Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

100531- Quy hoạch thủ đô: Thiếu tầm nhìn

Theo đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc, thủ đô Hà Nội từ năm 1954 tới nay đã có 6 lần quy hoạch nhưng tính khả thi đều rất thấp

* Phóng  viên: Quốc hội (QH) tuần này sẽ xem xét quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Nếu bỏ phiếu thì ông bỏ phiếu thế nào?

 
- Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi sẽ bỏ phiếu trắng như đã bỏ phiếu với nghị quyết của QH về việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội tại kỳ họp thứ 3 (QH khóa XII, tháng 5-2008). Chính phủ chuẩn bị bên trong thế nào tôi chưa được biết song rõ ràng những điều mà người dân và đại biểu QH như tôi biết đều quá ít. Tôi thấy chưa đủ an tâm, chưa đủ dữ liệu.
 
Chưa có tri thức đô thị hiện đại
 
* Những điều gì còn khiến ông băn khoăn?
 
- Chúng ta đang quy hoạch thủ đô thuộc loại lớn nhất thế giới và mong muốn làm thật hiện đại nhưng tri thức của chúng ta về một đô thị hiện đại chưa có. Khi không có văn hóa đô thị, tức là không có cái ruột bên trong thì không có cái “vỏ” nào có thể vừa được. Quy hoạch trên một địa bàn rộng lớn như thế song cái gì cũng thu hút về Hà Nội thì làm sao có thể phát triển được. Chúng ta đã biết dưới lòng Hà Nội cổ vốn là một con sông với nền đất yếu mà lại muốn có cả tàu điện ngầm, nhà cao tầng, đô thị dưới mặt đất... thì làm sao thực hiện được.
Mô hình thành phố bên bờ sông Hồng trong quy hoạch Hà Nội đang có nhiều ý kiến khác nhau
 
* Nhưng cơ quan soạn thảo lại cho biết chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đã trưng bày lấy ý kiến nhân dân?
 
- Đó chỉ là hình thức. Không có thông tin hay chưa đủ thông tin thì mỗi người có thể góp ý khác nhau. Ý kiến nhân dân rất vô cùng bởi phụ thuộc vào lợi ích, hiểu biết của mỗi người... Số đông sẽ quan trọng khi vấn đề quan trọng đã được giải quyết, tức là người có chuyên môn đã phát biểu đầy đủ ý kiến.
 
* Quy hoạch còn được liên doanh tư vấn quốc tế tư vấn?
 
- Đó là điều tốt song không thể bằng ý kiến của giới chuyên môn tại chỗ. Lực lượng này không chỉ hiểu biết về kiến thức quy hoạch chung mà biết rõ về thông thổ, địa lý, văn hóa, chiều sâu tâm thức của người VN, người sử dụng không gian thủ đô. Tôi cảm thấy chúng ta chưa lắng nghe đầy đủ các ý kiến hay có rồi mà chưa gạn lọc được hết các ý kiến giá trị.
 
Lo cho tính khả thi 
 
* Có hợp lý khi quy hoạch trung tâm hành chính sát chân núi Ba Vì nhưng hiện lại đang xây dựng trụ sở nhiều bộ ngành tại khu Mỹ Đình, cách đó vài chục km?
 
- Đó là do điều hành của chúng ta không có tầm nhìn xa. Rõ ràng nếu chính phủ nói việc mở rộng Hà Nội được chuẩn bị nhiều năm rồi thì không bao giờ có chuyện bất hợp lý như thế xảy ra.
 
* Việc đưa cơ quan đầu não hành chính lên sát chân núi Ba Vì có phải là một sự “dời đô”?
 
- Tôi không nghĩ đó là một sự dời đô vì nếu chúng ta đồng nhất hành chính với chính trị thì mới là dời đô. Nhưng đặt trung tâm hành chính ở Ba Vì có thuận lợi không thì chỉ những nhà chuyên môn mới nói được. Cái khó nhất hiện nay là nhận thức của những người thiết kế và những người sử dụng có độ chênh về chia sẻ quan điểm.
 
* Ông nghĩ sao về trục tâm linh gọi là trục Thăng Long trong quy hoạch?
 
- Trục tâm linh là có vì nó tồn tại trong tâm thức con người nhưng đừng biến nó thành con đường. Con đường hình thành là do công năng sử dụng của nó chứ đừng biến tâm linh thành con đường, nhất là xây dựng một con đường thì xây nhiều thứ hai bên con đường nữa. Đừng làm gì phá hủy môi trường sinh thái là một trong những yếu tố cấu thành không gian tâm linh.
 
* Ông thấy sao về tính khả thi của quy hoạch lần này?
 
- Đây đúng là điều đáng lo nhất. Quy hoạch hạ tầng phải đi đôi với quy hoạch thượng tầng. Trong thượng tầng đó có pháp luật, giáo dục và cuối cùng là con người. Quy hoạch thì phải kèm theo những giải pháp để thực hiện quy hoạch đó, đặc biệt là giải pháp về pháp luật. Đó là còn chưa nói tới điều khó hơn giải pháp pháp luật là tập tính, tập quán và hiệu quả thi hành pháp luật của chúng ta. Từ năm 1954 đến nay đã có 6 lần quy hoạch thủ đô rồi nhưng tính khả thi đều rất thấp. 

Cần hơn 90 tỉ USD cho xây dựng

 
Dân số Hà Nội hiện nay trên 6,4 triệu người. Đến năm 2020, dự báo dân số khoảng 7,1-7,4 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa đạt 64%; đến năm 2030, khoảng 9-9,2 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%. Năm 2050, đạt ngưỡng dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 80%.
 
Giai đoạn đến 2020, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí 30,7 tỉ USD, đến năm 2030 tăng thêm khoảng 28,9 tỉ USD và đến năm 2050, thêm 29,9 tỉ USD. Tổng cộng cần khoảng 90,5 tỉ USD cho xây dựng thủ đô đến năm 2050.
 
Phạm Dương thực hiện

Không có nhận xét nào: