Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

081208- Tổng kết thị trường từ 28/11 đến 04/12

nguồn: http://diaoconline.vn/web/tintuc/tintucdiaoc/2008/12/07/092521/11723/

Tổng kết thị trường từ ngày 28/11 đến ngày 04/12:
Diễn biến trái ngược tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh

Photobucket">

Ảnh: Phước Khánh.

Thông tin nổi bật nhất trong tuần qua là UBND hai thành phố - thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh công bố đề xuất khung giá đất năm 2009. Diễn biến trái ngược ở 2 địa phương này.
Tại Hà Nội, khung giá đề xuất cho năm 2009 không có nhiều thay đổi. Khu vực nội thành gần như giữ nguyên (giá cao nhất 67,5 triệu đồng/m2), chỉ tăng ở khu vực ngoại thành, cụ thể là khu vực Hà Tây cũ. Mục đích theo UBND Tp Hà Nội là để nhằm thống nhất một mức giá đất cho Hà Nội mở rộng.
Trong khi đó, nhiều người bất ngờ về đề xuất của UBND TP.HCM về một khung giá đất nhiều khu vực tăng 10-100% so với hiện nay.

Nghị định 123 của Chính phủ quy định: giá đất cao nhất là 67,5 triệu đồng/m2 và các địa phương được quyết định giá đất cao hơn 20% khung giá quy định. Trên cơ sở này, TP đã đề xuất một số tuyến đường có giá vượt khung, lên 81 triệu đồng/m2 (đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ) và nơi có giá thấp nhất TP là khu dân cư Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) với 110.000 đồng/m2.
Theo tờ trình của UBND Tp. HCM, quận 2 thuộc nhóm có giá đất tăng cao nhất, bình quân trên 100%, tăng gấp đôi so với giá hiện nay. Một thành viên trong hội đồng điều chỉnh giá đất cho rằng do giá đất ở các đường của quận 2 trước đây quá thấp nên phải tăng cho phù hợp với vị trí của nó. Cũng theo tờ trình của UBND TP, hai quận khác có giá đất tăng cao là quận 7 và Tân Bình, trung bình tăng 50-100% so với mức giá hiện nay. Lý do quận 7 có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, có hạ tầng cơ sở được đầu tư tốt và đại lộ Nguyễn Văn Linh đã hoàn thiện nên giao thông đi lại thuận lợi. Ngoài ra giá trị đất của khu vực xung quanh Phú Mỹ Hưng trong thực tế cũng tăng cao. Các quận thuộc khu trung tâm như 1, 3, 5…cũng tăng 30-50%. Nhóm tăng dưới 10% thuộc ba quận là Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.

Đề xuất khung giá đất tăng mạnh của UBND TP. HCM khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh năm 2008 thị trường nhà đất gần như đóng băng, nhiều nơi giao dịch rất chậm hoặc không có giao dịch, giá đất xuống nhanh. Và dự báo tình hình của năm 2009 cũng sẽ chưa có chuyển biến nhiều. Tuy nhiên, theo giải thích của Hội đồng thẩm định giá thành phố, dù thị trường nhà đất không sôi động, nhưng những yếu tố khác làm nên giá trị của đất vẫn chuyển biến. Cầu, đường... vẫn được đầu tư, những vị trí có lợi thế kinh doanh vẫn phát huy giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thị Cam - phó giám đốc Công ty TNHH Đất Luật, khung giá đất tăng sẽ làm giá đất trên thị trường ở một số nơi tăng theo tâm lý. Như vậy, các dự án giao mới sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. “Lo lắng nhất là các doanh nghiệp, cá nhân thuê đất của Nhà nước. Tiền thuê đất tăng sẽ làm giá thành sản phẩm tăng, không có lợi cho mục đích giảm lạm phát của Nhà nước” - luật sư Cam nói.
Theo khung giá đất mới của Tp HCM thì các nghĩa vụ tài chính của người dân liên quan đến đất đai, bất động sản sẽ tăng, nhất là những người đang ghi nợ tiền sử dụng đất (TSDĐ). Tăng giá đất cũng có thể làm chậm tiến độ cấp “giấy đỏ”, “giấy hồng”.

Một người dân ở quận 7 cho biết cuối năm 2007, khi làm “giấy hồng” anh đã chịu ghi nợ TSDĐ khoảng 70 triệu đồng. Theo quy định, người nợ TSDĐ khi thanh toán phải theo giá ở thời điểm trả nợ. Năm 2008, giá đất ở khu vực nơi anh ở tăng 20% khiến số nợ vọt lên 84 triệu. Theo bảng giá năm 2009 do UBND TP đề xuất thì số nợ của anh tăng lên 150 triệu đồng. Anh tính toán nếu đi vay ngân hàng, lãi suất thời điểm cao nhất là 21%/năm thì cũng chỉ phải trả lãi hơn 20 triệu trong khoảng 1,5 năm qua, trong khi ghi nợ TSDĐ anh lại phải trả hơn gấp đôi. “Nếu giá đất cứ tăng mỗi năm thì không biết khi nào mới gom đủ tiền trả nợ”, anh than.
Giá đất do Nhà nước ban hành dùng cho các mục đích: thu TSDĐ và tiền thuê đất, tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ… Với khung giá đất 2009 do UBND TP đề xuất nghĩa vụ tài chính về đất của người dân với Nhà nước sẽ cao hơn. Theo nhiều chuyên gia, điều này sẽ không khuyến khích người dân đưa nhà đất vào giao dịch chính thức, nhất là trong tình hình thị trường nhà, đất đóng băng như hiện nay.

Dự án bất động sản: tranh thủ khởi công

Giá cả các nguyên vật liệu xuống thấp, lãi suất ngân hàng giảm, cho vay bất động sản đã mở cửa trở lại... tuần qua cũng ghi nhận hàng loạt các dự án bất động sản được khởi công xây dựng. Theo các chủ đầu tư, đây chính là thời điểm để chuẩn bị hàng hóa đón đầu thị trường hồi phục vào cuối năm sau.
Tại Hà Nội, khu biệt thự cao cấp và căn hộ sang trọng tọa lạc trên khuôn viên 4,6 ha nằm ngay tại khu trung tâm hành chính TP Hà Đông vừa được khởi công xây dựng. Dự án có tổng số vốn đầu tư trên 200 triệu USD bao gồm 05 tòa nhà chung cư cao cấp cao từ 27 đến 32 tầng với 885 căn hộ sang trọng, 01 tòa nhà trung tâm thương mại cao 21 tầng và 100 căn biệt thự hiện đại mang phong cách Hàn Quốc cùng với các khu chức năng như bể bơi, sân tennis và các công trình công cộng khác…. Dự án tổ hợp căn hộ, trung tâm thương mại và văn phòng cao cấp Indochina Plaza cũng được khởi công tại Xuân Thủy, Cầu Giấy.

Một liên doanh đầu tư gồm các doanh nghiệp (DN) là Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp, Công ty cổ phần Tư vấn Kiến trúc và Đô thị Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng Đô thị, Công ty cổ phần Thương mại quốc tế và Tư vấn đầu tư Invecon đã chính thức khởi động xây dựng tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ với hơn 530 căn hộ và gần 30 ngàn m2 văn phòng nằm trong Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng - Hà Nội.
Đại diện chủ đầu tư tiết lộ, vốn triển khai dự án hầu hết được huy động huy động từ khách hàng và vốn tự có của các chủ đầu tư. Điều này tạo sự chủ động cho chủ đầu tư khi khởi động dự án vào thời điểm này.
Một chuyên gia từ Hiệp hội Bất động sản cho rằng, chưa thể nói là thị trường đã hồi phục nhưng sự khởi động lại của một số dự án cho thấy đã có dấu hiệu cho quá trình "tan băng" trên thị trường.

Vào thời điểm này, lợi thế vẫn thuộc vào những chủ đầu tư có thực lực, nhất là những chủ đầu tư chủ động về vốn. Bởi vì, lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn cao, ngân hàng mở cửa cho bất động sản nhưng với thị trường hiện nay thì chủ đầu tư vẫn khó mà thuyết phục ngân hàng tài trợ một khoản vốn lớn để xây dựng hạ tầng và phát triển bất động sản.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại vào cuối năm 2009 và sẽ tới đỉnh cao vào năm 2010. Giai đoạn này là cơ hội để các dự án và công trình đẩy nhanh tiến độ. Bởi lẽ để xây dựng các dự án nhà cao tầng, hay các đô thị tập trung thì mất tối thiểu là 1 - 2 năm. Khởi công vào thời điểm này là điều mà các nhà đầu tư tính toán để đón thị trường trong thời gian tới.
Lê Đình - DiaOcOnline.vn

Không có nhận xét nào: