Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

100621- “Loạn”… tên đường, phố ở TPHCM

Dù đã có Hội đồng đặt tên đường từ 15 năm nay, thế nhưng hệ thống đường ở TPHCM vẫn đặt tên loạn xị đến nỗi các cơ quan quản lý cũng phải "bó tay" khi xác định tên đường.
Mức độ “loạn” thể hiện rõ nhất ở số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM: tính đến năm 2009, trên địa bàn TP có đến 60% số đường chưa có tên mặc dù các con đường này hầu như đều đã hoàn thiện, trải nhựa và dân cư đông đúc. Chính vì điều này khiến công tác quản lý của nhà nước và hoạt động liên hệ của nhân dân thêm phần phức tạp.
 
Ngoài ra, những con đường đã được đặt tên cũng phát sinh nhiều sai sót khiến người dân thêm rối rắm. Chẳng hạn như trên bản đồ quy định thì tên đường ngắn hoặc dài hơn trên thực tế như các tuyến đường: Hà Chương, Hà Đặc, Lâm Văn Tết, Nguyễn Thị Lắm, Phan Thị Hồ… Việc này khiến ngay các cơ quan quản lý cũng chẳng biết làm sao để xác định cho chính xác.
 
Một thực tế khác, khi Sở GTVT rà soát lại thì nhận thấy nhiều tên đường đã được đặt và xác định trên bản đồ nhưng “chưa được xây dựng hoặc không tìm thấy trong thực tế”. Cụ thể như các đường Rạch Dơi (quận 7), Bùi Chi Nhuận (quận 10), Đỗ Hành (quận 12), Võ Đình Sâm (huyện Bình Chánh)…
 
Những điều đó cũng chưa làm người dân khốn khổ bằng việc không thể biết là nhà mình nằm trên đường nào để liên lạc thư tín, giao dịch thương mại. Chính điều này đã nảy sinh việc người dân tự đặt tên cho con đường mình đang ở. Sẽ không có gì đáng nói, nếu không xuất hiện những cái tên… ngộ nghĩnh.
 
Chẳng hạn như con đường vòng cung chạy dưới chân cầu Sài Gòn (quận 2), nối đường Quốc Hương với đường Trần Não được người dân đặt tên là “Đường dưới chân cầu Sài Gòn”. Còn đường dẫn vào Trung tâm thương mại Bình Điền mới xây dựng thì được gọi theo đúng "chức năng" của nó: “Đường vào Trung tâm thương mại Bình Điền”.
 
Nhiều nơi người dân cũng nhận thấy cách đặt tên đường như trên khá phức tạp và dài dòng nên… tự sửa thành tên khác. Trường hợp đường “Tân Sơn Nhì nối dài Trương Vĩnh Ký” ở quận Tân Phú thì khá “sốc”. Vì người dân thấy có đường điện cao thế chạy qua nên quyết định đổi tên con đường này thành đường… “Điện Cao Thế”.
 
Đó là chưa kể những con đường nhỏ trong các khu dân cư vừa được cải tạo ở hầu hết các quận huyện được đặt bằng những cái tên thông dụng như: Hoa Lan, Hoa Phượng, Hoa Cúc hay đặt theo số…
 
Và vì rất thông dụng nên hầu như quận nào cũng có, đường số thì phường nào cũng có. Điều đó khiến ngay cả người dân TP tìm kiếm đường đi ở địa bàn lạ nhiều lúc cũng vô phương.
 
Đường Trần Hưng Đạo ở quận 1 nhưng trên địa bàn TP còn ít nhất 3 con đường nữa cũng mang tên này.
 
Ngay cả tên của các danh nhân lịch sử, danh từ lịch sử cũng thường xuyên bị đặt trùng lắp.
 
Chẳng hạn như Lê Lợi, Nguyễn Trường Tộ, Lam Sơn… được dùng để đặt cho 4, 5 con đường độc lập ở các quận khác nhau. Tên những danh nhân Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Nguyễn Công Trứ… cũng được đặt cho 3, 4 con đường.
 
Có thực tế trên là do thủ tục đặt, đổi tên đường hiện nay khá phức tạp, qua nhiều cấp quản lý. Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng của TP quá nhanh, các khu dân cư mới, các tuyến đường mới liên tục xuất hiện khiến việc đặt tên đường của Hội đồng đặt tên đường không theo kịp thực tế.
 
Hằng năm, Sở GTVT đều ban hành quyết định phân cấp cầu, đường bộ cho UBND quận - huyện và các Khu quản lý giao thông đô thị quản lý. Tuy nhiên, do tình trạng tên đường đặt loạn xị như trên nên công tác phân cấp quản lý rất khó khăn.
 
Vì vậy, Sở GTVT phải gửi công văn yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với UBND các quận - huyện và các sở ban ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Quy chế hoạt động của Hội đồng đặt tên đường cho phù hợp với tình hình thực tế, đẩy nhanh công tác đặt tên đường, khắc phục tình trạng "loạn" tên đường như trên.
 
Tùng Nguyên

Không có nhận xét nào: