Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=143212&ChannelID=2
Mưa lớn đã biến đường Láng - Hòa Lạc thành sông. Ảnh: Phùng Sưởng
TP - Đợt mưa lịch sử trên toàn miền Bắc cuối tháng 10 đầu tháng 11 vừa qua làm lộ rõ kết quả dự báo sai lệch một cách kinh ngạc và sai lệch được lặp lại trong dự báo tiếp theo đó.
Vì sao liên tiếp gặp phải 2 lần dự báo quá sai như vậy? Dưới đây là trao đổi của Tiền phong với một số quan chức trong ngành khí tượng - thủy văn.
May mà mưa được mấy hột…
Cơ quan chuyên môn nhìn nhận thế nào về sai lệch một trời một vực giữa kết quả dự báo với thực tiễn?
TS Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Việt Nam (NHS): Đấy là thực tế cay đắng. Dự báo mưa ở Hà Nội chỉ 100 mm nhưng thực tế mưa lên hơn 500 mm, ở Hà Đông hơn 800 mm, và có nơi lên 1000 mm... Thực tiễn dự báo trên thế giới cho thấy, con người vẫn bất lực trong việc dự báo các hiện tượng thiên tai cực trị tại các địa điểm cụ thể.
Đường đi kỳ dị của cơn bão số 9 có tên quốc tế là Maysak trên Biển Đông mấy ngày qua lại thêm minh chứng cho thấy sự kỳ dị của thiên tại ngày càng trở thành chuyện thường ngày.
Nhưng một bản dự báo thời tiết về một hiện tượng đặc biệt trên diện rộng mà hầu như không có gì khác so với bản dự báo thời tiết trước đó thì đúng là chuyện không bình thường. Chắc chắn chúng tôi sẽ mổ xẻ nghiêm túc vấn đề sau khi qua đợt bận túi bụi phục vụ phòng chống cơn bão số 9.
TS Nguyễn Lan Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trực thuộc NHS: Chúng tôi có dự báo được mưa to đến rất to ở một số vùng. Nhưng hiện tượng mưa quá to so với mức rất to, 100 mm, mà chúng tôi dự báo, thực tình không thể đoán trước được.
TS Nguyễn Văn Hải - Nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Khoa học&Kỹ thuật (NHS): Tôi hy vọng sẽ có những rút kinh nghiệm nghiêm túc trong công tác dự báo thời tiết. Đợt dự báo thứ hai ngay sau đó cho rằng sẽ có mưa to đến rất to cũng trên diện rộng.
Anh em chúng tôi nhìn nhau mà cười ra nước mắt rằng: “May quá, Hà Nội cuối cùng cũng mưa cho mấy hột. Chứ không thì…”. Song không thể phủ nhận sự bất lực trước các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Đợt mưa lớn gấp nhiều lần dự báo vừa qua đã khiến Hà Nội hết sức bị động. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhận định chủ quan và kinh nghiệm vẫn không thể thiếu
|
Mấy năm qua, không chỉ ở NHS, các cơ sở nghiên cứu khác như Viện Khí tượng Thủy văn&Môi trường, Khoa Khí tượng Thủy văn (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội)…, đều vẽ nên bức tranh lạc quan rằng, họ đã và đang được trang bị bộ công cụ dự báo mới, công cụ dự báo số trị, dự báo bằng mô hình và trên máy tính hiện đại.
Vũ khí dự báo này sẽ giúp nâng cao đáng kể chất lượng dự báo. Từ bấy đến nay, công chúng hình như không thấy mấy sự khác biệt trong dự báo.
TS Nguyễn Văn Hải: Nếu nói mô hình dự báo số trị làm thay đổi hẳn chất lượng công tác dự báo thì quả hơi bị liều. Năm 2004, tại một hội nghị khoa học quốc tế thường niên về dự báo, khi dự báo bằng mô hình đang phát triển mạnh mẽ, các nhà khoa học từng đưa ra câu hỏi liệu con người còn có giá trị gì trong dự báo không.
Tranh luận mãi, cuối cùng, kết luận tổng thể vẫn là, nhận đinh chủ quan của con người dựa trên kinh nghiệm vẫn không thể thiếu trong dự báo.
Trong một hội thảo ở Việt Nam do Trung tâm Phòng chống Thiên tai Châu Á (ACDP) tổ chức, đại diên của ACDP tỏ ra ngạc nhiên khi có người đề nghị tăng cường dự báo dài hạn vì, theo họ, không nên tin vào các bản tin dự báo dài hạn.
Tại Việt Nam, sau khi thử nghiệm và dùng thử cỡ 5 - 7 năm với vài ba đề tài, nhiều nơi đang áp dụng các mô hình với các tên khác nhau. Tuy nhiên, các mô hình mà ta đang áp dụng có nhiều điểm yếu cơ bản.
Thứ nhất, các mô hình khu vực đang áp dụng ở Việt Nam là các mô hình phổ biến của nước ngoài, không phải dành riêng cho Việt Nam. Các mô hình này dựa trên nền của mô hình toàn cầu, trên cơ sở các số liệu đầu vào của toàn cầu, không được bổ sung thêm số liệu tức thời của Việt Nam.
Chỉ một số nước phát triển chạy mô hình bằng siêu máy tính mới có mô hình riêng của họ với cơ sở số liệu của chính nước họ. Với các thông số từ trên một vạn trạm khí tượng và 900 trạm cao không trên toàn cầu, trong vòng nửa tiếng đồng hồ, siêu máy tính của các nước đó thu thập một khối lượng thông tin khổng lồ.
Nhưng cũng phải mất vài tiếng , các siêu máy tính mới đưa ra lời giải. Các kết quả từ mô hình toàn cầu thường rất thô. Các kết quả tính toán trên quy mô toàn cầu có các điểm dự báo cách nhau 100 km, tương đương quãng đường từ Hà Nội đến Hải Phòng. Từ kết quả mô hình toàn cầu này các nước chạy mô hình khu vực nhỏ cho nước mình.
Thứ hai, các mô hình khu vực nhỏ đang áp dụng ở Việt Nam được xây dựng không phải bởi người Việt Nam và cho Việt Nam. Đương nhiên, các nhà khoa học Việt Nam cố gắng kéo mô hình tính toán cho gần Việt Nam hơn nữa bằng cách chia ô lưới dự báo dày hơn. Thay vì các mắt lưới cách nhau 100 km ở mô hình toàn cầu, các ô lưới ở mô hình khu vực nhỏ rút xuống chỉ còn vài chục km.
Tại Trung tâm Khí tượng Việt Nam, chúng tôi chạy 2 mô hình: ETA của Mỹ và HRM của Đức, từ khoảng 4 - 5 năm nay, và được cải tiến theo hướng đó.
Một nhóm nghiên cứu ở Đại học Khoa học Tự nhiên chỗ GS.TS Trần Tân Tiến cũng đang chạy một mô hình dự báo số trị khu vực khác nhưng, về bản chất, vẫn chưa được địa phương hóa về số liệu đầu vào, mặc dù các nhà khoa học đang có những nỗ lực rất lớn để giải quyết vấn đề này. Viện Khí tượng Thủy văn&Môi trường chạy một mô hình MM5 của Mỹ và tình hình cũng như vậy.
Thế thì với những hạn chế khi vào Việt Nam nêu trên, việc chia nhỏ hơn ô lưới dự báo có lẽ cũng không cải thiện được mấy độ chính xác của dự báo.
Thứ ba, bản thân các mô hình số trị cho đến nay dù hiện đại thế nào vẫn không thể cho kết quả chính xác vì không thể nào đưa vào được hết các yếu tố để tạo thành thời tiết (địa hình, núi non, sông, hồ vào mô hình).
Các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, khí áp lại quá thưa, nhất là trên đại dương, ngay cả khi ta đưa toàn bộ số liệu của hơn 150 trạm khí tượng trên toàn quốc vào mô hình.
Một thay đổi ở phạm vi rất nhỏ cũng có thể gây phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến tính toán của toàn bộ mô hình. Mặt khác đưa quá nhiều yếu tố vào mô hình lại bị nhiễu loạn.
Tại sao lại sử dụng số liệu toàn cầu xa xôi như vậy để dự báo cho Việt Nam?
Trước hết mô hình số trị phải được giải trên phạm vi toàn cầu với bộ số liệu toàn cầu, trong đó Việt Nam có đóng góp số liệu của mình cho bộ số liệu toàn cầu. Đấy là số liệu lấy từ 22 trạm.
Trong khi đó, cả nước có gần 1000 trạm đo các số liệu khí tượng và thủy văn. So sánh như vậy cũng đủ thấy các mô hình số trị đang vận hành hiện nay chưa tiệm cận được tình hình thực tế ở Việt Nam.
(Quốc Dũng thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét