Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008

081216- CODATU XIII: Kẹt xe chưa hẳn do xe gắn máy

nguồn: http://mag.ashui.com/index.php/chuyenmuc/quyhoachxaydung/68-quyhoachxaydung/456-codatu-13-ket-xe-chua-han-do-xe-gan-may.html

Người Lao Động

Vấn nạn kẹt xe liên quan đến sự bùng nổ xe gắn máy ở TP Hà Nội và TPHCM thu hút sự quan tâm cao độ của các đại biểu (đến từ 27 quốc gia) tại hội thảo quốc tế về giao thông đô thị khai mạc tại TPHCM ngày 12-11. Nhóm tác giả Nguyễn Quốc Hiển (Tập đoàn Mouchel - Vương quốc Anh), Frank Montgomery và Paul Timms (Trường ĐH Leeds - Vương quốc Anh) đặt ra vấn đề: Có phải xe gắn máy là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở các TP của VN?
Photobucket
Giải oan cho xe máy
Nhìn một cách trực diện vào tình hình giao thông hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng kẹt xe trầm trọng ở TP Hà Nội và TPHCM là do lượng xe gắn máy quá lớn lưu thông trên một diện tích đường quá hẹp.
Nghiên cứu của nhóm tác giả trên nhằm so sánh khả năng lưu hành của các loại phương tiện giao thông được tiến hành tại các giao lộ có đèn giao thông của 12 tuyến đường ở TP Hà Nội. Theo nghiên cứu, chiều rộng lòng đường là 3,5 m sẽ có 12,28 xe gắn máy chạy qua giao lộ trong 4 giây đèn xanh, tương đương khoảng 11.000 xe gắn máy trong 1 giờ đèn xanh, tức 12.540 người đi qua (trung bình mỗi xe gắn máy chở 1,14 người). Nếu thay một nửa xe gắn máy bằng ô tô thì tổng số người là 8.578 người/giờ, xấp xỉ 2/3 của xe gắn máy. Nếu thay một nửa xe máy bằng xe buýt (giả sử 1 xe buýt chở 10 hành khách) thì tổng số người là 13.180 người/giờ, nhiều hơn so với xe gắn máy. Kết quả cuối cùng cho thấy cách hiểu xe gắn máy là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông không phải luôn luôn đúng. Sự tắc nghẽn giao thông sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu hạn chế xe gắn máy mà lại tăng số lượng ô tô. Việc sử dụng xe buýt có thể làm giảm tắc nghẽn giao thông nếu trung bình mỗi xe buýt chở hơn 10 người. Vì vậy, việc hạn chế sử dụng xe máy chỉ có thể làm giảm ùn tắc giao thông nếu nó đi liền với các giải pháp hạn chế ô tô cá nhân và khuyến khích việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Phải tìm sự đồng thuận của người dân
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng bây giờ không phải là thời điểm để nói về chuyện phát triển xe buýt mà là giải quyết bài toán xe buýt và xe máy sống chung như thế nào. Theo TS Phùng Mạnh Tiến, Phân viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam, để giải quyết vấn nạn kẹt xe, trước mắt phải chấp nhận ý tưởng phát triển giao thông công cộng kết hợp với giao thông cá nhân. Do đó, nên nghiên cứu giải pháp xây dựng các công trình tạm phục vụ cho giao thông xe gắn máy với kết cấu đơn giản, gọn nhẹ, ít kinh phí với thời hạn sử dụng khoảng 5 - 10 năm. Các công trình này sẽ được tháo dỡ khi hệ thống xe buýt và vận tải bánh sắt vận hành phát huy khả năng tốt.
Xe máy là giải pháp không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay. Đừng nghĩ đến chuyện cấm xe máy mà phải ứng xử với nó như một phương tiện giao thông hữu ích vì xe máy rất phù hợp với thói quen đi lại ở những vùng khí hậu nóng như ở VN”- TS Tiến nói. Dù TP có phát triển mạng lưới xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao tốt đến mấy thì xe máy vẫn là một phương tiện giao thông hữu dụng. TS Tiến cho rằng lộ trình cần phải dần hạn chế, tiến tới không sử dụng xe gắn máy trong nội thành một cách khoa học sẽ tìm được sự đồng thuận của người dân.
TS Lê Anh Đức, Phó trưởng Khoa Quy hoạch Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, lại đặt ra một hướng đi khá mới để giải quyết tình trạng kẹt xe: Nên chăng giải quyết kẹt xe từ góc độ nhà ở. Chính sự không tương xứng giữa đầu tư phát triển mạng lưới giao thông và nhà ở tại TPHCM, đặc biệt là khu vực ngoại vi đã tác động lớn đến sự quá tải của mạng lưới hạ tầng giao thông.

Thiếu tầm nhìn!
Ông Walter Molt, nhà tư vấn về quy hoạch đô thị tại VN, cho rằng trong 18 năm theo dõi sự phát triển giao thông ở VN, ông thấy VN đã quá chú tâm vào thiết kế kỹ thuật tiên tiến và đã tự tách mình ra khỏi quy hoạch đô thị. Điều này dẫn đến việc giao thông phát triển manh mún, lẻ tẻ và thiếu tầm nhìn.

Không có nhận xét nào: