Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

100523- Lúng túng bảo tồn phố cổ

Không chỉ thiếu sự tham gia của người dân, việc bảo tồn phố cổ Hà Nội còn thiếu một hành lang pháp lý

Hội thảo quốc tế về bảo tồn phố cổ Hà Nội đã được Đại sứ quán Ý tổ chức hôm qua, 21-5, tại Hà Nội trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Sau hàng chục năm bảo tồn nhưng phố cổ Hà Nội vẫn còn nhếch nhác. Ảnh: YẾN ANH

Kinh nghiệm từ Genova

Kiến trúc sư (KTS) Giorgio Parodi - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Genova (Ý), người đã có một bài viết về Ô Quan Chưởng Hà Nội đăng trên một tờ báo lớn ở Ý - cho biết để Genova (nơi có các khu phố cổ ở Ý được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2006) trở thành một bảo tàng sống, cả chính quyền lẫn người dân ở đó đã phải mất 20 năm nỗ lực tôn tạo và bảo tồn. 20 năm trước, Genova cũng phải đối mặt với những vấn đề như phố cổ Hà Nội bây giờ, cũng “đau đầu” để tìm ra kế sách hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và chìa khóa cho sự thành công của Genova chính là sự ủng hộ tích cực của người dân.

Kinh nghiệm của TP này là không bảo tồn toàn bộ TP mà chỉ chọn ra 48 công trình cổ có giá trị nhất đưa vào danh sách đặc biệt. Số còn lại, tùy theo giá trị kiến trúc mà có những biện pháp hỗ trợ từ phía chính quyền. Theo KTS Giorgio Parodi, nhận thức được lợi ích từ việc bảo tồn, ở nhiều con phố, người dân tự bỏ tiền ra tu bổ mà không chờ chính quyền hỗ trợ.

Việc bảo tồn Genova được thực hiện cẩn thận, bảo tồn đến đâu, xây dựng cơ sở dữ liệu đến đó. Các hộ gia đình tự bỏ tiền ra tu bổ cũng phải theo chuẩn của bảo tồn và sự giám sát của chính quyền và Hội Kiến trúc sư TP. Các nhà máy, xí nghiệp trong TP phải di chuyển ra khỏi khu phố cổ...

Loay hoay trên giấy


KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội, khẳng định khi đánh giá về giá trị của khu phố cổ Hà Nội, tất cả các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều có chung nhận định: Đây là khu phố đặc trưng với cấu trúc đô thị cổ phong kiến, dù đã qua chặng đường phát triển dài với bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được tổng thể.

Tuy nhiên, gần 20 năm qua, Hà Nội vẫn cứ loay hoay tìm đường bảo tồn và quá lúng túng giữa việc gắn kết không gian tổng thể và từng kiến trúc đặc trưng. Từ năm 1995, Hà Nội đã bàn đến chuyện bảo tồn phố cổ. Từ đó cho đến nay, không biết đã có bao nhiêu dự án, bao nhiêu quy hoạch về khu phố cổ này được xây dựng nhưng tất cả chỉ dừng trên giấy.

Nguyên nhân do những quy hoạch phố cổ trước đây đều đi chậm hơn so với sự phát triển của xã hội. KTS Nghiêm nhấn mạnh: Hà Nội quá lúng túng trong các phương án bảo tồn, ngay cả việc thống kê có bao nhiêu ngôi nhà cổ có giá trị để đưa vào danh sách bảo tồn cũng thay đổi qua từng năm, số di tích ở khu phố cổ qua từng năm cũng không giống nhau như năm 1995 chỉ có 24 di tích nhưng đến 2008, con số này đã lên tới 104 và năm 2009, số di tích cần được bảo tồn ở Hà Nội vọt lên 121.

Theo gợi ý của các KTS đến từ Genova, việc bảo tồn phố cổ cần có sự kết hợp tổng thể giữa không gian chung, giữa vật thể và phi vật thể như lễ hội, không gian sống..., giữa kiến trúc truyền thống kết hợp khai thác các yếu tố mới. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các tiêu chí như giữ gìn phong cách kiến trúc cổ, cải tạo hạ tầng, thí điểm làm một vài nhà, một vài ô phố, tuyến phố...

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, một số vấn đề mà các KTS người Ý đưa ra, Hà Nội cũng đã làm nhưng không thành công vì không được người dân tham gia. Tất cả các dự án bảo tồn từ trước tới nay, những chủ thể của phố cổ vẫn đứng “ngoài cuộc”. Thêm vào đó, dẫu có nhiều văn bản pháp quy nhưng việc tu bổ, tôn tạo phố cổ Hà Nội vẫn thiếu một hành lang pháp lý, nên các dự án tôn tạo phố cổ vẫn loay hoay trên giấy.

Lan Hoàng

Không có nhận xét nào: