nguồn: http://vn.news.yahoo.com/vne/20081204/ten-xay-nha-bat-hop-ly-nguoi-viet-ang-la-7143884.html
Ở vùng khí hậu nhiệt đới, nhưng nhiều căn hộ, tòa nhà ở Việt Nam lại được xây theo kiểu phẳng lỳ từ trên xuống dưới, lắp toàn cửa kính, khiến cho ngôi nhà như cái bẫy nhiệt, phải bật quạt, điều hòa gần như quanh năm.
Những tòa nhà văn phòng sáng bóng vì kính, nhẵn thín từ trên xuống dưới hay những nhà dân trông như những chiếc hộp dài không còn là hình ảnh lạ mắt ở Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, đây là một dạng copy sai lầm kiến trúc của các nước ở xứ lạnh, không phù hợp với thời tiết nóng, ẩm ở nước ta, và hệ quả sâu xa là gây lãng phí điện rất lớn và không thoải mái cho người ở. Các chuyên gia đều có chung nhận định này tại hội thảo về Công trình xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
"Nghiên cứu từ thập kỷ 1960 của chúng tôi cho thấy, ở Việt Nam, khoảng nhiệt độ thích hợp nhất cho người ở là từ 21,5 đến 29,5 độ, được gọi là 'vùng tiện nghi', là nhiệt độ mà người ở rất thoải mái mà không cần bất kỳ một thiết bị nhân tạo như quạt, điều hòa... nào", giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, cho biết.
Tại Nhật Bản, 4 năm trước, Thủ tướng Kosumi đã yêu cầu người Nhật đi làm trong mùa hè mặc quần áo mỏng và không bật điều hòa xuống dưới 27 độ để tiết kiệm điện.
Căn cứ vào khoảng xác định này, ở miền Bắc có đến gần 60% thời gian trong năm là có khí hậu tiện nghi và ở miền Nam còn dễ chịu hơn, đến 75% thời gian.
"Nhưng thực tế, hiện nay người ta có thói quen bật điều hòa trong mùa hè xuống mức 22-24 độ, gây tốn năng lượng rất lớn", giáo sư Đăng nói.
Còn theo một nghiên cứu mới đây trong lĩnh vực này của Giáo sư Trần Ngọc Chấn, thời gian sống thoải mái trong năm của người Hà Nội mà không cần đến các thiết bị nhân tạo là trên 43% và ở TP HCM là hon 62%. Và chỉ cần bổ sung quạt thông gió thôi thì người Hà Nội đã được sống trong không khí dễ chịu đến hơn 64% thời gian trong năm, và người Sài Gòn trên 96%.
Như vậy, thời gian thực sự cần điều hòa làm mát ở Hà Nội chỉ có 5,5% và Sài Gòn là 3,1%.
Thực ra kiến trúc truyền thống của Việt Nam đã mang nhiều màu sắc của "kiến trúc xanh", nghĩa là tận dụng tối đa sự thông thoáng tự nhiên để giảm thiểu nóng bức trong mùa hè và ấm áp trong mùa đông, vừa không tốn điện, vừa tạo sự thoải mái cho người ở. Chẳng hạn, đó là quy tắc xây nhà hướng nam, mái ngói âm dương cách nhiệt, mái đua che nắng, phên liếp che cửa, tận dụng ánh sáng tự nhiên qua cửa sổ, trồng cây xanh sau nhà...
Tuy nhiên, hiện nay, theo giáo sư Đăng, nhiền người khi xây nhà đã lắp các cửa kính quá lớn, chạy dài từ trên xuống dưới, và mặt ngoài nhà thì phẳng lỳ, không hề có tấm che chắn, nên bức xạ mặt trời chiếu vào làm cho nhà rất nóng bức, phải dùng quạt, điều hòa liên tục. Người sống trong những căn nhà này cũng không thoải mái gì, vì không được hưởng "khí trời" tươi mát thực sự, mà chỉ là khí quẩn, ô nhiễm.
Thông gió tự nhiên cũng không được chú ý, chẳng hạn có lỗ khí vào nhưng không có lỗ ra, không có giếng trời..., khiến nhà rất bí, ẩm thấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
"Những kiểu nhà như thế này, đặc biệt khi đã tổ chức không gian nhà rồi, thì rất khó sửa chữa để tạo độ thông thoáng", giáo sư Đăng nhận xét. Chính vì vậy, ông khuyến cáo khi chuẩn bị chọn mua hay xây nhà, người dân nên tư vấn các kiến trúc sư để có được căn nhà hợp lý.
Một số giải pháp "xanh" cho ngôi nhà:
- Mái nhà có tầng không khí lưu thông để chống nóng. Cấu tạo tốt nhất là tầng dưới dày, tầng trên mỏng, sẽ cách nhiệt tốt gấp 2 đến 3,5 lần so với cấu tạo mái có tầng trên dày, dưới mỏng.
- Cửa sổ phù hợp với kiến trúc nhiệt đới là mở rộng tối đa theo chiều ngang, còn chiều cao thu hẹp hợp lý (khác với kiểu cửa sổ xứ lạnh là phát triển chiều cao).
- Nhà ống nên có giếng trời, chú ý lưu thông không khí (có lỗ vào thì có lỗ ra).
- Không nên xây bề mặt nhà phẳng lỳ, mà nên có kết cấu che nắng hợp lý.
- Với các nhà cao tầng nên xây lôgia, tạo không gian thoáng, hoặc các tầng thoáng.
Tuy nhiên, để được gọi là một công trình kiến trúc xanh thực sự, ngoài việc thiết kế xây dựng ngôi nhà để tận dụng nắng, gió, mặt trời, người ta còn phải tính đến việc tận thu nhiệt để cấp nước nóng trên mái nhà, dùng pin mặt trời để cấp điện, hứng nước mưa để tái sử dụng, hài hòa giữa công trình và cây xanh...
Xây nhà bất hợp lý, người Việt đang lãng phí tài nguyên
Thuận An
TLV: Sự khéo léo trong thiết kế đó là khi bố trí không gian bên trong, dây chuyền sử dụng trong nhà ngắn, gọn nhất; hợp lý nhất- dành diện tích ưu tiên cho không gian cây xanh, thông thóang. Làm được chuyện đó đồng nghĩa với cuộc sống của chủ nhà được cải thiện và nâng cao…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét