|
Mái nhà dùng để sản xuất điện mặt trời của một hộ gia đình ở Đức - Ảnh do ông Nguyễn Minh Đồng cung cấp |
Trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, câu hỏi đặt ra là, tại sao không khai thác nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) từ mặt trời và gió ở từng hộ gia đình tại VN?
Mái nhà điện mặt trời
Trong khi nhiều khu vực trên đường Trần Hưng Đạo và những con đường lân cận ở Q.5, TP.HCM vào ngày hôm qua (30.6) bị cúp điện từ sáng tới chiều, thì tại trụ sở của Công ty CP năng lượng Mặt Trời Đỏ (Redsun) ở số 17 Phan Phú Tiên, P.10, Q.5 vẫn luôn có điện. Ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Redsun cho biết, đó là nhờ hệ thống điện mặt trời có công suất 1 kW được lắp đặt trên sân thượng và sắp tới sẽ nâng công suất lên 2 kW. Có điện mặt trời, công ty của ông Cánh không phải chạy máy phát điện gây ồn ào như cảnh thường thấy trên đường phố mỗi khi bị cúp điện.
Theo TS Tạ Bá Hưng - Cục trưởng Cục Thông tin khoa học công nghệ quốc gia, cứ mỗi một ngày trôi qua, mặt trời gửi xuống cho chúng ta từ 3-4,5 kWh/m2 (vào mùa đông) và từ 4,5-6,5 kWh/m2 (mùa hè). Tiềm năng về năng lượng gió tại VN, theo ước tính mới nhất của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 513.360MW (1 MW = 1.000 kW), tương đương với 200 lần công suất của thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Con số này cho thấy, VN là một trong những quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về những nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, việc khai thác năng lượng từ mặt trời và gió hiện nay còn rất hạn chế, chủ yếu đang được khai thác ở dạng nhiệt năng (dùng để đun nước nóng), trong khi điện năng thì chưa phát triển do giá thành còn khá đắt.
Ông Diệp Bảo Cánh cho biết, để đầu tư mái nhà điện mặt trời có công suất 1 kW như công ty ông, giá hiện thời khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư sẽ giảm được phân nửa nếu như chúng ta được phép hòa vào lưới điện quốc gia, vì sẽ không tốn tiền mua thiết bị lưu trữ điện trong nhà.
"Các tòa nhà công sở ở TP nên đi đầu trong việc đầu tư điện mặt trời, để tạo nên bước đệm cho đầu tư của toàn xã hội".
Ông Diệp Bảo Cánh-Tổng GĐ Công ty CP năng lượng Mặt Trời Đỏ
Hòa vào lưới điện quốc gia, được không?
Ông Diệp Bảo Cánh cho biết, việc này về kỹ thuật không có gì khó, các nước phát triển NLTT đều đã cho phép hòa vào lưới điện quốc gia nguồn điện mặt trời từ các hộ gia đình. Mỗi gia đình dùng điện mặt trời đều có 2 đồng hồ điện: một chiếc dùng để mua điện từ mạng lưới quốc gia và chiếc còn lại để bán điện từ nguồn điện mặt trời khi không sử dụng hết. Ở VN điều này chưa cho phép. Đó là rào cản lớn nhất của việc phát triển điện mặt trời và điện gió trong các hộ gia đình và cơ quan, công sở, doanh nghiệp.
Thiết bị thu năng lượng mặt trời và gió tại Công ty Redsun, TP.HCM - Ảnh: Mai Vọng
Theo ông Diệp Bảo Cánh, chi phí đầu tư điện mặt trời sẽ rất hiệu quả đối với những nơi xa xôi, dân cư sống thưa thớt. Như tại một nơi vùng sâu ở tỉnh Bình Dương, để kéo lưới điện quốc gia về cho vài chục hộ gia đình, theo tính toán phải tốn cả chục tỉ đồng. Nhưng khi sử dụng điện mặt trời, chỉ tốn chưa tới 2 tỉ đồng.
"Trước tiên, chúng ta nên khuyến khích những người có khả năng về tài chính và có ý tưởng bảo vệ môi trường tham gia đầu tư làm NLTT, để từ đó tạo làn sóng đầu tư phát triển nguồn năng lượng này".
Ông Nguyễn Minh Đồng
Giám đốc Công ty tư vấn kỹ thuật và chiến lược Devitec
Có nên theo mô hình của nước ngoài?
Chính sách của Đức đã khuyến khích người dân đầu tư làm NLTT, vừa giải quyết nhu cầu sử dụng năng lượng cho gia đình, cho công ty, giảm sự lệ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia, lại vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường (giảm khí thải CO2 nhờ giảm đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện) và còn có thể bán các chứng chỉ giảm phát thải khí CO2 cho cộng đồng quốc tế.
Câu hỏi đặt ra là, VN có thể áp dụng mô hình này hay không? Ý kiến của ông Nguyễn Minh Đồng là chưa nên. Ông cho rằng, nếu áp dụng ngay mô hình hỗ trợ từ Chính phủ như ở Đức mà hiện tại VN chưa có một ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện mặt trời và điện gió, thì VN sẽ trở thành nước nhập siêu, trở thành nước tiêu thụ các sản phẩm, thiết bị từ nước ngoài, mà sợ nhất là sản phẩm, thiết bị công nghệ kém chất lượng. Vì vậy theo ông Đồng, trước mắt, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ NLTT; nên có chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn cho các nhà đầu tư sản xuất thiết bị NLTT. Đồng thời, Chính phủ nên cho phép hộ gia đình bán lại lượng điện từ NLTT dùng không hết, để bổ sung nguồn điện vào điện lưới quốc gia. Nếu được như vậy, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình làm NLTT thay vì đầu tư mua máy phát điện chạy bằng xăng, dầu, vừa tốn nhiên liệu, gây ồn, lại vừa gây ô nhiễm không khí. Hơn nữa, máy phát điện chỉ được sử dụng khi bị cúp điện, còn điện từ năng lượng mặt trời hay từ năng lượng gió được sản xuất đều đều mà không phải dùng nhiên liệu.
Ông Cánh nhẩm tính mỗi quận, huyện tại TP.HCM chỉ cần có khoảng 30 công sở lắp đặt điện mặt trời, mỗi nơi có công suất khoảng 3 kW (chỉ chiếm diện tích khoảng 25m2 trên mái nhà), thì TP sẽ có công suất điện mặt trời từ công sở khoảng 2 MW, sản xuất được 2,7 triệu kWh điện mỗi năm.
Theo tính toán của ông Nguyễn Minh Đồng, hộ gia đình tại VN có thể đầu tư lắp đặt thiết bị điện mặt trời có công suất từ 3-5 kW, vốn đầu tư khoảng từ 9.000 - 15.000 USD. Nếu đầu tư bộ thiết bị có công suất 5kW, có thể dùng cho máy lạnh, máy giặt trong nhà, chi phí tốn khoảng 15.000 USD, sử dụng đến 25 năm vẫn còn có thể đạt được 80% công suất.
"Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các DN sản xuất sản phẩm, thiết bị NLTT giống như một số nước đang áp dụng. Như tại Mỹ, nhà đầu tư vào NLTT được khấu trừ thuế thu nhập. Về thuế giá trị gia tăng (VAT), hiện nay các sản phẩm điện mặt trời tại VN phải chịu 10% thuế VAT, nên giảm xuống còn 5% hoặc 0% để khuyến khích đầu tư, vì sử dụng sản phẩm điện mặt trời là góp phần giảm phát thải khí CO2, giảm ô nhiễm môi trường". (Ông Diệp Bảo Cánh)
Mai Vọng
nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201027/20100701005706.aspx
4 nhận xét:
Sorry, I don't use my laptop. There fore not Vietnamese here..
Phai tinh ra phan "recycle" khong he don gian chut nao. Xu minh quen "ta'i che'" nhung khong hieu qua. TLV co y' kien nao kha? thi cho battery cua loai solar power nay kg? Nhieu xu cung bo tay day.
năm 2009, trên báo Tuổi Trẻ hoặc Thanh Niên (TLV quên mất), có 1 loạt bài phân tích về vấn đề tài chính và hiệu quả khi sử dụng điện mặt trời- chỉ có những biệt thự có diện tích mái lớn mới có hiệu quả về kinh tế.
hiện nay, các linh kiện, thiết bị đều phải nhập- vì người dân còn chưa quen nên giá thành cao lắm.
theo TLV, cách tiết kiệm năng lượng, an toàn, kinh tết nhất hiện nay - nói nôm na là 'phải biết người biết ta". Cụ thể:
- dùng năng lượng mặt trời cho hệ thống nước nóng dùng cho các phòng tắm, rửa cho bếp,...giá thành trung bình 10 triệu/ bộ (tùy theo số lượng khu toilet và hệ thống đường ống )- cách này còn 1 ưu điểm khác là rất an toàn (đối với các máy nước nóng trong nhà tắm- nhiều trường hợp tai nạn vì điện giật).
- khai thác ánh sáng, thông thoáng tự nhiên tối đa. Không nên tham lam về diện tích. mỗi phòng có ít nhất 1 ô cửa tiếp cận trực tiếp với ánh sáng. Như thế, chủ nhà không cần phải mở những thiết bị điện vào ban ngày (đèn- quạt hút trong toilet; quạt trong phòng ngủ,...); hạn chế dùng vách kính...
Diện tích hợp lý nhất khi dây chuyền, thiết bị được bố trí khoa học, hợp lý.
Tái chế chỉ được áp dụng trong 1 vài lĩnh vực. Chờ đến khi phổ biến thì năng lượng cạn kiệt hết rồi...
Thôi, tốt nhất là lượng sức mình, tận dụng điền kiện tự nhiên tối đa là giải pháp thích hợp nhất cho tình hình VN hiện nay.
anh có ý tưởng nào không ? :-)
cũng hay đó, nhưng còn mắc quá.
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201026/20100626190221.aspx
Đăng nhận xét