Khi bàn về đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc ở nước mình, chúng tôi được nghe lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam viện dẫn kinh nghiệm đầu tư lớn đường sắt cao tốc của Trung Quốc, nên xin cung cấp vào thông tin để tham khảo thêm.
Con đường có thật đi trên các tầng trời
Hạ tầng cơ sở từ các tỉnh trung tâm lên Tây Tạng đã được Chính phủ Trung Quốc đầu tư tối đa. Đáng kể nhất chính là tuyến đường sắt nối liền từ Golmud (tỉnh Thanh Hải) đến Lhasa (Tây Tạng).
Từ những năm 1990, sau một thời gian điều nghiên thực địa, các chuyên gia hàng đầu của châu Âu được TQ mời tư vấn tuyến đường sắt này đã lắc đầu vì cho đó là chuyện không tưởng khi phải đào hầm xuyên qua hàng chục trái núi trong điều kiện khí hậu, tự nhiên quá khắc nghiệt. Nhưng các chuyên gia giao thông TQ vẫn cho tiếp tục.
Khởi công ngày 29/6/2001, khánh thành ngày 1/7/2006, tuyến Thanh Hải đi Tây Tạng (Lhasa ), dài 1.140 km, có độ cao 4.000m trở lên. Đây đường sắt cao nguyên dài nhất thế giới. Tổng chi phí xây dựng 4,2 tỷ USD. Tuyến đường sẽ kéo dài thêm 270 km, nối Lhasa tới Xigaze ( thủ phủ của vùng) và hoàn thành trong vòng 3 năm.
Để bảo vệ hành khách trước độ cao quá lớn, với điểm cao nhất của công trình lên tới 5.072 mét so với mặt nước biển. Không khí bên trong được điều hòa tự động để cân bằng tại những nơi thiếu dưỡng khí mà tàu chạy qua. Hành trình toàn tuyến hết 12 giờ. Tốc độ trung bình: 100km/giờ.
Thi công hầm qua vùng đất đóng băng, nơi nhiệt độ có thể tan nước trong đất gây sập hầm trong quá trình đào, các kĩ sư TQ đã vừa phải cấp o xy cho ngưòi làm việc, cấp nhiệt cho bê tông không bị vón cục do lạnh, lại đồng thời phải làm lạnh để băng đá trong đất không tan chảy - Tất cả các tình huống hóc búa được giải quyết cùng lúc.
Đổ bê tông trụ cầu (trong ảnh) khi nhiệt độ -8 độ C, họ đã phải bọc các lớp cách nhiệt và sưởi ấm các khuôn đúc để bê tông đông kết trong nhiệt độ 20 độ C.
Chuyện xứ mình
Ý tưởng này đang được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội. Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu cho dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, có tổng chiều dài là 1.555 km là 55,8 tỷ USD. Hơn 35 tỷ USD chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng, do Nhà nước đầu tư hoặc bảo lãnh vay, còn lại cho giải phóng mặt bằng, đầu máy toa xe và bảo dưỡng toa xe... do các doanh nghiệp khai thác vận tải tự lo.
Đường sắt cao tốc Bắc-Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ 350km/h. Toàn tuyến có 27 ga, trong đó 2 ga đầu cuối là ga Hà Nội và Hòa Hưng. Trên tất cả các đoạn tuyến trên, giá vé dự kiến bằng nửa giá vé của máy bay. Đoạn cuối Hà Nội-Tp.HCM sẽ khai thác vào năm 2035, kết hợp chạy 2 hình thức tàu nhanh và tàu thường đan xen; thời gian chạy 5 giờ 26 phút với tàu nhanh và 6 giờ 33 phút với tàu thường. Đây là kết quả nghiên cứu của liên danh tư vấn Việt -Nhật (VJC) gồm các đơn vị tư vấn trong nước và 3 đối tác Nhật Bản là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), Hiệp hội Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS) và Công ty TNHH Nippon Koei (NK)
Vừa rồi được nghe lãnh đạo ngành đường sắt VN viện dẫn kinh nghiệm Trung Quốc đang có chiến lược đầu tư lớn đường sắt cao tốc nên chúng tôi cũng trình bày vài thông tin tham khảo. Nhất là so sánh chi phí đầu tư, nếu có thể những nhà lập chiến lược Giao thông nước nhà có thể giải thích rõ hơn tại sao VN phải dùng đường sắt có giá thành cao đến thế: 35,6 triệu USD/km, gần gấp 10 lần tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng (3,7 triệu USD/Km), với vô vàn khó khăn kỹ thuật như đã trình bày ở trên?
Tất nhiên là tốc độ trung bình chỉ đạt 100km/giờ nếu so với 350 Km/giờ đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nếu vậy thì lại thêm ví dụ đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318Km, hành trình 5 giờ, tốc độ 300-350Km/giờ, đầu tư 22,6 tỷ USD, suất đầu tư 17,1 triệu USD - so với đường sắt cao tốc Bắc - Nam của ta thì vẫn chưa đến một nửa (48%) giá thành. Bên cạnh sự cân nhắc cẩn thận, người dân cần có thêm thông tin để so sánh nhằm tăng tính thuyết phục cho đại dự án này
Trần Huy Ánh (tổng hợp)
nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-21-nhung-tuyen-duong-di-tren-cac-tang-troi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét