Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

081209- Cấm thành Thăng Long: giá trị dân tộc, ý nghĩa toàn cầu

nguồn: http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5427/index.aspx

Trên thế giới, có nhiều kinh thành có lịch sử trên nghìn năm, nhưng thủ đô một nước hiện nay có bề dày lịch sử với vai trò trung tâm quyền lực gần 13 thế kỷ, trong đó có gần nghìn năm gần như liên tục là quốc đô thì rất hiếm. Tính liên tục và lâu dài của một trung tâm quyền lực cho đến ngày nay, đó là đặc điểm và giá trị lịch sử nổi bật của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bản nghiên cứu đồ sộ GS sử học Phan Huy Lê (*) được trình bày tại "Hội thảo khoa học quốc tế: Nhận diện giá trị Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu, so sánh 2004- 2008". Một bản nghiên cứu rất bổ ích, rất có giá trị, đáng để bạn đọc suy ngẫm và trân trọng.

Vị trí khu di tích trong cấu trúc kinh thành Thăng Long và thành Hà Nội

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và thành cổ Hà Nội. Khu di tích nằm giữa các phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn (trừ khu sẽ xây dựng Nhà Quốc hội), Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, với diện tích 18.395 m2.

Photobucket">

Sơ đồ khu di tích

Khu di tích nằm trong địa bàn trung tâm lịch sử và văn hoá của thủ đô Hà Nội. Trong khu vực này khảo cổ học đã phát hiện dấu tích cư trú sớm nhất của con người qua di tích văn hoá Phùng Nguyên tại lớp dưới của di tích đàn Xã Tắc (Đống Đa, Hà Nội) có niên đại khoảng giữa thiên niên kỷ II tr.Cn, trên một gò đất cao. Trong thời đại đồ đồng và đồ sắt sớm, cùng với quá trình bồi tụ, cư dân sinh sống ngày càng đông, kinh tế phát triển, kết hợp với vị trí giao thông thuận lợi, vùng đất này sớm trở thành một trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng.
Thành Vạn Xuân, kinh đô của nhà nước độc lập do Lý Nam Đế thành lập vào thế kỷ 6, rồi phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ 7- 9 mà tiêu biểu là thành Đại La thế kỷ 9, đều nằm trong khu vực này. Thành Đại La không những là thành luỹ quy mô lớn mà còn là một đô thị phồn thịnh bậc nhất của đất nước thời bấy giờ.

Mùa thu, tháng 7 năm Giáp Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ thành Hoa Lư (Ninh Bình) ra “thành Đại La” là “đô cũ của Cao Vương”[1] và đổi tên là thành Thăng Long. Từ đó cho đến cuối thế kỷ 18, thành Thăng Long liên tục giữ vai trò kinh đô của nước Đại Việt, tuy tên có thay đổi:

- Thành Thăng Long dưới triều Lý (1009- 1226) từ năm 1010 cho đến đầu năm 1226, triều Trần (1226- 1400) từ năm 1226 đến năm 1397.
- Năm 1397 đổi tên là Đông Đô vào những năm cuối triều Trần, rồi triều Hồ (1400- 1407).
- Năm 1407 là thủ phủ của chính quyền đô hộ nhà Minh (1407- 1427) với tên gọi là phủ thành Giao Chỉ, thường gọi là thành Đông Quan.
- Năm 1430 đổi tên là thành Đông Kinh, dưới triều Lê sơ (1428- 1527) rồi triều Mạc (1527- 1592), triều Lê Trung hưng (1593- 1788). Trong thời gian này, tên Thăng Long vẫn được sử dụng và thế kỷ 17- 18 còn có tên mang tính dân dã là Kẻ Chợ (trong tài liệu phương Tây thường phiên âm là Ca Cho).

Photobucket">

Cấm thành trên bản đồ Thành Đông Kinh theo bản đồ Hồng Đức

Về mặt cấu trúc, kinh thành Thăng Long đã gồm ba vòng thành: vòng thành bảo vệ ngoài cùng gọi là thành Đại La hay La thành, vòng thành giữa thời Lý, Trần mang tên Long thành, Phượng thành hay Long Phượng thành và từ thế kỷ 15 thường gọi là Hoàng thành; vòng thành trong cùng thời Lý thường gọi là "vùng cấm" (Cấm trung, theo Đại Việt sử lược) hay Cấm thành (theo Đại Việt sử ký toàn thư), thời Trần là Cấm thành, thời Lê là Cấm thành hay Cung thành. Qua các thời kỳ lịch sử, La thành và Hoàng thành có nhiều thay đổi, nhất là lần mở rộng Hoàng thành về phía Tây Nam năm 1490, lần xây dựng và mở rộng Hoàng thành năm 1516, lần đắp thêm ba lớp lũy phía ngoài La thành, mở rộng lên phía Bắc bao gồm cả Hồ Tây năm 1588, lần thu hẹp La thành và Hoàng thành năm 1749, nhưng phần trung tâm phía Đông của Hoàng thành thì hầu như không thay đổi mấy. Đó là khu vực nằm khoảng giữa phố Thuốc Bắc về phía Đông, phố Phan Đình Phùng về phía Bắc, phố Nguyễn Thái Học về phía Nam và phố Sơn Tây về phía Tây.

Cấm thành nằm trong khu trung tâm phía Đông của Hoàng thành, về vị trí cũng như qui mô từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 13 cũng gần như không thay đổi. Đây là nơi làm việc của triều đình và các cơ quan quyền lực trung ương, nơi thiết triều, tiếp sứ thần các nước, nơi diễn ra các nghi lễ trọng thể của quốc gia và cũng là nơi ở, nghỉ ngơi của nhà vua và hoàng gia, cung nữ.
Các cung điện, lầu gác và cả qui hoạch bên trong Cấm thành có thay đổi qua các vương triều, có những lần bị tàn phá vì chiến tranh xâm lược hay những cuộc xung đột cung đình, qui mô cũng có thay đổi ít nhiều theo xu hướng mở rộng thêm.

Sử biên niên như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư... còn ghi chép những năm xây dựng, tu sửa các cung điện, lầu gác trong Cấm thành và những năm bị tàn phá rồi phải xây dựng, kiến tạo lại.

Ngoài tư liệu chữ viết, còn có một số bản đồ cổ mà sớm nhất Bản đồ thành Đông Kinh trong tập Bản đồ Hồng Đức được vẽ năm 1490 mà hơn 10 truyền bản còn bảo tồn đến nay phần lớn mang niên đại thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Theo tư liệu bản đồ này, Cấm thành có tường thành bảo vệ và gần như hình vuông. Chính giữa Cấm thành là điện Kính Thiên, phía Bắc bên phải là điện Chí Kính, bên trái là điện Vạn Thọ (nhìn theo hướng Bắc- Nam); phía Nam có Thị Triều rồi đến Đoan Môn, Đông Trường An, Tây Trường An. Trên bản đồ chỉ vẽ cửa Nam tức Đoan Môn có ba lớp cửa và cửa Tây mở về phía Tây Bắc. Phía Đông Cấm thành có Đông Cung và Thái Miếu. Tất nhiên đấy chỉ là một số kiến trúc cung đình tiêu biểu thời Lê.

Căn cứ vào bản đồ Hồng Đức và các sử liệu chữ viết, kể cả văn bia, địa chí, thơ văn, có thể xác định một cách tương đối phạm vi của Cấm thành như sau:

- Trung tâm của Cấm thành là điện Càn Nguyên/ Thiên An/ Kính Thiên. Đây là kiến trúc quan trọng bậc nhất của vương triều, nơi thiết triều của nhà vua và cử hành các nghi lễ quốc gia tiêu biểu, ở vào vị trí trung tâm của Cấm thành và xây dựng trên núi Nùng mang ý nghĩa phong thuỷ linh thiêng. Vì vậy điện Càn Nguyên, Thiên An và Kính Thiên đều xây dựng trên một địa điểm là Núi Nùng. Nền điện Kính Thiên hiện nay do nhà Lê xây dựng năm 1428 và bậc thềm 9 bậc với lan can đá chạm rồng dựng năm 1467. Kiến trúc đã bị phá huỷ năm 1886 nhưng nền điện với bậc thềm đá vẫn còn được bảo tồn đến nay. Đấy là tâm điểm của Cấm thành.

Photobucket">
Photobucket">
Nền điện Kính Thiên hiện còn (trên) và trước khi bị phá (dưới)
- Đoan Môn là cửa phía Nam của Cấm thành. Tư liệu lịch sử cho biết Đoan Môn từ thời Lý, qua thời Trần đến thời Lê, vị trí không thay đổi. Di tích Đoan Môn hiện còn, qua kết quả thăm dò khảo cổ học xác nhận kiến trúc này được xây dựng thời Lê sơ (thế kỷ 15) trên nền Đoan Môn thời Lý, Trần qua dấu tích và di vật phát hiện. Đấy là cửa trong cùng về phía Nam Cấm thành.
Photobucket">
Photobucket">
Đoan Môn hiện nay (trên) và Đoan Môn cuối thế kỷ XIX (dưới)

- Theo Lời tiểu dẫn của bài thơ Vịnh Cột Cờ trong Long Biên bách nhị vịnh của Bùi Quang Cơ thì Cột Cờ tức Kỳ đài do nhà Nguyễn xây dựng năm 1805 trên nền cửa Tam Môn là cửa phía ngoài cùng của Đoan Môn.

- Chùa Diên Hựu tức Một Cột hiện còn đã qua nhiều lần trùng tu và xây dựng lại, trong văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh do Nguyễn Công Bật soạn và khắc năm 1121 thời Lý, có đoạn chép: “hướng về vườn nổi tiếng ở Tây Cấm dựng chùa Diên Hựu” (hướng Tây Cấm chi danh viên xưởng Diên Hựu chi danh tự). Nếu hiểu “Tây Cấm” là phía Tây của “Cấm thành” hay “Cấm trung” thì chùa Một Cột ở vị trí phía Tây Cấm thành hay nói cách khác, giới hạn phía Tây của Cấm thành ở về phía Đông chùa Một Cột hiện nay.

Photobucket">

Photobucket">

Chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) và Cột Cờ (Kỳ Đài)

Photobucket">

Cấm thành trong quan hệ với các vật chuẩn


- Khán Sơn là ngọn núi nằm ở phía ngoài gần cổng Tây Bắc của Cấm thành. Điều đó được ghi nhận qua bản đồ Đông Kinh trong Bản đồ Hồng Đức. Nhưng sau khi xây thành Hà Nội thì Khán Sơn lại nằm bên trong thành Hà Nội ở góc Tây Bắc[2]. Khán Sơn nằm ở bên trong, vào góc Tây Bắc[3] của thành Hà Nội, tức khoảng gần góc Phan Đình Phùng- Hùng Vương hiện nay.

- Tam Sơn là ba gò đất gồm hai gò tự nhiên cách nhau chừng 2 trượng (66m) và một gò đắp thêm ở giữa, chu vi hơn 30 trượng (99m). Tam Sơn trước đây nằm ở phía Bắc Cấm thành. Sang đầu thế kỷ 19 khi xây thành Hà Nội, Tam Sơn bị san bằng nhưng các tài liệu địa chí cho biết vị trí ở bên trong thành Hà Nội, về phí Bắc, gần Cửa Bắc[4].

Qua hình dạng gần hình vuông, tâm điểm là nền điện Kính Thiên, phía Nam có Đoan Môn là cổng trong và Tam Môn ở vị trí Kỳ Đài (Cột Cờ) là cổng ngoài, tường phía Tây ở về phía Đông chùa Một Cột, phía Tây Bắc giáp góc Đông Nam Phan Đình Phùng- Hùng Vương và phía Bắc gần Tam Sơn ở bên trong Cửa Bắc (Chính Bắc Môn) trên phố Phan Đình Phùng. Từ những di tích hiện còn lấy làm vật chuẩn hay chỉ giới của Cấm thành, có thể xác định được vị trí, qui mô và phạm vi tương đối của Cấm thành. Tính toán trên bản đồ số của thành phố Hà Nội hiện nay, nếu tạm coi Cấm thành có hình vuông thì mỗi cạnh là gần 700m[5].

Trên cơ sở xác định Cấm thành như trên thì khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu ở về phía Tây của điện Kính Thiên khoảng 100m, hoàn toàn nằm trong phạm vi Cấm thành, chiếm một diện tích phía Tây của Cấm thành. Những di tích kiến trúc và di vật mà khảo cổ học phát hiện cũng chứng tỏ đây là khu di tích nằm trong Cấm thành qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Từ năm 1788, vua Quang Trung lên ngôi Hoàng đế và đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Thành Thăng Long là trị sở của Bắc Thành quản lĩnh 11 trấn phía Bắc (Bắc Bộ). Sau khi Nguyễn ánh lên ngôi Hoàng đế, sáng lập triều Nguyễn năm 1802, kinh đô của triều Nguyễn (1802- 1945) là Phú Xuân- Huế.
Trong thời gian này, Thăng Long mất vai trò kinh đô của đất nước. Năm 1803- 1805, vua Gia Long cho phá Cấm thành và một phần Hoàng thành Thăng Long, xây dựng một toà thành mới theo kiểu Vauban của Pháp. Toà thành mới vẫn lấy trục trung tâm của Cấm thành làm trục trung tâm theo hướng Bắc- Nam hơi chệch hướng về phía Tây Bắc một ít.

Năm 1831 vua Minh Mệnh chia cả nước làm 30 tỉnh, bỏ Bắc thành và lập tỉnh Hà Nội. Thành Thăng Long mang tên mới là thành Hà Nội, là trị sở của tỉnh Hà Nội. Nhà Nguyễn vẫn giữ điện Kính Thiên và các kiến trúc trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long cho đến Đoan Môn, sửa sang và xây dựng thêm một số kiến trúc mới, làm Hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc hay tiếp sứ nước ngoài.

Năm 1894 -1897, chính quyền Pháp phá huỷ thành Hà Nội, chỉ còn giữ lại nền điện Kính Thiên, cổng Đoan Môn của thành Thăng Long và Cửa Bắc, Kỳ Đài của thành Hà Nội.

Như vậy khu thành cổ Hà Nội vừa là trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long, vừa là trục trung tâm của thành Hà Nội thời Nguyễn, trong lòng đất còn lưu giữ nhiều di tích Cấm thành mà những thăm dò bước đầu của khảo cổ học đã xác nhận và trên mặt đất còn bảo tồn một số di tích của Cấm thành và thành Hà Nội.

Giá trị lịch sử của khu di tích

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, kể cả di tích khảo cổ học phát hiện trong lòng đất và các di tích trên mặt đất, phản chiếu bề dày lịch sử gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thế kỷ 7- 9 thời thuộc Đường, đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng cuối thế kỷ 18, rồi thành Thăng Long- Hà Nội thời Nguyễn thế kỷ 19, qua thời Pháp thuộc cho đến hiện nay.

Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ gọi thành Đại La là “đô cũ của Cao Vương”. Đó là phủ thành An Nam do Tiết độ sứ Cao Biền xây dựng năm 866 trên cơ sở các phủ thành trước. “Thành mang tên La Thành, chu vi 1980 trượng 5 thước (6,139km), cao 2 trượng 6 thước (8,06m), chân thành rộng 2 trượng 6 thước (8,06m), bốn mặt xây nữ tường cao 5 thước 5 tấc (1,70m), 55 địch lâu (lầu quan sát địch), 5 môn lâu (lầu cửa), 6 ủng môn (cửa ống), 3 cửa nước, 34 đường bộ, lại đắp đê chu vi 2125 trượng 8 thước (6,589km), cao 1 trượng 5 thước (4,65m), chân đê rộng 3 trượng (9,30), lại dựng hơn 5000 gian nhà” [6]. Đấy là qui mô một toà thành khá lớn, chu vi hơn 6km tức gấp 1,5 lần so với chu vi tường thành bên trong của thành Hà Nội (4 km).

Trên diện tích 19,000m2 khai quật, khảo cổ học đã phát hiện ở tầng văn hoá lớp sâu nhất dấu tích kiến trúc và di vật thành Đại La gồm di tích bó nền, móng trụ, cống thoát nước, 3 giếng nước cùng các loại gạch, ngói màu xám, trong đó có gạch “Giang Tây quân", đầu ngói ống với những trang trí đặc trưng thời Đường. Như vậy khu di tích hoàn toàn nằm bên trong thành Đại La. Trên lớp di tích thành Đại La là lớp di tích Lý, trong đó có giếng nước Đại La bên trên có hàng gạch màu đỏ thời Lý, chứng tỏ nhà Lý đã xây dựng thành Thăng Long tại thành Đại La và lúc đầu có sự dụng một số kiến trúc của Đại La.

Photobucket">>
Photobucket">>
Photobucket">
Gạch "Giang Tây quân ", Ngói ống Đại La, Giếng nước Đại La

Giai đoạn Đinh (968- 979)- tiền Lê (980- 1009) cũng để lại dấu tích với những đồ gốm thế kỷ 10 và loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” tại kinh đô Hoa Lư của hai vương triều này.

Từ khi định đô Thăng Long năm 1010, vương triều Lý để lại những dấu tích kiến trúc dày đặc nhất trên toàn bộ diện tích khu di tích khảo cổ học. Đó là những di tích kiến trúc khá lớn 3 gian, 9 gian, 13 gian với những vì kèo 3, 6, 7 hàng cột có thể xác định qua các trụ móng cột kê chân đá tảng. Khảo cổ học còn tìm thấy nhiều kiến trúc lục giác với 6 trụ móng hình tròn xung quanh và 1 trụ móng hình vuông ở giữa và 1 kiến trúc bát giác qui mô lớn. Trong tầng văn hoá Lý còn tìm thấy hệ thống thoát nước, giếng nước và nhiều vật liệu kiến trúc đặc trưng thời Lý.

Photobucket">>
Photobucket">>
Di tích kiến trúc và Di tích "Lầu lục giác"


Dấu tích kiến trúc Trần vừa có phần kế thừa, sử dụng lại một số công trình thời Lý, vừa xây dựng nhiều công trình mới, tạo nên diện mạo mới của thời Trần. Kiến trúc Trần cũng đắp nền, xây móng trụ, bó nền nhưng đường viền bó vỉa theo kiểu xếp gạch hình hoa chanh rất đặc trưng thời Trần. Giếng nước thời Trần xây bằng gạch màu đỏ theo kiểu xếp chéo xương cá. Vật liệu xây dựng như gạch, ngói, tượng đất nung với những hoa văn trang trí hình rồng, phượng, phần hoa cánh sen, hoa cúc như thời Lý nhưng phong cách có phóng khoáng hơn.

Photobucket">>Photobucket">
Giếng nước và Gạch có chữ "Hoàng Môn Thự"


Di tích kiến trúc thời Lê sơ cũng tìm thấy phổ biến trong khu di tích khảo cổ học, có phần chồng lên thời Lý, Trần, có phần phá huỷ một số kiến trúc thời trước. Nhiều ao hồ và ngự hà được khơi đào. Hình như qui hoạch Cấm thành trải qua một số thay đổi quan trong. Nhiều di tích kiến trúc, cống thoát nước, giếng nước đã được tìm thấy cùng với những loại gạch vồ, ngói mũi sen, ngói thanh lưu ly (màu xanh), hoàng lưu ly (màu vàng)... của thời Lê sơ phân bổ trên hầu khắp diện tích khu di tích.

Photobucket">>
Photobucket">
Bát có "Trường lạc cung" và "Giếng nước"


Những di tích thời Mạc và Lê trung hưng có phần mờ nhạt hơn và bị phá huỷ nhiều vì những biến động chính trị thế kỷ 18 và sự phá huỷ Cấm thành để xây dựng thành Vauban đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, thời kỳ này vẫn để lại một số di tích kiến trúc và di vật.
Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu gồm thời tiền Thăng Long từ thế 7- 9 và thời Thăng Long với vai trò kinh đô của nước Đại Việt từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 18.

Sang thế kỷ 19, trong khu thành cổ Hà Nội, di tích trong lòng đất chỉ mới thăm dò bước đầu qua mấy hố khai quật nhỏ ở Đoan Môn, Hậu Lâu và Cửa Bắc, nhưng những di tích trên mặt đất lại tiếp nối lịch sử của trung tâm Thăng Long-Hà Nội cho đến nay. Đó là di tích nền điện Kính Thiên, Đoan Môn của Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ; Kỳ Đài, Cửa Bắc của thành Hà Nội, Hành cung với tường bao quanh hình chữ nhật mở 8 cửa của nhà Nguyễn đầu thế kỷ 19.

Trong thời Pháp thuộc, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp và thành cổ Hà Nội là khu vực quân sự của Pháp. Trong khu vực này, người Pháp đã xây dựng một số kiến trúc mới trong đó có toà nhà xây trên nền điện Kính Thiên làm Sở chỉ huy pháo binh. Từ năm 1954 đến năm 2004, khu vực thành cổ Hà Nội là Tổng hành dinh của quân đội nhân dân Việt Nam.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm cả bộ phận di tích khảo cổ học phát lộ trong lòng đất và bộ phận di tích trên mặt đất trong thành cổ Hà Nội, trải dài lịch sử 13 thế kỷ của cơ quan quyền lực, trong đó có gần 10 thế kỷ của Cấm thành Thăng Long và trục trung tâm của thành Hà Nội.
Giá trị lịch sử nổi bật của Khu di tích là bề dày lịch sử của một trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực mà cho đến nay vẫn giữ vai trò trung tâm của nước Việt Nam hiện đại, vẫn nằm trong Trung tâm chính trị Ba Đình của thủ đô Hà Nội.
Trên thế giới, có nhiều kinh thành có lịch sử trên nghìn năm, nhưng thủ đô một nước hiện nay có bề dày lịch sử với vai trò trung tâm quyền lực gần 13 thế kỷ, trong đó có gần nghìn năm gần như liên tục là quốc đô thì rất hiếm. Tính liên tục và lâu dài của một trung tâm quyền lực cho đến ngày nay, đó là đặc điểm và giá trị lịch sử nổi bật của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Trung tâm hội tụ và kết tinh các giá trị văn hoá dân tộc

Trong thời kỳ giữ vai trò kinh thành, Khu di tích trung tâm của Hoàng thành Thăng Long mà thực chất là một bộ phận của Cấm thành, là trung tâm quyền lực, trung tâm chính trị và văn hoá của quốc gia.

Các kiến trúc ở đây là những cung điện, lầu gác qui mô lớn và được xây dựng bằng những vật liêu cao cấp nhất với bàn tay lao động của những người thợ lành nghề của đất kinh kỳ và tuyển mộ từ khắp mọi miền của đất nước. Các di tích kiến trúc đã chồng xếp, đan xen lên nhau qua các thời kỳ từ vương triều Lý, qua Trần đến Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng.
Dân phu nhiều châu huyện và quân đội được điều về tham gia xây dựng. Thời Lý, Trần có những viên gạch ghi chữ “Vĩnh Ninh trường” là một trung tâm sản xuất gạch, ngói nổi tiếng thời Trần, có viên gạch ghi niên đại sản xuất như “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (năm 1057), có viên gạch ghi đơn vị hành chính đương thời như “Đại Thông độ” (Bến Đại Thông, vùng Gia Lâm, Hà Nội), “Thu Vật huyện, Thu Vật hương” (vùng Yên Bái)... Sang thời Lê sơ, tìm thấy nhiều viên gạch ghi tên các phiên hiệu quân đội đương thời như “Tráng Phong quân”, “Vũ Kỵ quân”, “Trung Nghĩa quân”, “Huyền Qua quân”, “Thần Hổ quân”...

Vật liệu xây dựng gồm các loại gạch ngói, tượng đất nung trang trí trên nóc mái và diềm mái nhà hình rồng, phượng, uyên ương, lá đề... đạt độ tinh xảo với những mô típ trang trí đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử. Dấu vết mặt bằng kiến trúc cùng các loại vật liệu xây dựng và trang trí cho phép hình dung những cung điện to lớn, thiết kế công phu, biểu thị nghệ thuật kiến trúc và tạo hình trình độ cao.

Trong số di vật có những đồ gốm sứ cao cấp với nhiều dòng men phong phú, nghệ thuật tạo dáng và trang trí tinh xảo. Đặc biệt khảo cổ học tìm thấy một số đồ dùng cung đình với những chữ “quan”, tên cung điện như “Trường Lạc cung” và nhất là đồ “ngự dụng” với hình rồng năm móng tượng trưng cho quyền uy của Hoàng đế. Khảo cổ học cũng tìm thấy khuôn đúc, đồ phế phẩm chứng tỏ có sự tồn tại những lò gốm cao cấp tại kinh thành Thăng Long.
Phân tích và so sánh, đối chiếu một số đồ gốm sứ tìm thấy ở khu di tích với những đồ gốm sứ phát hiện ở một số nước Đông Nam á, các nhà khảo cổ học đặt vấn đề có những lò gốm sứ cao cấp tại Thăng Long chuyên sản xuất cho cung đình và nhu cầu xuất khẩu vào thế kỷ 15 cùng thời với gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) nổi tiếng.

Suốt chặng đường dài lịch sử, đặc biệt hơn 7 thế kỷ rưỡi từ đầu thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 18, với vai trò trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của quốc gia, Khu di tích là nơi tập hợp nhiều sản phẩm cao cấp nhất của nền kinh tế, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị của văn hoá dân tộc.

(*) Tiêu đề gốc: "Giá trị mang ý nghĩa toàn cầu của khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long". Tiêu đề mới do toà soạn đặt.

Gs. Phan Huy Lê (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

----------------------
Ghi chú:
[1] Chiếu dời đô, trong Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ Q 2, tr. 2b, Bản dịch , NXB Khoa học xã hội, H. 1993, tr. 241.
[2] Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hà Nội), Thăng Long cổ tích khảo, La Thành cổ tích vịnh, Tây Hồ chí.
[3] Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hà Nội), Thăng Long cổ tích khảo, La Thành cổ tích vịnh, Tây Hồ chí.
[4] Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hà Nội), Sđd, T. 3, tr. 170; Thăng Long cổ tích khảo.
[5] Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Hà Nội 1975, tr. 152, ước tính Cấm thành có chu vi 4700 m; Phạm Hân, Tìm lại dấu vết thành Thăng Long, Hà Nụị 2003, tr. 95 xác định Cấm thành hình vuông mỗi cạnh chừng 700 m.
[6] Đại Việt sử lược, Q. 1, tr. 12b. Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, Q. 5, tr. 14b-15a, có ít nhiều khác biệt như nữ tường cao 5 trượng 5 tấc, dựng hơn 40 vạn gian nhà. Theo Nhị chí thập tứ thế kỷ Trung Quốc đích quyền hoành độ lượng của Quách Chính Trung, đơn vị đo chiều dài thời Đường có những sai biệt trong các tư liệu và có sự thay đổi theo thời gian, nhưng qua thống kê, theo tiêu chuẩn "quan xích" (thước của nhà nước) thì 1 thước = 29,6 cm, từ Trung Đường về sau phần lớn 1 thước trên 30 cm, bình quân là 30,68 cm (tr. 245-250). Theo Trung Quốc độ lượng hoành sử của Ngụ Thừa Lạc, thời Đường 1 thước = 31,10 cm (Thượng Hải thư điếm, 1984, tr. 65). Trong bài, tôi tính 1 thước=0,31m.

Tài liệu dẫn:
1. Chiếu dời đô, trong Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ Q 2, tr. 2b, Bản dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1993: 241.
2. Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hà Nội), T.3, tr. 170; Thăng Long cổ tích khảo.
3. Đại Việt sử lược, Q. 1, tr. 12b.
4. Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, Q. 5, tr. 14b-15a.
5. Nguyễn Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán 1975. Hà Nội nghìn xưa, Hà Nội: 152

Không có nhận xét nào: