Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

100616- Nâng cao cơ sở khoa học và tính khả thi của quy hoạch Hà Nội

Tôi là người có may mắn được tham gia đóng góp ít nhiều vào hầu hết các đồ án quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, tôi muốn tham gia một số ý kiến cho đồ án quy họach chung Hà Nội cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Vốn là một cán bộ lâu năm trong ngành, tôi được tham gia quá trình xây dựng từ đồ án quy hoạch chung đầu tiên do chuyên gia Liên Xô lập giúp Hà Nội những năm 1960, đến đồ án quy hoạch chung Hà Nội cuối cùng trước khi tôi nghỉ hưu là đồ án do tập đoàn tư vấn Mỹ, Hàn Quốc cùng các chuyên gia quy hoạch Việt Nam công tác tại Bộ Xây dựng và Hà Nội lập trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 106/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998. Trong quá trình theo dõi các đồ án quy hoạch, chúng tôi chưa từng chứng kiến một đồ án quy hoạch chung nào của Hà Nội lại được các tổ chức, cá nhân tham gia, góp ý sôi nổi và phong phú như đồ án mới đây.

 

Có thể nói đó là một tín hiệu tốt, mở đầu cho việc dân chủ hóa đối với công tác quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Song có người lại cho rằng quy hoạch là thể hiện ý chí và quyền lực của lãnh đạo. Nếu đúng như vậy thì chúng ta cứ lập quy hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt rồi đem ra thực hiện, họp hành làm gì cho mất thời gian và tốn kém. Bài học cuộc sống dạy cho tôi là nếu ý chí và quyền lực mà không đi cùng với tiềm lực, cùng với sự ủng hộ của quảng đại quần chúng nhân dân thì sẽ thất bại.

Nhớ lại những năm trước, Nhà nước cho lập đồ án quy hoạch chung với ý định dời đô lên Xuân Hòa - Vĩnh Phúc. Vài năm sau, một lần nữa lại lập đồ án quy hoạch chung với ý định dời đô về Xuân Mai - Hà Tây. Cả hai lần trên đều tiêu tốn khá nhiều tiền của nhân dân, song không mang lại hiệu quả gì đáng kể.

Trở lại vấn đề tham gia ý kiến vào đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình, song lại rất nhiều ý kiến phân vân, hoặc không đồng thuận với nội dung đồ án. Nhiều ý kiến phản biện về nội dung của đồ án quy hoạch chung khá sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm trước một vấn đề trọng đại của Thủ đô và của đất nước.

Nhân dịp này tôi cũng xin nêu một vài vấn đề liên quan đến đồ án quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội mà tôi trăn trở, suy nghĩ.

Về quan điểm xây dựng Thủ đô Hà Nội:

Vấn đề về quan điểm xây dựng Thủ đô sao cho văn minh, hiện đại thì rất nhiều, tựu trung lại bản thân tôi chỉ mong Hà Nội xây dựng trở thành một thành phố Xanh, sạch, đẹp, yên bình. Người Hà Nội sống có  Văn hóa, có Bản sắc. Việc xây dựng Hà Nội được phát triển trong Trật tự, Vệ sinh và Bền vững.

Về quy mô dân số Thủ đô:

Hà Nội nên là một đô thị có quy mô dân số vừa phải. Không cần to kỷ lục, giống như câu chuyện Bánh chưng, bánh dày kỷ lục Việt Nam để mang đến lễ hội Đền Hùng. Trung Quốc với dân số 1.4 tỷ người song chỉ có 1% dân số cả nước sống ở Thủ đô Bắc Kinh. Hà Nội hiện nay dân số chiếm khoảng 8% dân số cả nước, trong đó khoảng 4% dân số cả nước sống ở Đô thị.

Trên thế giới rất ít nước có 10% dân số sống ở Thủ đô. Vì sao chúng ta phải đưa 10% dân số cả nước sống ở Thủ đô trong những năm tới. Thành phố càng lớn, công tác quản lý đô thị càng khó khăn, phức tạp, càng bất lợi khi có chiến tranh xảy ra. Chúng ta đừng quên chiến lược phát triển của Việt Nam là phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Mở rộng địa giới Hà Nội không phải là để đưa tất cả nông dân vào sống trong đô thị Hà Nội. Phải nhớ nghị quyết của Đảng là “Ly nông bất ly hương”. Vì vậy đồ án quy hoạch chung Hà Nội, ngoài việc chú trọng đầu tư xây dựng đô thị thì phải quan tâm đầu tư quy hoạch các vùng nông thôn rộng lớn của Thành phố, làm cho điều kiện sống của nông dân Hà Nội không khác biệt với người dân sống trong đô thị, đây cũng là một cách để hạn chế gia tăng dân số đô thị và giảm gánh nặng đầu tư cho đô thị.

Vấn đề Trung tâm Hành chính Quốc gia trong quy hoạch chung:

Trung tâm Hành chính Quốc gia dự kiến xây dựng ở đâu cũng là điều được nhìều người quan tâm, góp ý. Theo tôi Trung tâm Hành chính Quốc gia là bộ mặt kiến trúc tiêu biểu của Thành phố, là một bộ phận quan trọng cấu thành nên đô thị. Trung tâm Hành chính Quốc gia phải gắn với Trung tâm Chính trị và phải là nơi đến thuận lợi nhất cho quảng đại quần chúng nhân dân. Việc xác định địa điểm xây dựng Trung tâm Hành chính Quốc gia cần cân nhắc thận trọng nhiều mặt. Không phải ở đâu có đất rộng thì cho xây dựng. Được biết các cơ quan Bộ, ngang Bộ đóng tại Hà Nội, tuy xây dựng phân tán, song trụ sở làm việc đều rất khang trang, hiện đại. Vậy hà cớ gì chúng ta phải xây dựng thêm Trung tâm Hành chính Quốc gia ở Ba Vì. Công trình này có phải là một nhu cầu thật sự đối với Thủ đô Hà Nội trong tương lai hay không?

Bài học về chiến tranh vệ quốc của ông cha ta, là ở vào những thời kỳ lịch sử khó khăn, thế giặc mạnh. Ông, cha ta thường rút lên rừng, lên núi để bảo toàn lực lượng, tính kế lâu dài, chờ thời cơ. Nay đất nước ta ở thời kỳ thanh bình, thịnh vượng. Nhà nước đang tiến hành mở cửa, vươn ra năm châu, bốn biển hội nhập với thế giới bên ngoài. Tại sao chúng ta phải tính kế lên rừng, vào núi để xây dựng một công trình quan trọng tầm cỡ quốc gia?

Về nội dung đồ án quy hoạch chung Hà Nội:

Theo tôi, bản đồ án quy hoạch chung Hà Nội mới ở giai đoạn định hướng cho chùm đô thị Hà Nội. Nay mai Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt thì để triển khai xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch Hà Nội còn phải lập đồ án quy hoạch chung cho từng đô thị.

(Trong đó có đô thị Trung tâm và các đô thị Vệ tinh).

Về tính khả thi của đồ án quy hoạch  chung Hà Nội:

Muốn xây dựng Hà Nội trở thành một thủ đô lớn, văn minh, hiện đại như chúng ta mơ ước, Hà Nội cũng như Nhà nước phải đầu tư rất nhiều tiền của đề thực hiện được giấc mơ này. Nước ta là một nước nghèo trên thế giới. Nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia là bán tài nguyên, đất đai… Vậy tiền đâu để đầu tư xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại và rộng lớn đến như vậy. Nếu áp dụng hình thức cho người nước ngoài thuê đất đai, lập các dự án đầu tư xây dựng, hình thành bộ mặt Thủ đô thì trên mặt bằng Hà Nội sẽ có rất nhiều ông chủ, rất nhiều tô giới, rất bất tiện cho  người dân. Nhìn trên Hà Nội, giống như cái áo, có nhiều mảnh vá đẹp. Nếu áp dụng hình thức vay vốn nước ngoài để phát triển Đô thị Hà Nội thì hiệu quả chưa thấy đâu, song để lại gánh nợ lớn cho con cháu sau này. Nước Pháp là nước kinh tế phát triển lâu đời, tiềm lực kinh tế mạnh song tổng thống Pháp Sarkôzi với mơ ước xây dựng một đại Pari với chi phí khoảng 35 tỷ euro đã phải gác lại giấc mơ của mình vì sự phản đối mạnh mẽ của Đảng Cánh tả và Chính đảng cầm quyền, liêm minh vì phong trào nhân dân. Các cụ ta có câu “liệu cơm gắp mắm”. Chúng ta có quyền mơ ước, phải hướng tới tương lai, song lại phải xuất phát từ hiện thực kinh tế đất nước.

Kết luận:

Sở dĩ trong thời gian qua có nhiều ý kiến khác biệt xung quanh đồ án quy hoạch chung Hà Nội là do ý tưởng đồ án quy hoạch chung thể hiện một sự mong muốn chủ quan, nhiều tham vọng, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đất nước. Hồi nhỏ tôi vẫn nhớ câu chuyện ngụ ngôn “Con ễng ương muốn to bằng con bò”. Trong đồ án quy hoạch chung một số mô hình quy hoạch cho là tiên tiến của thế giới được áp dụng cho Hà Nội, song thực tế trên thế giới người ta đã thử nghiệm không thành công. Một số thuật ngữ chuyên môn trong đồ án giữa các chuyên gia và những người lập đồ án chưa chắc đã hiểu ngữ nghĩa giống nhau. Thời gian để tiến hành lập đồ án quy hoạch chung quá ngắn khó hòan thành nội dung nghiên cứu tiến hành quy hoạch chung Hà Nội quá lớn và phức tạp. Cho nên nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau và còn sự phân vân là điều khó tránh khỏi. Ngay cả các chuyên gia Mỹ, Hàn Quốc cũng chưa chắc đủ thời gian để tìm hiểu sâu thực địa, thâm nhập thực tế, tìm hiểu những vấn đề văn hóa, lịch sử Hà Nội. Công tác thiết kế quy hoạch không chỉ đơn thuần của bộ môn quy hoạch mà còn liên quan đến phạm trù xã hội.

Nếu chúng ta vội vàng đưa ra một quy họach có tầm vóc lớn cả về không gian và thời gian như vậy mà thời gian hòan thành quá gấp gáp, chưa xác lập đầy đủ những căn cứ cần thiết và đáng tin cậy thì e rằng 5 – 10 năm nữa thành phố Hà Nội lại xin Nhà nước cho điều chỉnh lại quy hoạch chung và câu chuyện các chuyên gia bàn cãi hôm nay sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ. Nhưng sự tốn kém và những hệ lụy của sự tính tóan thiếu thấu đáo và tòan diện đối với một quy họach lớn như vậy có lẽ cho đến nay chưa ai có thể lường được hết.

Kiến trúc sư Vương Đình Cát
Số 1 Bùi Ngọc Dương

nguồn: http://dantri.com.vn/c202/s202-402634/nang-cao-co-so-khoa-hoc-va-tinh-kha-thi-cua-quy-hoach-ha-noi.htm

1 nhận xét:

Ty Le Vang nói...

LTS Dân trí - Xây dựng Hà Nội mở rộng trở thành một thủ đô hiện đại, văn minh, phát huy được truyền thống văn hiến của Thủ đô ta không chỉ là nguyện vọng của nhân dân Hà Nội mà còn là nguyện vọng của nhân dân cả nước. Để từng bước thực hiện nguyện vọng thiết tha đó, Đồ án quy họach chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được xây dựng, được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và cũng là “vấn đề nóng” được đề cập trong Kỳ họp Quốc hội lần này.

Trong quá trình hoàn thiện và trước khi được phê duyệt, đồ án quy hoạch có vị trí hết sức quan trọng và có tầm vóc lớn như vậy rất cần có nhiều ý kiến phản biện, nhất là ý kiến của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch.

Với trách nhiệm là một công dân của Thủ đô Hà Nội, lại là một cán bộ làm công tác quy hoạch lâu năm, tác giả bài viết trên đã đóng góp một số ý kiến đáng quan tâm đối với đồ án quy hoạch tổng thể nói trên nhằm góp phần nâng cao tính khoa học cũng như tính hiện thực của đồ án này.

Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là những ý kiến nên xem xét trong quá trình hòan thiện cũng như phê duyệt đồ án.