Một cậu bé tại Iraq phải rửa mặt bằng nước thải tại một khu vực ngoại ô Baghdad |
Khoảng một nửa dân số thế giới có thể sẽ phải đương đầu với nguy cơ thiếu nguồn nước sạch vào năm 2080 bởi những tác động thay đổi khí hậu - đó là cảnh báo được các nhà khoa học đưa ra dựa trên những kết quả nghiên cứu mới nhất trong khuôn khổ một chương trình nghiên cứu của LHQ về hậu quả của những thay đổi khí hậu do con người tạo ra.
- Châu Á: Khu vực có nguy cơ cao nhất
Wong Poh Poh, giáo sư tại Trường đại học quốc gia Singapore, là người đã đưa ra lời cảnh báo đầu tiên trong khuôn khổ một hội nghị khoa học về nguồn tài nguyên nước. Theo ông, tình trạng nóng lên trên toàn cầu sẽ phá vỡ mọi chu trình lưu thông theo quy luật trước đây của các nguồn nước, làm gia tăng tình trạng lụt lội, hạn hán nghiêm trọng cùng với những cơn bão - tất cả sẽ khiến cho nhân loại gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận và khai thác nước sạch.
Wong cho biết, Ủy ban liên chính phủ của LHQ về thay đổi khí hậu mà ông là một thành viên đã đi đến kết luận rằng, sẽ có khoảng 2 tỷ người trên trái đất phải sống trong tình trạng thường xuyên thiếu nước sạch vào năm 2050. Con số này sẽ tăng lên thành 3,2 tỷ người vào năm 2080, tức là gần gấp 3 lần số cư dân của hành tinh đang thiếu nước sạch hiện nay.
Tình trạng thiếu nguồn nước sạch - theo định nghĩa là loại nước mà con người có thể sử dụng cho việc uống, tắm và nấu ăn - đã khiến nhiều nông dân tại các nước nghèo phải đi bộ nhiều dặm trước khi lấy được nước sinh hoạt.
Trong khi nhiều người khác, bao gồm cả những cư dân tại các đô thị tồi tàn, đang phải đối đầu với nhiều loại bệnh tật là hậu quả từ việc uống các nguồn nước không sạch. Ngay từ đầu thập niên hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có báo cáo ước tính cho thấy, có khoảng 1,1 tỷ người không có khả năng tiếp cận với các nguồn nước sạch.
Châu Á, hiện đang là nơi sinh sống của hơn 4 tỷ con người, sẽ là khu vực có nguy cơ cao nhất, đặc biệt là tại hai quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc, nơi mà tình trạng bùng nổ dân số đã đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng về nguồn nước.
“Tại châu Á, việc phân phối các nguồn nước vốn đã không được công bằng và nhiều khu vực rộng lớn đang phải đương đầu với tình trạng thiếu nước sạch. Sự thay đổi khí hậu càng làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước này” - phát biểu của giáo sư Wong Poh Poh trong một hội nghị về nước của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là nơi có sự tham gia của nhiều nghị sĩ, quan chức chính phủ, viện sĩ, thương gia và các đại diện cho các nhóm khách hàng.
Theo ý kiến của các nhà khoa học, sự thay đổi khí hậu trên toàn cầu có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau, gây ra hạn hán tại một số vùng, trong khi làm tăng tình trạng lụt lội và sự khốc liệt của các cơn bão tại nhiều vùng khác. Hạn hán làm giảm bớt nguồn cung cấp nước, trong khi lũ lụt lại làm ô nhiễm các nguồn nước sạch.
Trong khi tình trạng mực nước biển dâng lên lại làm tăng độ mặn tại cửa của nhiều con sông, nơi mà nhiều người dân châu Á vẫn sử dụng làm nước uống. Còn theo như nhận xét của Rozali Ismail, quan chức đứng đầu Hiệp hội nước quốc gia tại Malaysia: “Khi nền văn minh của con người phát triển, môi trường thường lại chịu ảnh hưởng theo những chiều hướng tiêu cực. Những trận lụt lội, hạn hán, thay đổi quy luật mưa và nhiệt độ tăng là những dấu hiệu cảnh báo thực sự về tác động xấu của chúng ta đối với thiên nhiên”.
- Những kêu gọi với Nghị định thư Kyoto
Nhiều nhà khoa học tham dự hội nghị đã kêu gọi các chính phủ cần hợp tác nghiêm túc hơn về Nghị định thư Kyoto nhằm đấu tranh chống tình trạng nóng lên trên toàn cầu và bảo vệ các nguồn tài nguyên nước trong một giải pháp cấp bách và ngắn hạn.
Trong khi về lâu dài, các chính phủ cần phải xây dựng được một cơ sở hạ tầng để bảo vệ các khu vực bờ biển, cải thiện việc điều hành các lưu vực nước và tích cực triển khai nhiều công nghệ mới để tăng cường khả năng khai thác cũng như chất lượng của các nguồn tài nguyên nước.
LHQ hiện đang vận động cho việc thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 1997 - trong đó có hạn chế mức độ khí thải tại 37 quốc gia công nghiệp - bằng một hiệp ước mới hiệu quả hơn trong khuôn khổ một hội nghị sẽ diễn ra tại Copenhagen vào tháng 12-2009.
Cần biết là Nghị định thư Kyoto đã được tổng cộng 183 quốc gia ký vào năm 1997. Tuy nhiên chính nước Mỹ - quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới - đã từ chối tham gia hiệp ước này do lo ngại nó có thể làm tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. Trong khi một số quốc gia đang phát triển khác như Trung Quốc và Ấn Độ cũng từ chối chấp thuận một số điều khoản bắt buộc với lý do có thể làm hạn chế nhịp độ phát triển kinh tế của họ.
Các nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy, lượng nước được nhân loại sử dụng đã tăng gấp 6 lần trong vòng 100 năm qua và sẽ tăng gấp đôi cho tới năm 2050 chủ yếu cho việc tưới tiêu và các nhu cầu khác về nông nghiệp.
Một vài quốc gia đã phải đương đầu với tình trạng thiếu nước để đảm bảo cho việc sản xuất lương thực của chính mình. Rõ ràng, nếu không có những chiến lược toàn cầu, cũng như các chính sách hợp lý của từng quốc gia, hậu quả của việc thiếu nước sạch đối với nhân loại sẽ đặc biệt nghiêm trọng và khó có thể lường trước.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét