Nguồn: http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5528/index.aspx
"Sự kiện PCI và quyết định của chính phủ Nhật ảnh hưởng đến thể diện của đất nước, đó là một tổn thất lớn. Tổn thất này không thể so với chuyện bị ngưng cung cấp ODA. Do đó, lấy lại hình ảnh tốt cho đất nước không phải là để được tiếp tục nhận ODA" - GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản nhận định.
"PCI là vấn đề trực tiếp của Việt Nam, không phải của Nhật"
Theo ông, lý do nào khiến chính phủ Nhật Bản đi đến quyết định tạm ngừng cấp viện trợ ODA cho Việt Nam trong năm tới, đồng thời đóng băng lượng tài trợ khoảng 700 triệu đôla đã cấp trong năm nay?
GS Trần Văn Thọ: Theo tôi, thái độ và cách tiến hành xử lý các vấn đề của Việt Nam liên quan đến vụ bê bối tham nhũng của công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật cho đến thời điểm này là chậm trễ. Phải mất 5 tháng, phía Việt Nam mới ra quyết định đình chỉ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, người được nêu đích danh trong vụ việc.
Mặt khác, phát biểu của một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 17/8/2008, (tức 2 tuần sau khi viện công tố Tokyo bắt tay khám xét và bắt giam các vị lãnh đạo PCI ở Nhật bản) đã gây bất bình cho công luận ở Nhật trong khi người Nhật đang trông chờ một lời giải thích đúng đắn và tích cực từ phía Việt Nam.
Lòng tin của Nhật Bản bị ảnh hưởng khi thấy những người liên quan vụ việc ở phía họ đã bị xử lý và đã khai đúng tên họ cụ thể của quan chức Việt Nam mà phía Việt Nam không tiến hành điều tra ngay.
Nhật Bản không hy vọng sẽ thấy kết quả mong muốn. Do đó họ phải đi đến quyết định đó để tạo áp lực mà họ nghĩ áp lực này sẽ được cả công chúng Nhật Bản và Việt Nam ủng hộ.
Theo kết quả của Hội nghị các nhà tài trợ (CG) vừa qua thì trước mắt chưa có cái gọi là "hiệu ứng domino" trong viện trợ ODA cho Việt Nam. Nhưng tùy theo kết quả điều tra sắp tới của Việt Nam về việc này, tình hình năm tới có thể xấu hơn hoặc không.
- Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm gì tiếp theo?
GS Trần Văn Thọ: Bây giờ Việt Nam cần cho thấy thái độ nghiêm túc trong việc này. Tránh những phát biểu thiếu trách nhiệm, thiếu suy nghĩ như của ông Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân TPHCM mới đây.
Cần nhận thức rằng đây là vấn đề trực tiếp của Việt Nam, không phải của Nhật (chỉ gián tiếp ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật), Việt Nam trước hết phải điều tra nghiêm túc và kết quả phải thuyết phục được chính dân chúng Việt Nam.
Việt Nam phải cho thấy sẽ điều tra nghiêm túc vụ việc này, và chứng tỏ sẽ có biện pháp hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng. Không thể chỉ cam kết mà phải có biện pháp cụ thể.
Chẳng hạn, trong ủy ban phòng chống tham những cần có tiếng nói độc lập với bộ máy nhà nước, cần để báo chí tự do phát hiện những tiêu cực.
- Viện trợ ODA cho Việt Nam đồng nghĩa với việc Nhật Bản muốn gia tăng ảnh hưởng kinh tế - chính trị lên khu vực này. Vì thế, có quan chức Việt Nam đã tự tin nói rằng, cấp ODA cho Việt Nam là lợi ích của chính Nhật Bản, do đó sớm muộn Nhật phải nối lại ODA cho Việt Nam. Ông nghĩ sao về nhận định này?
GS Trần Văn Thọ: Đúng là Nhật dùng ODA để tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực Á châu. Nhưng không vì thế mà Nhật Bản có thể tiếp tục cấp ODA cho những nước dùng ODA một cách bất chính. Dư luận Nhật Bản không cho phép.
Dư luận thế giới cũng sẽ lên án, sẽ chê trách và cái giá của Nhật phải trả trong truờng hợp đó sẽ lớn hơn lợi ích chính trị, kinh tế do ODA mang lại. Theo tôi, quan chức Việt Nam không nên có thái độ lạc quan trong trường hợp này, và dù lạc quan thật sự cũng không nên phát biểu như vậy.
- Có ý kiến cho rằng hành động dứt khoát này của Nhật lại có tác dụng tốt đối với Việt Nam vì người ta không thể chữa bệnh nan y nếu không có thuốc đắng được. Quan điểm của ông như thế nào về nhận xét này?
GS Trần Văn Thọ: Tôi cũng có ý kiến như vậy. Nhiều năm nay tại Việt Nam hầu như ai cũng đồng ý rằng thất thoát trong xây dựng cơ bản rất lớn. Tệ nạn tham nhũng ai cũng thấy. Nhà nước cũng đã lập Ủy ban phòng chống tham nhũng. Nhưng rất tiếc là chúng ta chưa thấy được kết quả như mong muốn.
Qua sự kiện ảnh hưởng đến thể diện quốc gia này, dân chúng sẽ nghiêm khắc hơn nữa và nhà nước sẽ phải nghiêm túc hơn nữa.
Nhật cũng từng nhận ODA của Mỹ
(Ảnh nguồn: SkyscraperCity)
- Theo ông, sự việc này đã tác động như thế nào đến hình ảnh Việt Nam trong mắt công chúng và chính phủ Nhật Bản?
GS Trần Văn Thọ: Dĩ nhiên đây là sự kiện rất đáng tiếc. Tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam thế giới đã biết. Hàng năm, nhiều tổ chức quốc tế điều tra tình hình tham nhũng và môi trường đầu tư tại các nước đã cho thấy như vậy. Ví dụ theo bảng xếp hạng về cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố tháng 9 năm nay, trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam xếp thứ 121.
Nhưng cho đến nay chỉ những tổ chức quốc tế, những người có đầu tư ở Việt Nam, có nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam mới biết rõ tình trạng tham nhũng ở nước ta. Bây giờ qua sự kiện này, nguời dân bình thường ở Nhật cũng biết. Hình ảnh Việt Nam xấu đi trong lòng người Nhật là điều không tránh được.
- Và cuối cùng, vấn đề là, liệu Việt Nam có nên cố gắng hết sức lấy lại hình ảnh chỉ để chứng minh Việt Nam là một nước xứng đáng được nhận vốn ODA từ các nước ? Có con đường nào khác cho Việt Nam phát triển trong thời điểm này nếu thiếu đi những đồng vốn ODA?
GS Trần Văn Thọ: Sự kiện PCI và quyết định của chính phủ Nhật ảnh hưởng đến thể diện của đất nước, đó là một tổn thất lớn. Tổn thất này không thể so với chuyện bị ngưng cung cấp ODA.
Do đó, lấy lại hình ảnh tốt cho đất nước không phải là để được tiếp tục nhận ODA. Phải xem ODA chỉ là hiệu quả phụ trong vấn đề nầy.
ODA chỉ có vai trò giúp cho quá trình phát triển tiến nhanh chứ không phải có tính cách quyết định cho công cuộc phát triển. Những nước phát triển trước 1945 hầu như không nhận ODA.
Sau 1945, Nhật Bản có nhận ODA của Mỹ nhưng với kim ngạch rất nhỏ và chỉ trong thời gian 10 năm. (Nhân tiện đây, tôi xin mở ngoặc, trong thời gian Nhật Bản nhận viện trợ của Mỹ, các Bộ trưởng, thứ trưởng khi đi công du nước ngoài luôn chọn ở khách sạn 3 sao, giá phòng ở thủ đô Mỹ Washington hồi đó khoảng 7 –8 USD/đêm, có lẽ tương đương 40-50 USD bây giờ, và ở chung 2 người một phòng).
Sau thế chiến thứ hai, nhiều nước nhận ODA nhưng thành quả phát triển thì rất khác nhau. Chẳng hạn, Thái Lan và Philippines đều nhận nhiều ODA từ Nhật, nếu tính gộp từ năm 1960 đến năm 1995, tổng ngạch ODA của Nhật rót vào hai nước nầy hầu như ngang nhau. Nhưng Thái Lan thì phát triển mạnh mẽ còn Philippines thì trì trệ. Năm 1960, GDP đầu người của Philippines gấp đôi Thái Lan, nhưng đến năm 1995 thì chỉ bằng một nửa.
Như nhiều ước tính cho thấy, Việt Nam thất thoát tới khoảng 30% ngân sách các công trình trong xây dựng cơ bản. Vấn đề tiên quyết của Việt Nam bây giờ là cải thiện tình trạng này trước khi tính chuyện tìm thêm các nguồn tài trợ ODA.
Tại Việt Nam, ODA chỉ chiếm độ 25% trong tổng kim ngạch đầu tư của khu vực công. Do đó, nếu con số thất thoát 30% là đúng thì, nói một cách hơi cực đoan, dù không có ODA, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển như bây giờ nếu tình trạng thất thoát hoàn toàn được khắc phục.
Hương Lan (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét