Nguồn: http://mag.ashui.com/index.php/congdong/kysu/43-kysu/382-kho-phat-trien-do-thi-ngam-o-viet-nam.html
Dothi.net
Thi công tốn thời gian, phí quản lý, bảo dưỡng, vận hành đắt đỏ, công trình và đô thị ngầm còn vấp phải khó khăn nữa là các thành phố lớn tại Việt Nam đều chưa có đồ án quy hoạch không gian ngầm.
Ngày 22/10, hội thảo khoa học "Những bài học kinh nghiệm và quốc tế về công trình ngầm đô thị" đã nhận được nhiều tham luận và ý kiến đóng góp trực tiếp của các nhà khoa học. Trong đó, lo ngại lớn nhất được nhiều chuyên gia nhắc đến là Việt Nam đang thiếu quy hoạch ngầm đô thị, điều này sẽ kéo lùi khả năng phát triển không gian ngầm trong tương lai.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vincom, ông Lê Khắc Hiệp, nhận định, tiềm năng dưới lòng đất rất lớn đã vượt ra ngoài phạm vi công trình đơn lẻ mà mở rộng ra thành đô thị ngầm. Song theo ông, do nước ta thiếu hoặc chưa đủ sức quy hoạch tầng ngầm nên tiềm năng này bị hạn chế, không phát triển đồng bộ.
Tương tự, Trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Tô Văn Trường, đã trình bày trong tham luận rằng, do thiếu nhạc trưởng quản lý công trình ngầm nên khi thi công đến đâu lại vấp phải đường nước, điện, viễn thông đến đó, càng làm kéo dài dự án một cách vô lý.
Ông Trường phân tích, các dự án nâng cấp đô thị thường gặp phải các công trình ngầm không tìm ra thân chủ, lại phải loay hoay đi tìm và bàn giao, cuối cùng lại vướng thêm nhiều thủ tục nhiêu khê mới thoát.
Khẳng định hiệu quả khi đầu tư công trình ngầm, cố vấn cao cấp Công ty Apave Việt Nam và Đông Nam Á, ông Nguyễn Văn Quảng, chỉ ra mô hình không gian ngầm tại thủ đô Matxcơva (Nga) đã tiết kiệm khoảng 5.000 ha đất đô thị. Ông Quảng cho rằng trong điều kiện quỹ đất đô thị tại Việt Nam hạn hẹp, chi phí giải phóng mặt bằng đắt đỏ, hướng phát triển trong lòng đất là một giải pháp cần cân nhắc để đầu tư cho tương lai.
Cảnh báo từ các sự cố công trình ngầm gần đây, Giám đốc Liên hiệp Địa chất Công trình Xây dựng và Môi trường, Đặng Hữu Hiệp, khuyến cáo doanh nghiệp phải khảo sát địa chất nghiêm túc khi thi công trong lòng đất.
Chuyên gia này nhấn mạnh, Việt Nam đang diễn ra thực trạng nhà đầu tư giao trọn gói cho đơn vị thiết kế. Với tiêu chí tiết kiệm, nhiều doanh nghiệp đã lơ là những yêu cầu khảo sát thực tế, để xảy ra sự cố, gây lãng phí nghiêm trọng.
Việc khảo sát địa chất và xác lập quy trình kỹ thuật xây dựng tầng ngầm đòi hỏi phải có
những yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của lĩnh vực xây dựng ngầm (Ảnh: indochina-group)
Tại hội thảo, một trong những lo âu của giới chuyên môn là thiếu đội ngũ kỹ sư lành nghề trong lĩnh vực thi công ngầm. Hiện nay, các kỹ sư tay ngang đang phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ trong khi kinh nghiệm thực địa còn yếu.
Nhiều đại biểu đến từ các tỉnh phía bắc không giấu nỗi băn khoăn rằng, sinh viên được đào tạo thành kỹ sư xây dựng công trình ngầm tại ĐH Kiến trúc Hà Nội từ năm thứ nhất đến năm thứ tư chỉ ngót nghét 200. Khoảng cách từ lý thuyết đến thực hành còn xa và phải chờ vài năm nữa kỹ sư mới ra lò trong khi nhu cầu thi công ngầm quá lớn là một thiếu sót nghiêm trọng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực địa chất công trình, với rào cản về con người và lịch sử quy hoạch còn non kém cho thấy khó phát triển đô thị ngầm tại Việt Nam theo tốc độ đô thị hóa vũ bão như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét