Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2009

090822- Bảo tồn phố cổ : cũ mà vẫn mới

Vấn đề bảo tồn, tôn tạo trong các khu phố cổ hiện nay không còn là chuyện mới, nhưng cũng vẫn chưa cũ. Nó không còn mới bởi đã được chúng ta nhắc đến rất nhiều, nhưng nó chưa cũ vì vấn đề vẫn chưa được giải quyết hợp lý và cũng chưa có ai đưa ra được phương sách nào cụ thể, phù hợp. Bảo tồn cái gì, bảo tồn như thể nào luôn là một dấu hỏi lớn đang đặt ra. 

Phố cổ hay phố khổ

Bên cạnh cái “mác” được gắn trên mình, những ngôi nhà khu phố cổ dường như phải chịu rất nhiều gánh nặng, gánh nặng từ phía những nhu cầu của gia chủ và gánh nặng từ phía bảo tồn của các nhà quản lý. Khi mà những gánh nặng này chưa được khơi thông, chưa có điểm nhìn chung thì rõ ràng gây bất lợi cho cả hai bên. Có đến đây mới thấy, tình trạng các khu nhà không có nhà vệ sinh riêng chiếm đến trên 50%, họ phải dùng nhà vệ sinh chung với vài hộ gia đình khác. Bên cạnh đó, các công trình phụ khác như nhà tắm, nhà bếp cũng trong tình trạng tương tự. Việc thiếu thốn, trật trội đã dẫn đến những quá tải trong sinh hoạt của người dân nơi đây, càng làm xấu đi cảnh quan và bộ mặt của khu phố.

Do phải sống trong một không gian hẹp, thiếu không gian nên đã dẫn đến việc các gia đình sống nơi đây luôn phải tìm mọi cách để mở rộng diện tích. Bề ngang thì có hạn, họ chỉ còn một cách duy nhất đó là mở rộng lên cao, bằng cách làm thêm tầng mái; các khu không gian dùng chung giữa các khu nhà cũng bị thu hẹp đến mức tối đa để phục vụ cho việc mở rộng diện tích. Cũng từ đó mà cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ, thay đổi.

Nếu như chỉ nói đến đây thì rõ ràng chưa hết, các căn nhà khu phố cổ, tiêu biểu như khu Hàng Buồm thường là những khu nhà cổ nên tình trạng xuống cấp rất trầm trọng. Mái nhà bị giột, thấm, tường nhà bị ăn mòn. Trong khi đó, đa phần những khu nhà ở đây sống rất đông đúc. Có những gia đình như trường hợp nhà số 50 Hàng Buồm có tới 28 người thuộc 8 gia đình nhỏ sinh sống. Có nhưng khu nhà thì chủ yếu là anh chị em cùng ở, có những khu nhà thì lại toàn những người lạ sống cùng, do vậy vấn đề quản lý cũng như những mâu thuẫn trong quyền lợi, sinh hoạt thường xuyên xảy ra.

Trước những nhu cầu của sinh hoạt hàng ngày, người dân nơi đây cũng rất mong mỏi có được một không gian phụ riêng biệt và sạch sẽ, tuy nhiên do diện tích hẹp và cũng do là khu phố cổ nên để có được những điều tối thiểu đó không đơn giản, thế là họ đành phải làm theo cách riêng của họ: ngăn chỗ này một ít, nới chỗ kia một tẹo. 

Bảo tồn cái gì và bảo tồn như thế nào?

Việc bảo tồn cái gì, tại sao phải bảo tồn liên quan đến việc bảo tồn như thế nào nó như là hai mặt của đồng tiền vậy. Đa phần những ngôi nhà trong khu phố cổ hiện nay không còn giữ được dáng vẻ như trước nữa mà thường chỉ còn lại phần trước của ngôi nhà giữ lại theo kiểu cũ còn phần trong thì đa phần đã bị sửa sang, xây mới theo kiểu hiện đại. Mặt tiền các ngôi nhà thường hẹp và sâu, các gia đình thường dành phần mặt tiền đó để kinh doanh, phía trước là cửa hàng và phía sau là phần phụ, gia đình sống ở phần giữa nên ánh sáng không vào nên thường rất trật và bí. Trong quá trình biến đổi, các ngôi nhà được xây dựng từ thấp nâng lên cao dần, hoặc từng ngôi nhà riêng được ghép thêm gian để mở rộng.

Trên cơ sở nghiên cứu một số ngôi nhà ở Hàng Buồm, nhóm nghiên cứu của GS. Fukukawa, ĐH Chiba Nhật Bản đã  đưa ra một số định hướng bảo tồn: Thứ nhất là chúng ta đưa ra những thiết kế phù hợp với khu phố cổ mà vẫn tạo được không gian sống, thứ 2 là cần tìm hiểu xem gia đình có mong muốn cải tạo không, và thứ 3 là vấn đề kinh phí.


Các ngôi nhà trên phố Hàng Buồm được giáo sư Fukukawa đề cập đến trong nghiên cứu 

 
Một số hình ảnh minh họa bài trình bày của GS.TS Furukawa tại Hội thảo "Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội - Tìm kiếm những giải pháp thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế" (nguồn: Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - UAI) 

Tại Nhật Bản, các khu phố cổ thường được bảo tồn theo 4 quy trình: xác định khu vực bảo tồn, nêu danh sách các nhà có giá trị bảo tồn, từ đó nêu ra phương hướng. Thường thì người ta sẽ xác định các giá trị bảo tồn cơ bản và sau đó quy định không được thay đổi hình thức và cải tạo. Với những nhà không nằm trong danh sách cải tạo, những thay đổi cũng không được làm ảnh hưởng tới bên ngoài. Khi người ta có nhu cầu tu bổ kiến trúc bên trong cũng như bên ngoài phải thông qua cơ quan quản lý, một phần kinh phí phải tự túc.

Đối với những ngôi nhà nằm trong khu vực được bảo tồn sẽ được chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí, đối với những nhà không nằm trong danh sách được bảo tồn thì phân ra làm 03 loại: những nhà tuân thủ một cách nghiêm ngặt những quy chế trong quá trình tu bổ, sửa chữa thì sẽ được hỗ trợ kinh phí còn những nhà không giữ được quy chế bảo tồn thì không được hỗ trợ. Trường hợp các nhà khu phố cổ Hà Nội cũng có thể đi theo khuynh hướng vừa rồi, tất nhiên là các nhà quản lý cũng cần cân nhắc về mức độ hỗ trợ cho chính xác và hợp lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể đặt phương án xây thêm tầng trên và sẽ bán chúng, lấy tiền sửa chữa phần dưới.

Trong khi bảo tồn khu phố cổ thì mặt ngoài khá quan trọng vì nó tạo nên hình ảnh cả khu phố. Tuy nhiên, nhưng mà khuynh hướng hiện nay là mở rộng tối đa đến mức có thể như là đưa khu vệ sinh ra ngoài, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Giả sử chúng ta có thể dãn một số căn hộ ra ngoài thì cũng không cần nâng cao, hoặc nhiều nhà có thể chung nhau một không gian thì giảm bớt kinh phí.

Giả sử chúng ta có một ngôi nhà phố cổ với mặt tiền 4m, diện tích 36m khá lộn xộn, giả sử chúng ta giữ không gian sân giữa là 9m thì chúng ta sẽ nâng lên đến tầng thứ 3. Vấn đề là chúng ta có thể giữ được yếu tố ở đây là duy trì mặt trước và sân giữa để sinh hoạt thì vẫn có được không gian sống hợp lý. Nếu trong trường hợp các nhà trong khu phố cổ nhất định không chịu chuyển đi thì chúng ta có thể lựa chọn những khu đất để xây chung cư với mức giá vừa phải chứ không nhất thiết phải chuyển ra ngoại ô.

Trong trường hợp chúng ta đưa ra được một phương án tổng thể cho cả khu phố thì chắc chắn sẽ có được một không gian đẹp, thoáng. Để làm được điều này thì bản thân những người dân sống trong đó phải đồng thuận. Bởi lẽ có hiện trạng lộn xộn hiện nay là do các chủ nhà tự động sửa theo ý mình mà không theo một quy luật chung. Nếu chúng ta xây dựng được một hội đồng thì chắc chắn sẽ có được sự đối thoại giữa các hộ dân với nhau. Mọi vấn đề liên quan sẽ được thông qua, hội đồng cũng là người đứng ta chịu trách nhiệm vay kinh phí sửa chữa, sau khi bán những khu có thể được thì sẽ dùng tiền đó để trả cho chi phí sửa chữa. Họ đóng vai trò là những nhà điều phối. Hình thức bảo tồn khu phổ cổ có sự tham gia của người dân được diễn ra khá phổ biến trong các nước khác trên thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải điều tra xem người ta có muốn đi hay không. Ở phố cổ có đặc thù là người dân sinh sống trong điều kiện rất trật chội, khó khăn nhưng việc làm và mưu sinh lại dễ hơn những nơi khác. Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng.

Cái yếu và thiếu của Việt Nam hiện nay là chưa có được quy hoạch chi tiết về một khu phố, đặc biệt là những nơi nhạy cảm như khu phố cổ. Việc bảo tồn cái gì, bằng cách nào, mô hình của phố cổ trong tương lai ra sao? Những điều này vẫn còn chưa có hồi kết. Hãy làm sao để phố cổ là một cơ thể sống chứ đừng biến nó thành một khu phố chết.

Nhật Minh

nguồn: http://mag.ashui.com/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/1089-bao-ton-pho-cc-cu-ma-van-moi.html

2 nhận xét:

Đàm Quỳnh Anh nói...

Nghĩ ra nhiều dự án nhưng xem chừng khó thực hiện lắm anh à.

Ty Le Vang nói...

áp lực về dân cư nhiều quá- nên các dự án đều bị kẹt.
Các nhà được bảo tồn trong khu phố cổ ở HN chỉ dùng vào việc cho tham quan và làm ban quản lý. Nếu cải tạo để cho 1 gia đình sống thôi -nhu7gn gia đình khác phải dọn đi chổ khác thì không khả thi lắm