Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

110601- Đột nhập 10 thành phố siêu nhỏ

Bạn sẽ phải "trố mắt" trước thành phố gấp bằng giấy, bằng ghim, hay làm một thành phố bánh quy.

1. Paris - Pháp
 
Gerard Brion đã thực hiện xây dựng mô hình thu nhỏ của thành phố Paris cách đây 15 năm. Với 18.000 tiếng đồng hồ làm việc cần cù, ông đã khéo léo hoàn thiện công trình tuyệt tác này (còn được gọi là Le Petit Paris) tại khu vườn của mình ở Vaissaic thuộc phía Nam nước Pháp.
Những chất liệu ông sử dụng đều là vật phế thải như khối bê-tông, lọ đựng thực phẩm, và lon đựng súp. 150.000 du khách/năm đã đến thăm quan hơn 40 công trình bất hủ của Paris, như Champs Elysées, Montmartre, sông Seine, và tháp Eiffel. Tất cả đều được thu nhỏ với tỉ lệ 1:130 tại khu vườn mang phong cách Pháp được trồng hơn 400 cây bonsai.

2. Madurodam - Hà Lan

Thành phố thu nhỏ Madurodam được mở cửa quanh năm. Các tòa nhà ống ở Amsterdam, khu chợ pho mát Alkmaar, và các công trình trong hệ thống Delta Works, những phiên bản thu nhỏ này được khắc họa chi tiết với tỉ lệ 1:25.
 
Toàn bộ thành phố đều được đặt trong các khu vườn tuyệt đẹp. Cối xay gió chuyển động, tàu thuyền chạy qua cảng, và tàu điện ngang qua thành phố trên đường ray thu nhỏ lớn nhất thế giới.
 
3. Moscow - Nga

 
Mô hình thành phố Moscow có diện tích 122 m², được chế tác từ năm 1977 dưới bàn tay của 300 công nhân nhân dịp lễ kỉ niệm cuộc cách mạng Bolshevik lần thứ 60.
Nghệ sĩ người Nga Efim Deshalyt đã thiết kế ra mô hình này làm một vật tuyên truyền với nội dung rằng thủ đô của Liên Xô cũ tuyệt vời hơn bất cứ thủ đô nào ở phương Tây. Mức giá bán gần đây của công trình này là 3 triệu USD.
 
4. Thành phố đường
 
Nghệ sĩ Meschac Gaba đã tưởng tượng ra một thành phố nguyên đường, sau đó ông bắt tay vào xây dựng nó. Những mô hình của một số công trình đáng chú ý nhất trên thế giới cùng góp mặt trong một cuộc triển lãm có tên gọi là Thành phố Cảng tại Triển lãm Greenland Street ở Liverpool (Anh).
Ông đã lấp kín triển lãm bằng những địa điểm dễ nhớ nhất trên khắp thế giới như Taj Mahal, tháp Eiffel, Nhà hát Opera ở Sydney, London Eye (còn có tên khác là Vòng quay thiên niên kỷ), tháp đôi Petronas, công trình kiến trúc Reichstag của Đức…Có 600 công trình trong thành phố kì diệu này với diện tích khoảng 54 m² và mất 2 năm để hoàn thiện.

5. Thành phố bánh quy

 
Nghệ sĩ người Trung Quốc, Song Dong, đã sử dụng hàng nghìn chiếc bánh quy và kẹo để tạo ra phiên bản thu nhỏ của một thành phố ở châu Á với đầy đủ sân vận động và nhà thờ.
Công trình này được xây dựng tại cửa hàng tạp hóa Sefridges ở London, cảnh quan thành phố bao gồm hơn 72.000 loại bánh kẹo và caramel. Khi tác phẩm hoàn thành, khách hàng đều được mời tới thưởng thức.
 
6. Thành phố Origami
Nghệ sĩ gấp giấy nghệ thuật đến từ Nhật Bản, Wataru Ito, đã dành 4 tiếng để làm nên thành phố mô hình từ giấy. Toàn bộ kiệt tác này – có kích thước 2,4m x 1,8m x 1m – được chế tác hoàn toàn bằng giấy, Wataru đã gắn chúng liền với nhau bằng keo dán, dao tỉa, và máy đục lỗ.

7. Thành phố tăm

Stan Munro đã xây dựng nên nhiều địa đanh nổi tiếng từ hàng triệu que tăm. Và riêng thành phố tăm này đã chiếm quỹ thời gian của anh tới 6 năm và nó được tạo thành từ 6 triệu que tăm và 170 lít keo. Stan Munro làm việc tại Bảo tàng Khoa học và Kĩ thuật ở Syracuse, New York, Mỹ.

8. Minato-ku, Tokyo, Nhật Bản
 
Nằm tại tòa tháp Mori thuộc khu vực Roppongi Hills ở Tokyo, Nhật Bản, mô hình Minato-ku được xây dựng cực kì tỉ mỉ với tỉ lệ 1:1000. Gần đây, công trình này đã được sử dụng để cho thấy các khu vực tiềm năng trong cuộc đấu thầu của Tokyo tại Olympics 2012.
Mỗi tòa nhà được chụp ảnh lại bằng trực thăng và xe ô tô, bức ảnh ghép sẽ được sử dụng trong mô hình. Toàn bộ quá trình này mất hơn 14 tháng thực hiện.

Mô hình Minato-ku trải dài từ công viên Yoyogi, Shibuya, Azabu, Roppongi, Shinagawa, và hai hòn đảo nhân tạo Tsukishima và Kachidoki.

9. Mô hình thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc
Mô hình thành phố tự trị Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc được thực hiện từ ngày 14/9/2005 và hiện đang trưng bày tại sảnh triển lãm kế hoạch thành phố ở Trùng Khánh. Tác phẩm rộng 892m2 này thể hiện cái nhìn toàn cảnh về thành phố đầy núi non với tỉ lệ 1:750 và rất đáng tự hào vì nó là mô hình lớn nhất tại Trung Quốc.

10. Thành phố New York được làm từ ghim

Nghệ sĩ Peter Root, ở Guernsey – một địa hạt của Anh, đã dành ra 40 giờ liên tục để dựng 100.000 chiếc ghim xây dựng công trình nghệ thuật mới nhất của mình: Thành phố thu nhỏ mang phong cách New York được làm từ ghim. Thế nhưng anh chỉ mất vài giấy để phá hủy nó bằng cách bắn mấy viên bi vào tác phẩm của mình.

Theo Gia Đình Xã hội

nguon: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/du-lich/23417/dot-nhap-10-thanh-pho-sieu-nho.html

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

110525- Camera vs Pencil Artworks

110525- Hầm chui đại lộ Thăng Long ngập do thiếu cống thoát nước

Theo chủ đầu tư đại lộ Thăng Long (Hà Nội), thiết kế
thoát nước của hầm chui và đường gom trên đại lộ Thăng Long vẫn chưa
thực hiện do có thay đổi mặt bằng thi công.
>Hầm chui đại lộ Thăng Long thành 'sông'

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc (Vinaconex), đại diện nhà thầu, những trận mưa mấy ngày qua làm ngập cầu chui dân sinh số 2 tới 50-60 cm do nước từ cánh đồng tràn vào.

Tại đường dân sinh dưới các cầu số 3, 5, 6 và cầu km9+656, cứ có mưa là ngập úng tới 80-90 cm. Nguyên nhân là hệ thống thoát nước giữa đường cao tốc và đường gom chưa có thiết kế, trong khi địa hình khu vực khá thấp.

Tại hầm chui km22 +189, mưa làm ngập úng 20-30 cm.
Theo Ban quản lý, hệ thống thoát nước đã thi công theo đúng thiết kế song do cửa cống phía hạ lưu bị chặn nên nước không thoát được.

Theo kiến nghị của đơn vị nhà thầu, Ban quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư, cần khẩn trương cung cấp hồ sơ thiết
kế hệ thống thoát nước giữa cao tốc và đường gom để các nhà thầu thi
công trước mùa mưa bão đến.





Hầm chui ngập nước tới 40-50cm khiến người dân đi lại khó khăn. Ảnh: Bá Đô.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Đắc Tuấn, Giám đốc Ban điều hành dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc (Ban quản lý dự án Thăng Long), đại diện chủ đầu tư, cho biết mặc dù đại lộ Thăng Long đã được thông xe để giải quyết giao thông, song đến nay một số hạng mục như điện chiếu sáng, cây xanh, cầu vượt, nút giao Hòa Lạc vẫn chưa hoàn tất.

Theo quy hoạch, đường thoát nước của hệ thống hầm chui và phần cao tốc với đường gom được bố trí ở dải phân cách giữa.
Song trong qua trình thi công, dải phân cách này bị đổ trộm phế thải tràn lan. Nếu thi công theo thiết kế thì phải đào bốc lượng đất đá rất lớn, trong khi chi phí và các phần công việc được phê duyệt không có danh mục này. Do vậy, cơ quan này đang khảo sát, tính toán để đưa ra thiết kế hệ thống thoát nước tại mặt bằng khác cho phù hợp.

Ông Tuấn cho biết, cuối tháng 5, thiết kế thoát nước cho hầm chui và phần cao tốc với đường gom sẽ hoàn thành, chuyển nhà thầu để thi công, giải quyết úng ngập trên tuyến đường vào mùa mưa.

Đoàn Loan

nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/05/ham-chui-dai-lo-thang-long-ngap-do-thieu-cong-thoat-nuoc/

110525- Cô ơi, giả dối vẫn ngang nhiên ở trường...

Bức thư của em học sinh Phạm Thị Mẫn không chỉ là những sự thật phũ phàng trong việc giảng dạy và học Văn, mà còn đưa ra câu hỏi nhức nhối trong môi trường sư phạm.

VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả phần 2 của bức thư “đặc biệt” này, đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, số 8/2011.

Hình minh họa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phần 1: Nhức nhối tâm thư trò gửi cô dạy Văn

Cô kính mến!

(…) Thưa cô, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực” liệu có trở thành một khẩu hiệu trống rỗng hay không, khi đã và đang có quá nhiều điều hoàn toàn không hay chút nào vây lấy chúng em, từ học hành đến thi cử, từ tiếp thu kiến thức đến sử dụng kiến thức?

Trường học lẽ ra phải là nơi chúng em được học những điều tốt đẹp nhất thì tại đây, sự giả dối vẫn ngang nhiên diễn ra, không biết bao giờ mới chấm dứt?

Trường học lẽ ra phải là nơi chúng em được học những điều tốt đẹp nhất            thì tại đây, sự giả dối vẫn ngang nhiên diễn ra, không biết bao giờ mới            chấm dứt?

Giờ học ầm ầm như cái chợ vẫn được điểm 10 vì thày cô nể nhau. Một số thày cô thực tập lên lớp còn lúng ta lúng túng, thậm chí dạy sai cả kiến thức, nhưng nghe thày Hiệu trưởng công bố kết quả xếp loại thì vẫn thấy những thầy cô ấy đạt loại xuất sắc! Hàng ngày thày cô sa sả mắng học trò dốt nát, nhưng cuối năm vẫn cứ 70% học lực khá giỏi, 90% hạnh kiểm tốt, tốt nghiệp vẫn 100%.

Thày cô luôn dạy chúng em phải trung thực, nhưng trước khi thi tốt nghiệp, thày cô lại dặn phải gây thiện cảm với giám thị, nếu là bạn trường mình thì phải “giúp đỡ”, nhưng với trường ngoài thì tuyệt đối không để cho “người ta” nhìn bài. Tại sao lại thế hả cô?

Sau ba năm học và thi thoảng trở lại trường, em thấy càng ngày trường mình càng được xây dựng đàng hoàng, to đẹp. Nhưng em thấy đắng lòng khi cảm nhận được mỗi viên đá lát, mỗi vườn cây đều thấm đầy mồ hôi, nước mắt.(..) Đóng góp của phụ huynh thì nhiều thế, mà thật lạ lùng - em nói điều này mong cô đừng cho là em quá chi tiết - đến một cái nhà vệ sinh sạch sẽ một chút cho tụi học trò chúng em, nhà trường cũng không có nổi.

Để đến nỗi, cái việc cực chẳng đã là phải đi vệ sinh ở các khu WC không thể bẩn thỉu hơn, đã luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của biết bao nhiêu thế hệ học trò…

Chúng em không biết nhiều, nhưng cô từng bảo rằng, tiền phụ huynh “giúp đỡ” nhà trường nào có đáng kể gì. Ban Giám hiệu phải sấp ngửa đi “xin” các doanh nghiệp, các nhà tài trợ. Và cũng vì thế nên năm nào lớp chọn cũng phải có vài suất “ngoại giao”, dù điểm “đầu vào” của các bạn ấy còn thua xa điểm chuẩn. Nhập lớp rồi, mấy bạn ấy được đi học mà không thèm học, bỏ học và trốn học đi chơi điện tử như cơm bữa. Trong khi bao nhiêu bạn khát khao được đến trường, chỉ vì điểm thi thấp mà đành rẽ cuộc đời sang ngả khác, chấm dứt ước mơ học hành.

Em còn nhớ trong buổi sinh hoạt lớp, bạn Thành đề nghị chuyển toàn bộ số tiền mua quà mừng ngày 20-11 cho đồng bào miền Trung, có bạn quát rất to: “Mày ngu thế!” Bạn Thành bảo: “Em xem ti vi, thấy người ta không có mì để ăn, không có nhà để ở, trường mình tổ chức 20-11 hoành tráng thế để làm gì?”

Cô lúng túng vài giây rồi từ tốn giải thích: “Việc nào ra việc ấy em ạ, em muốn ủng hộ bao nhiêu cũng được, còn đây là việc chung của trường, mình không bỏ được”. Cô đã tìm ra “chìa khóa” giải quyết vấn đề, vừa thỏa mãn ý kiến của học trò, vừa không làm hao hụt phần “quà 20-11” của các thày cô…

(…) Ở lớp 10A6, bạn Tú gan lì nhất, kiên quyết không theo lớp học thêm, thì trong buổi học cuối kì I, cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị gặp riêng và không cần giấu giếm nữa: “Nếu em không theo được phong trào của lớp thì thôi, gia đình nên cho em chuyển sang lớp khác!”. Bạn ấy ngồi khóc.

Chúng em thương bạn lắm và bảo: Thôi, cần gì, đã thế thì chuyển đi! Nhưng rồi biết chuyển đi đâu hả cô? Lớp nào cũng thế thôi, cùng một gầm trời này... rồi trường nào cũng vậy! Bạn Tú đành chấp nhận nộp tiền oan chỉ đến lớp ngồi cho cô điểm danh. Bạn không vào đầu thêm được chữ nào, vì ở nhà đã có anh trai học ở trường chuyên dạy cho bạn rồi!

Có thày cô còn “hướng dẫn” chúng em rằng: “Sau ba năm học dưới mái trường này, các em như bầy chim đã đủ lông đủ cánh sắp bay xa, chúng ta phải thể hiện niềm biết ơn với các thày cô, biết ơn các bác bảo vệ, lao công, người phụ trách y tế học đường, thày dạy quân sự, cô dạy hướng nghiệp, các thày cô trong Ban Giám hiệu...”. Thế là số tiền “biết ơn” đó tăng lên biết bao nhiêu lần để mua thêm mấy chục suất quà!

Chưa kể, lớp nào cũng phải có thêm một thứ gì đó “to to” nữa để “kỉ niệm” nhà trường. Các thày cô đi đâu cũng khoe: “Học sinh trường mình chu đáo, hiếu nghĩa, có trước có sau!” Các cô chủ nhiệm thì mát mặt! Chỉ các bạn con nhà nghèo là phải cắn răng mà chịu đựng thôi cô ạ.

Đã có lúc, em đau xót nghĩ đến đề văn mà cô đã ra cho lớp, tập quán xấu            ban đầu là khách qua đường, sau nó ở chung nhà và trở thành chủ nhà khó            tính… Cô có thấy là những bài học đó vô tình đã được “ứng dụng” vào cô            rồi không?

Cô của em thì không phải là người tham, em biết rõ như vậy. Nhưng dần dà em nhận thấy, những phẩm chất tốt đẹp mà em đã từng cảm nhận ở cô cũng ngày một hao mòn. Em nhớ hồi đầu, phát hiện thấy phong bì của phụ huynh khéo léo gài trong bó hoa, cô đỏ mặt và tìm cách trả lại. Sau rồi tình trạng không thay đổi, không thấy cô trả lại lần nào nữa.

Đã có lúc, em đau xót nghĩ đến đề văn mà cô đã ra cho lớp, tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau nó ở chung nhà và trở thành chủ nhà khó tính… Cô có thấy là những bài học đó vô tình đã được “ứng dụng” vào cô rồi không?

(…) Em chưa một lần dám nói “hỗn” với cô, vì em không muốn làm cô buồn. Nhưng nếu không vượt qua mặc cảm để viết bức thư này, thì em lại vô cùng day dứt. Từ nơi xa xôi, em nhớ cô, nhớ nhà buồn đến khóc. Em thấy mình có lỗi thật nhiều. Nhưng, dù cô có mắng mỏ, hay không coi là “học trò cũ” đi nữa, em vẫn mãi mong muốn được là đứa con bé bỏng của cô, là công dân có trách nhiệm của nước Việt. Cô sẽ không bao giờ phải ân hận vì đã sinh ra em lần thứ hai.

Và em mong, một ngày nào đó về thăm trường, em sẽ được cô trìu mến nắm tay và bảo với em rằng: “Cô hiểu em. Cô chia sẻ với em. Cô sẽ cố gắng để những điều làm em phải dằn vặt sẽ không còn tồn tại trên đời này nữa!”.

Mãi là trò nhỏ của thày cô.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

110523- Tôi giàu hay nghèo?

Thực tâm tôi không thích giàu, không hẳn vì vợ chồng tôi dốt nát, kém cỏi đến mức không kiếm ra tiền nên đành phải nhẫn nhịn.

Cảnh đi thuê nhà rất không ổn định, sợ nhất có con mọn mà đồ đạc phải chuyển đi chuyển lại, vất mình mà khổ cả con. Vì thế chúng tôi bàn nhau nhất thiết phải có nhà riêng.

Cưới xong, chúng tôi vẫn kế hoạch để có điều kiện dành tiền, dành thời gian tìm hiểu các kiến thức nuôi con.

Nửa năm sau hai đứa đã tự mình mua được một mảnh đất hiện đang ở. Tôi có bầu. Khi con tròn tuổi chúng tôi đã dựng được một căn nhà, chỉ phải vay chút ít, không xin của hai bên một đồng nào. Bố mẹ đã quá vất vả, nên để họ được nghỉ ngơi. Chúng tôi cũng sẽ sống cần kiệm, để gắng luyện cho cả con mình không dựa dẫm vào bố mẹ.

Bạn bè có gợi ý cho tôi làm thêm cái này cái khác để thêm thu nhập, còn tôi chỉ muốn chuyên tâm vào công việc ổn định mà mình yêu thích, có thu nhập để gia đình không lâm vào cảnh “túng làm càn”.

Nếu là công sức vất vả bỏ ra, thì một đồng tôi cũng phải đòi hỏi cho mình, nhưng nếu không có công thì không bao giờ tôi điềm nhiên hưởng lợi. Tôi tự hào rằng gia đình mình suốt bao năm nay sống bằng sức lao động chân chính.

Nhà tôi cấp 4, mái ngói, trần nhựa, xây dài kiên cố trên diện tích 90m2. Có hai buồng ngủ, một phòng khách rộng, một bếp, một nhà tắm cùng công trình phụ nhỏ vừa đủ dùng và một mảnh vườn be bé để trồng rau cho con ăn.

Chúng tôi dự tính khi nào xuống cấp mới sửa hoặc xây lại nếu có tiền, điều này không bắt buộc và càng không gây áp lực cho ai.

Nhà không có điều hòa, không nóng lạnh, máy giặt… Đồ dùng điện chỉ là 5 chiếc đèn tuýp 60cm, hai chiếc quạt cây, một ấm nước, một nồi cơm điện, một TV và một Laptop. Mỗi tháng dùng hết 40 số điện, chưa bao giờ trên 50 số bất kể mùa đông mùa hè.

Chúng tôi có hai chiếc xe máy, một cái đưa về quê cho bố chồng đi. Một cái chồng đi làm. Sáng sáng sau khi mang gửi con, tôi lại được nhàn tản đi xe đạp đến công ty cách nhà 1,5km, chiều thong thả đạp về. Đó cũng là phút thư giãn trong ngày, tôi được dịp tập thể dục, tìm lại hình chữ S thân yêu.

8h tối, sau khi việc vặt đã được hai vợ chồng cùng nhau “thanh toán”, cả nhà lại cùng đùa vui bên con, hoặc dắt nhau đi bộ ra siêu thị gần đó, vào khu vui chơi, có khi chỉ là thay đổi không khí, bát phố nghe gió thổi và ngắm người qua lại…

Các bạn hỏi tôi về khoản để dành, đương nhiên là có. Sau khi trả xong nợ xây nhà, tôi sẽ mua một ít vàng phòng bất trắc. Còn đâu nếu họ hàng, bạn bè thân thiết của mình cần sẽ cho mượn, thậm chí là làm từ thiện, để lại phúc đức cho con cái.

Dù cuộc sống luôn tiềm tàng những bất ổn, các cơn “bão” không ngừng chực chờ xông đến, nhưng “nước nổi thuyền nổi” tôi vẫn bình tĩnh sống giản dị, biết tiết chế bản thân để không mất quá nhiều thời gian kiếm tiền hòng chi dùng cho cuộc sống xa hoa hơn.

Tôi có thời gian để tận hưởng những gì mình có, bên chồng, bên con trai ba tuổi, nhanh nhẹn, láu lỉnh, để tôi biết rằng mình đang thực sự được sống. Tôi yêu cuộc sống này vô cùng.

Có ai thương tôi đang tự đày đọa bản thân?

Có ai ghen tị với cuộc sống của tôi không?

Thanh Tịnh

nguồn: http://dantri.com.vn/c130/s130-483313/toi-giau-hay-ngheo.htm

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

110521- “Cuộc chiến” độc đáo giữa các nhiếp ảnh gia

Thay vì tiếng bom đạn, “mặt trận” của các nhiếp ảnh gia lại tràn đầy những tiếc… cửa trập của máy ảnh, và vũ khí mà họ sử dụng chính là những chiếc máy ảnh thay cho những loại súng đạn thông thường.
Đoạn quảng cáo cho một cửa hàng máy ảnh dưới đây đã thực sự gây nên ấn tượng nhờ vào sự sáng tạo, khi “vũ khí” sử dụng trong cuộc chiến giữa các nhiếp ảnh gia thay vì súng đạn lại chính là… những chiếc máy ảnh, được sử dụng để nhắm và chụp.

Một cuộc chiến thực thụ, nhưng không có người chết và tất cả mọi người tham gia đều là người chiến thắng.


Phạm Thế Quang Huy

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

110520- Những đền chùa “trứ danh” của châu Á

Khám phá và ngắm nhìn vẻ đẹp của những công trình kiến trúc, di sản văn hóa đặc trưng nhất của những tôn giáo lớn tại châu Á.

1. Đền sen (Ấn Độ)

Đền sen là ngôi đền nổi tiếng nhất của đạo Bahai tại Ấn Độ (một tôn giáo lớn có nguồn gốc ở Ba Tư sau đó du nhập vào Ấn Độ từ thế kỷ 19). Đây cũng là một kỳ quan sáng tạo của con người với kiến trúc thiết kế đặc biệt gồm 27 mái vòm hành lang bằng cẩm thạch dưới dạng cánh hoa sen xếp thành 3 lớp. Mất hơn 10 năm thiết kế và xây dựng, từ lúc chính thức mở cửa vào năm 1986, nơi đây đã trở thành một địa điểm thăm quan ưa thích của du khách khi đến với Ấn Độ.

2. Ranakpur (Ấn Độ)

Nằm trong một thung lũng nhỏ tại thành phố Ranakpur, Ấn Độ, là nơi đặt một khu đền lớn của đạo Jain với đền chính Adinath, một công trình đồ sộ xây bằng đá hoa cương vào thế kỷ 15. Đền gồm 29 gian dành để cúng lễ và hơn 1400 cây cột chạm trổ rất tinh vi, hầu như không có cây cột nào là giống nhau cả.

3. Taktsang Dzong (Bhutan)

Tọa lạc trên một vách đá cheo leo ở độ cao 900m của xứ Bhutan (một quốc gia tại Nam Á nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc), tu viện Taktsang hay Tiger’s Nest (Hổ Huyệt Tự) là một tu viện Phật giáo nổi tiếng của người Tây Tạng thuộc tông phái Mũ đỏ. Được xây dựng từ thế kỷ 17 nhưng lại bị thiêu rụi trong một vụ cháy kinh hoàng vào năm 1998. Sau này, tu viện đã được sửa chữa, xây mới lại còn hiện nay, người ta hạn chế không cho du khách thăm viếng để tạo một không gian yên tĩnh cho việc chay tịnh.

4. Chùa Phật ngọc (Thái Lan)

Wat Phra Kaew hay Chùa Phật ngọc là một ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng ở Bangkok, nằm trong khuôn viên của Cung điện hoàng gia Thái. Nó được xây dựng bắt đầu khi vua Phật Yodfa Chulakole dời kinh đô đến Bangkok năm 1785. Điểm nhấn đặc biệt của ngôi chùa là bức tượng bằng ngọc bích khoác trên mình bộ áo bằng vàng, một trong những bức tượng Phật nổi tiếng và lâu đời nhất trên thế giới.

5. Thiên Đàn (Trung Quốc)

Thiên Đàn hay Đàn thờ trời được xây vào năm 1420 là nơi cúng thần trời đất của các vị vua thời nhà Minh và nhà Thanh. Thời đó, các lễ tế trời đất để cầu mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Được xem là một công trình kiến trúc mang tính tiêu biểu cho kiến trúc cổ đại Trung Quốc, Thiên đàn không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa to lớn mà còn là di sản quý giá của nghệ thuật kiến trúc thế giới.

6. Chùa Vàng (Nhật Bản)

Kinkakuji - Chùa vàng hay còn gọi là chùa Rokuonji là một trong những địa điểm thu hút du khách nhất tại Kyoto. Lúc đầu, nơi này được xây dựng như một nơi nghỉ dưỡng cho Tướng quân Ashikaga Yoshimitsu vào cuối thế kỷ 14. Vào năm 1950, ngôi chùa đã bị thiêu rụi bởi một nhà sư trẻ tuy nhiên nó đã được xây dựng lại theo đúng nguyên mẫu ban đầu rồi dát lại vàng vào năm 1955. Được bao phủ giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với mây trời, hồ nước trong xanh làm cho vẻ đẹp của ngôi chùa này càng trở nên thi vị, ấn tượng hơn.

7. Harmandir Sahib (Ấn Độ)

Đền Harmandir Sahib hay còn gọi là Đền vàng là điểm thăm quan chính ở Amristar, Ấn Độ và là một công trình tôn giáo quan trọng, thiêng liêng nhất với những người theo đạo Sikh. Người đã có công xây dựng ngôi đền nổi tiếng này đầu tiên là Giáo trưởng Ram Dast vào thế kỷ 16 và hoàn thành bởi người kế nhiệm Giáo trưởng Arjan. Vào khoảng thế kỷ 19, nó được phủ phần mái bằng vàng, tạo nên vẻ đẹp hào nhoáng như bây giờ.

8. Baalbek (Liban)

Baalbek là một khu di tích khảo cổ quan trọng ở Đông Bắc Liban. Từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, những người La Mã đã xây dựng tại đây một khu kiến trúc đền đài lớn với ba ngôi đền: Bacchus, Venus và đặc biệt là Jupiter với kiến trúc ấn tượng gồm hơn 54 cột đá cẩm thạch khổng lồ cao 21 m. Baalbek đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1984 như một sự ghi nhận giá trị và vẻ đẹp mang tính lịch sử, văn hóa của nó.

9. Borobudur (Indonesia)

Nằm trên hòn đảo Java nằm cách 40 km về phía Tây Bắc Yogyakarta, Borobudur là ngôi đền Phật giáo nổi tiếng và lớn nhất của Indonesia. Nguyên gốc từ Borobudur có nghĩa là “Đền thờ Phật trên ngọn núi”. Được xây dựng trong suốt 75 năm vào thế kỷ 8-9 dưới vương triều Sailendra với gần 2 triệu khối đá lớn, đây là một công trình vĩ đại về mặt kiến trúc và vẻ đẹp tổng thể. Tuy nhiên, nó đã bị bỏ hoang vào thế kỷ 14 do nhiều lý do bí ẩn và đến năm 1970, chính phủ Indonesia đã phải kêu gọi UNESCO trợ giúp phục chế, trùng tu lại ngôi đền trong suốt 12 năm.

10. Angkor Wat (Campuchia)

Angkor Wat (Có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên) là một đền thờ vị thần Visnu của Ấn Độ giáo đặt tại Angkor, được xây dựng bởi vua Suryavarman II vào đầu thế kỷ 12. Về sau khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat đã trở thành một linh đền thờ Phật. Đây là một trong các di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer. Vào thế kỷ 15, nó bị rơi vào lãng quên, bị rừng già bao phủ và được khám phá lại vào năm 1860.

nguồn: http://kenh14.vn/c125/20110520095339664/nhung-den-chua-tru-danh-cua-chau-a.chn

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

110520- Chỉ có ở Hà Nội (clip)

110519- Tử Cấm Thành, "tác phẩm" của người Việt

Có thể bạn chưa biết: Tử Cấm Thành, máy tính xách tay, hệ thống ATM…và nhiều công trình vĩ đại khác mà nhân loại đang hưởng thụ đã “ra đời” từ những người mang quốc tịch Việt Nam.

Đó là những con người vĩ đại, những người mang dòng máu Việt Nam với tài năng, trí thông minh và niềm đam mê công việc cao cả. Và ở một tầm cao nhất định họ đã làm rạng rỡ cho niềm tự hào Việt Nam, cho đất nước hình chữ S.

Kiến trúc sư: Nguyễn An

Người tổng công trình sư đã làm nên kiến trúc lẫy lừng, cố cung Bắc Kinh hay còn được gọi là Tử Cấm Thành (Trung Quốc), một di sản bằng gỗ bậc nhất thế giới đã được Unesco công nhận.

Toàn cảnh Tử Cấm Thành “tác phẩm” của Kiến trúc sư người Việt

Nguyễn An (1381- 1453) là người Hà Đông, từng làm quan triều Trần, Hồ. Ông bị bắt sang làm Thái giám vào thời nhà Minh, sau khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại. Khi ở Trung Quốc, tài năng hơn người về kiến trúc và xây dựng của A Lưu (tên tiếng Hoa của Nguyễn An) được bộc lộ rõ nét.

Bao quanh Tử Cấm Thành là sông Hộ thành

Vào thời Vĩnh Lạc (hiệu của Chu Nguyên Chương) năm 1416, Nguyễn An với khả năng tư duy kiến trúc đô thị, tính toán kiệt xuất đã được chọn làm tổng công trình sư thành Bắc Kinh mới (Cố Cung) sau khi Chu Đệ lên ngôi.

Nguyễn An đã chỉ huy và xây dựng nên một Tử Cấm Thành uy nghi trong vòng 17 năm. Trong đó có 13 năm chuẩn bị, tính toán thông số để thiết kế công trình, tập trung nguyên vật liệu và nhân công… quá trình xây dựng và lắp ráp hoàn thành chỉ có 3 năm.

Đàn tế trời

Ông đã thiết kế Cố Cung theo quan niệm vũ trụ trời tròn, đất vuông. Nơi ở của nhà vua là vị trí trung tâm, kiến trúc diễm lệ, phong cảnh tuyệt trần. Thiên An Môn – Cổng trời bình yên rất nổi tiếng đã được thiết kế một nơi xa nhất ở phía Nam.

Thiên An Môn (không phải là quảng trường Thiên An Môn đâu nhé!)

Năm 1421, ba điện lớn là Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa cùng với cung Càn Thanh, Khôn Ninh bị cháy. Nguyễn An một lần nữa được giao xây dựng lại và chỉ một năm ông đã hoàn thành kiến trúc Tử Cấm Thành tuyệt mỹ như hiện tại.

Sông Kim Thủy và Thái Hòa Môn

Kỹ sư: Trương Trọng Thi

Trương Trọng Thi sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1936 và sang Pháp sinh sống, học tập cùng gia đình từ năm 14 tuổi.

Năm 1973, ông là người đã sáng chế ra máy tính chạy hệ vi xử lý (Intel 8008) đầu tiên của thế giới, và cũng chính Andre Trương (tên tiếng Pháp) là người đưa máy tính lên một tầm cao giá trị thương mại.

Kỹ sư Trương Trọng Thi

Chiếc máy tính Micral của kỹ sư Trương Trọng Thi đã được hội đồng chuyên gia công nghệ (Tổ chức tại Hoa Kỳ) công nhận là chiếc máy tính đầu tiên trong lịch sử chạy bằng vi xử lý. Hiện nay trong bảo tàng máy tính Boston (Hoa Kỳ) còn trưng bày chiếc máy tính Micral ghi năm 1973.

Máy tính hoàn thiện đầu tiên trên thế giới (Micral) của Trương Trọng Thi có gắn bộ vi xử lý microprocessor (Intel 8008)

Có một điều ít ai biết, chính Andre Trương là người đã tạo ra mạng máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới NPC (Network Personal Computer). Ông là người được cấp bằng phát minh đầu tiên về lưu trữ dữ kiện điện toán đám mây trên đĩa optical, một công trình quan trọng trong việc sử dụng PC để xử lý và lưu trữ dữ kiện qua các chương trình ứng dụng quản lý tài liệu điện toán (GED).

Điều này đã đánh dấu như bước ngoặt trong lịch sử của nền thương mại công nghệ thông tin, thu hút sự quan tâm của những “ông lớn” như: Dell, Intel....

Andre Trương còn là người đặt nền móng cho hệ thống điện toán đám mây, mạng NPC đang được ứng dụng rộng rãi trên máy tính hiện đại

Tiến sĩ: Đỗ Đức Cường

Sự ra đời của máy rút tiền tự động – ATM (Automatic teller machine) được sử dụng rất phổ biến hiện nay có đóng góp rất lớn của Tiến sĩ Đỗ Đức Cường.

Nếu Luther George Simjian là người đầu tiên thiết kế và hoàn thành máy rút tiền trên thế giới vào năm 1939 tại NewYork (Citi Bank), John Shephrd-Barron là người cho ra đời máy rút tiền điện tử đầu tiên (Anh) vào năm 1967. Thì Đỗ Đức Cường, một tiến sĩ người Việt Nam là người đã hoàn thiện cơ bản cấu trúc cốt lõi và mở rộng hệ thống ATM ra thị trường như hiện nay.

Tiến sĩ Đỗ Đức Cường giao lưu trong chương trình Người đương thời

Năm 1977, người đàn ông giản dị từng xuất hiện trên chương trình “Người đương thời” đã chính thức bước vào Citi Bank – đế chế ngân hàng thế giới. Với nhiệm vụ “bình dân hóa dịch vụ ngân hàng”, ông đã chọn giải pháp ATM, bổ sung, hoàn thiện và cơ động hơn những thiết kế trước đó.

Có hàng chục bằng sáng chế về quá trình phát minh ra máy ATM hiện đại, Đỗ Đức Cường được xem như là “Cha đẻ của máy ATM”.

Tiến sĩ Đỗ Đức Cường được xem là cha đẻ của máy ATM hiện đại ngày nay

Sau 20 năm làm việc tại Citi Bank, ông còn là cố vấn cấp cao cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc. Về Việt Nam ông là cố vấn cấp cao của hệ thống ngân hàng Đông Á.

Giáo sư: Ngô Bảo Châu

Con người vĩ đại của đất nước Việt Nam ở thế kỷ 21. Người đã mang vinh dự “5 sao vàng” về cho dải đất hình chữ S.

Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields tại Ấn Độ

Người đàn ông sinh năm 1972 tại Hà Nội chính là nhà toán học duy nhất đã chứng minh thành công “Bổ đề cơ bản Langlands”. Đây cũng là thành quả quan trọng giúp Ngô Bảo Châu giành được huy chương Fields năm 2010, danh giá như giải Nobel (toán học không có giải Nobel).

Ngô Bảo Châu gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Năm 2011, Ngô Bảo Châu trở thành nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được phong hàm Giáo sư khi mới 38 tuổi. Đồng thời ông cũng được đề cử làm Viện trưởng viện toán cấp cao Việt Nam.

nguồn: http://kenh14.vn/c125/20110519062334918/tu-cam-thanh-tac-pham-cua-nguoi-viet.chn