chuẩn cụ thể khác.
Quy hoạch tổng thể nhấn mạnh đến sự phát triển về sử dụng mặt bằng, sự lưu thông hiệu quả hàng hóa và dịch vụ và kiểm soát thị trường nhà đất.
Các quy hoạch như vậy được áp dụng trong phạm vi toàn thành phố và hình thành cơ sở cho hệ thống pháp lý kiểm tra sự phát triển và các quy trình. Do vậy, quy hoạch tổng thể là để phát triển cơ sở vật chất nên còn được gọi là quy hoạch vật chất/ hình thái (physical planning), là giải pháp làm đẹp thành phố (City beautiful approach), để quản lý phát triển nên còn gọi là quy hoạch phát triển do luật định (Statutory plans).
Quy hoạch tổng thể do các nhà chuyên môn về quy hoạch thực hiện nên còn được gọi là quy hoạch khoa học (Rational planning)/quy hoạch từ trên xuống (top_down planning), sản phẩm quy hoạch sẽ trở thành định hướng nên còn được gọi là quy hoạch quy ước (conventional planning).
Tuy nhiên, trong giai đoạn toàn cầu hóa và tái cấu trúc lại nền kinh tế quy hoạch tổng thể trở thành công cụ lỗi thời đối với các nhà quy hoạch.
II -Thập niên 1970 các nhà quy hoạch Anh quốc đã hoàn chỉnh quy hoạch cơ cấu
Quy hoạch cơ cấu (Structure plans): Bao gồm các bản đồ và thuyết minh diễn giải, nó linh hoạt rộng rãi hơn quy hoạch tổng thể, nó xác định độ rộng lớn và chiều hướng phát triển đô thị, bao gồm các hệ thống cơ sở hạ tầng và vị trí tiện ích chủ yếu như là các phi trường, các bệnh viện và các trường đại học.
Nó không cố gắng xác định cụ thể các chi tiết từng lô đất sử dụng hoặc các hình dáng cụ thể về đường xá nhưng địa phương nhận dạng được các khu vực đó mà sự phát triển và thay đổi sẽ được địa phương làm chi tiết hơn và các quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cần đến, quy hoạch cơ cấu sẽ không cần quá mức các cố gắng thu thập dữ liệu, cũng không tĩnh tại và có thể cập nhật nhanh theo yêu cầu thay đổi.
Quy hoạch cơ cấu đề cập đến phát triển đất đai dài hạn và uyển chuyển (flexible)/ mềm dẻo (plastic) hơn là nói rõ loại hình xây dựng cụ thể nào trong quy hoạch. Bản quy hoạch cho thấy cơ cấu và hướng phát triển trong tương lai, và bỏ quy hoạch hoặc chung cuộc lại trong tiến trình sau đó.
Do vậy quy hoạch cơ cấu còn gọi là quy hoạch hướng dẫn (Guide plans), quy hoạch khuôn khổ (Framework plans) và quy hoạch chỉ dẫn (Indicative plans).
Quy hoạch cơ cấu/ phân khu chức năng mang tính khống chế (zonning ordinance), do vậy trọng tâm của quy hoạch cơ cấu vẫn là "kiểm soát phát triển" thay vì "quản lý phát triển", quản lý phát triển mới chính là phần quan trọng trong quy hoạch.
Quy hoạch cơ cấu không có chỗ bàn đến các khía cạnh phi không gian của sự phát triển chẳng hạn như nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch môi trường, xã hội và tài chính.
Quy hoạch cơ cấu phần lớn do các tổ chức thuộc khu vực công kiểm soát và tiến trình quy hoạch này chậm đáp ứng sự thay đổi kinh tế, xã hội và thay đổi về môi trường.
III - Thập niên 1980 quy hoạch chiến lược được các cấp chính quyền đưa vào tiến trình phát triển đô thị để đảm bảo có tính cạnh tranh hơn và phát triển bền vững
Khu vực mới QH TP TOKYO - Nhật Bản
Quy hoạch chiến lược đã ra đời ở Hoa kỳ từ thập niên 1960 với nhiệm vụ hướng dẫn các công ty điều chỉnh tổ chức để cạnh tranh trong môi trường kinh doanh đang thay đổi mau chóng, nó bị chi phối bởi các công ty phương Tây ngày càng gia tăng sự quan tâm, làm thế nào đối phó với sự cạnh tranh xuất phát từ Nhật Bản và Ðông Á.
Quy hoạch chiến lược (Strategic Planning): Là một quan điểm về giải pháp phát triển đô thị hợp nhất tới cực điểm, nó hợp nhất đồng thời cả quy hoạch vật chất, kế hoạch đầu tư, dự kiến về nguồn lực, và các yêu cầu về định chế, trong một tập hợp đặc biệt nhất đối với mỗi thành phố để nó theo kịp yêu cầu phát triển toàn thể và các tham vọng sản sinh ra trong điều kiện các mâu thuẫn được đặt ra bởi các giới hạn về nhân lực và các sự thiếu hụt về tài chính...
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay đối với quy hoạch chiến lược là:
Nhiều quy hoạch chiến lược tiếp tục được soạn thảo không có sự tham gia đầy đủ của các ban ngành, ngoại trừ chỉ có sự tham khảo của các ban ngành nhưng cũng rất hạn chế.
Có sự mâu thuẫn đáng kể và thiếu rõ ràng giữa các mục đích và mục tiêu trong nhiều bản quy hoạch chiến lược.
Cơ hội điều phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực giữa các tổ chức vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng hơn là do bởi tệ quan liêu, thủ tục, phe phái trong việc quy hoạch và tổ chức.
Nhiều quy hoạch chiến lược chỉ phục vụ cho yêu cầu của tổ chức mà không phục vụ khách hàng, người tiêu dùng và các thân chủ.
Có sự trùng lặp rất lớn trong khâu thu thập dữ liệu, quản lý và kết quả hoạt động.
IV -Thập niên 1990 quy hoạch chiến lược tổng hợp ra đời để khắc phục các tồn tại nêu trên của quy hoạch chiến lược
Thành phố Chicago - Mỹ
Quy hoạch chiến lược hợp nhất là một bước cải tiến quy hoạch chiến lược, nó hợp nhất đồng thời quy hoạch vật chất, kế hoạch đầu tư, nguồn lực và định chế... Tuy nhiên quy hoạch chiến lược tổng hợp phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với việc biên soạn một quy hoạch chiến lược cho một đơn vị riêng lẻ.
Quy hoạch chiến lược tổng hợp bao gồm:
Xây dựng mục tiêu và mục đích sử dụng đất dài hạn được nhiều tổ chức và cộng đồng chấp thuận.
Thiết lập cơ chế điều phối chính sách, ngân sách, tài nguyên giữa các tổ chức.
Nêu ra các dự án chính và ưu tiên để áp dụng cho các tổ chức, theo phương pháp lập kế hoạch đầu tư đa ngành (Multi Sectoral Investment Program - MSIP)
Trao trách nghiệm quản lý cho các trung tâm kiểm soát sản phẩm đầu ra (Performance Management System-PMS)
Cưỡng chế các cơ quan hay hành động tùy tiện
Phát triển sự hợp tác tham gia của các thành phần đô thị để quy hoạch và thực thi các hoạt động: quy hoạch có sự tham gia (Participatory planning)/quy hoạch cộng đồng (Communicative planning)/ quy hoạch từ dưới lên (bottop_up planning) hoặc quy hoạch đề xuất (advocacy planning).
Kiến tạo một mạng lưới thông tin liên lạc cởi mở.
Ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản quy hoạch chiến lược hợp nhất thường được xem là quy hoạch khoa học mang tính tổng hợp (Rational Comprehensive Planning)
V - Thập niên 2000 hầu hết các quốc gia phát triển đều ứng dụng phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất
Quy hoạch đô thị hợp nhất (Integrated Urban Planning):
Chức năng hợp nhất: là quy hoạch sử dụng đất của các địa điểm khác nhau nằm kề cận nhau giữa địa điểm này với địa điểm khác. Hợp nhất các loại sử dụng đất khác nhau, hợp nhất không gian ở cả 3 cấp: phường, quận và thành phố.
Mục đích là: Ðảm bảo môi trường sống an toàn cả ngày và đêm, khoảng cách đến chỗ làm việc ngắn, giảm bớt việc đi lại và vận chuyển (cơ cấu đô thị hợp lý), hỗ trợ tốt cho các cửa hàng và các tiện ích khá.
Cải thiện khả năng và cách tiếp cận với nguồn lực đất đai, tăng thêm thuận lợi cho những người nghèo có thể tiếp cận với đất đai.
Các điều kiện cho quy hoạch hợp nhất:
· Kết nối giữa trách nhiệm quy hoạch và trách nhiệm thực hiện
· Phối hợp giữa quy hoạch và thực hiện ở các cấp khác nhau: quốc gia, vùng và địa phương.
· Phối hợp giữa quy hoạch và bố trí nguồn lực.
Quy hoạch đô thị hợp nhất là để làm gì ?
Ðó là cơ sở để quyết định về:
· Bao nhiêu (How much ) - Phụ thuộc vào độ tin cậy sự chẩn đoán
· Ở đâu (Where) - quyết định vào địa điểm đầu tư mới
· Khi nào (When) - quyết định đúng thời gian đầu tư
· Cho ai (For whom) - quyết định cho nhóm mục đích
· Với giá nào (To what costs) - quyết định về nguồn lực cấp cho dự án
Làm thế nào để quy hoạch đô thị hợp nhất:
· Khi hướng dẫn phát triển đúng thời điểm.
· Khi cung cấp nguồn lực sẵn sàng.
· Khi thiết lập được các ưu tiên cần thiết.
Do vậy ngày nay, tiếp sau quy hoạch đô thị hợp nhất nhiều nước đã triển khai “Chiến lược Phát triển Thành phố (City Development Strategy - CDS), một tiến trình nhằm mục tiêu hoàn chỉnh rộng rãi sự đồng thuận trên một tầm nhìn chung giữa các thành phần trong đô thị để tạo ra một chiến lược cấp thành phố toàn diện với sản phẩm đầu ra là các dự án chọn lọc ưu tiên.
VI - Kiến nghị:
Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, kiến nghị : “ứng dụng phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất ở nước ta theo cách tiếp cận là tích hợp nhu cầu không gian của quy hoạch kinh tế (công nghiệp, thương mại - dịch vụ), quy hoạch xã hội (nhà ở, các công trình phục vụ công cộng như y tế, giáo dục...), quy hoạch bảo vệ môi trường (không gian mở, cây xanh, mặt nước...), quy hoạch cơ sở hạ tầng (giao thông, các tiện ích công cộng) ... vào chính bản quy hoạch chung xây dựng đô thị” để có bản quy hoạch sử dụng đất sát với yêu cầu của cuộc sống đang thay đổi rất nhanh trong xu thế toàn cầu hóa, tránh được tình trạng “quy hoạch treo”.
Vấn đề đặt ra là phải thể chế hóa cách tiếp cận nêu trên để đưa phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất vào cuộc sống ở nước ta.
Tài liệu tham khảo:
Integrated Urban Development _ WB, UNDP & UNCHS, 1990
Les Methodes de l’ urbanisme _ Jean_ Paul Lacaze, 1990
Bàn về những phát triển học thuật trong quy hoạch đô thị Trung Quốc _ Ngô Lương Dung, 1994
The City Reader _ Richard T. LeGates and Frederc Stout, 1996
Thành phố Hồ Chí Minh - Từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chiến lược - VIE/95/051, 1998.
Từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chiến lược hợp nhất - Brian Roberts, 1998
Phương pháp tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị - Nguyễn Ðăng Sơn, NXB Xây dựng, 2005
Phương pháp tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị - Nguyễn Ðăng Sơn, NXB Xây dựng, 2006
Integrated Urban Planning _ Anita Lrson, 2006
Nguyễn Ðăng Sơn -Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ðô thị & Phát triển Hạ tầng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét