Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

100612- Cái khó của đô thị là không nhìn thấy căn bệnh dàn trải?

Không nhận diện được Tài nguyên Di sản đặc trưng của thủ đô. Không đề xuất được mô hình phát triển. Với các ý tưởng mơ hồ, tự phát. Cùng với việc đề cao quá mức các đô thị quần cư, Quy hoạch Hà Nội đã biến thành một dự án bất động sản khổng lồ.

Tài nguyên di sản - Gánh nặng hình thức hay Động lực phát triển?

Trên thế giới hiện nay còn khoảng 29 thủ đô các quốc gia và vùng lãnh thổ có lịch sử 1000 năm tuổi; Bao gồm: Tunis (Tuy ni di); Tashkent (Uzbekistan); Jerusalem (Israel); Baghdad (Iraq); Algiers (Algieria); Vienna (Áo); Vientiane (Lào); Rome (Italia); Prague (CH Séc); Paris (Pháp); Nicosia (Đảo Síp); Lisbon (Bồ Đào Nha); Kiev (U-crai-na); Dublin (Ai-len); Bắc kinh (Trung Quốc); Budapest (Hung-ga-ri); Brussels (Bỉ); Bratislava (Slo-va-kia); Athens (Hy lạp); Yangon (Mi-an-ma); Cairo (Ai Cập); Beirut (Li băng); Damascus (Si-ria); Delhi (Ấn Độ); London (Anh); Sofia (Bun-ga-ri); Madrid (Tây Ban Nha); Seoul (Hàn Quốc); Hà Nội (Việt Nam).

Trong bảng xếp hạng 100 các thành phố có GDP cao nhất thế giới có 49 thủ đô; 15/ 29 thành phố 1000 năm tuổi thuộc nhóm này; 3 thành phố thuộc top 10; 10 thành phố thuộc top 50.

Sự thành công của các thành phố này là đáng tự hào. Điều này nói lên rằng Tài nguyên di sản (đô thị và nông thôn) đóng vai trò rất quan trọng.

Kinh tế di sản mang lại hiệu quả cao, vốn đầu tư thấp, song khó làm. Cũng như các ngành kinh tế giá trị gia tăng khác, rất cần nguồn nhân lực trình độ cao và sự đồng bộ của hệ thống. Tại Anh, hàng năm ngành kinh tế này cho một khoản thu nhập trên dưới 60 tỷ bảng (cao hơn GDP Việt Nam).

Tuy nhiên, phần đông (đặc biệt những nước chậm phát triển hoặc mới phát triển như nước ta) lại coi như một gánh nặng, không mang lại lợi ích cho đời sống hiện tại. Nhận thức này không chỉ nằm trong nhận thức trong xã hội mà còn ở trong suy nghĩ của những người có thẩm quyền; ở ngay chính những người làm quy hoạch. Vì vậy, việc bảo tồn di sản phần lớn chỉ mang tính hình thức (làm cho có).

Vậy Tài nguyên di sản của Hà Nội là gì?  Câu hỏi tưởng chừng rất dễ, song trả lời cho đầy đủ thật không đơn giản.

Lý do, nhận diện di sản là một quá trình, cái hôm nay ta đang coi rẻ, ngày mai đã trở thành vốn quý. Ai cũng có thể nói về di sản kiến trúc, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, nghệ thuật, di sản thiên nhiên (đã được xếp hạng) theo số đông, cái đã được thừa nhận. Song ứng xử với di sản thường không nhất quán.

Hơn thế, những cái có giá trị thường khó nắm bắt. Bảo tồn những cái sờ nắm được cũng đã khó, bảo tồn những di sản không nhìn thấy được khó hơn nhiều. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến các vấn đề Tài nguyên di sản cốt lõi của thủ đô Hà Nội (xin không nhắc lại những di sản phổ thông mà ai cũng biết) mà quy hoạch chung thủ đô Hà Nội không thể bỏ qua. Ngược lại, phải kế thừa và coi như Nền tảng, động lực phát triển trong nhiều thế hệ.

Vậy, Tài nguyên di sản Thăng Long - Hà Nội đặc trưng là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi này cần trả lời được những câu hỏi khác:

Tại sao trong lịch sử dựng nước, giữ nước, triều đại nào chọn Thăng Long Hà Nội (Ba Đình) làm thủ đô đều thịnh trị lâu bền?

Tại sao các bậc quân vương muốn cai trị đất nước bền vững đều phải tìm cách thuyết phục "sĩ phu Bắc hà" ủng hộ (mà sĩ phu Bắc hà lại chính là nhân tài quốc gia tụ hội về Thăng Long)?

Tại sao khi đất nước lâm nguy, chiến tranh kéo dài, lòng dân (cả nước) luôn hướng về Hà Nội?

Câu trả lời: Thăng Long - Hà Nội có di sản không phải thủ đô nào cũng có được đó là Di sản Niềm tin. Mất Hà Nội tức là mất nước, rời bỏ Hà Nội tức mất Niềm tin, hy vọng.

Tại sao trong 100 thành phố có GDP lớn nhất thế giới có tới 49 thành phố là thủ đô. Cả 3 trung tâm kinh tế, tài chính thế giới đều đang là thủ đô (Tokyo >600 năm), (London >1000 năm) hoặc đã từng là thủ đô (New York >200 năm). Các trung tâm tài chính đều đặt trong khu vực trung tâm, các khu vực đô thị lâu đời?

Tại sao các thành phố ban đầu chỉ với chức năng chính trị và văn hóa sau đó lại thành công về kinh tế như Washinton, D.C - hạng 11/100; Brasillia - hạng 56/100?

Tại sao các thành phố đông đúc, đắt đỏ như Tokyo, New York, London, Seoul, Delhi mà dân số vẫn không ngừng tăng. Các quốc gia này lại coi sự đô hội này như động lực phát triển?

Tai sao các thành phố thủ đô bao giờ cũng là trung tâm chính trị (chính phủ, nhà nước), văn hóa, lịch sử?

Câu trả lời: Đây là Di sản Chức năng - di sản đặc trưng của thủ đô; rời bỏ các chức năng này, thủ đô chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa; không thể tách rời kinh tế, chính trị và văn hóa, các chức năng này luôn hàm chứa trở thành nhất thể thủ đô, chỉ khác ở thứ tự ưu tiên mà thôi.

Tai sao văn hóa, đời sống Thăng Long - Hà Nội luôn được coi là chuẩn mực về thanh lịch, văn minh, văn hiến, đều được các địa phương và khách quốc tế lấy làm cơ sở văn hóa Việt Nam.

Tại sao giá đất, giá nhà Hà Nội, của ngon vật lạ từ các địa phương mang về gắn nhãn Hà Nội luôn đắt hơn nơi khác?

Câu trả lời: không chỉ là di sản tên gọi (hay địa danh), đây (tạm gọi tên) là Di sản Đẳng cấp (thủ đô) của hệ thống; tất cả các thủ đô (lâu dời) đều có dạng di sản này!

Hà Nội đã mở rộng, và thu hẹp nhiều lần, văn hóa mỗi vùng đất không thể sau một quyết định hành chính để trở thành vùng văn hóa khác.

Trong khi Hà Nội cũng giống như các thành phố thủ đô khác trên thế giới với đặc trưng mở, giao lưu, dung nạp thì Hà Tây (điển hình là vùng Ba Vì, Sơn Tây) văn hóa hoàn khác biệt.

Với những đặc trưng văn hóa vùng, Xứ Đoài luôn khép kín. Di sản đặc trưng là các công xã nông thôn có đời sống hướng nội, coi trọng truyền thống hơn sự thay đổi. Các hoạt động tâm linh được coi trọng hơn đời sống thực tế. Vì vậy, mới còn tồn tại Làng cổ Đường Lâm, Chùa Mía, Chùa Thầy, Chùa Tây phương, Đền Và, Đình Chu Quyến. Gần sát Hà Nội, người Sơn Tây vẫn duy trì phương ngữ "nói không dấu". Song, không mặc cảm.

Chúng tôi tin, người Hà Tây tự hào là người thủ đô chứ không tự hào là người Hà Nội.

Cũng giống như các vùng nông thôn khác trong tam giác đồng bằng Bắc bộ. Chính sự kiêu hãnh này đã giúp cho Việt Nam bảo vệ được bản sắc văn hóa của dân tộc dù đã bao lần bị ngoại xâm đô hộ.

Vậy di sản này gọi tên là gì?

Câu trả lời: đây là Di sản Công xã nông thôn Việt Nam; trước kia Hà Nội đã từng có di sản này tại các làng nghề ven đô (Ngọc Hà, Đại Yên, Vạn Phúc, Nhật Tân, Thọ Xương, Ngũ Xã v.v). Rất tiếc, giờ không còn nữa; Di sản này luôn gắn với đất lúa và vùng canh tác nông nghiệp.

Với việc đề xuất dời đô lên Ba Vì vào năm 2030 ~ 2050 đồ án đã đánh mất đi Di sản Niềm tin (rất dễ hiểu vì sao ý tưởng này không nhận được sự ủng hộ trong công luận và nhân dân).

Việc kết nối, phân bổ các đô thị dàn trải đã làm lẫn, mất đi sự khác biệt về không gian, xóa nhòa địa danh, văn hóa vùng và cực điểm là ý tưởng đề xuất trục Thăng Long đã cùng lúc tạo nên hiệu ứng kép:

Một mặt, ý tưởng quy hoạch này làm mất đi các tính chất đặc thù của các vùng đất, làm mất đi di sản được gọi Di sản Đẳng cấp (thủ đô) của hệ thống. Mà với di sản này phải hiếm mới quý (Paris, trải qua rất nhiều thế kỷ không mở rộng không gian đô thị thủ đô mới tạo ra giá trị gia tăng đáng kinh ngạc như đã nêu). "Tương phản tương sinh, tương đồng tương khắc" những gì khác nhau sẽ tôn lên, những gì giống nhau sẽ triệt tiêu lẫn nhau.

Mặt khác, với trục Thăng Long (khổng lồ) là 1 đề xuất theo phong cách Duy lý, thịnh hành vào thế kỷ 17 - 18 (Rene Descartes 1596-1690), không phù hợp với văn hóa Việt Nam vốn chuộng sự tinh tế và khiêm nhường; cùng lúc ứng sử thô bạo với di sản đô thị, nông thôn cả văn hóa Tràng An lẫn Xứ Đoài chứ không phải kết nối như ai đó đã nói: "Trục này vừa để phát triển kinh tế - xã hội, vừa để phát triển giao thông, vừa kết nối văn hóa giữa các vùng xứ Đoài với Thăng Long" ; nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201004/Chua-quyet-dia-diem-xay-Trung-tam-hanh-chinh-quoc-gia-905539/ Thực chất đây chỉ là ngụy biện, vì xưa nay không ai có thể kết nối văn hóa bằng một trục đường thẳng cứng và thô bạo như vậy cả, trên toàn thế giới.

Trục đường này chiếm đất lúa tới (350m*30km) 1.050ha không thể nói như một cách để bảo vệ Di sản (bối cảnh) Công xã nông thôn Việt Nam được nữa.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm, bảo tồn di sản cần nhất sự đồng bộ, vì vậy, sẽ là khiếm khuyết nếu không nhắc tới việc khôi phục các dòng chảy vốn được coi là đặc trưng của Hà Nội: cần kết nối Sông Tô lịch với Hồ Tây (không nên để thế hệ sau phải làm như Hàn Quốc khôi phục con suối Cheonggyecheon ở Seoul);

Với việc không có ý tưởng phát triển khu vực nội đô (tương tự như các thành phố giàu truyền thống khác đã phân tích ở trên) thành các trung tâm kinh tế (tài chính), thương mại, đồ án đã đánh mất đi Di sản Chức năng vốn đã, đang và sẽ là các động lực, năng lực cạnh tranh có chiều sâu cho tất cả các trung tâm kinh tế thế giới và biến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, du lịch Châu Á - Thái Bình Dương của thủ đô Hà Nội trở thành vô vọng.

Không kế thừa lợi thế có sẵn, thay mới đổi cũ không có lý do, đây chính là bẫy thu nhập trung bình của các nước Đông Nam Á mà qua cách nghĩ, chúng ta đang sa vào, với đồ án này.

Bài toán dễ là đặt ra các vấn đề bảo vệ di sản (kiến trúc, di sản văn hóa, lịch sử, vật thể và phi vật thể bằng lời) chỉ mang tính thủ tục. Đề xuất kế hoạch làm mới các Trung tâm Chính trị, Trung tâm Tài chính - thương mại quốc tế, làm nghèo đi Trung tâm Văn hóa, lịch sử, tập trung quy hoạch các đô thị quần cư  như các nội dung đã có trong đồ án. Điều này cũng có nghĩa khả năng kế thừa di sản đô thị chỉ là tối thiểu và hình thức.

Bài toán khó là trong khuôn khổ quy hoạch chung, cần có cái nhìn chiến lược ở quy mô bảo tồn cấu trúc Tài nguyên di sản (đô thị và nông thôn). Trong đó Di sản Niềm tin, Di sản Chức năng, Di sản Đẳng cấp (thủ đô) của hệ thống, Di sản Công xã nông thôn sẽ trở thành nền tảng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản khác.

Bài toán khó là dành quỹ đất xung quanh Hồ Tây, Ba Đình cho các chức năng chính của thủ đô: Trung tâm Chính trị - Văn hóa - Lịch sử quốc gia; Khu vực Hồ Gươm, Phố cổ cho các chức năng Trung tâm Hành chính - Văn hóa - Lịch sử thành phố Hà Nội; Khu vực phố cũ cho các chức năng Trung tâm Tài chính - thương mại quốc tế.

Bài toán khó là để Tài nguyên Di sản trở thành Động lực phát triển thực sự. Chỉ có như vậy mới khai thác được ưu thế cạnh tranh, biến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, du lịch Châu Á - Thái Bình Dương của thủ đô Hà Nội trở thành hiện thực.

Mô hình phát triển của đô thị thủ đô - Mơ hồ, tự phát hay Chủ kiến, chủ động?

Trên thế giới, các thành phố thủ đô không có một mô hình duy nhất để phát triển. Tuy nhiên, sự thành công lại có chung một đặc điểm: cần phải kiên định với các mục tiêu, tầm nhìn đã đề xuất. Điều khác biệt ở chỗ là phải hiểu biết thành phố muốn gì, tới đâu; cơ sở thực tiễn cho mục tiêu là gì, dung lượng rủi ro và khả năng hiện thực hóa theo giới hạn thời gian.

Một thành phố, nếu để tự nhiên sẽ không cần mô hình phát triển định trước. Sự phát triển của thành phố sẽ là tốt khi chuyển dịch chậm rãi. Tại các thành phố này, tính ngẫu nhiên luôn chiếm ưu thế; đặc biệt đối với các thành phố có bề dày lịch sử. Việc định ra một mô hình phát triển cụ thể, thậm chí phản tác dụng.

Cũng có không ít các thành phố lại cho thấy điều ngược lại: cùng với sự hình thành 1 cách mau lẹ, các thành phố mới nổi rất cần có những định hướng từ trước thông qua các mô hình phát triển (phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo).

Sự mơ hồ, tự phát, thiếu chủ kiến, chủ động sẽ đẫn đến sự bất công và hỗn loạn.

Trong khi, ở nơi này một số người không có nơi trú ngụ, không mảnh đất cắm dùi; ở nơi kia có những căn biệt thự bỏ không, để đất đai hoang hóa.

Tiếc thay, đây lại là sự thực của Hà Nội; và sự thực sẽ không ngừng ở đây khi mà trong chính bản quy hoạch đang đệ trình. Mô hình phát triển hoàn toàn vắng mặt dẫn dến một loạt các ý tưởng mơ hồ, thiếu luận cứ;

Cơ hội đang dần biến mất, trong khi hiểm họa xã hội lại càng ngày càng rõ nét, nếu thực thi theo ý tưởng của đồ án này. Có những sự tùy tiện, tùy hứng. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển khác, người ta giải quyết rất tốt vấn đề này, rất thành công về đô thị trong cả nghiên cứu quy hoạch, thực thi, quản lý phát triển.

Thành phố thủ đô có thuận lợi hơn các thành phố khác vì được thừa hưởng vị thế quốc gia. Ngược lại, hình ảnh, sức sống của thành phố này cũng ảnh hưởng trở lại tới vị thế của đất nước.

Phương pháp quy hoạch theo mục tiêu có thể xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia khác. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu 18 quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế lớn (thuộc nhóm G20).

Các số liệu, Biểu đồ (1) và Biểu đồ (2) cho thấy điều gì?

(1) 15/29 thành phố thủ đô 1000 năm tuổi nằm trong top100 các thành phố có GDP lớn nhất Hành tinh. Điều này khẳng định cơ hội phát triển đối với các thủ đô giàu truyền thống rất thuận lợi. Kinh tế di sản là một ưu thế cốt lõi của các thành phố này.

(2)  16/18 nước nhóm kinh tế lớn có thủ đô nằm trong top 100  thành phố là trung tâm kinh tế thế giới. Điều này thể hiện sự hưng thịnh của một quốc gia luôn gắn kết với sự phát triển, đẳng cấp của thành phố thủ đô.

(3) 4/18 thành phố thủ đô có mô hình chuyên biệt; trong đó Washington, D.C (hạng 11/100) và Brasilia (hạng 56/100) đã thành công khi chuyển đổi từ một đô thị hành chính sang mô hình phức hợp (văn hóa, lịch sử và du lịch) xuất phát từ thành công của quy hoạch đô thị, kiến trúc và hệ thống quản trị tốt. Ottawa và Canberra khả năng chuyển đổi mô hình diễn ra chậm hơn, vì vậy, sự thành công về kinh tế chưa đạt tới đẳng cấp của hai thành phố nói trên. Mô hình đô thị quyền lực nhà nước kết hợp văn hóa - lịch sử cũng có khả năng mang lại thịnh vượng cho quốc gia bằng phát triển các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.

(4) 14/18 thành phố có mô hình phức hợp, dựa trên nền tảng đô thị lịch sử, địa điểm truyền thống; Duy trì mật độ dân cư đô thị cao, có quy mô dân số thuộc nhóm lớn. Hiện nay, không còn thành phố nào (trong nhóm này) phát triển dựa vào hạt nhân công nghiệp. Các đô thị thủ đô (và các thành phố đã từng là thủ đô) đều phát triển theo mô hình lấy độ lớn thị trường thành phố, du lịch, dịch vụ và đặc biệt ngành tài chính làm hạt nhân phát triển.

Tiếp theo, trong 61 thành phố đông dân nhất thế giới; có 20 thành phố: Karachi, Pakistan (3/61); Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (5/61); Kinshasa, Congo (17/61); Lima, Peru (18/61); Bogotá, Colombia (20/61); Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam (21/61); Bangkok, Thái lan (22/61); Lahore, Colombia (26/61); Thiên Tân, Trung Quốc (29/61); Santiago, Chile (33/61); Trùng Khánh, Trung Quốc (35/61); Alexandria, Ai Cập (40/61); Shenyang, Trung Quốc (41/61); Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ (45/61); Johannesburg, Nam Phi (46/61); Abidjan, Côte d'Ivoire (48/61); Cape Town, Nam Phi (51/61); Durban, Nam Phi (52/61); Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên (55/51); Jeddah, Ả Rập Saudi (61/61); Trong đó: Thành phố có diện tích đô thị lớn nhất (Kinshasa): 9.965km2; nhỏ nhất (Jeddah): 1.230; Thành phố có số dân đông nhất (Karachi): 12.991.000 (hạng 3); ít nhất (Jeddah): 3.012.000 (hạng 61).

Các thành phố này đều có chung đặc điểm:

(1) Duy trì mật độ dân cư ở mức thấp <6.500/km2;

(2) 9/20 là thành phố thủ đô; không thành phố thủ đô nào (thuộc nhóm này) nằm trong top 50/100 của Danh mục các thành phố thủ đô là trung tâm kinh tế (GDP năm 2008);

(3) Không có thành phố nào thuộc nhóm thủ đô 1000 năm tuổi;

Như vậy, mật độ thấp và quy mô rộng lớn không phải là điều kiện cốt lõi cho sự thành công và trình độ phát triển, sức hấp dẫn của đô thị thủ đô. Ngược lại, sự mở rộng thái quá sẽ làm suy giảm các nguồn lực mà các quốc gia nghèo thường mắc phải.

Mô hình thành phố phát triển theo chiều rộng, không tạo ra việc làm tại chỗ và có cấu trúc càng ngày mở rộng sẽ là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường (Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ).

Dễ dãi trong quản lý đất đai dẫn đến không gian đô thị sẽ không ngừng giãn ra. Điều này, đối với xã hội giống như cho uống thuốc độc - càng uống càng khát!

Khó khăn trong quản lý đất đai sẽ tạo ra những thách thức, kích thích trí sáng tạo của xã hội. Đây mới là cơ hội giúp chúng ta thoát khỏi lời nguyền tài nguyên.

Vậy mô hình phát triển của Hà Nội sẽ như thế nào?

Trước hết, phải khẳng định không có mô hình lý tưởng hay chuyên biệt (bền vững) như một số người nghĩ; Bởi khi thành công, các đô thị này đều có khuynh hướng phức hợp hóa chức năng. Hiệu quả sử dụng tài nguyên của hai thành phố: Washington D.C. với diện tích 177km2; GDP 375 tỷ USD; xếp hạng 11/100. Hiệu suất GDP: 2,119 tỷ USD/km2 và  Brasilia GDP 110 tỷ USD, xếp hạng 56/100. Cũng phải nói thêm Washington D.C. có lợi thế không thể so sánh do vị thế quốc gia của Hoa Kỳ. Brasilia có lợi thế là thủ đô của một nước đông dân thứ 5 thế giới và thành phố đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1987 do thành công của sáng tạo quy hoạch và kiến trúc; Như vậy, hai thành phố này từ những đô thị chuyên biệt (hành chính - quyền lực nhà nước) đã trở thành những đô thị phức hợp bao gồm kinh tế du lịch và dịch vụ.

Trong Danh mục các thành phố là trung tâm kinh tế (GDP năm 2008), Cùng với Thành phố New York và London, Tokyo có nền kinh tế đô thị lớn nhất trên thế giới; cả 3 thành phố này đều đang là thủ đô (hoặc đã từng là thủ đô); 6 thành phố thủ đô nằm trong top10; 10/ top 20; 23/ top50; 45/ top 100. Các thành phố này đều nằm trong số những thành phố có số dân đông và mật độ dân dư đô thị cao nhất.

Chúng tôi xin nhắc lại xét về khía cạnh kinh tế, đô thị thủ đô luôn chiếm được sự thuận lợi tự nhiên về thị trường cũng như đẳng cấp (phân khúc trên) của hàng hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà thành công!

Mô hình phát triển đô thị phải xác định được rõ các hợp phần: phát triển nguồn lực (tài nguyên, tài chính, nhân lực, thị trường) phát triển chức năng; phát triển kinh tế; phát triển dân cư; phát triển hạ tầng xã hội; phát triển tiện nghi đô thị; phát triển không gian; phát triển hạ tầng kỹ thuật, làm tiền đề xác định giải pháp đô thị hóa; xác định quy mô, cấu trúc đô thị phù hợp với mô hình phát triển đô thị.

Phải xác định được hạt nhân phát triển có khả năng cạnh tranh thực sự về lượng và chất với các đô thị khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó nguồn lực con người với dân số đông, trẻ, tập trung sẽ trở thành sức mạnh chính (giai đoạn đầu) của đô thị; (Các nước Châu Á vốn chiếm ưu thế về thị trường đông đúc - đây cũng là bảo đảm cần thiết cho sự thịnh vượng của các thành phố như Tokyo, Thượng Hải, Seoul, Delhi, Mumbai).

Nghiên cứu, đề xuất và lựa chọn mô hình phát triển sẽ là sản phẩm có giá trị lớn nhất về mặt trí tuệ; thiếu nội dung này đồ án quy hoạch sẽ trở nên tầm thường. Tiếc thay, đây lại là sự thật.

Không đề xuất được mô hình phát triển; Với các ý tưởng mơ hồ, tự phát; Cùng với việc đề cao quá mức các đô thị quần cư, Quy hoạch Hà Nội đã biến thành một dự án bất động sản khổng lồ.

Đồ án mới chỉ đề xuất mô hình phát triển không gian; và dùng công cụ này giải quyết tất cả; Đây là một sai lầm có tính hệ thống, một bài toán ngược!

Một đồ án thực hiện một hệ thống các đô thị của một thủ đô ngàn năm tuổi, diện tích >900km2; dân số tới >9 triệu người mà không có mô hình phát triển làm cơ sở tư duy và kiểm soát hệ thống đã khiến chúng tôi kinh ngạc.

Xét trên phương diện này; đồ án Quy hoạch Hà Nội cũng giống như các đô thị của Việt Nam đã hình thành theo cùng một cách; Người ta vẫn theo tư duy định trước những đơn vị ở (dù là một thành phố cũng như đơn vị ở phóng to); Tất cả các nội dung của thành phố đều đã đóng gói sẵn sàng, được sử dụng đi, sử dụng lại cho nhiều thành phố khác nhau.

Trong thực tiễn thế giới (ưu việt), sự phát triển thành phố thường theo hướng ngược lại: Với một quỹ đất định trước cần suy nghĩ sao cho việc năng cao hiệu suất sử dụng đất ngày càng được cải thiện; Mô hình đô thị phải giải quyết được sự giảm thiểu các chuyển động theo phương ngang vốn là biểu hiện của tiện nghi đô thị thấp kém và là nguyên nhân của việc tắc đường hiện nay.

Một đô thị tốt cần phải giải quyết các chức năng như một động lực phát triển; Đồ án quy hoạch chung Hà Nội đề xuất một kế hoạch giãn dân ra khỏi khu vực nội đô (400.000). Kế hoạch này thể hiện một tư duy sai lầm đã có trước. Bởi, bất chấp mọi nỗ lực chống lại sức hút đô thị sự gia tăng dân số trong các đô thị dù có muốn hay không (việc này) cũng không thay đổi được điều gì.

Hơn thế, về mặt nhận thức, tồn tại suy nghĩ này là không thể hiểu được đối với đô thị học hiện đại; Bởi nó trái ngược hoàn toàn với mục tiêu phát triển. Cách nghĩ này có thể biến những đô thi phồn hoa trở thành hoang phế. Chính cách nghĩ này đã biến Thành phố Hồ Chí Minh đi từ Hòn Ngọc Viễn Đông tới đô thị của ngập lụt, ô nhiễm, rác thải, khói bụi và tắc đường.

Đô thị có rất nhiều tham số tác động; việc đề xuất các mô hình phát triển nhằm giúp cho các mục tiêu tiệm cận dần với thực tiễn; đô thị luôn gắn liền với một điều kiện định trước: đó là một quỹ đất giới hạn có nhiệm vụ phải đáp ứng sự biến động không ngừng của dân số đô thị; nó phải gắn kết, giải quyết xung đột  giữa mong mong muốn đáp ứng thật nhiều, ngày càng nhiều hơn các nhu cầu và sự không ngừng gia tăng các phát kiến công nghệ; một mặt công nghệ giúp cho nâng cao hiệu suất đô thị; mặt khác, sự lệ thuộc vào các kế hoạch định sẵn sẽ làm cho đô thị trở nên kém linh hoạt.

Khả năng thích ứng với sự biến động của xã hội sẽ xác định năng lực dung nạp hay khước từ của đô thị. Đây chính là đẳng cấp!

Giải pháp tốt là phải đưa ra những mô hình phát triển tối ưu so với điều kiện hình thành của nó. Tức thay vì tìm mọi cách để giảm thiểu sự gia tăng cơ học làn sóng di cư vào đô thị; cần chủ động hơn trong việc điều tiết theo nguyên tắc thị trường và nâng cao năng lực dung nạp của đô thị kèm theo giá phải trả của tiện nghi; Giá cả thị trường mới là nhân tố điều tiết đô thị chứ không phải giải pháp hành chính.

Người ta thường nhìn thấy những mặt trái của đô thị khi gặp phải những vấn nạn hiện nay của đô thị Việt Nam đã dẫn đến tư duy khôi hài là quy hoạch dường như chỉ có một mục tiêu là giãn dân và chống tắc đường. Người ta chưa một lần nhận thấy căn bệnh tư duy quy hoạch dàn trải mới chính là nguyên nhân gây ra các khó khăn của đô thị hiện nay.

Mô hình đô thị đa trung tâm cũng đã bị hiểu sai nghiêm trọng, khi người ta đề xuất có tới 3 trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia (cùng lúc hay cách 20, 40 năm cũng không gì khác nhau) bởi không phải chức năng nào cũng có thể phân bố rộng khắp. Đa trung tâm chỉ đúng với các dịch vụ thông thường và nguồn việc làm phổ thông.

Dịch vụ công chỉ có ở cấp cơ sở, sẽ không tồn tại dịch vụ công ở cấp Chính phủ, trước kia, bây giờ và sau này cũng như vậy. Càng kéo giãn thì càng xuất hiện dao động giao thông kiểu con lắc. Chính những dao động này khiến cho lưu lượng các phương tiện giao thông luôn luôn quá tải so với dự tính, chính chúng tạo ra sự hỗn loạn giao thông.

Mô hình phát triển không gian chỉ là hệ quả của mô hình phát triển; được khống chế bởi các giới hạn tài nguyên, năng lực, tiện nghi đô thị.

Xin nhắc lại: Sức hút của đô thị nằm ở chỗ đô hội. Sức mạnh của đô thị là tạo ra cỗ máy hoàn hảo (trong đó có khả năng phục hồi sức khỏe cả tinh thần và thể chất), dung nạp được nhiều người song vẫn không tạo ra sự cố về môi trường tự nhiên và xã hội.

Đô thị thủ đô một quốc gia phải là nơi quần tụ của các cư dân của đất nước đó, đến và đi, thành phố không có quyền khước từ.

Đô thị "thủ đô" của thế giới (Roma; New York; London; Paris; Tokyo; Washington D.C và các thành phố khác) cũng như vậy, không bao giờ khước từ nhân loại đến từ bất kỳ phương trời nào; Đây chính là sức mạnh cốt lõi, là động lực phát triển không riêng cho thành phố mà còn cho cả quốc gia và thế giới.

Nhận thức được điều này, khi kế hoạch di chuyển thủ đô của Hàn Quốc được chính phủ đệ trình, Lee Myung-bak (Tổng thống Hàn Quốc - Thị trưởng Seoul tại thời điểm đó, một chính trị gia và là doanh nhân tỷ phú), đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch này. Ông nói với báo chí rằng di chuyển vốn sẽ làm tổn hại lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nó.

Sau này, Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng đó là một việc "đáng xấu hổ" - "shameful"; nguồn: http://www.citymayors.com/environment/korea_newcapital.html; http://www.koreatimes.co.kr/www/news/nation/2010/01/116_58821.html).

Đây chính là bài học về Tầm nhìn tri thức!

Ngược lại, trong đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Ý tưởng lặp đi lặp lại và có vẻ như chủ đạo là giãn dân, mở rộng tràn lan không gian đô thị; Ấu trĩ thay!

Trong khi đồ án khẳng định mục tiêu của quy hoạch là làm sao nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Câu hỏi được đặt ra ở đây là Hà Nội sẽ cạnh tranh bằng gì?

Bài toán dễ là cứ triển khai đồ án quy hoạch theo thói quen, mơ hồ, tự phát như hiện nay, sử dụng vốn vay và (bán rẻ) quỹ đất ("Mặt mạnh của Hà Nội chính là quỹ đất" nguồn: http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Khong-de-tien-sot-dat-Ha-Noi-vao-tui-tu-nhan-913311/ ); và không có gì khác về mô hình phát triển?

Về vấn đề này, chúng tôi cũng nghĩ như Tổng thống Lee Myung-bak rằng đó là một việc "đáng xấu hổ" - "shameful".

Bài toán khó là phải khẳng định mô hình phát triển đô thị thủ đô dựa trên 4 trụ cột Chính trị - Văn hóa, lịch sử - Kinh tế - Tự hào dân tộc; Bài toán khó là phải cụ thể hóa được các khái niệm trừu tượng trở thành các giải pháp cụ thể, đảm bảo sự thành công. Các giải pháp này phải trở thành những nguyên lý chỉ đạo, duy trì sự thống nhất, có chủ kiến và chủ động.

Trong các bài toán khó, bài toán Mô hình phát triển là khó nhất; Người bình thường không làm được!

Hà Nội không có thế mạnh quốc gia làm chỗ dựa như Washington D.C; Không tìm được những nhà kiến trúc sư đại tài quy hoạch, thiết kế thành phố để sau 27 năm đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới như Brasilia; Không năng động như New York; Không tinh tế như Tokyo; Không bí ẩn như London; Không mộ đạo như Delhi.

Nhưng Hà Nội lại có sự thiêng liêng của Delhi; Thấm đẫm lịch sử như London; Sâu sắc như Tokyo; Khả năng ứng biến linh hoạt như New York; Và đông dân như tất cả!

Cái khó nhất hiện nay của Quy hoạch Hà Nội là làm sao có được những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, đức khoan dung như Tổng thống George Washington. Tổng thống Juscelino Kubitschek để có thể chọn được những kiến trúc sư lừng danh thế giới như Pierre Charles L'Enfant; Lucio Costa và Oscar Niemeyer tham gia quy hoạch.

Quy hoạch Hà Nội cần những nhà tổ chức biết tôn trọng ý nguyện của dân chúng, biết tập hợp những hào kiệt Thăng Long đến từ mọi miền đất nước.

Được như vậy, khó sẽ thành dễ.

Người xưa nói rằng: "Thiên hạ bĩ, quân tử ẩn".

Người xưa cũng nói: "Càn Khôn bĩ rồi lại thái, Nhật Nguyệt hối rồi lại minh".

Ức Trai (Nguyễn Trãi) khẳng định (Như nước Đại Việt ta từ trước): "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau; Song hào kiệt thời nào cũng có".

Chúng tôi nghe, nhớ, và hy vọng.

nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-11-cai-kho-cua-do-thi-la-khong-nhin-thay-can-benh-dan-trai-

Không có nhận xét nào: