Theo sơ đồ, trục đường Thăng Long sẽ nối dài đường Hoàng Quốc Việt đến chân núi Ba Vì. Trên trục này sẽ đặt các công trình bảo tàng, thư viện, nhà hát, đài Độc Lập và các biểu tượng văn hoá khác.
Tham vọng của các tác giả đồ án là biến đây thành con đường độc đáo mà chỉ Thủ đô Hà Nội mới có và sẽ được thi công vào năm 2011.
Nhưng trên thực tế dự án khả thi được bao nhiêu phần trăm trong khi tổng vốn đầu tư lên đến 60 tỉ USD?
Người dân Hà Nội xem triển lãm quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: NLĐO)
Nhiều bất hợp lý đã nảy sinh. Ban đầu các công trình được xây dựng trên tiêu chí phục vụ cộng đồng, môi trường nhưng khi thực hiện lại gắn với mục đích lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi lẽ để có được 60 tỉ USD, dự kiến Hà Nội sẽ phải đổi cho các doanh nghiệp làm đường nhiều khu đất và dự án.
Phần lớn người dân cho rằng việc xây dựng trục Thăng Long là quá tốn kém và không cần thiết. Nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng hoài nghi về giá trị sử dụng của trục Thăng Long, chưa kể chuyện trục Thăng Long sẽ tạo nên khó khăn về việc di dân, giải phóng mặt bằng.
“Tôi không hiểu trục giao thông này đóng vai trò gì trong không gian giữa Hồ Tây và hồ Đồng Mô. Cả trục đường chỉ để nối khu thành cổ với trung tâm hành chính sẽ dời đến chân núi Ba Vì?”, đại biểu Vũ Đức Tân thẳng thắn nói.
Ngay cả một lãnh đạo Hà Nội cũng thừa nhận trục Thăng Long không giải quyết được nhiều về giao thông vì đã có đường 32 và đường Láng - Hoà Lạc.
Vậy có nên mạo hiểm đầu tư vào dự án tốn quá nhiều công sức, kinh phí mà nếu như thực hiện không tốt Hà Nội sẽ có một “đại quy hoạch treo” lớn nhất từ trước đến nay?
Và Hà Nội có nên theo đuổi ước mơ vươn tới một “đại thủ đô” khổng lồ, với nhu cầu 34.000 ha đất sạch và 90 tỉ USD tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2010 – 2050 để lớn gấp 3,4 lần hiện nay?
Những câu hỏi đó hàng triệu người dân Hà Nội đang mong chờ các nhà chức trách trả lời thấu đáo!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét