Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

081208- Đô thị và nông thôn

Nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/111o-thi-va-nong-thon/

Nhân việc mở rộng Hà Nội, tác giả trở lại một số vấn đề nông dân, và nhắc lại một câu hỏi nhức nhối: "Chẳng nhẽ lại vô ơn đến thế với người nông dân sao ?".

CHUYỆN DÀI ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN

Tương Lai

Liệu có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Người Hà Nội cũng vậy thôi. Chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có nhiều công trình nghiên cứu Hà Nội miêu tả và phân tích kỹ về những dấu ấn của làng quê trên gương mặt phố phường Hà Nội, tưởng chẳng phải nói thêm. Chỉ xin được gợi lên hình ảnh phố phường Hà Nội trong các tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái, một niềm kiêu hãnh của người Hà Nội. “Phố Phái”, một danh xưng đã đi vào lịch sử được người Hà Nội trân trọng giữ gìn như báu vật của thủ đô. Vâng, của thủ đô, của riêng Hà Nội không trộn lẫn vào đâu được, mặc dầu những tác phẩm nghệ thuật độc đáo là tài sản vô giá của một quốc gia. Ngẫm cho kỹ, qua đôi mắt thiên tài và đường nét, sắc mầu của “Phố Phái”, cảm quan thẩm mỹ đậm đặc vẫn thức dậy trong người nhìn ngắm niềm xao xuyến giữa “phố” và “làng”.

Một thủ đô xinh xắn và tao nhã, “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội, những phố dài xao xác heo may, người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”1. “Những phố dài xao xác heo may” ấy không là những “bin đinh” cao to và hãnh tiến, những “villa” diêm dúa khoe mẽ cái thị hiêu giàu tiền mà nghèo tri thức, đói thẩm mỹ. Với “Phố Phái” chỉ có mái nâu cũ kỹ chẳng khác mấy với những mái ngói làng quê, được thăng hoa bên những gam màu quen thuộc trong cảm thức dân dã. Nét dáng “làng” và nét dáng “phố” quyện vào nhau, thức dậy những ý niệm sâu lắng về đất nước: nghèo, nhưng dám là mình, từ một nền văn minh lúa nước của miền nhiệt đới gió mùa mà chủ động và sáng tạo trong cách đi vào công nghiệp hóa , đô thị hóa, hiện đại hóa.

Rồi đây khi Hà Nội mở rộng gấp nhiều lần, liệu dấu ấn ấy có mờ phai đi trong nhịp độ tăng tốc của đô thị hóa, công nghiệp hóa nhân danh hiện đại hóa, hay lại sẽ đậm nét hơn lên với cả hai chiều kích tốt và xấu? Chắc sẽ có nhiều kịch bản xảy ra, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chuyện này rồi đây những nhà quy hoạch, nhà quản lý với trái tim đập theo nhịp đập của ý nguyện nhân dân cả nước và nhân dân thủ đô, được dẫn dắt bởi một tầm tư duy tương xứng với trách nhiệm trước lịch sử dân tộc, và trước những đôi mắt sắc sảo, đầy kinh nghiệm của thế giới hiện đại, sẽ dày công suy nghĩ để không nảy nòi ra những kịch bản xấu về thủ đô ngàn năm văn vật.

Cái thế đất “rồng cuộn hổ ngồi” mà đôi mắt xanh của Lý Thái Tổ đã nhìn thấu và đưa ra quyết định dời đô từ Hoa Lư về đây “tiện hướng nhìn sông tựa núi. Địa thế rộng mà bằng phẳng” đúng là “nơi thắng địa”2 bậc nhất, để nghìn năm Thăng Long sừng sững tồn tại, ghi đậm dấu ấn của tầm nhìn vĩ nhân. Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội qua những biến thiên của lịch sử, từng chiêm nghiệm bao cuộc bể dâu “tạo hóa gây chi cuộc hý trường” từng ghi lại những “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”3 hiên ngang thách thức và đánh bại mọi toan tính, mọi thủ đoạn của những thế lực ngoại xâm đến từ mọi hướng. Trong thế trận “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, ông cha ta đã nhiều lần dám bỏ ngỏ thủ đô cho giặc tràn vào, quay trở về làng, cái nôi của sức mạnh dân tộc, làng còn thì nước sẽ không mất. Từ làng mà tập họp lực lượng, chọn thế đánh, dồn sức quật ngã kẻ thù, giải phóng thủ đô, lấy lại nước. Những Thoát Hoan, Vương Thông, Tôn Sĩ Nghị…hùng hổ vào chiếm Thăng Long để rồi cụp đuôi chạy về nước trong cái thế “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp”.

Giữa thế kỷ XX, đạo quân viên chinh xâm lược Pháp, sau Điện Biên Phủ, tiêm tất hơn khi làm lễ cuốn cờ có kèn “bú dích” thổi lên cũng không che được vẻ bẽ bàng của đám tàn quân thất trận, kéo theo luôn sự sụp đổ cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ. Dẫn đầu đoàn quân thắng trận về tiếp quản thủ đô là người nông dân mặc áo lính, anh hùng Nguyễn Quốc Trị. Và trong “trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về” 4 có những chàng trai Hà Nội “bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”5 nhưng nếu nhìn cho kỹ, thì họ chỉ điểm xuyết trong đội ngũ trùng trùng những người nông dân rời làng quê ra đi chiến đấu, sau khi “đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”6 chỉ một bộ phận nhỏ trong họ ở lại thành phố, số đông rồi sẽ về lại làng quê “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó” 7.

Bởi lẽ, những người nông dân mặc áo lính ấy “việc cuốc , việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm”8, vì nước lâm nguy mà phải cầm súng. Bao đời, người nông dân vẫn phải gánh trên vai mình gánh nặng nhất của việc dựng nước và giữ nước. Từ chính sách “ngụ binh ư nông” đời Trần cho đến các cuộc chiến tranh chống các thế lực xâm lược đến từ mọi hướng trong thời đại Hồ Chí Minh, nông dân vẫn là quân chủ lực. Chuyện ấy ai cũng có thể thấy và nói được. Rồi ngay trong sự nghiệp xây dựng đất nước, chỉ tính trong vòng hơn hai thập kỷ sau 1975, hai lần nông thôn và nông dân đã cứu nguy cho nền kinh tế đất nước khỏi sụp đổ. Một là, vào cuối năm 1980 với sự sụp đổ của Liên Xô và khối XNXN Đông Âu, và hai là, cuối 1990 với khủng hỏang ở các nước Đông Nam Á. Cả hai lần, sản xuất công nghiệp, có lần cả dịch vụ đều sa sút, có lúc tăng trưởng âm, chỉ nhờ nông dân kiên cường và nhẫn nại trên mặt trận sản xuất, nông nghiệp phát triển, mới cứu được cho cả nền kinh tế đã đứng bên bờ vực.

Là tác giả của Đổi Mới với “khoán chui” dẫn đến chỉ thị 100 của Ban Bí thư và 8 năm sau có nghị quyết của Bộ Chính trị về “khoán hộ’, trả lại quyền tự chủ cho hộ kinh tế gia đình nông dân, đem lại động lực cho sản xuất, từ nông nghiệp và nông thôn mà đưa đến những khởi sắc cho đô thị và công nghiệp. Thế là “cái truyền thống-nông thôn, nông nghiệp, nông dân” đã cứu cho “cái hiện đại - đô thị, công nghiệp” những “ bàn thua trông thấy”( nói theo ngôn ngữ của “EURO bóng đá”), nhưng rồi sau đó, những thành quả của Đổi Mới thì dường như nông thôn chỉ được tí chút còn đô thị hưởng trọn!

Chỉ xin gợi lên một chút xíu về chuyện bất công đó : người thành phố được nhà nước kéo điện vào tận giường ngủ, bật sáng ngôi nhà với bao tiện nghi cần đến điện : tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, máy lọc không khí…, họ chỉ phải trả tiền điện tính từ công tơ điện lắp trong nhà. Nông dân và nông thôn thì với một hai bóng điện phập phù, song họ phải trả tiền kéo điện từ trạm biến áp về xã, về làng, về xóm, về nhà. Hãy chỉ làm một con tính về số tiền phải rút ra từ chiếc hầu bao lép kẹp của người “nhà quê” trả cho việc kéo điện đó, để thấy sự bất công bày ra thật trần trụi. Còn to chuyện ra nữa, sẽ thấy sự trần trụi đó in đậm dấu ấn rất lộ liễu trong việc “quy hoạch” về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Chỉ cần mở lại bộ Luật Hồng Đức đời Lê hay bộ Luật Gia Long đời Nguyễn, cũng thấy ra được những quy định thật nghiêm cẩn và chặt chẽ trong việc chuyển quyền sở hữu ruộng đất và sự tùy tiện trong việc nhân danh “sở hữu toàn dân” để tước đoạt hoặc vi phạm quyền sử dụng đất của người nông dân hiện nay. Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, rồi Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 được bổ sung năm 2001, rồi “Luật đất đai” năm 2003 cũng đều hết sức chặt chẽ (tuy nhiên cũng còn nhiều điều cần phải hoàn thiện) trong việc quy định sử dụng quyền sở hữu toàn dân đó. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, một chữ ký của ông chủ tịch tỉnh, thậm chí chủ tịch huyện và có khi chủ tịch xã, cũng có thể dễ dàng “thu hồi” đất của nông dân đang sử dụng cho “mục đích công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa” với “đên bù, giải tỏa”!

Thế là, mảnh đất mà về danh nghĩa, là “sở hữu toàn dân” này, cho dù đã bao đời cha ông họ tưới đẫm mồ hôi và có khi cả máu trên đó, rồi nay lại tiếp tục cày sâu cuốc bẫm trên mảnh đất ông cha để lại, trong phút chốc, do “quy hoạch chuyển mục đích sử dụng”, họ ngỡ ngàng đau đớn phải rời bỏ. Quá ư dễ dàng trong việc tước quyển sử dụng đất của nông dân, cũng có nghĩa là người nông dân không được bảo vệ quyền được ghi trong Hiến pháp và Luật Đất đai, nhưng cũng chính mảnh đất đó khi đã “chuyển mục đích sử dụng”, được giao cho nhà đầu tư, thì lập tức được bảo vệ thật chu đáo với tường xây bao quanh, có vệ sĩ, thậm chí cả chó “bẹcgiê” giữ gìn chu đáo và cẩn mật. Trong chuyện công nghiệp hóa và đô thị hóa này thì hóa ra người nông dân lại là người ít được bảo vệ nhất, nói là vật lót đường thì cũng phũ phàng quá, nhưng rõ ràng họ chỉ được “nhìn ngắm” những công trình “ngoạn mục” về đô thị hóa và công nghiệp hóa đó, khi mà, như lời cảnh báo của ông Sáu Dân trong một bài viết không lâu trước khi ông nằm xuống, họ “bị đặt ra ngoài rìa”.

Nói cho đúng, họ cũng “được” vào đô thị đấy chứ, vào để kiếm việc làm. Họ cũng góp vào công nghiệp hóa đấy chứ khi họ góp phần vẫy gọi các nhà đầu tư bằng “lợi thế nhân công rẻ”, một lợi thế đau lòng! Ruộng thiếu, lao động thừa, làm nông nghiệp không có lãi, nông dân phải rời bỏ nông thôn ra đô thị chịu thân phận “phó thường dân” để kiếm sống. Tuy vậy, do không tin lắm vào công việc bấp bênh ở đô thị công nghiệp hóa, họ vẫn không nhượng quyền sử dụng mà vẫn giữ đất làm một cứu cánh, nhỡ lúc sa cơ ở đô thị công nghiệp thì quay về làng còn có đất làm vật “bảo hiểm”!

Cứ quan sát kỹ các “chợ” lao động ở Hà Nội “ngàn năm văn vật”, nơi những trai làng đứng chầu hẫu đợi người thuê để được bán sức lao động, sẽ hiểu được phần nào thân phận người nông dân ở thành phố. Ấy thế mà, nhớ lại hai cuộc kháng chiến, người nhà quê sẵn sàng nhường gian giữa hoặc chiếc giường độc nhất trong căn nhà lá của họ cho người “sơ tán”, tức là những vị khách đô thị không mời mà đến. Những người Hà Nội độ tuổi trung niên chắc đều nếm trải kỷ niệm đó. Và, có thể nói, đây là một kỷ niệm rất đẹp của mối quan hệ nông thôn – đô thị .

Chỉ có điều, kỷ niệm rất đẹp ấy chỉ được diễn ra ở làng quê trước đây, khi bom đạn đe dọa các thành phố, chứ lại không phải ở phố phường khi triển khai công nghiệp hóa và hiện đại hóa! Nếu có chăng, nó chỉ có thể lưu giữ trong cảm quan thẩm mỹ của nhà danh họa Thủ Đô trong những “Phố Phái” gợi nhớ nỗi xao xuyến giữa “phố’ và “làng”!

Còn nỗi xót xa trong hiện thực, thì theo một báo cáo tại cuộc Hội thảo nọ, nông thôn đang trở thành bãi rác của đô thị. Những “con sông quê hương” nước gương trong soi tóc những hàng tre”9 đang chuyển sang mầu nâu đen và bốc mùi vì chất thải công nghiệp, chất thải đô thị xối xả trút thẳng vào. Hằng năm, lưu vực Sông Cầu phải tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu ! Có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1200 cơ sở y tế trong khu vực có mật độ dân số cao hơn hai lần mật độ dân số cả nước. Nước thải của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ giữa thành phố Thái Nguyên xả thẳng vào các nhánh nhỏ đổ ra sông Cầu mang theo các chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng và độ kiềm cao. Khu công nghiệp gang thép này cho tuôn chảy vào sông Cầu một lưu lượng khoảng 1,3 triệu m3/năm với những chất độc hại như dầu mỡ, phenol và cyanure.

Lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy với mật độ dân số 874 người/km2, gấp đôi lưu vực sông Cầu, bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm đen ngòm nước sông. Mỗi ngày sông Nhuệ và sông Đáy tiếp nhận khoảng 800.000m3 nước thải sinh hoạt. Riêng sông Nhuệ tiếp nhận từ sông Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Lù, sông Sét từ Hà Nội thải ra 400.000m3 chưa được xử lý qua đập Thanh Liệt. Con sông Đáy thơ mộng với nước trong vắt, chảy qua những vùng đầy ắp những danh lam thắng cảnh, chùa chiền, miếu mạo, đền thờ, di tích lịch sử cùng với những con sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào từng tắm mát tâm hồn bao thế hệ cư dân Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình thì nay đang chuyển màu, khô kiệt và hôi thối. Không khéo đến “ngựa đá” trong “lưỡng hồi lao thạch mã” từ bài thơ của ông vua anh hùng thời Trần lao ra, cũng đến chết chìm trong dòng sông ô nhiễm thời hiện đại đang lượn sát vùng đất thiêng Tức Mạc, nơi phát tích của khí phách Đông A.

Hai câu hỏi được đặt ra cũng trong cuộc Hội thảo nói trên : Có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc, nơi nuôi dưỡng sự trong lành, ấm áp của tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam, để đổi lấy những ngôi nhà bê tông vô hồn đang kệch cỡm mọc lên, phô ra cái thị hiếu hạ cấp, đổi lấy một lối sống lai căng ngấu nghiến những cặn bã của văn minh đô thị chưa kịp tiêu hóa, những hàng rởm, hàng giả độc hại, đổi lấy những dòng sông đen ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tưoi mát bao đời tắm tưới, thanh lọc tâm hồn Việt Nam, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc? Câu thứ hai : Chẳng nhẽ lại vô ơn đến thế với người nông dân sao ?

Để đi tìm câu trả lời, người đặt câu hỏi ấy đã đưa ra một tổng kết khái quát về “Mười cái nhất” của người nông dân : Cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Hưởng thụ ít nhất. Được giúp kém nhất. Bị đè nén thảm nhất. Bị tước đoạt nặng nhất. Cam chịu lâu dài nhất. Tha thứ cao cả nhất. Thích nghi tài giỏi nhất. Năng động khôn ngoan nhất.

Câu chuyện đô thị và nông thôn còn dài dài, xin hãy tạm dừng ở đây, có dịp xin bàn tiếp.

Chú thích :

1. và 6. Thơ Nguyễn Đình Thi

2. Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ.

3. Thơ Bà huyện Thanh Quan

4. Lời trong Nhạc Văn Cao.

5. Thơ Chính Hữu.

7. và 8. Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

9. Thơ Tế Hanh

Bài viết cho Nguyệt San Hà Nội Mới “Hà Nội ngàn năm” số tháng 7.2008, bản tác giả gửi cho Diễn Đàn

Không có nhận xét nào: