Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

100614- Hàng trăm tỉ đồng “bỏ hoang” sau vụ án Rusalka

Trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân là hai phạm trù độc lập với nhau. Thế nhưng, trong vụ án Rusalka, cả hai phạm trù trên được hiểu như một, hậu quả là một dự án đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng phải “đắp chiếu”.
Một số hạng mục Rusalka đang bị bỏ hoang gây lãng phí.
 
Hơn trăm tỉ đồng bị bỏ hoang!
 
Dự án Rusalka (tiếng Nga có nghĩa là Nàng tiên cá) do Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) làm chủ đầu tư trên diện tích đất ven bờ biển TP Nha Trang, Khánh Hoà, rộng 43,8 ha.
 
Theo giấy phép kinh doanh, RIT là công ty liên doanh 100% nước ngoài của 3 pháp nhân quốc tịch Nga gồm Elaitrox, Luzhniky-DHL và DHL Cargo.
 
Dự án được cấp phép đầu tư năm 2000 với tổng số vốn dự kiến 15 triệu USD do Nguyễn Đức Chi là Chủ tịch HĐQT, khi hoàn thành đây là sẽ là khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp với hệ thống khách sạn, sân golf 9 chỗ cùng các dịch vụ hội nghị…
 
Tuy nhiên, sau khi Nguyễn Đức Chi bị cơ quan CSĐT truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạn tài sản” trong một vụ án, toàn bộ diện tích đất cấp cho dự án Rusalka như: các dãy nhà A,B,C, nhà văn phòng, nhà làm việc, đón tiếp... đã bị kê biên để phục vụ điều tra.
 
Đồng thời trên cơ sở đề nghị của CQĐT (Bộ Công an), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định rút giấy phép đầu tư đối với RIT và UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho dự án này. Vì vậy dự án Rusalka đang triển khai dở dang buộc phải dừng lại.
 
Liên quan đến vụ án này, sau đó toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại tiếp tục kê biên toàn bộ dự án Rusalka (để đảm bảo cho việc thi hành án). Điều đáng nói ở đây là trong khi tài sản mà Nguyễn Đức Chi phải thi hành án là trên 2 tỉ đồng nhưng “tòa” lại kê biên toàn bộ dự án Rusalka mà RIT đã đầu tư trên 131 tỉ đồng.
 
Ai tiếp nhận Rusalka?
 
Như một động thái sửa lỗi thiếu sót của cấp tòa phúc thẩm, ngày 1/4/2010 (gần 5 năm sau khi vụ án xẩy ra), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm số 07/2010/HS-GĐT, theo đó huỷ bỏ việc kê biên tài sản của dự án Rusalka đồng thời đình chỉ vụ án về phần này.
 
Tuy nhiên, trong bản án không hề đề cập đến việc ai sẽ là người có quyền tiếp nhận số tài sản hợp pháp vừa được giải tỏa ở Rusalka, bởi chủ sở hữu hợp pháp là Công ty RIT thì đã không còn tồn tại (do dự án Rusalka đã bị Bộ Kế hoạch - Đầu tư rút giấy phép và chấm dứt hoạt động từ năm 2006).
 
Nhiều ý kiến cho rằng, việc duy trì các quyết định thu hồi nói trên xuất phát từ đề nghị của Cơ quan CSĐT nhằm phục vụ cho vụ án “lừa đảo...” nhưng nay vụ án đã được chứng minh không có hành vi “lừa đảo...” thì các quyết định đó cũng không có lý do gì để tồn tại.
 
Chưa nói, căn cứ pháp lý của việc chấm dứt hoạt động đối với dự án Rusalka còn nhiều điều chưa ổn. Theo khoản 4, điều 65 Luật Đầu tư, dự án đầu tư có thể bị chấm dứt trong trường hợp “do vi phạm pháp luật”.
 
Chủ thể vi phạm pháp luật ở đây chỉ có thể được hiểu là chủ dự án đầu tư, tức Công ty RIT mà RIT thì không có hành vi vi phạm pháp luật nào cả. Hơn nữa, khoản 5, điều 42, Luật Doanh nghiệp quy định: khi nhân danh công ty để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm. Như vậy, liệu có oan khi buộc RIT phải gánh chịu trách nhiệm thay cho hành vi vi phạm (nếu có) của cá nhân Nguyễn Đức Chi?
 
Mổ xẻ trường hợp dự án Rusalka để thấy rằng việc áp dụng các biện pháp trong vụ án hình sự mà người bị truy cứu là doanh nhân, giám đốc... rất có thể sẽ làm cho doanh nghiệp của họ bị tổn thương nặng nề. Đây là vấn đề rất đáng được xem xét nhằm tránh những thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp và xã hội.
 
Hồng Ngân
nguồn:http://dantri.com.vn/c76/s76-402536/hang-tram-ti-dong-bo-hoang-sau-vu-an-rusalka.htm
 

1 nhận xét:

--Thông-- --Thông-- nói...

haiz, tham lam quá. Đang kiếm cớ để chiếm đoạt đây. Doanh nghiệp ko có quyền gì cả, ở các nước phát triển, ko có chuyện cướp tài sản như vầy! haiz