(TT&VH) - LTS: Trong “Cuộc trò chuyện về 27 năm bảo tồn Hội An” chúng tôi đã đề cập đến nỗi lo “đổi máu” cộng đồng dân cư ở đây. Tiếp nối vấn đề này, bạn Yên Vân đã gửi cho chúng tôi bài viết từ góc nhìn riêng của mình.
1. Trong cơn lũ quét của giá nhà đất, người phố cổ Hội An bán nhà. Những ngôi nhà mấy trăm năm bình yên tọa lạc giữa lòng phố cổ bỗng nhiên rùng rùng sang tên, đổi chủ.
Nhu cầu bức thiết về nhà ở, yêu cầu nâng cấp cuộc sống của con người khiến những ngôi nhà dù đã là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người trong gia tộc bỗng trở nên chật chội. Không cần quá nhanh nhạy trong tính toán người ta vẫn dễ dàng nhận ra rằng một ngôi nhà cổ có thể hóa thân thành nhiều ngôi nhà khác không xa nội thị, rông rãi, khang trang mà vẫn đảm bảo việc thờ tự, kính trọng ông bà, tiên tổ.
bán phở, miến. Giờ đã cho người nước ngoài thuê mở nhà hàng, thuần túy là quán bar
Phố cổ bỗng sinh động hơn với bao toan tính “dương đông kích tây”, chạy đua giá cả của kẻ mua người bán, với thầm thì, bàn tán của những kẻ “ngọa” cà phê “quan hổ đấu” sự lên xuống của giá nhà, hoặc mỉa cười hoặc đau đớn trước sự đổ vỡ của những mối thâm tình mang tên Hội An vốn là niềm kiêu hãnh của không biết bao thế hệ người phố cổ. Xét trên bề mặt, chẳng có gì là sai khi người ta có đầy đủ giấy tờ hợp lệ cùng tư cách pháp nhân với tài sản của mình và hơn thế, người ta có quyền lựa chọn cuộc sống tốt nhất cho mình. Song những cuộc chuyển nhượng “lịch sử” này đã để lại nhiều di chứng làm nên những vết rách khá sâu khó lòng sửa chữa của cái đô thị cổ kính này.
2. Không ai mua nhà phố cổ để ở nên đa phần các ngôi nhà được tu sửa rồi bố trí nội thất cho phù hợp với công việc, ngành nghề kinh doanh của chủ nhân. Lòe loẹt, sáng trưng bởi vô số sắc màu của hàng hóa, vải vóc, đồ mỹ nghệ, tranh ảnh..., nhưng ngôi nhà cổ đã thật sự mất đi cái hồn của nó. Những cư dân từ mấy trăm năm trước mà cuộc sống gắn liền với những bước thăng trầm của phố cổ giờ đã chuyển đến nơi ở mới. Chủ nhân mới của những ngôi nhà cổ hầu hết là những thế lực siêu nhiên như thần Tài, ông Địa, tổ nghề... Bàn thờ họ để ngay dưới đất trông thẳng ra đường, tơ hơ những ngựa bạch, bạc nén, vàng thoi hàng mã... cùng hương đèn nghi ngút cháy không ngừng nỗi mong mỏi thành kính được quanh năm mua may bán đắt...
Sang nhượng rồi, nhà cổ vẫn nằm đó, còn nguyên mái ngói âm dương, tường rêu, cột gỗ, mắt cửa, giếng trời... nhưng cái dáng nghiêng nghiêng nặng trĩu thời gian giờ cứ như một sự cố tình làm điệu, thiếu sắc hồn và vô duyên lạ. Không phải người Hội An không nhận ra điều này bởi ngay sau cơn say chuyển nhượng, họ đã chới với. Những chia chác nơi pháp đình, những lời bấc tiếng chì của máu mủ ruột rà và cả những thanh âm câm lặng của đổ vỡ, ly tán nhân tình diễn ra ngay từ khi cuộc mua bán bắt đầu bây giờ mới âm ỉ ngấm.
Nhiều người Hội An xa xứ đã ngập ngừng bước chân khi trở về phố cổ. Về quê không lẽ ở khách sạn, đến bảo tàng mà sống nỗi lòng quê? Nhưng nhà cũ không còn, tình thâm đã mất, còn có thể làm gì khác ngoài việc bíu chặt thành giếng sâu đang lẳng lặng hút gió sân trời, xộc xệch nỗi buồn du khách, lạc lõng viếng thăm ngay mái nhà cũ của mình? Song cũng chẳng phải đợi cái ngày người Hội An xa xứ trở về thăm quê, ghé ngôi nhà cũ, người ta mới nhận thấy sự lệch xô của phố. Bao người vừa chuyển hộ khẩu ra Tân An, Cẩm Hà, Cẩm Châu... mỗi ngày, ngang qua nhà cũ, gặp mắt cửa trô trố nhìn mình xa lạ mà chẳng dám đau, muốn bước qua bậc cửa mà ngại gương mặt thần tài lạnh lùng dò xét.
Nhưng đó phải chăng chỉ là giải pháp bề mặt bởi đâu phải chỉ khi nhà cổ vào tay người Hà Nội, Sài Gòn... phố cổ mới bị cướp mất hồn? Những người giàu có ở Hội An đã mua rất nhiều nhà trong phố. Họ chỉ cần một ngôi nhà để ở và cũng chỉ cần đến một bàn thờ tiên tổ. Ai nỡ lòng nào bắt ông bà chia lìa mỗi người mỗi nhà và cũng chẳng ai thờ ông cha người khác trong nhà mình. Mà nếu có muốn làm điều đó cũng chẳng có con cháu hiếu đễ nào cho phép. Nhà cổ, không gian kiến trúc, không gian văn hóa cùng nếp sống lâu đời của người Hội An, cái làm nên thần thái riêng cho di sản nổi tiếng này vì thế, dường như đang bị co gói lại nhường chỗ cho những cửa hàng, cửa hiệu ngột đếm đo, bán mua, toan tính.
Bên cạnh việc giáo dục ý thức trân trọng, giữ gìn di sản cha ông để lại cho người dân, nên chăng, cần có một giải pháp ở chiều sâu nhằm hỗ trợ giải quyết nhà ở cho người dân trong khu phố cổ có nhu cầu tách hộ để họ không bị thúc bách bởi việc chia chác hương hỏa tổ tiên trong quá trình tìm kiếm một không gian sống thoải mái hơn cho mình. Bên cạnh đó, giải pháp hạ giá nhà đất trong khu phố cổ bằng cách không cho phép mở thêm các cửa hàng kinh doanh tại các ngôi nhà cổ và dần đưa các cửa hàng kinh doanh ra khỏi phạm vi khu phố cổ mặc dù rất khó khăn để thực hiện nhưng có lẽ đã đến lúc nên được nghĩ tới. Bởi lẽ, bảo tồn một di sản văn hóa không chỉ là giữ cái còn lại mà còn phải tìm mọi cách để cái còn lại ấy được tiếp tục sống lâu bền cuộc sống của chính nó cùng thời gian. Một khi, hồn phách không còn, thân xác chỉ còn là những hóa thạch. Người ta đi ngược thời gian, đào xới quá khứ mong tìm vết hóa thạch mà tiếc nhớ, tự hào cho những gì đã làm nên văn minh nhân loại chứ có ai tự hóa thạch lộ thiên mình hòng để thành di sản của mai sau?
Yên Vân
4 nhận xét:
"tự hóa thạch lộ thiên mình hòng để thành di sản của mai sau" , câu này quá hay!
Vấn đề vẫn là công tác quản lý và chính sách hợp lý.
chính sách ở đâu cũng có- nhưng người dân lại ít khi làm theo. Chắc là do vì áp lực về cuộc sống, diện tích ở,...Nghĩ cũng buồn nhỉ
2 yếu tố cần và đủ: Chính sách thỏa đáng và Quản lý chặt chẽ. Khó nhất là chữ thỏa đáng vì vậy mà mạnh ai nấy phá...
Đăng nhận xét