- Tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sau khi làm đường có phải là… “đương nhiên” như một cán bộ Sở Xây dựng nhận xét?
- TS Phạm Sĩ Liêm: Siêu mỏng, siêu méo chỉ có thể xảy ra đối ở mỗi mảnh đất. Tất cả miếng đất trong một đô thị đều có một phương hướng. Khi một con đường được mở ra, nó chỉ đi theo một hướng nhất định và sẽ ăn lẹm vào những mảnh đất nó đi qua. Chính vì vậy mới xuất hiện những mảnh đất siêu mỏng, siêu méo. Còn việc để cho tình trạng xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo là do người làm quy hoạch - kiến trúc đô thị chưa có biện pháp cụ thể, chứ không phải là chuyện đương nhiên.
- KTS Trần Thanh Vân: Luật Quy hoạch đô thị rất rõ ràng. Việc xây mới, cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa và phá bỏ vật thể kiến trúc có ảnh hưởng đến không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phải xin phép cơ quan quản lý có thẩm quyền. Nếu đúng theo quy định pháp luật này, không cấp phép xây dựng cho chủ sở hữu những ngôi nhà này thì làm gì có chuyện xuất hiện ngày càng nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo? Nếu những ngôi nhà kiểu này vẫn được xây dựng thì phải tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao người dân lại có giấy phép xây dựng và phải xử lý nghiêm những người cố tình cấp phép. Phải coi việc phá bỏ những căn nhà xây dựng không có giấy phép là chuyện bình thường.
Làm đúng luật những căn nhà siêu mỏng sẽ không được xây dựng. |
- Cụ thể chính sách quản lý và phát triển đô thị hiện nay đang gặp những vấn đề gì?
- TS Phạm Sĩ Liêm: Tôi phải nói chính sách phát triển và quản lý đô thị hiện nay là sai lầm. Anh làm đường chỉ biết làm đường, không quan tâm đến việc cảnh quan, nhà ở hai bên đường ra làm sao. Nếu chính sách quản lý thật chặt, làm gì có chuyện làm đường đắt nhất nhưng cảnh quan lại xấu nhất. Do vậy, nếu chúng ta không đưa ra giải pháp đúng đắn thì nhà siêu mỏng, siêu méo cũng có thể được xây dựng trên đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu vừa được khởi công giữa tháng 4.
- KTS. Trần Thanh Vân: Chúng ta nói đất đai là tài sản quốc gia. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trong quá trình thực thi lại tạo ra cơ chế ưu tiên người này và o ép người kia. Người giàu thì được lấy đất, người nghèo thì “ngơ ngác” vì mất đất. Mất đất, mất nhà, không công ăn việc làm và việc đền bù không thỏa đáng thì việc họ quyết bám lấy mảnh đất của mình và xây dựng những căn nhà tạm bợ để làm ăn là chuyện đương nhiên. Chúng ta không nên đổ lỗi cho người dân mà phải hỏi năng lực quản lý của chính quyền sở tại sao lại những ngôi nhà xấu xí như vậy xuất hiện một cách lạ lùng.
- Tình trạng xuất hiện nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo xuất phát từ giá trị sinh lợi rất cao của những căn nhà mặt đường. Vậy giải pháp nào có thể đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà nước và người dân?
- TS Phạm Sĩ Liêm: Cách tốt nhất là khi phát triển một con đường, TP không chỉ quan tâm đến lấy đất mốc chỉ giới của lòng đường, vỉa hè. Chúng ta nên lấy đất để phát triển khu đô thị mới ở hai bên vệ đường, xây dựng khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê. Đời sống của người dân sẽ không bị xáo trộn nhiều khi được định cư ngay tại chỗ. Việc đền bù giải phòng mặt bằng sẽ được chia sẻ bởi các công ty xây dựng. Khi đó, Nhà nước sẽ không thể nói tới việc không có tiền giải phóng mặt bằng, mà việc xây dựng các khu đô thi, trung tâm thương mại ở đây sẽ làm cho hai đường đẹp hơn rất nhiều.
- KTS Trần Thanh Vân: Mở đường đem lại lợi ích cho xã hội, tuy nhiên khi lấy đất hai bên đường thì người hưởng lợi nhiều nhất là “nhóm lợi ích giữa chính quyền và doanh nghiệp”. Doanh nghiệp là người có tiền, còn Nhà nước là người đem lại cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư làm ăn. Do vậy, giải pháp mang tính triệt để là chia đều lợi nhuận giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người bị mất đất. Làm được như vậy, Nhà nước sẽ lấy đất xây dựng hai bên đường một cách dễ dàng và giải quyết được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.
- Xin cảm ơn!
“Trước đây, khi xây dựng tuyến đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng loạt chính sách để nhà siêu mỏng, siêu méo không xuất hiện hai bên đường. Tuy nhiên, chỉ vì lý do đền bù giải phóng mặt bằng không thỏa đáng dẫn đến việc làm hỏng luôn cả kế hoạch và mặt phố như hiện nay”, TS Phạm Sĩ Liêm.
Quang Phong (thực hiện)nguồn:http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Cu-mo-duong-la-co-nha-sieu-mong/20105/90992.datviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét