Những "đặc khu tri thức" nếu hình thành sẽ là những hạt nhân, trước hết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội các vùng miền và đất nước; kích thích sự phát triển, sự chuyển động tích cực của cả hệ thống đào tạo về chất lượng.
Những ngày này, có một vấn đề không chỉ làm nóng lên bầu không khí tranh luận căng thẳng trong nghị trường Quốc Hội, mà còn như hun đốt thêm xã hội vốn đang hầm hập bởi nắng nóng. Đó là chủ trương làm đường sắt cao tốc với số vốn vay đầu tư nước ngoài khổng lồ- 56 tỷ đồng.
Có một thứ cần ưu tiên "cao tốc": Giáo dục đại học
Không biết cái nút bấm ĐSCT sắp tới trong QH ngả về bên nào, bên đồng tình hay phản đối, xin hãy cứ chờ đợi tới giờ...G! Nhưng trong khi ý kiến phản biện liên tiếp, từ các chuyên gia về kinh tế, tài chính, giao thông...còn chưa ngã ngũ; cũng như ý kiến phản đối quyết liệt của người dân chưa hề nhượng bộ; thì những người ưu tư đến giáo dục lại đặt một câu hỏi- như một phương án phát triển khác, thay thế hợp lý hơn. Đó là đất nước lúc này có một thứ cần ưu tiên "cao tốc" hơn cả đường sắt: Giáo dục đại học?
Phương án này xuất phát từ thực tiễn GDĐH nhiều năm nay.
- Tuy nhà nước có quan điểm "GD là quốc sách hàng đầu", với tỷ lệ đầu tư GD chiếm 20% ngân sách, (dành riêng cho GDĐH 10%), nhưng so với con số tuyệt đối, sự đầu tư này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu đào tạo có chất lượng.
- Nhìn ra thế giới, so với GD các nước phát triển, nếu như GD phổ thông không đáng lo ngại lắm, thì ngược lại, GDĐH đã và đang tụt hậu rất nguy hiểm, trong khi đó, đây lại là khu vực tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế xã hội giai đoạn hội nhập. Thực trạng lạc hậu kéo dài đó của GDĐH đòi hỏi nhà nước cần có những quyết sách táo bạo, dựa trên cách tư duy mới và khôn ngoan.
- Việc đầu tư tới 56 tỷ đồng, một số tiền quá lớn vào ĐSCT, cho dù đó là xu hướng phát triển hiện đại trong tương lai, nhưng hiện tại, nhu cầu đi lại của con người chưa tăng cao, và còn có nhiều phương tiện giao thông thay thế, thì nên chăng, xin nhà nước hãy ưu tiên đầu tư 6 tỷ đồng, con số lẻ, chỉ bằng gần 1/9 của số tiền đi vay, cho việc xây dựng 6 trường đại học có chất lượng cao, tạo ra 6 "đặc khu tri thức" gắn với sự phát triển kinh tế xã hội vùng miền.
"Đặc khu tri thức"- hạt nhân của sự phát triển
Gợi ý này, xuất phát từ quan điểm bất di bất dịch- GD là động lực phát triển, đầu tư cho GD là đầu tư có lãi.
Những "đặc khu tri thức" đó nếu hình thành sẽ là những hạt nhân, trước hết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội các vùng miền và đất nước. Thứ nữa, kích thích sự phát triển, sự chuyển động tích cực của cả hệ thống đào tạo về chất lượng.
Nếu làm được như vậy, những "đặc khu tri thức" ấy sẽ chính là những đường cao tốc trí tuệ đưa đất nước cất cánh vào tương lai.
Tác giả: Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét