Trần Văn / VNN
Quốc hội đang họp và bàn về "Luật đô thị & chức danh Kiến trúc sư trưởng" để lập lại kỷ cương. Trước khi làm việc mới, ta cần nghiêm túc soi lại việc cũ một chút, có như vậy mới rút ra được các bài học thích đáng, tránh lặp lại ở những lần sau.
Có người nói rằng mô hình Kiến trúc sư trưởng đã được thiết lập ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992 đến năm 2004 là mô hình thí điểm, nói như thế là chưa chính xác. Vì nếu thí điểm thì chỉ nên giới hạn trong một thời gian nào đó, và nhất thiết phải được đúc kết kinh nghiệm.
Không ai lại mang quyền lợi đất nước ra làm thí điểm hàng chục năm trời. Khi thấy mô hình đó không tốt, lại "bóp chết", tạo ra mô hình mới là Sở Kiến trúc Quy hoạch, nay thấy sở Kiến trúc Quy hoạch cũng bất lực, bèn quay lại cái tên Kiến trúc sư trưởng, nhưng được "luật hóa" để thể hiện tầm cao hơn.
Vậy trong 20 năm đổi mới, Thủ đô đã trải qua 16 năm “vừa xây dựng vừa nơm nớp lo bị tàn phá ”.
Những cái giá đã phải trả do tự ta gây nên
Khi lần đầu thành lập Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Hà Nội năm 1992, người được chọn chức danh đó là KTS - TS Nguyễn Lân, một người được đào tạo Đại học ở Thượng Hải, trên Đại học ở Budapest, từng có nhiều chức danh và từng là Vụ trưởng Vụ quản lý đô thị ở Bộ xây dựng.
Lúc đó văn phòng KTST được giao rất nhiều quyền, cả quyền đề xuất quy hoạch lẫn quyền cấp phép xây dựng. Đến khi bỏ mô hình đó để lập ra Sở Kiến trúc & Quy hoạch thì quyền cấp phép trả về Sở xây dựng và người đứng đầu Sở KT&QH không cần có học hàm học vị cao nữa. Sau đó, cả văn phòng KTST và Sở KT&QH đều đã bị vô hiệu hoá như nhau.
Chắc mọi người chưa quên vụ đê Yên Phụ năm 1995 - một vụ tai tiếng gây tổn hại hàng ngàn tỷ đồng. Khi thanh tra vào việc, phát hiện ra hơn 200 ngôi nhà không có giấy phép đã vi phạm cơ đê và lấn mặt đường. Tất nhiên toàn bộ số nhà cửa này sau đó bị phá hết.
Cả năm 2007 và sang đầu năm 2008 có hàng loạt vụ bê bối như chiến dịch cắt ngọn nhà xây sai phép ở đường Nguyễn Chí Thanh, phố Đặng Dung, Hồ Tây và nhiều nơi khác khắp Hà Nội. Cả thành phố bận rộn về chiến dịch dẹp phá làng ẩm thực Thủ Lệ, chiến dịch phản đối xây Trung Tâm thương mại của EVN ở Hồ Hoàn Kiếm và chiến dịch chặt cây xây khách sạn ở Công viên Thống Nhất…
Đó toàn là những chuyện buồn cho nhân dân Hà Nội và giới kiến trúc, tôi theo dõi khá kỹ và không tìm thấy những sai lầm của giới KTS ở đây, tôi chỉ thấy sự yếu kém của các nhà quản lý.
Vậy bài học này ai phải nghiêm khắc phê phán?
Cái giá đã và sẽ phải trả đến từ bên ngoài
Kiến trúc sư của ta chưa thực giỏi, điều đó là sự thật. Nhưng cho đến hôm nay, mọi công trình đã xuất hiện trên đất nước ta, không có một công trình nào vượt quá khả năng sáng tạo của KTS Việt Nam, đó là một sự thật nữa.
Nếu xưa kia ở Sài Gòn có Toà Sứ quán Mỹ là bí hiểm và hiện đại nhất vì nó có hàng rào điện tử, có phòng cách ly, bảo mật, có sân bay trực thăng trên nóc… hiểu ra thì mọi thứ đó chỉ là thiết bị công nghệ, không phải của khoa học kiến trúc.
Nếu xưa kia ở Hà Nội có công trình Lăng Hồ Chủ tịch là có chế độ kỹ thuật cao nhất, công trình này không bao giờ mất điện và cho dù nhiệt độ ngoài trời là 35 độC, thì bên trong vẫn chỉ có 16 độC, cho dù bên ngoài có bom đạn hay biến cố gì thì bên trong vẫn có đường hầm phòng thủ bảo vệ an toàn… Đến nay ta hiểu rằng đó cũng là các giải pháp kỹ thuật chứ không phải nghệ thuật kiến trúc.
Mấy năm gần đây, Hà Nội xuất hiện Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Mỹ Đình do Kiến trúc sư Cộng Hoà Liên bang Đức thiết kế và giám sát thi công. Những ngày đầu rất nhiều người háo hức đến tham quan vì ở đó được trang bị rất hiện đại, đặc biệt là hệ thống điều hành và trung tâm báo chí… Thế nhưng, trang bị hiện đại không đồng nghĩa với sự bề thế của một toà công trình mang tầm cỡ thế giới, mà lẽ ra công trình này phải có.
Vậy xin đưa một giả thiết: nếu những người có trách nhiệm thấy rằng không thể để một công trình tầm cỡ này, ở vị trí này mà xấu xí như vậy, hãy thông báo nội dung cuộc thi và treo giải thưởng. Sẽ có phương án khả thi được KTS Việt Nam đưa ra để khắc phục nó. Khó và có thể hơi tốn kém, nhưng làm được.
Tôi buộc phải nói kỹ về công trình này, vì có thông tin rằng theo kết quả tuyển chọn mẫu thiết kế nhà Quốc hội sẽ xây ở quảng trường Ba Đình nay mai, mẫu của KTS người Đức đạt điểm cao nhất.
Phong cách kiến trúc thể hiện chiều sâu của phong cách sống, hay nói kiểu văn học, nó thể hiện chiều sâu của tâm hồn dân tộc. Nó được hình thành trong một quá trình rất dài, bị chi phối bởi phong tục tập quán, của nền tảng kinh tế và của thiên nhiên khí hậu. Phong cách kiến trúc không phải là một thứ mốt thời trang được thay đổi theo mùa và theo lứa tuổi.
Tại sao người Việt Nam lại hợp với kiến trúc Pháp?
Nhân đây tôi muốn lý giải xa hơn một chút rằng tại sao người Việt Nam lại hợp với kiến trúc Pháp? Đây là một vấn đề rất tế nhị và ta cần hiểu một cách hết sức khách quan về nền kiến trúc mà ta từng gọi là kiến trúc Đông Dương.
Thực ra, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi người Pháp mới đến Hà Nội, họ chọn Hà Nội là Thủ phủ của Đông Dương. Thời kỳ đầu, họ tập trung xây dựng các công trình công năng đơn giản kiểu trại lính, sau đó họ xây dựng các công trình kiến trúc cổ điển Châu Âu, như Phủ toàn quyền, Dinh thống sứ, Nhà hát thành phố, Toà án tối cao… để thể hiện quyền uy của nhà nước bảo hộ.
Từ năm 1920 trở đi mới xuất hiện mối giao lưu giữa văn hoá Pháp với văn hoá Việt. Thời điểm này phải ghi nhận sự thành công của Kiến trúc sư Ernest Hébrad đối với Kiến trúc ở Hà Nôị và các thành phố khác như Sài Gòn, Đà Lạt, Hải Phòng, Viên Chăn, Nông-Pênh… Từ đó xuất hiện bộ mặt của một phong cách Kiến trúc mới, đó là nền kiến trúc Châu Âu mang phong cách Á đông mà được gọi là Kiến trúc Đông Dương (Indochina Architectural).
Hébrad quan niệm văn hoá địa phương cũng là một tài nguyên cần được khai thác, ông đặc biệt coi trọng những nét đẹp trong cách sử dụng vật liệu xây dựng và ông đặc biệt chú ý đến việc khai thác cảnh quan thiên nhiên môi trường và điều kiện khí hậu nóng ẩm.
Không ở đâu có loại nhà dùng hai lớp cửa kính cửa chớp, vừa không chói chang vào mùa hè vừa ấm áp vào mùa đông như ở Đông Dương, cũng không ở đâu coi trọng nhà có mái hiên rộng, hành lang hút gió “mát âm” thậm chí vào mùa hè ít khi phải dùng quạt trần như ở Đông Dương.
Có lẽ lối sống của người Việt thích nghi với không gian mở và thân thiện với môi trường cũng phù hợp với sự lưạ chọn của những gia đình người Pháp khi họ sang đây sinh sống? Thời kỳ đầu loại nhà kiểu này chỉ để phục vụ cho gia đình vợ con giới công chức người Pháp, lâu dần các công chức người Việt khá giả cũng chấp nhận.
Đặc biệt từ khi lớp kiến trúc sư người Việt đầu tiên được đào tạo ra và hành nghề độc lập như bộ ba Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp và Nguyễn Gia Đức trước năm 1940, thì sáng tác của các cụ đã được xã hội tiếp thu và từ đó tạo thành phong cách kiến trúc Việt Nam một thời.
Tôi không nghĩ rằng phong cách kiến trúc đó là bất biến, nhưng nó đã được các kiến trúc sư danh tiếng người Pháp cùng các kiến trúc sư đàn anh người Việt dầy công tìm kiếm suốt trong cả thế kỷ thứ 20, rất cần được trân trọng và bảo tồn ở Hà Nội cũ.
Mai kia, tại các khu đô thị mới có thể xuất hiện dáng dấp mới và tạo ra phong cách mới, nhưng đã là công trình kiến trúc trên đất Thủ đô chúng ta thì phải phù hợp với thiên nhiên khí hậu và cách sống của chúng ta.
Tôi rất nhớ lời khuyên chân thành của ông Tom Wright, chuyên gia quy hoạch Mỹ, rằng “Đừng biến Hà Nội thành bất kỳ thành phố nào khác ở Đông Nam Á".
Mô hình tòa nhà 70 tầng trên đường Phạm Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét