Người dân có 10 ngày để ngó và góp ý cho đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, kể từ 21.4 đến 1.5.2010, tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật VN, Hà Nội, nơi Bộ Xây dựng trưng bày bản vẽ quy hoạch tổng thể không gian, các bản vẽ về hạ tầng kỹ thuật, mô hình sa bàn và phim minh hoạ (kết quả >>).
Các giới chuyên môn đã có những ý kiến về đồ án quy hoạch này. Kỷ niệm 1000 Thăng Long, phải chăng cần thông qua Luật Thủ đô, đồ án Quy hoạch Hà Nội để “chào mừng”? Luật và Quy hoạch Thủ đô không thể là món quà “chào mừng”. Quy hoạch không phải cho 20, 30 năm mà cho hàng trăm năm, nên riêng cụm từ “đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” gắn với đồ án quy hoạch đã chứng tỏ khiếm khuyết cốt yếu của nó.
Đường Láng - Hoà Lạc (Hà Nội)
Quy hoạch không chỉ là vấn đề kiến trúc và xây dựng. Nó gắn với kinh tế, môi trường, văn hoá và quan trọng nhất nó định khung cho sự phát triển của địa phương hay đất nước trong thời gian dài có thể tính bằng trăm năm. Quy hoạch tốt thúc đẩy, còn quy hoạch tồi cản trở ghê gớm sự phát triển. Không thể làm một cách vội vã, khi chưa có đủ thời gian để tính toán một cách xác đáng. Theo tôi, nên công bố toàn bộ đồ án quy hoạch (kể cả các tài liệu thuyết minh) và để nhiều thời gian hơn cho các giới liên quan góp ý.
Lưu ý rằng, đây mới chỉ là đồ án quy hoạch chứ chưa phải là bản thân quy hoạch và vì thế việc góp ý còn phải kéo dài, chứ không thể viện cớ “đã lấy ý kiến của dân” để làm chuyện đã rồi. Thay cho góp ý cụ thể vào đồ án, hãy ngó lại người ta đã làm gì trong hơn 20 năm qua và đang làm gì ở vài khu của Hà Nội (và ở Hồ Chí Minh và các nơi khác cũng tương tự) liên quan đến giao thông (các khía cạnh khác có thể được xét tương tự).
Ba năm trước, năm 2007, người ta đã tính đến 2020 Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ hết kẹt xe. HĐND thành phố Hà Nội mới thông qua nghị quyết theo đó đến 2030 Hà Nội sẽ hết kẹt xe, tắc nghẽn giao thông. Nhìn cách các khu đô thị mới đã được xây dựng ở Hà Nội (và Hồ Chí Minh) hơn 20 năm qua và đang được xây dựng hiện nay, tôi có thể khẳng định nạn tắc nghẽn giao thông, kẹt xe sẽ chưa thể chấm dứt nếu không thay đổi triệt để việc quản lý quy hoạch và xây dựng. Đấy là công việc của chính quyền.
Hơn 20 năm trước khu Nam Thành Công được xây dựng. Người ta phân lô, làm đường mà 2 ôtô đi ngược chiều rất khó khăn. Dân cư tăng lên, nhà nhà đều tận dụng hết lô đất, thậm chí xây lấn ra thêm được phân nào hay phân đó. Và hậu quả là rõ ràng, kẹt xe, tắc nghẽn giao thông.
Đi lang thang một buổi sáng trong khu đô thị mới đang được xây dựng giới hạn bởi đường Cầy Giấy và đường trước bến xe Mỹ Đình. Hàng loạt nhà cao tầng, 15-20 tầng, đã và đang hoàn tất. Vẫn là phân lô cho các chủ đầu tư. Ai cũng “tiết kiệm” đất, tận dụng hết và nhà nọ cách nhà kia chỉ 1-2 mét, thậm chí ít hơn. Đường nội khu vẫn nhỏ, hai ôtô đi ngược chiều nhau hơi khó.
Các đường lớn có rộng hơn song cũng không quá 4 làn xe. Cống rãnh không đủ rộng hay sâu, hố ga lồ lộ trên đường và nhiều cái đã tắc. Ai đã qua Jakarta (Indonesia) vài chục năm trước đều thấy các đường chính thường có từ 8 làn xe trở lên mà nạn kẹt xe vẫn lớn. Vài năm nữa khi khu này hoàn thành, các văn phòng lấp kín các toà nhà, số người và xe cộ lưu thông tăng lên, nhất là vào các giờ cao điểm, nạn kẹt xe, tắc nghẽn giao thông sẽ là không tránh khỏi.
Hai thí dụ trên chỉ mang tính minh họa. Hiện tượng là phổ biến. Điều tương tự đã được nhiều người cảnh báo từ 25 năm trước. Chúng ta đã không rút ra được bài học từ cái sai của người khác, thậm chí từ sai lầm của chính mình cũng không.
Số người cư trú, số dân và phương tiện tham gia giao thông và độ rộng của các con đường có quan hệ đơn giản mà ai cũng hiểu: người và phương tiện tham gia giao thông đông hơn khả năng thông qua của con đường thì kẹt xe, ách tắc giao thông sẽ xuất hiện. Sinh viên năm thứ ba của tất cả các ngành kỹ thuật đều biết tính các bài toán tương tự với các công thức đơn giản (toán học gọi là lý thuyết xếp hàng hay phục vụ).
Hiện tượng là hệt như nhau trong giao thông, viễn thông, hệ thống máy tính, hay việc phục vụ ở các công sở, các quầy hàng. Hoặc cũng có thể dùng sự tương tự kinh tế để tìm hiểu. Khi cung là cố định (khả năng thông qua của con đường một khi đã xây xong với tốc độ giao thông cho trước là một con số cố định) mà cầu tăng lên (số người và phương tiện tham gia giao thông tăng) thì giá (thời gian đi) tăng lên và vượt một ngưỡng thì ách tắc sẽ xảy ra.
Tôi không tin các nhà quy hoạch lại không biết mối quan hệ này và không có các công thức tính toán. Chắc họ biết kỹ. Các quan chức, các đại biểu hội đồng nhân dân hãy xem xét kỹ các khu đô thị mới đang xây, suy ngẫm, lắng nghe, thì chắc sẽ có những quyết sách tốt hơn.
Một khi khu đô thị đã được xây, nó trói chúng ta trong 30-50 năm nếu không nói hàng thế kỷ. Và những hậu quả xấu có thể vô cùng tai hại. Cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, gây ô nhiễm môi trường, làm cho người dân sống ở đó căng thẳng dễ lâm bệnh, v.v... Và sửa chữa các sai lầm quy hoạch là vô cùng tốn kém. Hãy chỉ nghĩ đến đoạn đường 500 mét phải chi hơn 500 tỉ đồng ở Hà Nội.
Quy hoạch là chuyện phức tạp, nhưng dựa trên những điều đơn giản. Không thể hấp tấp, càng không nên vội vã để lấy thành tích “chào mừng”.
Nguyễn Quang A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét