Trong triển lãm quy hoạch chung Hà Nội, trục Thăng Long luôn đông người xem. Trên báo chí cũng nhiều ý kiến. Đã có kiến trúc sư cho biết một trong những ý tưởng hình thành lấy hình mẫu đại lộ Champs Elysées, trục đường làm nổi danh Paris. Tuy vậy, có không ít nghi ngại từ nhiều phía.
Từ lối đi dạo trên cánh đồng thành đại lộ trứ danh
Năm 1616, trên cánh đồng ngoài tường thành Paris, hoàng hậu Marie de Médicis mở một con đường trồng cây hai bên để đi dạo.
Năm 1724, đại lộ kéo dài tới vị trí Quảng trường Étoile. Năm 1763, Quảng trường Concorde ở đầu đại lộ được khánh thành. Năm 1806, Napoléon Bonaparte dựng Khải Hoàn Môn ở Étoile.
Ảnh trái: Trục Champs - Elysées xuất phát từ Louvre đến Étoile dài 2 km, nối tiếp 4 km tới La Défense Ảnh phải: Ảnh chụp từ đỉnh tháp La Conncorde xuyên qua biểu tượng của Paris lịch sử (Khải Hoàn Môn) để vươn tới tương lai với biểu tượng Grand Arche - Quảng trường trung tâm La Défense |
Năm 1858, Haussmann tiến hành cải tạo lớn Paris, các thảm cỏ và hai hàng cây hai bên được trồng mới. Cuối đại lộ, Quảng trường Étoile cũng được quy hoạch lại, chiều dài gần 2 km.
Đầu thế kỷ 20, nơi đây trưng bầy các sản phẩm công nghiệp mới: Đường tầu điện ngầm, xe hơi, rạp chiếu phim...
Ảnh trái: Paris đầu thế kỷ 17: Nhà thờ Đức Bà vươn cao trên đảo, sông Sein chảy hai bên Ảnh phải: Công việc mở đường trong những năm 1852-1855: Haussmann cải tạo lớn Paris |
Năm 1932-1939, quy hoạch vùng Paris định ra giới hạn để kéo dài gấp đôi ra ngoại ô La Défense, nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh vào thập kỷ 60, thời tỉnh trưởng Paul Delouvrier.
Năm 1980, sơ đồ vùng Paris được xem xét lại, xuất hiện các công trình đô thị hiện đại quy mô lớn ở đoạn cuối trục đường, xuyên qua đại lộ Charlle de Gaule và Grande Armée tới La Défense. Thời mà tổng thống Miterrand dạt dào cảm xúc, muốn là "một KTS hay là ông hoàng dạo bước trên đường phố". Cuối thế kỷ 20, trục đường được đầu tư hàng trăm triệu Franc để ngầm hoá bãi đỗ xe, lát đá granit xám. Cho tới nay, nó không ngừng được chăm chút tô điểm mỗi ngày.
Từ một lối di dạo trên cánh đồng trở thành đại lộ trứ danh của Kinh đô Ánh sáng - Thủ đô quốc gia giàu có, xây dựng bởi các chuyên gia quy hoạch đô thị lừng danh - Con đường đã đi qua lịch sử 4 thế kỷ như vậy.
Hà Nội : Xưa và nay
Đồng thời với hoạt động hiện đại hoá đô thị Paris, tại Hà Nội, các KTS quy hoạch tài hoa đến từ nước Pháp cũng tiến hành các dự án mở rộng thành phố. Các trục đường lớn được vạch ra, giao cắt với nhau tạo thành những cánh sao- quảng trường - Étoile (tiếng Pháp nghĩa là ngôi sao). Nghiên cứu đầu tiên năm 1923, sau 20 năm bản kế hoạch công phu hoàn thành (1943).
Ảnh trái: Quy hoạch Hà Nội năm 1943 với các quảng trường cánh sao, góc phải chú thích vùng dự trữ đặc biệt Ảnh phải: Quảng trường Đấu xảo năm 1923, đã bị ném bom 1944, nay là vị trí Cung Hữu nghị |
Tuy vậy, các thủ tục chuẩn bị đất đai mới thực sự quan trọng. Chính vì vậy Bản đồ Quỹ dự trữ đất đặc biệt được công bố "Délegation Speciale". Thành phố uỷ thác cho Công ty Địa ốc tiến hành các thủ tục trưng mua đất nằm trong ranh giới Quỹ đặc biệt, lúc ấy thuộc tỉnh Hà Đông, kinh phí vay Ngân hàng Địa ốc. Diện tích rộng gấp đôi nội thành cũ (28 km2/12 km2).
Có đất, đường phố xây dựng theo tiêu chuẩn chặt chẽ về thẩm mỹ, kỹ thuật, vệ sinh ngang với Châu Âu đương thời. Nhà đất được bán thu hồi vốn trả lại cho Ngân hàng Địa ốc dưới nhiều hình thức: Bán lô đất có hạ tầng, bán nhà xây sẵn, trực tiếp, trả dần, cho thuê dài hạn, ngắn hạn...Tất cả vận hành trơn chu tại một đầu mối duy nhất, trực tiếp từ toà thị chính. Các sở kiến trúc quy hoạch, địa chính, vệ sinh, thuế...bộ máy gọn nhẹ hoạt động hiệu quả. Tham nhũng, hối lộ rất ít vì công chức sợ mất việc, mất luôn tiền bảo lãnh trách nhiệm và sợ...mang tiếng, xấu hổ.
Nửa đầu thế kỷ 20 đi qua phố cổ, phố cũ nhà cửa ngăn nắp, cống rãnh tươm tất, cây cối thẳng hàng cứ thế hình thành- nhà ra nhà, phố ra phố. Giờ đây khu vực là hồn cốt của Hà Nội, nó đang được khoanh vùng để được gọi là di sản, có điều mỗi ngày nó tàn tạ đi một ít mặc cho sáng kiến bảo tồn mỗi ngày một nhiều.
Con đường nào làm rạng danh Thành phố
Theo niềm tin tâm linh, Rồng nằm thẳng duỗi ra là Rồng ốm, có lẽ vậy nên dư luận xã hội có nhiều người lo ngại. Ở triển lãm quy hoạch mới đây, thì trục Rồng đang quẫy mạnh. Nhiều người mắt dán vào bản vẽ, mồm gọi điện thoại cho người nhà xuống, lo tiền mua đất nơi Rồng vẽ chạy qua. Có vị bực lắm vì Rồng cắt vào dự án bất động sản dở dang.
Tại đây có hai chỗ rất hay. Một là vùng đất dự trữ Trung tâm hành chính Quốc gia (TTHCQG), diện tích đến cả ngàn hec -ta ở sườn Đông Ba Vì. Hai là phối cảnh trục từ sông Nhuệ đến vành đai 4 rất giống Champs Elisee: Cây xanh dày đặc, diện tích đất công cộng mấy trăm hec- ta. Hà Nội nên chăng khẩn trương trưng mua hơn 1.000 hec- ta này làm Quỹ đất dự trữ đặc biệt, ra quy chế bảo vệ tài sản công cộng - giống như "Délegation Speciale " của Hà Nội xưa.
Triển lãm quy hoạch chung Hà Nội tại Vân Hồ, từ 21/4 đến 1/5/2010. Đông đảo cư dân Hà Nội đến xem, đặc biệt quan tâm đến Trục Thăng Long (Ảnh: KTS Lê Việt Sơn, chụp 24/4/2010) |
Các đô thị văn minh trên toàn thế giới đều làm vậy, đơn giản là chỉ có thể xây theo quy hoạch khi chủ động quỹ đất. Thủ tục này pháp điển hoá là " Kế hoạch chiếm giữ đất đai - Plan d'Occupation dis Sols- POS". Chỉ riêng hai vùng POS này là đủ lý do để ủng hộ Trục Thăng Long. Có điều Trục Thăng Long nên kết thúc tại nút giao cắt với vành đai 4. Đoạn từ vành đai 4 vượt qua hồ Đồng Mô để sang khu dự kiến TTHC, tốt nhất là cứ chấm gạch để đó cho đến 2050 hãy bàn.
Khu vực hướng tuyến đi qua vành đai xanh hay hành lang xanh thì 2 nơi này, cần cấm xây dựng. Đất đai ở đây thuộc vùng "Can thiệp đất đai - Zones d'Intervention Foncière - ZIF", ưu tiên quyền trưng mua của thành phố, để tích tụ ruộng đất phục vụ mầu xanh đô thị.
Đường vượt qua vành đai Xanh hay hành lang Xanh thì đặt trên cao, ở dưới vùng Xanh cần được bảo tồn- ngăn chặn cái bệnh "bám đường". Nó còn là không gian thoát nước nhanh cho lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy- khác hẳn đường Láng Hoà Lạc đắp cao thành con đê ngăn nước, kéo dài úng ngập Hà Nội cuối năm 2008. Đường lên cao xuống thấp, uốn lượn như Rồng bay, tạo nên cái Trục Champs de Thăng Long.
Ảnh trên: Trục Thăng Long, đoạn 1, khuyến nghị làm đường trên cao qua vành đai Xanh hai bờ sông Nhuệ Ảnh dưới: Hình phối cảnh mở rộng đoạn trục 350m có rất nhiều cây xanh và không gian công cộng |
Thành phố cần thông báo rõ phân kỳ đầu tư, cách tiếp cận đất đai theo quy hoạch sẽ giảm thiểu những đầu cơ lãng phí và giúp xã hội phát triển có trật tự...Có con đường chạy dài mang theo rắc rối mệt mỏi, có con đường dừng lại ở chỗ hợp lý, đem lại niềm vui, nâng cao đời sống cho cả cộng đồng.
Đường vẽ ra bởi người người tài hoa, làm ra bởi người công tâm, vì lợi ích chung - làm cho thành phố xanh sạch, thuận hoà, ngay ngắn, thịnh vượng thì đường ấy sẽ làm rạng danh thành phố.
Đoạn cuối với khu đất dự trữ TTHCQG. Khuyến nghị đoạn qua hành lang Xanh đến năm 2050 mới thi công (lúc đó TTHCQG mới nghiên cứu) và làm đường trên cao (đánh dấu vòng màu xanh) |
*Bài viết sử dụng tư liệu: L'urbanisme - Pierre Merlin, GS ĐHTH Paris và Trường Cầu đường Quốc gia- Chủ tịch Viện QHĐT Pháp -NXB Thế giới1993. Ảnh nguồn Hanoidata
Tác giả: Trần Huy Ánh
nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-09-truc-thang-long-rong-bay-hay-rong-nam-thang-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét