Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008

081216- 'Tái xanh hoá' Indonesia

Nguồn: http://beta.baomoi.com/Home/TheGioi/www.baodatviet.vn/Tai-xanh-hoa-Indonesia/2275335.epi

Chính phủ Indonesia vừa đưa ra nhiều sáng kiến độc đáo và lãng mạn, nhằm làm dịu những chỉ trích về nạn chặt phá rừng ở quốc đảo này.

Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo, nạn phá rừng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khí CO2, chiếm từ 10 đến 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất ấm lên. Theo bản báo cáo "Indonesia và sự biến đổi khí hậu" do Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Anh mới công bố, nạn phá rừng đang biến Indonesia trở thành nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Tốc độ phá rừng được ghi vào… Guinness

Indonesia bị liệt vào nhóm các nước có tốc độ phá rừng nhanh nhất thế giới, với 2,8 triệu ha bị "khai tử" mỗi năm, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD cho nước này.

Photobucket

2,8 triệu ha rừng Indonesia bị "khai tử" mỗi năm, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD cho nước này.

Ông Bustar Maitar, nhà hoạt động hòa bình xanh, cảnh báo: “Diện tích rừng bị tàn phá tại Indonesia trong mỗi giờ tương đương với 300 sân đá bóng. Thế hệ kế tiếp của Indonesia sẽ không còn được thấy cánh rừng nào, nếu Chính phủ không lập tức hành động để giải quyết đại nạn này”.
Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia M.Kaban cho biết: “Việc tàn phá rừng ở Indonesia nghiêm trọng đến mức cần hơn một thế kỷ để khôi phục lại 60 triệu ha, vì Chính quyền chỉ có thể làm “sống lại” tối đa khoảng 600.000 ha mỗi năm”. Ông Kaban cũng trả lời phỏng vấn tờ Jakarta Post rằng: “60 triệu ha rừng biến mất trên bản đồ Indonesia trong 20 năm qua, do việc khai thác quá mức, chuyển đổi đất sử dụng, thiên tai và những vụ cháy rừng. Diện tích còn lại cũng đang bị đe dọa bởi nạn đốn gỗ phục vụ mục đích thương mại”.
Theo một báo cáo của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới, riêng ở tỉnh Riau, gần 4,2 triệu ha rừng bị đốn hạ trong 25 năm qua, do sự phát triển ồ ạt của ngành công nghiệp sản xuất giấy và dầu cọ.

Sáng kiến “tái xanh hóa” Indonesia

Trước vấn nạn này, Chính phủ Indonesia đưa ra sáng kiến “tái xanh hóa Indonesia” bao gồm những ý tưởng độc đáo để phủ xanh rừng.

Tham dự buổi lễ phát động “Phong trào Phụ nữ trồng cây” tại khu vui chơi giải trí Ancol, Đệ nhất phu nhân Indonesia Ani Yudhoyono phát biểu: “Tôi hy vọng một ngày nào đó, tốc độ phát triển rừng ở Indonesia sẽ theo kịp với nhịp độ phát triển dân số”. Bà Ani Yudhoyono nói điều này trong bối cảnh tốc độ gia tăng dân số của Indonesia ở mức 1,43% mỗi năm. Điều đó có nghĩa, mỗi năm Indonesia phải trồng thêm 3.000.000 cây xanh.

Giám đốc Cơ quan giám sát các tác động môi trường của Balikpapan, Indonesia, ông Syahrum Syah Setia mới ra quy định: “Bất kỳ công dân nào trong thành phố muốn làm giấy khai sinh cho con đều phải... trồng một cây xanh”. Theo ông Setia, quy định này là nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong bối cảnh thành phố chứng kiến sự xuống cấp đáng lo ngại vì nạn tàn phá rừng.

Trước đó, Hãng thông tấn Antara đưa tin, các đôi uyên ương muốn nối dây tơ hồng ở quận miền Tây Java của Indonesia sẽ phải mang theo cây giống tới cơ quan đăng ký kết hôn, hoặc đóng góp 25.000 rupiah (3 USD). Đôi vợ chồng nào muốn ly hôn, thì phải chịu mức phí cao hơn, hoặc đóng 40.000 rupiah (4,25 USD), hoặc nộp 25 cây giống. "Tiền nộp sẽ được sử dụng để mua cây trồng và sau đó gieo trồng chính tại khu vực đôi vợ chồng sinh sống’’, ông Untung Wiyono, một quan chức địa phương cho biết.

Anh Khairul Baso, 27 tuổi và vị hôn thê Andini, một trong số hàng ngàn cặp vợ chồng đăng ký kết hôn trong năm 2008, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm quy định, trồng 2 cây gỗ tếch 6 tháng tuổi và 2 cây cọ”.

Bích Diệp (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: