Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

111126- "Nhân dân"- sao lại sợ nhân dân biểu tình

Cúi mình trên đồng lúa
Lao lên các hỏa điểm chiến tranh
Lăn mình trong các cuộc xuống đường
Cặm cụi với sách vở

Họ là nhân dân thứ thiệt
Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình !

Tôi nghĩ mãi
Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ ?

Sao lại sợ nhân dân biểu tình ?
Không !

Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ.

Nguyễn Khoa Điềm,Tháng 11. 2011

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

‎111125- Người dân không phải là cá

111124- Dễ dàng tạo video ấn tượng từ hình ảnh riêng mình

Từ những hình ảnh của riêng bạn, với sự giúp đỡ của PhotoStage Slideshow Producer, bạn có thể dễ dàng tạo ra video slideshow hình ảnh đẹp mắt, với các hiệu ứng ấn tượng… và để chia sẻ hoặc làm một món quà tặng thú vị cho bạn bè hay người thân.
PhotoStage Slideshow Producer là phần mềm miễn phí, cho phép bạn dễ dàng tạo ra những đoạn slideshow ấn tượng, với các hiệu ứng đẹp mắt từ hình ảnh của riêng mình. Phần mềm cung cấp 2 tính năng, cho phép tự động tạo hiệu ứng  trên hàng loạt ảnh do người dùng chọn, hoặc cho phép người dùng tự tay tạo hiệu ứng và điều chỉnh theo ý muốn.

Đặc điểm nổi trội của phần mềm là hỗ trợ tạo ra các file video slideshow với độ phân giải HD 1080p, cho chất lượng hình ảnh tốt nhất. Đây là một trong những ưu điểm vượt trội của PhotoStage Slideshow Producer mà các phần mềm tạo slide khác không có được.

Download phần mềm miễn phí tại đây hoặc tại đây.

Qúa trình cài đặt sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Sau khi nhấn Accept ở hộp thoại đầu tiên, ở hộp thoại sau đó, phần mềm sẽ hỏi bạn có muốn cài đặt thêm các phần mềm phụ kèm theo của chung nhà sản xuất hay không. Tại đây, bạn bỏ đi tất cả các đánh dấu (để không cài đặt kèm theo gì), rồi nhấn nút Finish để hoàn tất quá trình cài đăt.


Tự tạo Slide theo ý muốn

Sử dụng phần mềm khá đơn giản. Từ giao diện chính, nhấn chọn ‘Add Photos and Media files’ để thêm file ảnh và file nhạc vào thư viện của phần mềm.


Sau đó, dùng chuột phải, kéo và khoanh vùng để chọn tất cả các file bạn đã thêm vào thư viện phần mềm, rồi nhấn nút ‘Add to show’để đưa những file ảnh này sẵn sàng cho nội dung file slide.

Sau khi đưa toàn bộ file vào slide, bạn chọn 1 file ảnh bất kỳ trên slide để thêm hiệu ứng chuyển động cho ảnh đó. Sau khi chọn file ảnh này, hộp thoại ở trên sẽ hiện ra, cung cấp danh sách các hiệu ứng cho phép bạn lựa chọn để áp dụng cho hình ảnh. 

Bạn có thể chọn đồng thời nhiều hiệu ứng khác nhau với 1 hình ảnh. Sau khi chọn, bạn có thể nhấn nút Play ở hộp thoại bên phải để xem trước hiệu ứng đã chọn.

Lưu ý: nếu bạn nhấn chọn nhiều hiệu ứng, các hiệu ứng này sẽ chồng lên nhau, điều này đôi khi khiến slide trở nên lộn xộn. Danh sách các hiệu ứng đã chọn sẽ được phần mềm liệt kê. Hiệu ứng nào không cần thiết, bạn có thể nhấn nút X để bỏ đi.


Lần lượt chọn từng slide để thêm các hiệu ứng cho hình ảnh.

Sau khi thêm đầy đủ các hiệu ứng, bạn chọn mục ‘Add transitions’ rồi chọn các hiệu ứng để chuyển đổi hình ảnh giữa các slide. Đây là hiệu ứng trung gian, khi kết thúc 1 slide và chuyển qua slide mới.

Tại đây, bạn có thể chọn 1 hiệu ứng phù hợp rồi nhấn nút Play ở khung xem video bên phải để xem trước hiệu ứng. Tiếp tục làm lần lượt tại mỗi Slide.


Mục ‘Record Narration’ cho phép người dùng ghi âm lại giọng nói của mình, trong trường hợp bạn muốn gửi thông điệp, hay tự mình thể hiện ra khúc để chèn vào slide.


Thông thường, khi thêm file Media (ở bước 1), bạn sẽ thêm cả file nhạc để làm nền cho Slide. Tuy nhiên, theo mặc định, người dùng sẽ phải tự điều chỉnh độ dài mỗi slide sao cho khớp với độ dài file nhạc. Điều này đôi khi gây mất khá nhiều thời gian.

Để khắc phục điều này và để độ dài file nhạc khớp với độ dài trình chiếu của các slide, bạn kích chuột phải lên mục âm thanh ở trên slide (có biểu tượng nốt nhạc), chọn ‘Fit slides to audio track duration’, sau đó nhấn nút ‘Change lengths’ ở hộp thoại hiện ra sau đó.


Bây giờ, độ dài trình chiếu các file trên slide sẽ tự động được điều chỉnh để dài vừa khớp với độ dài của file nhạc được sử dụng làm nền.

Sau khi đã tiến hành các bước hiệu chỉnh, thêm hiệu ứng cho slide… bạn nhấn nút ‘Save Slideshow’ trên menu. Đặc điểm nổi bật của phần mềm là hỗ trợ lưu slide dưới nhiều định dạng, đặc biệt trong đó hỗ trợ xuất slide ra dưới dạng HD 1080p. Đây là một ưu điểm mà không phải phần mềm tạo slide nào cũng làm được.

Tại hộp thoại ‘Video output setup’ hiện ra, bạn chọn kiểu để lưu file slide: ghi trực tiếp lên đĩa, lưu thành file trên ổ cứng, lưu file cho thiết bị di động, hay lưu thành file để upload lên các dịch vụ trực tuyến (Facebook và Youtube)…

Ở đây, chọn Computer/Data để lưu slide thành file video thông thường. Nhấn Browse để chọn vị trí lưu file. Tại mục Preset, bạn có thể chọn kích chuẩn của file slide, ở đây, ta có thể chọn chuẩn HD 1080p để có được chất lượng video tốt nhất. Sau đó chọn định dạng file ở mục ‘File Format’.


Cuối cùng, nhấn OK để xuất ra file video slideshow. Chất lượng hình ảnh, âm thanh, độ phân giải của file video đều rất tốt và phụ thuộc vào thiết lập ở trên của người dùng.

Tự động tạo Slideshow

Trong trường hợp bạn cảm thấy các bước tiến hành ở trên quá phức tạp và tốn nhiều thời gian, phần mềm cũng cung cấp tính năng cho phép tạo tạo slideshow một cách tự động, bao gồm cả các hiệu ứng hình ảnh, hiệu ứng chuyển ảnh, âm thanh…

Để sử dụng chức năng này, nhấn nút ‘Quick Creat’ trên menu của phần mềm.

Từ hộp thoại ‘Quick Creat Slideshow’ hiện ra, nhấn nút Browser để chọn thư mục chứa các hình ảnh cần đưa vào slide. Do vậy, trước tiên, bạn nên gom tất cả các hình ảnh cần sử dụng vào chung 1 thư mục.


Tại mục Sound, nhấn nút Add, sau đó tìm file nhạc mà bạn muốn sử dụng làm nền cho slide. Sau khi thêm nhạc vào slide, đánh dấu vào tùy chọn ‘Ignore default time and fit all images to sound track’để khớp thời gian trình diễn slide với độ dài của file nhạc.

Ở dưới, bạn đánh dấu vào tùy chọn ‘Randomize transition type’ để phần mềm tự động tạo ra những hiệu ứng chuyển đổi giữa các slide.

Cuối cùng, nhấn ‘Export Now’. Chờ trong giây lát, hộp thoại lưu file như đã đề cập ở trên sẽ hiện ra. Bạn thực hiện theo như hướng dẫn ở trên để chọn định dạng file video phù hợp để lưu lại.

Trên đây là cách thức đơn giản, nhưng hiệu quả để giúp bạn dễ dàng tạo ra một đoạn slideshow ấn tượng nhưng cũng không kém phần đẹp mắt. Với sự trợ giúp của phần mềm, bạn có thể tạo ra những món quà ý nghĩa dành tặng cho bạn bè và người thân.

Phạm Thế Quang Huy

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

‎111123- Hầm chui Thủ Thiêm

sau khi chạy 2 lượt qua hầm, cảm giác của mình: ù tai, tức ngực và hơi khó thở...lý giải nguyên nhân là do độ sâu thì tạm chấp nhận- nhưng điều mình lo nhất là sau 1 thời gian họạt động, lượng khí CO2, khói bụi tích tụ lại nhiều hơn...điều gì sẽ xảy ra? các quạt hút họạt động công suất tối đa nhưng vẫn chưa đủ (không xét đến chất lượng thi công)

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Tỷ lệ thần thánh: Mật mã chưa có lời giải

http://www.tindachieu.com/news/2011/11/ty-le-than-thanh-mat-ma-chua-co-loi-giai-2.html

Tỷ lệ thần thánh: Mật mã chưa có lời giải

Vạn vật muôn hình muôn vẻ trong vũ trụ dường như không tuân theo một trật tự nào; nhưng đằng sau sự phong phú đa dạng đó vẫn tồn tại một nguyên tắc chung cho tất cả.

TỶ LỆ VÀNG : Tỷ lệ vàng là chuẩn mực cho mọi thiết kế hoàn hảo nhất, từ đền Panthenon, Hy Lạp tới hình dáng vỏ ốc Anh Vũ, song các nhà khoa học vẫn chưa hiểu tại sao tỷ lệ này đều xuất hiện ở hầu như khắp thế giới tự nhiên. (Ảnh: Photos.com)

“Hai phát hiện vĩ đại nhất của hình học, một là định lý Py-ta-go, và hai là tỷ lệ vàng – một thứ có thể so sánh là quý như vàng, còn thứ kia có giá trị như một viên ngọc quý” – Kepler.

Tờ báo mà bạn đang đọc, màn hình vi tính, thẻ tín dụng, cánh hoa, lá cây, toà nhà cao ốc – tất cả mọi thứ đều được tạo lập dựa trên một nguyên tắc, một tỷ lệ, một giá trị cân đối. Dường như vũ trụ đang tiết lộ với chúng ta về một mật mã ẩn chứa trong mọi khía cạnh của tự nhiên – một mật mã độc đáo và mang đầy tính nghệ thuật: đó là con số vàng – một tỉ lệ hoàn hảo.

Vạn vật muôn hình muôn vẻ trong vũ trụ dường như không tuân theo một trật tự nào; nhưng ẩn giấu đằng sau sự phong phú đa dạng đó, vẫn tồn tại một nguyên tắc chung cho tất cả. Từ thời của Py-ta-go, điểm mấu chốt của trật tự này đã thu hút rất nhiều nhà toán học và nhiều học giả ở các lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên cho đến nay chưa một ai hiểu một cách toàn diện về vấn đề này.

Trong một cuộc thực nghiệm gần đây nghiên cứu một số cá thể từ các dân tộc khác nhau đã cho thấy rằng: trong số những số đo khác nhau của hình chữ nhật, thì hầu hết mọi người đều đồng ý với một con số cân đối nhất. Con số hoàn hảo nhất được hình thành khi tỷ lệ giữa cạnh lớn hơn với cạnh nhỏ hơn xấp xỉ 1,618 – trong toán học con số này được gọi là “vàng”. Tỷ lệ các cạnh hình chữ nhật này có mặt trong hàng ngàn công trình kiến trúc trên khắp thế giới, cũng như là trong các hộp diêm, danh thiếp, những cuốn sách, và hàng trăm vật dụng hàng ngày khác, đơn giản bởi vì con người cảm thấy nó phù hợp. Kim tự tháp Giza, kim tự tháp Cheops, trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, và nhà thờ Đức Bà là những dẫn chứng điển hình cho việc ứng dụng tỷ lệ vàng. Trên thực tế, đền thờ Panthenon có rất nhiều chi tiết ứng dụng tỷ lệ này.

Qua nhiều thế kỷ, cái đẹp tuyệt đối của nghệ thuật và trí thông minh con người (ngoại trừ một số xu hướng đương đại) chưa bao giờ chệch quá xa khỏi tỷ lệ này.

Rất nhiều hoạ sĩ thời kỳ Phục Hưng đã ứng dụng một cách hợp lý tỷ lệ này trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là Leonardo da Vinci, ông đã ứng dụng tỷ lệ này trong những tác phẩm trứ danh của mình, như là “Bữa tiệc cuối cùng”, hay “ Người xứ Vitruvian”.

Cả âm nhạc cũng không phải ngoại lệ của mật mã bí ẩn này. Nhà soạn nhạc người Mexico Silvestre Revueltas đã sử dụng tỷ lệ này để sắp xếp các phần trong tác phẩm Alcancías.

Nhà soạn nhạc Béla Bartók và Olivier Messiaen cũng đã lưu ý đến dãy số Fibonacci (dãy số tuân theo tỷ lệ vàng) trong một số tác phẩm của họ để quyết định xem nốt nhạc nên ngân dài trong bao lâu.

Vì kiến trúc, nghệ thuật, âm nhạc, và một số phát minh khác đều là những nỗ lực phi thường của con người, nên một số người kết luận rằng tỷ lệ vàng cũng chỉ là một ý kiến chung ngẫu nhiên của con người mà thôi. Nhưng nếu thế thì vẫn không thể giải thích được tại sao vô số những thực thể hữu cơ lẫn vô cơ tìm thấy trong tự nhiên lặp đi lặp lại cái tỷ lệ đặc biệt trên.

Các thí dụ từ hình chữ nhật cho tới hình xoắn ốc tuân theo tỷ lệ vàng (hình tạo thành bằng cách nối các đỉnh của các hình chữ nhật vẽ theo tỷ lệ vàng đặt chồng lên nhau) có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi: sừng của con cừu, khoáng vật, xoáy nước, cơn lốc, vân tay, cánh hoa hồng, những đài hoa đồng tâm của cây súp-lơ hay hoa hướng dương, chim muông, côn trùng, cá, dải ngân hà, hay một số dải thiên hà khác như dải M51 ngay cạnh dải ngân hà của chúng ta… thậm chí cả con ốc sên. Một con ốc thật đẹp và thật hoàn hảo như ốc Anh Vũ chắc chắn phải có sự kết hợp thật tài tình với tỷ lệ vàng. Rất nhiều loài cây cũng thể hiện mối liên hệ với tỷ lệ vàng trong độ dày giữa giữa cành thấp với cành cao.

Vẻ đẹp của cơ thể con người cũng có liên quan tới số Phi (con số vàng). Thương của phép chia chiều cao từ đầu tới chân với khoảng cách từ rốn tới chân gần bằng 1.618, thể hiện sự hài hoà cân đối của cơ thể. Chúng ta cũng có thể tìm ra kết quả tương tự trong tỷ lệ của chiều dài cái đầu với khoảng cách từ mắt tới cằm; hay tỷ lệ của khoảng cách từ mũi tới cằm trên khoảng cách từ môi tới cằm. Những tỷ lệ của gương mặt càng tiến gần tới tỷ lệ này thì gương mặt càng hài hoà cân đối. Mặc dù có một vài ý kiến trái ngược nhưng rõ ràng là sở thích của chúng ta dường như đã được định sẵn.

Con số Phi cũng rắc rối phức tạp giống như người anh em của nó – số Pi (tỷ lệ giữa chu vi đường tròn và bán kính của nó). Hiện nay, nó đã được tính chính xác tới hơn một nghìn tỷ chữ số thập phân, nhưng vẫn còn có thể tiếp tục tính được nhiều hơn thế.

Nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau con số chi phối sự cân đối hài hoà và vẻ đẹp này là gì, điều này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học trong hàng thế kỷ qua. Cho đến ngày nay nó vẫn tiếp tục là một điều bí ẩn.

Làm thế nào mà một cái hình xoắn ốc lại có thể là một yếu tố phổ biến trong cơ thể sinh vật, vốn được cho là phát triển một cách hoàn toàn không thể đoán trước và không xác định? Trên một số phương diện nào đó thì liệu nó có liên quan gì đến chuỗi DNA? Hơn nữa, trong một chu kỳ hoàn chỉnh của chuỗi xoắn kép, mối liên hệ giữa hai chuỗi đơn này không gì khác hơn chính là tỷ lệ Phi sao?

Bởi đó chính là yếu tố tồn tại phổ biến ở các dạng sinh vật sống – tựa như nốt nhạc ngân nga của vũ trụ – nên cũng không mấy bất ngờ nếu tỷ lệ tuyệt diệu này cũng phù hợp và cân đối với chúng ta, vì chúng ta cũng có nguồn gốc từ vũ trụ.

(Theo The Epoch Times)

nguồn: http://www.tindachieu.com/news/2011/11/ty-le-than-thanh-mat-ma-chua-co-loi-giai-2.html

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

111118- dự báo về cán bộ Hoàng Hữu Phước

theo dự báo thời tiết ngày và đêm trong vài hôm tới- đâu đó ngoài kia, xa xa bờ, cao cao trên núi và lẩn quẩn trong các khu ngập lụt, thế nào cũng sẽ có làn sóng tẩy chay và đòi bãi nhiệm cán bộ Hoàng Hữu Phước....

úi trời ơi...hình ảnh chấn động

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

111117-giải pháp xanh cho phát triển dự án tại VN-p.3




quy định và công nghệ xử lý nước thải trong các công trình thương mại

111117-giải pháp xanh cho phát triển dự án tại VN-p.2




công ty Kohler giới thiệu

111117- giải pháp xanh cho phát triển dự án tại VN




công ty Kohler
tại ks Rex
kiến trúc xanh- giới thiệu công trình cụ thể

111116- Bốn lý do để doanh nghiệp tránh xa Facebook

Nếu bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng thì đừng nên tham gia. Bởi một trang Facebook bám bụi sẽ chẳng giúp ích gì cho việc kinh doanh của bạn, tệ hơn là còn dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu.
BrandTalk » Value Branding   marketingpessoal1296673783glarge Bốn lý do để doanh nghiệp tránh xa Facebook

Facebook không chỉ đòi hỏi bạn phải thường xuyên cập nhật và tương tác mà còn phải nắm vững những thay đổi của nó.

Facebook đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cuộc sống của một bộ phận cư dân trên thế giới. Facebook cũng mở ra vô vàn cơ hội quảng cáo và bán hàng cho doanh nghiệp Tuy nhiên, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung nó có thực sự đem lại lợi ích cho doanh nghiệp của bạn hay không? Hãy xem xét 4 lý do khiến việc ứng dụng mạng xã hội vào kinh doanh là một sai lầm.

Lý do 1: Bạn không có đủ nguồn lực để đầu tư

Chắc hẳn bạn đã nghe quá nhiều lời khuyên rằng không tham gia mạng xã hội là một sai lầm. Thực sự, khi doanh nghiệp quyết định lập một tài khoản công cộng trên Facebook thì cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào một kênh quảng cáo. Để duy trì hoạt động của trang FB, bạn cần một người hoặc một nhóm điều hành chăm sóc hình ảnh, nội dung, tổ chức các hoạt động.

Nếu bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng thì đừng nên tham gia. Một trang Facebook bám bụi không giúp ích gì cho việc kinh doanh. Trong tình huống xấu nhất, nếu không cẩn thận coi sóc, trang thông tin của bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin bất lợi.

Lý do 2: Bạn không có khán giả

Hãy luôn nhớ khách hàng của bạn là ai. Không phải tất cả mọi người đều tham gia mạng xã hội và phần lớn thành viên của các mạng xã hội ở trong độ tuổi từ 30 trở xuống. Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, thật phí phạm thời gian và công sức nếu bạn đầu tư nguồn lực cho mạng xã hội mà không thu được kết quả gì đáng kể. Để xác định được đối tượng khách hàng tiềm năng có tham gia mạng xã hội hay không và mạng xã hội nào họ tham gia nhiều nhất, bạn nên tiến hành một khảo sát ngắn qua email (và nhớ thưởng cho khách hàng).

Lý do 3: Facebook không phù hợp với mục tiêu kinh doanh của bạn

Không phải doanh nghiệp nhỏ nào cũng được hưởng lợi từ việc tham gia mạng xã hội. Nếu doanh nghiệp đã tiến hàng các hoạt động PR, quảng cáo rầm rộ thì mạng xã hội cũng không quá cần thiết. Hoặc bạn là doanh nghiệp B2B hay chưa có kế hoạch phát triển kinh doanh online thì vội vàng tham gia mạng xã hội không đem lại lợi ích nhất định. Nếu mạng xã hội không phù hợp với mục tiêu kinh doanh của bạn, đừng tham gia hay cảm thấy áp lực vì đối thủ tham gia. Không có gì chắc chắn là họ đang đi đúng đường. Hãy tập trung vào mục tiêu của mình

Lý do 4: Bạn không thể bắt kịp sự thay đổ

Facebook không chỉ đòi hỏi bạn phải thường xuyên cập nhật và tương tác mà còn phải nắm vững những thay đổi của nó. Khi đầu tư vào một kênh truyền thông, ít nhất bạn nên biết nó đang hoạt động như thế nào và có những thay đổi gì. Những yếu tố này sẽ giúp bạn tối ưu sức mạnh của công cụ và đa dạng hóa cách tiếp cận khách hàng. Ngược lại, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng lạc hậu hoặc không khai thác được tối đa sức lan tỏa của mạng xã hội.

Những lý do trên không chỉ đúng với Facebook mà còn áp dụng cho bất kì mạng xã hội nào khác. Trước khi đầu tư vào bất kỳ phương tiện truyền thông nào, bạn cần phải xác định được mục tiêu của mình, đối tượng khách hàng và cơ cấu hoạt động của phương tiện đó. Đừng tham gia chỉ vì đó lá một xu hướng và mọi người đều nói về nó. Bạn có thể sẽ mất thời gian, công sức đầu tư mà không thu được kết quả gì đáng kể.

Doanh nhân Sài Gòn/smallbiztrends.com

nguồn : http://brandtalk.vn/205272011/bon-ly-do-de-doanh-nghiep-tranh-xa-facebook/

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

111113- Những mẫu thiết kế giao thoa giữa tablet và laptop

Mỗi dòng sản phẩm có điểm mạnh riêng, khiến người dùng đôi khi sẽ lúng túng không biết chọn loại nào. Các chuyên gia thiết kế hình dung về những mẫu thiết bị tương lai có thể hợp nhất máy tính bảng và máy tính xách tay.

MacBook Duo của Kane Yanagawa gồm 2 màn hình cảm ứng, có thể gập lại thành laptop hay mở ra như một tablet cỡ lớn. Kiểu dáng bên ngoài giữ nguyên như MacBook Air.
Mac View của chuyên gia Patrycjusz Brzezinski không sử dụng thiết kế vỏ gập thông thường mà có màn hình trượt ngang. Phần bàn phím cũng là màn hình cảm ứng.
Doodle Book của hai chuyên gia Pyeong Yeol Yoo và Hun Park trông như một cuốn sổ nhỏ để viết ghi chú, xem video, vào mạng...
File-top của Fan Zhang có nhiều lớp chồng lên nhau và có thể xếp thành tablet, laptop hay một màn hình PC lớn.
Fractal của Pedro Calle lại như một món đồ chơi với các miếng ghép nhỏ và người sử dụng sẽ sáng tạo sản phẩm theo ý muốn.
HTC Tube của NAK Studio tương tự một chiếc túi đa năng chứa cả tablet và smartphone.
Tương tự, Disgn Boom nêu ý tưởng smartphone như một phần nằm trong tablet, có thể tách ra để hoạt động độc lập hoặc đóng vai trò như bàn phím cảm ứng của máy tính.
Thiết bị Volumni của Dulyawat Wongnawa là sản phẩm gập có thể biến hóa thành điện thoại, tablet hay PC.

Châu An

nguồn: http://vnexpress.net/gl/vi-tinh/2011/11/nhung-mau-thiet-ke-giao-thoa-giua-tablet-va-laptop/

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

‎111112- VTV3- Lãng phí: phỏng vấn nhà kinh tế Phạm Chi Lan

tài nguyên bị bán tháo với giá bèo- hậu quả: dầu 2015 hết; than bắt đầu nhập...nên cười hay mếu đây

111112- Góc nhìn khác về vấn nạn giao thông ở Hà Nội

Gần đây, Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận . Tôi cũng ngưỡng mộ Bộ trưởng Thăng, một con người dám nghĩ dám hành động quyết liệt , tuy nhiên về cách giải quyết vấn nạn giao thông, tôi có góc nhìn khác với ông.

Việc phân làn hay thay đổi giờ làm việc là những biện pháp cần thiết nhưng không thể giải quyết triệt để vấn nạn ách tắc giao thông . Tôi xin chia sẻ góc nhìn khác của tôi đối về nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này .

 

Tuy không thường trú ở Hà Nội hay TPHCM, nhưng nhiều năm nay hằng tháng tôi thường phải đi công tác từ vài ngày đến một tuần tại Hà Nội và TPHCM . Điều tôi cảm nhận, cứ sau mỗi tháng ra Hà Nội, người tham gia giao thông càng ngày càng đông thêm, sự cảm nhận về sức tăng này rất rõ rệt để có thể nhận thấy . Tôi nhớ Hà Nội ngày xưa cách đây mười mấy năm, con đường Giải Phóng hiện nay có lẽ là một trong những con đường lớn nhất ở Hà Nội, vậy mà có bao giờ nghe người dân phàn nàn về vấn đề kẹt xe đâu . Hà Nội ngày xưa  không phải là đô thị lớn nhưng hiền hòa quyến rũ khác với sự chen chúc, ồn ào, náo nhiệt, hỗn loạn của ngày nay, tôi luyến tiếc cái Hà Nội ngày xưa ấy. Những năm gần đây với những sự đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng của Hà Nội phát triển vượt bậc, đại lộ, cầu đường, cầu dẫn, cầu vượt, hầm chui ... rất dài rộng hoành tráng , tôi nghĩ cơ sở hạ tầng ở Hà Nội đã bỏ xa các thành phố khác trong cả nước và có lẽ đã là tốt nhất Việt Nam . Thế nhưng, than phiền về nạn kẹt xe càng ngày càng tăng chứ chưa bao giờ giảm . Vì sao ? Bởi vì để mở rộng một con đường hay xây một cái cầu mất vài năm, trong khi dân số đổ về Hà Nội tăng mỗi ngày, mỗi tháng, tăng một cách chóng mặt . Như vậy thì làm sao có sự xây dựng cầu đường nào đáp ứng cho kịp với tốc độ tăng dân số, mà chủ yếu là tăng dân số cơ học . Tôi nghĩ nhiều người có thể đồng ý với tôi rằng dân số tăng quá nhanh ở Hà Nội là nguyên nhân chính của vấn nạn ách tắc giao thông. Bây giờ chúng ta có thể tập trung vào những biện pháp để giải quyết , tôi đề nghị một số biện pháp dưới đây:

 

1- Hà Nội chỉ nên là trung tâm Văn hóa, trung tâm Chính trị và trung tâm Tài chính của cả nước , chỉ cần như thế là đã xứng tầm Thủ đô điều hành đất nước một cách hiệu quả. Hà Nội không cần trở thành trung tâm hay số 1 của tất tần tật mọi thứ như trung tâm Kinh tế, trung tâm Giáo dục, trung tâm Dịch vụ, trung tâm Y tế vv... Những thứ này hãy để cho những thành phố khác, như vậy cở sở hạ tầng ở Hà Nội sẽ không phải gồng gánh thêm hàng triệu người di cư từ các thành phố khác (Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ,Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ...) đổ về bon chen sinh sống . Thủ đô Hà Nội sẽ thoáng đãng hơn, chất lượng cuộc sống sẽ cao hơn .
 

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

2- Di dời tất cả các trường đại học, cao đẳng ra khỏi Hà Nội; chỉ cần giữ vài trường đại học xuất sắc phục vụ nghiên cứu và cung cấp nhân tài . Hà Nội có gần cả trăm trường đại học và cao đẳng, mỗi trường có cả chục ngàn sinh viên như vậy nhẩm tính sơ thì chúng ta cũng có thể thấy số sinh viên đóng góp một phần không nhỏ vào dân số tham gia giao thông ở Hà Nội. Ngoài ra mỗi trường đại học di dời sẽ tạo ra hàng ngàn công việc như quán cơm, quán nước, cafe, dịch vụ ... cho dân địa phương ở vùng mà trường đại học được chuyển đến , một khi có công việc tốt những người địa phương này sẽ không cần phải đổ xô chen chân về Hà Nội kiếm sống tạo thêm gánh nặng cho cơ sở hà tầng của Hà Nội . Bạn bè phổ thông trung học cùng lứa với tôi trăm người thì gần cả trăm sau khi tốt nghiệp đại học tại Hà Nội và Sài Gòn đều ở lại chứ không ai quay về quê kiếm việc và sinh sống. Thường các bạn đó đã sống 4-5 năm ở Hà Nội thời sinh viên, rồi bám trụ lại Hà Nội để kiếm việc và sinh sống dễ hơn . Vì vậy tôi nghĩ nếu phải học đại học ở tỉnh khác thì xác xuất sinh viên sau khi tốt nghiệp đổ về Hà Nội kiếm việc và sinh sống sẽ ít đi.

 

3- Di dời tất cả các nhà máy không thiết yếu ra khỏi Hà Nội như nhà máy bia, nhà máy bánh kẹo, nhà máy thuốc lá, dệt may ... Nếu di dời được thì không chỉ những giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng Hà Nội khi một lượng lớn công nhân di dời mà còn giảm áp lực cho môi trường, các vấn đề xã hội ở Hà Nội . Đối với các nhà đầu tư ai cũng muốn nhà máy gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu chi phí vận tải , vì vậy các nhà đầu tư muốn đầu tư nhà máy càng gần Hà Nội càng tốt, tuy nhiên tôi nghĩ đã đến lúc Hà Nội không cần phải chạy theo thành tích thu hút đầu tư, thu hút FDI mà chỉ chọn lọc những nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, không ảnh hưởng nhiều đến cơ sở hạ tầng, môi trường mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Hà Nội .

 

4- Phát triển đồng đều các thành phố khác, nhất là những thành phố mới vệ tinh được xây dựng có ý tưởng quy hoạch hẳn hoi . Hôm trước tôi gặp một anh bạn, khi hỏi anh ta sống và làm việc ở đâu, anh ta trả lời một cách tự hào rằng đang sống và làm việc ở Đà Nẵng, một thành phố phát triển nhanh nhưng có ý tưởng xây dựng đàng hoàng, tạo điều kiện và tiện nghi cho cư dân thành phố. Tôi dám chắc cho dù có cơ hội anh ta cũng không có một lý do gì để phải chen chân ra Hà Nội sinh sống .

Việt Nam và nhất là khu vực miền trung cần có nhiều thành phố như Đà Nẵng . Và cả Thủ đô Hà Nội cũng cần học tập Đà Nẵng. Tôi thật sự buồn lòng mỗi khi ra Hà Nội đi trên những con đường mới mở thấy nhà cửa xây dựng lổn nhổn, gồm cả những “tòa nhà’ siêu mỏng siêu méo” làm mất hết mỹ quan đô thị.

Việc đầu tư đồng đều cho nhiều đô thị ở các vùng dân cư sẽ tránh được sự tập trung dân số quá đông chỉ vào một số ít thành phố sinh ra các vấn đề về ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ... Hơn nữa, còn tránh được rủi ro khi một thành phố tập trung quá lớn bị thiên tai tàn phá hay những thảm họa không mong muốn thì nền kinh tế của chúng ta vẫn không bị ảnh hưởng lớn hay tê liệt (một số công ty nước ngoài khi cho nhân viên đi du lịch bao giờ cũng chia đôi nhân viên mỗi phòng đi trên mỗi chuyến bay riêng hay chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc không được đi cùng trên một chuyến bay để tránh rủi ro nếu chuyến bay có bị tại nạn thì công ty vẫn còn nhân sự để hoạt động).

Ngoài ra, việc phát triển đồng đều các thành phố cũng giải quyết được vấn đề lạm phát cục bộ, mà Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu . Vì sao tôi dùng từ “lạm phát cục bộ” chứ không phải là “lạm phát” . Tiền chỉ là phương tiện trao đổi hàng hóa , lạm phát là khi số lượng tiền (hay số lượng phương tiện trao đổi hàng hóa) nhiều hơn giá trị thực của hàng hóa trong thị trường . Các bạn về miền quê hỏi người dân về lạm phát họ sẽ trả lời tôi chẳng biết gì về ảnh hưởng của lạm phát, cuộc sống của tôi vẫn cứ như bình thường mọi ngày thế thôi (dĩ nhiên là vẫn nghèo);  1 tô phở ăn bình thường ở Huế vẫn là 15.000 VND trong khi 1 tô phở bình thường ở Hà Nội phải là 35.000 VND : nghĩa là lạm phát hoàn toàn khác nhau ở các thành phố khác nhau , chính vì vậy tôi nghĩ từ “lạm phát cục bộ” mô tả chính xác hơn . Báo chí gần đây lên án bao nhiêu vụ vỡ nợ tín dụng đen, có vụ lên đến cả hơn 1.000 tỷ đồng , chủ yếu ở Hà Nội , còn tôi thì nghĩ đó là tín hiệu mừng, vì tiền vỡ nợ vẫn nằm trong thị trường chứ có mất mát đi đâu đâu, nhưng là tín hiệu mừng bởi vì nó phản ảnh người dân ở Hà Nội rất nhiều tiền và minh chứng cho điều này một cách rõ ràng hơn nữa là nhà cửa bong bóng có đắt như thế nào, vàng tăng có như ngựa phi ra sao thì người dân Hà Nội vẫn chen chân để mua cho bằng được, như vậy có nghĩa là đang có một lượng tiền quá nhiều luân chuyển trong thị trường Hà Nội góp phần cho lạm phát tại Hà Nội .

 

5- Tinh giản bộ máy nhà nước . Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhất các công chức nhà nước (chính phủ, quốc hội, bộ, viện, cục , thành phố, quận, phường, sở ....) , nếu bộ máy này có thể tinh giản được thì không những giảm áp lực lên giao thông mà còn giải quyết nhiều khó khăn khác . Tôi có mấy người bạn châu Âu như Đức và Hà Lan, khi hỏi họ nghĩ gì về khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, những người bạn tôi gay gắt: bộ phận công chức của Hy Lạp quá cồng kềnh, gần 75% sinh viên tốt nghiệp đại học đều vào làm cho nhà nước mà bộ máy nhà nước này chủ yếu là điều hành hành chính chứ không trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm nào cho xã hội . Biên chế công chức của Hy Lạp càng ngày càng phình to vì biên chế công chức nhà nước là “vô thời hạn” không sa thải được, công chức nhà nước Hy Lạp đi làm cũng kiểu làm cho có lệ trong khi lương lại rất cao . Một đất nước chỉ tiêu tiền quá tay trong khi bộ phận tư nhân chỉ là thiểu số không thể tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội thì rõ ràng rằng đất nước sẽ phải nợ nhiều đến mức khủng hoảng .

Trên đây chỉ là vài ý kiến đề nghị , tôi nghĩ còn có nhiều biện pháp khác và hi vọng các bạn sẽ góp ý thêm để hoàn chỉnh .

 

                                                                  Mạc Đăng Bình

LTS Dân trí-Nhận định và ý tưởng đề xuất của tác giả bài viết trên đây cho thấy chiều sâu suy nghĩ về nạn ách tắc giao thông ở những thành phố lớn đang gây bức xúc và thu hút  nhiều ý kiến đóng góp.

Đối với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, muốn kiểm chứng xem ý tưởng đề xuất của tác giả có chuẩn xác hay không, chỉ cần nhớ lại những dịp nghỉ Tết nguyên đán, đi ra đường bao giờ cũng thấy thoải mái, hầu như mất hoàn toàn cái cảm giác  phải chen lấn đông đúc như ngày thường. Lúc ấy mới chợt nhớ ra rằng, hầu hết sinh viên các trường đại học cũng như nhiều cán bộ, nhân viên và những người lao động ngoại tỉnh đều đã về quê ăn tết.

Vì vậy, chủ trương di dời hầu hết các trường đại học và cao đẳng ra khỏi những quận nội thành cần sớm thực hiện. Cũng cần kiên quyết xúc tiến đưa hầu hết các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành. Việc giảm biên chế các cơ quan công quyền cũng như các tổ chức đoàn thể nên thực hiện đồng thời với việc tăng lương cho số người còn lại, để làm việc thật sự có hiệu quả.

nguồn: http://dantri.com.vn/c673/s673-536806/Goc-nhin-khac-ve-van-nan-giao-thong-o-Ha-oi.htm

111112- trời k mưa nhưng vẫn cảm thất buốt gizá...

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

111112- Nói sự thật không sợ mất lòng, mà có thể giải quyết bất đồng

Sau bảy mươi năm là nhà nghiên cứu độc lập, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có được một gia tài tri thức có người ví với một viện nghiên cứu: hơn 3.000 tấm bản đồ cổ giá trị, 30 cuốn sách viết riêng và 40 cuốn viết chung. Ông nghiên cứu bốn lĩnh vực chính: địa bạ, địa chí, bản đồ, hoạt động công nghiệp cổ truyền Việt Nam. Đã nhận nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2005, Giải thưởng Phan Chu Trinh năm 2008. Thành tựu của ông có thể ghi vào sách kỷ lục Việt Nam. Nhiều nghiên cứu của cụ là bằng chứng khoa học cho việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tiếp chúng tôi trong nhà riêng là một cụ ông nhanh nhẹn và minh mẫn hơn nhiều so với tuổi.

Năm nay bước vào tuổi 92, ông còn tiếp tục công trình nghiên cứu nào nữa không?

Phải chốt lại chuyện nghiên cứu lịch sử Biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa. Nội dung này nằm trong nghiên cứu chung của tôi, nhưng là vấn đề thời sự, cần phải nghiên cứu sâu. Thật may mắn, không hiểu sao mà mình lại có được những tư liệu đến thế…

Sao lại không hiểu được! Đơn giản là vì ông đã lao động suốt cả một đời…

Nói thì đơn giản thế, nhưng rất phức tạp, phải bỏ ra nhiều công sức, nhiều thời gian và cả tài chính nữa. Tôi cảm thấy may mắn khi bước qua tuổi 90 rồi mà vẫn còn được phục vụ đất nước. Bây giờ đâm lao phải theo lao, phải giữ sức khỏe làm những việc đó. Trước đây, tôi nghiên cứu tổng quát lịch sử xã hội - dân tộc Việt Nam, rất cẩn thận, từng phần ruộng đất, sưu tập địa bạ của 200 năm nay, những tư liệu viết bằng chữ Hán, để biết đất nước biến chuyển như thế nào về đất đai. Nghiên cứu đất, tức là liên quan đến con người sống trên đó, thành ra là nghiên cứu lịch sử, địa lý. Phải có phần chứng minh, chính là các bản đồ người nước ngoài vẽ về đất nước mình, cả xưa và nay. Sưu tập bản đồ sẽ hiểu lịch sử tương đối chính xác hơn. Tôi không là người đam mê sưu tầm như cụ Vương Hồng Sển, mà sưu tầm những thứ liên quan đến nghiên cứu và nghiên cứu giải mã những tư liệu ấy.

Ông đã góp phần chứng minh sự thật về Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào?

Đó là một công trình lớn, không riêng mình tôi có thể làm được. Có những người chuyên gia về luật pháp, lịch sử, chuyên về chữ Hán nghiên cứu, như các chuyên gia Nguyễn Nhã, Hoàng Việt, Phạm Quốc Quân… Phần của tôi nghiêng về tổng hợp một chút. Tư liệu, bản đồ, lịch sử của các nước, kể cả của tác giả Trung Quốc, phương Tây thế kỷ XVI-XIX đều xác nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, không một ai nói rằng của Trung Quốc cả.

Trên mạng, có một số người nói, việc Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, điều đó dứt khoát rõ ràng rồi, không có gì phải bàn cãi lôi thôi. Ông có nghe về những ý kiến đó không?

Có đấy, họ còn nói rằng “Cụ Đầu khỏi phải chứng minh rắc rối. Ai cũng biết Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”. Nhưng tôi nghĩ mình phải đưa ra ánh sáng những chứng minh khoa học, đó là bổn phận. Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng tới chỗ tôi, liên hệ để xin tư liệu, công bố với công chúng. Những tư liệu quan trọng, báo Nhân dân đã đăng hai trang lớn. Nhưng vấn đề này rất lớn và nhiều cách trình bày, không chỉ một vài bài báo là xong. Đó là một vấn đề khoa học, thời sự của quốc tế và của nước ta.

Theo ông, những tư liệu nào được cho là quý hiếm nhất?

Rất nhiều tư liệu cổ xưa tôi đoán là ngay cả các viện nghiên cứu cũng chưa chắc có, nên Nhà nước và hai Bộ (Ngoại giao và Công an) mới liên hệ với tôi. Nhưng tôi không như người sưu tầm cho rằng cái này quý, cái kia quý. Tôi là nhà nghiên cứu, giải mã, đọc được những tư liệu, bản đồ bằng nhiều thứ tiếng, trong nhiều giai đoạn khác nhau, để tìm ra nguồn gốc từ đâu mà có những tên gọi đó.

Ông có cách nào cho nhiều người hiểu một cách chân thực những sự thật mà mình đã dành cả đời để chứng minh hay không? Đặc biệt khi đó là một chuyện quan trọng của đất nước?

Tôi rất muốn điều đó. Nhiều người hiểu chung chung, rằng Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, nhưng tôi có thể góp phần chứng minh được. Tôi từng gặp nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo, giáo viên… và nhận thấy rằng họ không nắm được các chi tiết cụ thể của vấn đề. Như vậy là phiến diện. Ai cũng kêu là năm nào thi cử, điểm môn lịch sử cũng kém nhất. Tôi nghĩ rằng những gì về đất nước mình, lịch sử, địa lý, văn hóa, đời sống xã hội Việt Nam, đã không được trình bày một cách tổng quát, đầy đủ trong chương trình giáo khoa mười hai năm. Cả thầy lẫn trò đều ít quan tâm đến vấn đề lịch sử. Chúng ta muốn người dân quan tâm đến điều gì thì phải phổ biến rộng rãi kiến thức cho họ.

Nhưng thưa ông, có nhiều nghiên cứu khá khó hiểu, toàn là tư liệu, ký hiệu, ngôn ngữ cổ, đâu phải dễ nắm…
Những điều chị cho rằng khó, tôi cho là dễ. Người không quan tâm thì bao giờ cũng cho là khó cả.

Vậy xin ông cho vài câu dễ hiểu, dễ thuộc để trang bị cho một người rất bình thường như tôi có thể hiểu được.

Nếu thế, tôi chỉ cần đưa cho chị xem vài tấm bản đồ do người Trung Hoa xưa vẽ, một vài tấm do người Việt Nam vẽ, và vài bản đồ do người phương Tây vẽ về Biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa. Thế thôi. Cho người ta thấy rằng từ xưa, người Việt Nam chịu trách nhiệm ở Biển Đông cả về phương diện an ninh lẫn xã hội. Hằng năm gió mùa Đông - Tây, thuyền bè gặp nạn trôi dạt vào. Triều đình Việt Nam thời xưa đã giúp những người trôi dạt vào Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ Biển Đông từ xa xưa.

Như vậy, chỉ riêng bản đồ đã nói được khá nhiều và khá dễ, phải không thưa ông?

Chúng ta ngồi ở đây, bên cạnh một ngã tư, tôi mời chị nhìn xuống xem những người nước ngoài đang đi qua cửa. Họ đều cầm bản đồ, tìm đường đi, phải không? Việt Nam có bao nhiêu thành phố có bản đồ?

Thưa ông, bây giờ, phục vụ cho du lịch, nhiều nơi cũng có bản đồ rồi.

Nghĩa là vẫn để phục vụ du khách là chính. Người Việt rất ít sử dụng bản đồ.

Họ theo thói quen: đường ở miệng...

Sách giáo khoa cũng rất ít bản đồ. Trên báo chí cũng vậy. Có sự kiện mới xảy ra ở một xứ lạ, xưa nay ít biết, phải có bản đồ hướng dẫn cho người đọc biết, chẳng hạn nước Libya nằm ở đâu. Chúng ta phải góp phần xây dựng thói quen văn minh, khoa học. Nước mình ít dùng, cho đến giờ việc thực hiện thói quen ấy rất khó khăn. Tôi rất muốn phổ biến những tấm bản đồ.

Đơn giản vậy mà không có cách nào sao?

Phải là chính sách của những người làm văn hóa. Chính phủ phải quan tâm, ngành giáo dục phải quan tâm, các nhà báo phải quan tâm.

Sao phải chờ những thứ to tát, khó khăn ấy? Chúng ta cứ thử in cuốn bản đồ nhỏ cầm tay, để bất cứ ai cũng có thể chứng minh những vấn đề chủ quyền biển đảo một cách dễ dàng, đầy tính thuyết phục khoa học?

Nói kinh nghiệm nhé: Tôi có lần làm rồi và lỗ vốn. Ít ai quan tâm! Hồi kỷ niệm Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh 300 năm, tôi là người đầu tiên cung cấp bản đồ về lịch sử biến chuyển vùng đất của Sài Gòn 300 năm, nhưng không bán được. Dường như người ta chỉ quan tâm đến những vấn đề trước mắt. Lĩnh vực lịch sử chúng ta cũng chỉ đầu tư nghiên cứu về chiến tranh chống Pháp, Mỹ, thời kỳ bảo vệ đất nước hơn là về thời kỳ dựng nước. Thí dụ triều Nguyễn rất có công xây dựng đất nước, nhưng chưa được ghi nhận tương xứng. Có lẽ vì vấn đề gần chúng ta hơn cả là công cuộc bảo vệ đất nước, nên người ta cứ tập trung vào. Nói không khéo sẽ quên mất lịch sử xây dựng đất nước, chỉ thấy công bảo vệ mà thôi. Trình bày nhầm như vậy, không thấm vào tâm hồn người Việt Nam một cách đầy đủ nên càng ngày lịch sử càng bị lơ là. Cuối đời rồi, tôi thấy có những chuyện quan trọng không thể lơ là được, như chuyện phải tranh đấu cho Hoàng Sa - Trường Sa.

Ông có hài lòng về những gì vừa qua ông đã đóng góp cho đất nước thông qua những công trình nghiên cứu của mình hay chưa? Ông muốn được mọi người hưởng ứng như thế nào?

Theo tôi thấy, các vị lãnh đạo thì nghĩ đường lối lớn, báo chí thì tích cực trong khả năng tuyên truyền của mình, phải làm cho sự hiểu biết trong công chúng rộng rãi hơn nữa. Tôi muốn hỏi tại sao nhiều nhà văn như chị lại ít nói đến vấn đề này?

Thú thật với ông là giới văn chương, theo tôi thiết nghĩ, có lẽ chưa hiểu biết nhiều lĩnh vực, sợ nói không thấu đáo những việc nhạy cảm thì hiệu quả không cao. Họ mới chỉ biểu lộ lòng nhiệt thành yêu nước. Muốn chuyển hóa thành hình tượng văn học thường phải có thời gian…

Phải tìm hiểu, lặng im là không được. Phải làm cho giới trẻ hiểu biết, chứ tự nhiên không ai hiểu biết ngay được. Nếu muốn có sự hiểu biết một cách khoa học thì phải phổ biến rộng khắp chứ tại sao lại không làm? Phải thật thà, trung thực. Nói sự thật không thể mất lòng ai…

Thưa ông, người ta vẫn sợ có câu “sự thật mất lòng”…

Sự thật chỉ có thể giải quyết được bất đồng. Không sợ mất lòng.

Nghe nói ông đang tìm người để kế tục sự nghiệp. Ông đã tìm được chưa?

Có nhiều người hỏi, nhiều cơ quan đến tiếp xúc với tôi. Tôi đã bắt đầu giao một phần tư liệu cho Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, kể cả việc sao chụp bản đồ. Nhưng như tôi đã nói, tôi không phải là nhà sưu tầm, không cần nơi bảo quản những đồ sưu tầm, mà là nhà nghiên cứu. Nên tôi cần tìm người tiếp tục việc nghiên cứu những tư liệu của tôi còn nghiên cứu dở dang. Cho đến nay, chỉ thấy những người muốn gìn giữ tư liệu ấy, chưa thấy một ai tha thiết chuyện nghiên cứu. Nghĩa là tôi vẫn chưa tìm được người kế nghiệp mình.

Theo tôi được biết có rất nhiều người theo các ngành học liên quan mà, thưa ông?

Đúng là tôi có tiếp xúc nhiều người làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ nhờ tôi giúp đỡ tư liệu, cho ý kiến, nhưng xong là thôi, họ không tiếp tục nghiên cứu nữa. Tôi chưa tìm được ai. Hơi buồn một chút.

Khó thật vậy sao?

Khó. Có lẽ vì họ không thấy mối lợi kinh tế nào trước mắt.

Nhưng còn các viện nghiên cứu khoa học về xã hội, lịch sử? Đó là những nội dung công việc của họ mà?

Không có nhiều sự quan tâm từ các đơn vị này. Chắc chị biết có Hội Sử học, có nhiều người giỏi chuyên môn. Các trường đại học cũng có khoa chuyên môn, ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế đều có cả. Tôi cũng biết có giáo sư nghiên cứu những vấn đề tôi và chị đang nói với nhau đây. Thực tế, trên mạng, ở các tòa soạn báo, các Viện nghiên cứu Khoa học xã hội, Viện Sử, Viện Địa lý, Hội Lịch sử Việt Nam… đều nghiên cứu, nhưng có lẽ đều thiếu mảng tư liệu và nghiên cứu như tôi. Tôi thiết nghĩ vì vậy Nhà nước mới gọi đến tôi. Tôi nhận định vậy thôi, chị muốn thì thử tìm hiểu thêm.

Thưa ông, làm một nhà nghiên cứu độc lập suốt cả đời, ngoài chuyện tiền bạc tốn kém mà lại khó kiếm tiền, thì khó khăn nhất ông phải trải qua là gì?

Thứ nhất là cái ham mê chân lý phải vượt lên trên hết. Ham mê sự thật, ham mê hiểu biết. Buổi ban đầu, tôi đâu biết nhiều vấn đề, đâu có nhiều tài liệu. Bản đồ một vài cái chứng minh. Đồ cổ để biết thời xưa ăn uống thế nào. Lịch sử cũng chỉ là đọc qua những quyển sách bình thường ai cũng có. Sau vì ham mê, nên tôi đi tìm kiếm tư liệu khắp trong nước, chợ trời. Số đồ gốm, bản đồ tăng lên. Chi tiêu cho cuộc sống phải tiết kiệm, giản dị, dành phần cho tư liệu và nghiên cứu. Dần dần mới thành nhà nghiên cứu lúc nào không biết.

Nay có thể “xếp hạng” ông là nhà nghiên cứu tầm cỡ…

Không cỡ gì. Nhưng tôi tự biết mình không mặc cảm khi thảo luận và tiếp xúc với giới nghiên cứu các nước. Tôi có dịp làm nhà khoa học nho nhỏ tiếp xúc với các nhà khoa học thế giới - Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Úc…, để thảo luận các vấn đề và tư liệu mình có giá trị đáng chú ý. Tôi là một nhà nghiên cứu tay ngang, vẫn khiêm tốn rằng còn nhiều điều mình chưa biết, nhưng vẫn trao đổi được với những nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu về lịch sử, địa lý Việt Nam và nước ngoài.

Giới nghiên cứu nước ngoài có người từng phát biểu là họ đi khắp nơi, chưa gặp ai như ông. Câu chuyện thế nào, thưa ông?

Họ nói quá đáng chăng! Năm ngoái có hai nhà khoa học có tiếng, chuyên về bản đồ của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, đến thăm tôi. Chúng tôi cùng thảo luận các vấn đề bản đồ lịch sử Việt Nam xưa và nay. Hai người đó đi Huế, Hà Nội, qua Lào, Campuchia, rồi quay lại lần thứ hai. Và họ nói câu chị vừa nhắc...

Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, hẳn ông phải gặp những tình huống khó khăn?

Có những thời kỳ, tôi gặp phải sự không hiểu của chính quyền sở tại. Họ đi hỏi dò người quen biết, hỏi nhà báo, rằng một tấm bản đồ dùng để làm gì, có hại cho an ninh hay không, tôi lấy ở đâu ra những bản đồ đó... Rồi không biết họ lấy tin từ đâu rằng ông Đầu bán bản đồ cho nước ngoài tới hai triệu đô. Với các nhà khoa học độc lập, không thuộc một cơ quan nào như tôi, những chuyện như vậy rất đáng ngại. Nếu không có một bề dày suốt đời tha thiết với dân tộc, nhiều người sẽ buông xuôi. May mà tôi sống lâu đến lúc được hiểu, được đóng góp cho đất nước. Chứ nếu chẳng may qua đời trước, thì tư liệu, giấy tờ, sự hiểu biết tìm tòi của một người công dân đổ xuống sông hết. May mắn nữa là ba năm trở lại đây, Nhà nước chính thức biết đến công trình của tôi. Tôi sẵn sàng đóng góp.

Thế còn niềm sung sướng nhất của một nhà nghiên cứu?

Là góp phần tìm hiểu chân lý, được hiểu chân lý, sự thật. Và được nói lên những sự thật ấy. Thí dụ như đang được nói những chuyện đó với chị đây này. Tôi lại có hạnh phúc nữa là, nhiều anh bạn tôi, mới tám mươi trí khôn đã hơi lẫn, còn tôi, không hiểu tôi nói chuyện với chị nãy giờ hơn hai tiếng đồng hồ, chị có thấy tôi có gì lẫn không? Đó là hạnh phúc trời cho.

Cũng có công rèn luyện nữa chứ?

Có nhiều người hỏi tôi có bí thuật gì không, tôi nói rằng chỉ giữ sức khỏe một cách bình thường, giống như công việc nghiên cứu, không ngày nào không quan tâm. Sống đơn giản. Sáng ăn bánh mì, cà phê nhiều sữa, hai bữa bình thường, thích mắm, gu hơi nặng.

Ông có gặp phải bệnh tật nào đáng lo chưa?

Bệnh đặc biệt như mổ xẻ thì không có. Thỉnh thoảng đang ngồi nói chuyện bị té vì máu lên não không kịp. Có lẽ là một dạng của bệnh tim mạch.

Nếu ông chưa mệt, xin hỏi thêm ít câu cuối: Vì sao ông không viết hồi ký cuộc đời một nhà nghiên cứu độc lập?
Tôi mê hội họa và đọc sách, đặc biệt là tự truyện như của Washington, Gandhi, Churchill, cụ Hồ, các nhà văn và chính khách lớn. Bởi chúng thực. Từ bé, tôi đã nghĩ hai hướng trong một người sống đời tích cực: một là những người chuẩn bị để làm nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, hai là chuẩn bị thành người tích cực sống ở cơ sở - militant de base. Lựa chọn của tôi là chiến sĩ ở cơ sở. Từ bé, được tiếp xúc với môi trường xã hội văn hóa tôn giáo rất phong phú, tiếp xúc các nhân vật bên này bên kia, tôi vẫn giữ được ý nguyện làm con người cơ sở. Những việc nghiên cứu địa bạ, bản đồ, sách cổ, gốm… là cơ sở. Không có hướng viết tự truyện, nhưng không có nghĩa là không viết ra những sự kiện, con người mà tôi được tham gia, tiếp xúc.

Những người có cuộc đời hay như ông, không viết ra, mai này đem về với tổ tiên, vậy là có “khuyết điểm”. Ông có công nhận như vậy không?

Cũng có nhà văn đề nghị được nghe chuyện tôi kể để viết, nhưng tôi xin cảm ơn. Thỉnh thoảng tôi có viết lại một vài điều mình chứng kiến cho dễ hiểu, cho sáng sủa, không phải tiểu sử mình, chắc chị có đọc?

Vâng, thưa có. Xin cảm ơn ông đã dành cho một cuộc trò chuyện dài…

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần.

nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-11-12-noi-su-that-khong-so-mat-long-ma-co-the-giai-quyet-bat-dong

111111- Động thổ Happy Land




Long An

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

111109- VN dzui dzui...

Chỉ có ở VN : Vui ... hiiii




















111109- 8 chiêu quảng cáo... "khủng của khủng"

Quảng cáo là một hoạt động không thể thiếu của các doanh nghiệp, công ty. Ai cũng muốn sở hữu những hình thức quảng cáo độc đáo nhất, ấn tượng nhất và thậm chí phải là... "khổng lồ" nhất. Các hình thức quảng cáo khổng lồ rất hữu ích phải không các bạn, vừa có thể tiếp thị cho sản phẩm lại vừa gây chú ý của mọi người nữa. Sau đây, chúng tớ sẽ tổng hợp những biển quảng cáo "khủng" nhất. Cùng điểm danh nào!!!

1. Biển hiệu lớn nhất


Kỷ lục này thuộc về hãng điện thoại di động Nokia. Với mục đích mang lại sự thích thú cho khách hàng, Nokia đã đặt tấm biển hiệu ở độ cao 50 mét trên không trung, bên cạnh cầu tháp London. Những người đi qua khu vực này sẽ không thể không để mắt đến tấm biển chỉ dẫn khổng lồ này. Trọng lượng của tấm biển là hơn 2 tấn và nó có chiều dài bằng... 2 chiếc xe buýt hai tầng đấy các bạn ạ! Quả là rất "khủng" phải không nào?

2. Biển quảng cáo dài nhất và thân thiện nhất


Ở Dubai có một tấm biển quảng cáo rất đặc biệt. Tấm biển này có chiều dài là 1,5km và đặc biệt hơn, nó được chế tạo bằng 100% vật liệu tái chế có khả năng tự phân hủy. Đây là tấm biển quảng cáo trong dự án cải tạo đất đai, cơ sở hạ tầng, sinh thái... ở thành phố Dubai. Để lắp đặt được tấm biển "quái vật" này, người ta đã chia nhỏ thành 450 mảnh khác nhau như một trò chơi ghép hình với kích thước 10mx2m.

Tấm biển quảng cáo trị giá 3,2 triệu USD (tương đương 67,2 tỷ VNĐ) này là sản phẩm trí tuệ của Adrac, một công ty quảng cáo toàn cầu và nó được tài trợ bởi 100 công ty.

3. Quảng cáo dao cạo râu "bé bự" nhất


Danh hiệu này thuộc về hãng Gillette. Trong giải đấu Wimbledon 2011, nhóm thực hiện quảng cáo đã vẽ hình ảnh tay vợt hàng đầu thế giới Roger Federer trên sân bóng bầu dục với kích thước rất "khủng": 70mx50m. Để vẽ được chân dung khổng lồ trên sân cỏ, họ đã tiêu tốn hơn 3.000 lít sơn và bình vẽ công nghiệp. Một chiếc máy cắt cỏ đã được sử dụng để "cạo" 1.000 lít bọt trên "khuôn mặt" Federer. Một ý tưởng quảng cáo cực hay ho và ấn tượng các bạn nhỉ?

4. Logo quảng cáo lớn nhất


Một kỷ lục rất thú vị đấy các bạn ạ. Logo của các nhãn hiệu thì chúng mình thường thấy ở rất nhiều nơi nhưng để tìm ra logo to bự nhất thì phải là một nơi có không gian cực rộng rãi. Đó chỉ có thể là... sa mạc thôi. Tại Arica, miền Bắc Chile, Coca-Cola đã thiết kế một logo ngay trên... sa mạc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Logo này cao 50m, rộng 120m, được làm từ 70.000 vỏ lon Coca-Cola rỗng. Bên dưới logo là dòng chữ "100 años" (100 năm).

5. Biểu tượng lớn nhất


Mặc dù không phải là thương hiệu đầu tiên yêu cầu quảng cáo của mình có thể được nhìn thấy trên Google Earth nhưng logo của KFC tại sa mạc Rachel, Nevada, Mỹ là một trong những logo "khủng" nhất. Phải mất 6 ngày để xây dựng và tạo ra logo từ 65.000 viên gạch. Logo này có diện tích 26.670 mét vuông.

6. Tấm poster siêu "khủng"


Kỷ lục này thuộc về hãng đĩa Sony Music Entertainment của huyền thoại Michael Jackson. Tấm poster có kích thước hơn 2.700 mét vuông và "tọa lạc" tại một bãi cỏ gần sân bay Heathrow, London, nước Anh. Nó cũng đã giành được danh hiệu "Áp phích lớn nhất thế giới" của Kỷ lục Guinness.

7. Quảng cáo cao "chót vót"


Công ty quảng cáo và hãng bảo hiểm đã liên kết thực hiện ý tưởng này ở một tòa nhà "cao chọc trời" tại Columbus, Mỹ. Quảng cáo mô tả hình ảnh sơn đổ từ trên tòa nhà xuống bãi đỗ xe, trông hài hước lắm í! Quảng cáo được hãng Nationwide Insurance thực hiện  trên diện tích 400 mét vuông.

8. Logo làm từ... cây trồng lớn nhất thế giới


Swissair, hãng hàng không quốc gia Thụy Sĩ đã thực hiện một "logo" siêu ấn tượng tại sân bay Munich, Đức từ... lúa mạch và cây lanh. Người ta mất 4 tháng để hoàn thành logo có kích thước 100.000 mét vuông này. Người sáng tạo ra quảng cáo này là Kristian Jeffrey, một vận động viên lướt sóng, leo núi và điền kinh. Công ty quảng cáo của ông đã thực hiện các quảng cáo ngoài trời đầy sáng tạo và độc đáo cho rất nhiều thương hiệu nổi tiếng.
nguồn: http://kenh14.vn/c44/20111101014118156/8-chieu-quang-cao-khung-cua-khung.chn