Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

090812- Giải thích nhập nhằng, dân xây nhà xong phải đập bỏ

UBND TP.HCM thay đổi hướng tuyến dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài nhằm tránh làm xáo trộn cuộc sống người dân nhưng thực tế, người dân đã sống trong lo âu, thấp thỏm vì sợ phải đập bỏ nhà…  

“Thủ tướng chỉ định hướng dự án…”  

Sau khi VietNamNet đăng bài viết “Dân kiện thành phố thay đổi hướng tuyến dự án làm trái quy hoạch?”, ngày 11/8, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM tổ chức họp báo về các vấn đề liên quan đến Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN - BL - VĐN). 

Theo ông Phượng, tại văn bản số 4557 năm 1997, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng tiền khả thi dự án TSN - BL - VĐN, dự án tiền khả thi lúc đó quy mô rất đơn giản, chỉ mang tính định hướng, không đề cập kỹ hướng tuyến như thế nào. UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền sẽ làm việc với các bộ, ngành của trung ương để hoàn thành dự án, trong đó có cả hướng tuyến. “Thủ tướng chỉ cho chủ trương còn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập dự án chi tiết”- ông Phượng nói. 

Từ tuyến đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997 (màu hồng), dự án được TP.HCM điều chỉnh hướng tuyến thành hai đường Bạch Đằng, Hồng Hà (màu xanh). Ảnh: Thái Phương 

Theo hồ sơ mà VietNamNet thu thập được, năm 1997 Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường TSN - BL - VĐN theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cụ thể, chỉ có tuyến đường thẳng duy nhất lộ giới 60m từ nút giao Nguyễn Thái Sơn nối vào sân bay Tân Sơn Nhất (đi qua khu phố 8, phường 2, quận Tân Bình).

Đến năm 1999, Kiến trúc sư trưởng thành phố Lê Văn Năm quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỉ lệ 1/2.000, cải tạo và xây dựng khu dân cư liên phường 2, 4 quận Tân Bình trong đó có quy hoạch tuyến Vành đai số 1 lộ giới 60m (có điều chỉnh so với phương án tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ) và đường Hồng Hà lộ giới 20m.

Tiếp đó, ngày 19/7/2005, UBND thành phố ra quyết định 3585 duyệt quy hoạch về phương án tuyến xây dựng đường nối TSN - BL - VĐN. Đến 10/6/2005, thông báo 357 của UBND thành phố kết luận phương án tuyến của dự án gồm 2 tuyến đường Hồng Hà, qua phần đất công viên Gia Định và Bạch Đằng cùng lộ giới 20m.

Thế nhưng mãi đến 2007, tại quyết định 101/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt đường nối TSN - BL - VĐN không còn chức năng đường vành đai mà trở thành tuyến đường trục đô thị của thành phố.

Nhà vừa xây xong phải đập bỏ!

Người dân cho biết, ngay từ năm 1999 khi Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tại phường 2, 4 quận Tân Bình (trong đó có nói đến việc thay đổi hướng tuyến) cuộc sống của người dân đã bị… xáo trộn nghiêm trọng.

Thế nhưng, trong văn bản 8145 ngày 27/11/2007 của UBND thành phố đề nghị điều chỉnh hướng tuyến và lộ giới tuyến đường vành đai trong thành phố (cũ), đoạn từ nút giao Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn với lý do việc đổi hướng tuyến này “tránh làm xáo trộn cuộc sống của người dân”…

Ông Nguyễn Hồng Hải, số 9 đường Hồng Hà, khu phố 2, quận Tân Bình cho rằng, từ năm 2002, người dân nghe nhiều thông tin về việc dự án bị nắn tuyến, điều chỉnh quy hoạch.

Đường Hồng Hà ban đầu chỉ là đường song song hỗ trợ tuyến vành đai TSN - BL, sau được TP.HCM điều chỉnh thành 1 trong 2 tuyến đường chính của dự án. Ảnh: Thái Phương

“Nếu lúc đó, thành phố công khai việc điều chỉnh tuyến đường, chúng tôi sẽ không xây nhà kiên cố mà có sự chuẩn bị trước khi dự án triển khai. Thế nhưng do tin tưởng vào công văn 1119/GT-GT của ông Trần Quang Phượng ký năm 2002 đến giờ chúng tôi vẫn phải sống trong thấp thỏm, hoang mang vì nhà nằm trong dự án, chưa biết phải đập bỏ khi nào…” - ông Hải bức xúc.

Lật lại công văn 1119, ông Phượng khẳng định hướng tuyến được chọn của dự án TSN - BL - VĐN là phương án 2 đi theo quy hoạch tổng thể phát triển cụm hàng không sân bay TSN (đã được duyệt ở đoạn đầu), sau đó nối vào ngã năm Nguyễn Thái Sơn. Hướng tuyến này có nhiều ưu điểm như tránh giải tỏa gần 200 hộ dân, Đoàn bay 919, Đoàn tiếp viên Việt Nam Ariline, Trung tâm huấn luyện hàng không…

Hơn nữa, tại thông báo 731 ngày 27/7/2006 của Chủ tịch UBND thành phố Võ Viết Thanh kết luận chọn phương án 2 của dự án tiền khả thi và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 4537 ngày 12/9/1997, công văn 1119 nêu rõ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, số nhà 11E đường Hồng Hà, phường 2 nói đến năm 2004, có nhiều thông tin về hướng tuyến bị điều chỉnh nhưng phòng quản lý đô thị quận Tân Bình vẫn khẳng định thông tin điều chỉnh hướng tuyến là “tin vịt”.

“Đến năm 2005 khi nhà vừa xây xong, tôi nhận được thông báo nói nhà nằm trong lộ giới đường Hồng Hà và phải đập bỏ 2,65m từ cửa. Nhà 4 tầng mà bị đập từ trên xuống 2,65m thì làm sao không xót, còn gì là nhà nữa…” - bà Vân phân trần.

UBND TP.HCM khẳng định việc điều chỉnh hướng tuyến để số hộ dân giải tỏa ít nhất, tránh xáo trộn cuộc sống người dân nhất… Thế nhưng hàng trăm hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi dự án lại sống trong nỗi hoang mang, thấp thỏm và không ngừng khiếu kiện vì “lòng chưa yên”…

Thái Phương

Không có nhận xét nào: