Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

100604- 'Việt Nam đừng trèo quá cao kẻo ngã đau vì đường sắt cao tốc'

Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định sẽ không tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và cảnh báo Việt Nam có rất nhiều thứ sẽ cần phải cân nhắc để tránh cho các thế hệ tiếp theo một gánh nợ khổng lồ.
> Đường sắt cao tốc dưới góc nhìn quản lý doanh nghiệp

Trong số những yếu tố cần cân nhắc trước khi quyết định dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD, chuyên gia kinh tế trưởng Martin Rama của WB khuyên Việt Nam nên chú ý đến 3 điểm chính, đó là GDP trong những năm tới là bao nhiêu, chính sách cho vay của nhà tài trợ ra sao, dài hạn hay ngắn hạn và cuối cùng là yếu tố về dòng tiền tệ sẽ như thế nào.

"Việt Nam đừng trèo quá cao kẻo ngã đau. Có rất nhiều thứ sẽ cần phải cân nhắc để tránh cho các thế hệ tiếp theo một gánh nợ khổng lồ", ông phát biểu trong cuộc họp báo chiều 3/6 trước thềm Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sắp tổ chức tại Kiên Giang vào ngày 9 và 10/6 tới.

Điều khó khăn là khi Việt Nam tiến lên thành một nước có thu nhập trung bình, nguồn ODA và các chính sách ưu đãi lãi suất cho vay sẽ không còn được như trước nữa. Bên cạnh đó, để làm được những siêu dự án lớn, Việt Nam cần phải có một tư duy cũng thật lớn, ông Martin Rama khẳng định.

Martin Rama
Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong buổi họp báo chiều 3/6. Ảnh: T.B.

Ông Martin Rama nêu một ví dụ về Hàn Quốc. Hàn Quốc có rất nhiều Chaebol, tức là các tập đoàn có quy mô siêu lớn. Việt Nam chưa có tập đoàn nào được gọi là một Chaebol của đất nước và nếu muốn noi gương Hàn Quốc, sự nỗ lực sẽ vô cùng lớn, và hơn thế, cần phải có tư duy xứng tầm.

Những siêu dự án như thế này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ càng, tránh tình trạng leo quá cao và hậu quả là ngã cũng đau, ông Martin Rama cảnh báo.

Khi được đề nghị đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án này, ông Martin Rama cho biết rất khó có thể tính toán được. "Hãy nhớ lại một ví dụ khác là dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trước khi dự án đi vào thực thi, đã có nhiều ý kiến không đồng tình về địa điểm đặt nhà máy, rằng sẽ không có lợi về mặt kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay kể cả khi nhà máy đã đi vào hoạt động, người ta vẫn chưa có câu trả lời chính xác về hiệu quả kinh tế của nó", ông phát biểu.

Trong khi đó, đại diện từ Ngân hàng Thế giới nhận xét cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn rất nhiều thứ cần phải cải thiện. "Ngay cả tại các khu đô thị lớn, điều kiện đường xá vẫn còn rất khó khăn. Thách thức về cơ sở hạ tầng hiển hiện khắp nơi, hàng ngày. Người dân cứ ra đường là gặp ngay ổ gà, ổ voi khấp khểnh. Không chỉ riêng ở các thành phố lớn mà đường xá nối từ địa phương này đến địa phương khác cũng trong tình trạng thấp", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận xét trong buổi họp báo diễn ra chiều nay ở Hà Nội.

Bên cạnh đường xá, cơ sở hạ tầng về điện năng cũng còn nhiều việc phải bàn. Dù đã cải thiện hơn nhưng cho đến nay, tình trạng thiếu điện tiếp tục là một thách thức đối với từng gia đình, từng hộ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp phải sử dụng máy nổ hay điều chỉnh lịch làm việc theo giờ cắt điện, khiến chi phí sản xuất tăng lên. "Nếu Việt Nam muốn tăng sức cạnh tranh, thì cơ sở hạ tầng phải được ưu tiên hàng đầu", bà Victoria Kawka khẳng định.

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM đã được Chính phủ trình lên Quốc hội từ tháng 4 và đến tháng 5, dự án này trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng tại Quốc hội cũng như trong dư luận. Theo dự tính ban đầu, tuyến đường sắt có chiều dài 1.570 km, với tổng vốn lên tới gần 56 tỷ USD.

Nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng Việt Nam sẽ càng nặng gánh nợ, vốn đã vượt 42% GDP khi các nhà thiết kế dự án định đi vay để làm đường sắt cao tốc. Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á nhiều khả năng sẽ nằm trong số những nhà cung cấp vốn cho dự án này.

Thanh Bình

nguồn: http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/06/3BA1C953/

Không có nhận xét nào: