UNESCO khuyến cáo: nếu quy mô Nhà Quốc hội sắp xây dựng quá lớn, kiểu dáng kiến trúc không phù hợp với cảnh quan xung quanh, thì khu di tích trung tâm Hoàng thành sẽ ít cơ hội được công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Hang Sơn Động (Phong Nha - Kẻ Bàng)
Chưa mặn mà với danh hiệu của UNESCO
11/8/2009, Hội nghị toàn quốc các Khu Dự trữ sinh quyển và Di sản Thế giới của Việt Nam năm 2009 do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức, là dịp gặp nhau thường niên của các tỉnh thành đang "sở hữu" các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, các khu dự trữ sinh quyển và các tỉnh thành đang quan tâm tìm hiểu việc "ghi danh" cho địa phương mình.
Trong hệ thống danh hiệu UNESCO, danh giá nhất là các di sản thế giới, nhưng còn các danh hiệu khác cũng "có giá" như Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Công viên địa chất, Ký ức thế giới... nhưng chúng ta chưa biết tận dụng để nâng tầm hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
Ví dụ, ta mới có Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là "Ký ức thế giới" trong khi thế giới đã có đến 193 di sản được công nhận từ năm 1997 đến nay.
2 khu dự trữ sinh quyển được công nhận trong năm nay là Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Mũi Cà Mau, giúp Việt Nam có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng 2 trong số 8 danh hiệu này vẫn còn đang "tồn kho" (trong đó có vườn quốc gia Pù Mát - Nghệ An) vì địa phương chưa sẵn sàng đón nhận. Chẳng thế mà Uỷ ban Quốc gia UNESCO đã phải nhắc nhở các tỉnh thành đã có di sản được công nhận: cần bảo tồn và phát huy thương hiệu di sản chứ đừng "để đó" làm vì. Theo số liệu mà ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thì: UNESCO là một thương hiệu lớn trị giá 500 triệu đô la Mỹ, mỗi di sản thế giới sẽ thu hút lượng khách trung bình là 1 tỷ người.
Ở ta mới có chuyện ngược đời như thế
Ông Nguyễn Hoàng Trí (Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam) cũng kêu gọi các địa phương đăng ký càng nhiều càng tốt các danh hiệu UNESCO cho địa phương mình, bởi càng nhiều danh hiệu càng giúp tăng niềm tự hào và nhận thức giá trị của dân bản địa với di sản, dẫn đến những ứng xử đúng đắn. Chưa kể, càng nhiều danh hiệu sẽ dẫn đến càng nhiều cơ hội đầu tư cho bảo tồn và phát triển, càng góp phần tăng thương hiệu của địa phương không chỉ trong nước mà cả với bạn bè quốc tế.
Nhưng ở ta, dường như hơi ngược đời khi phần lớn các di sản được công nhận đều không do sự chủ động đề cao giá trị của các địa phương. Phải nhờ Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam mới có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, cũng như Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tha thiết mong có một quy hoạch địa chất tổng thể cho toàn quốc, bởi quá nhiều vùng xứng đáng được đề cử vào danh sách "công viên địa chất thế giới", trong khi ta rục rịch làm hồ sơ đầu tiên cho Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) mấy năm nay vẫn chưa xong.
Theo TS Trần Tân Văn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu mới thành lập năm 2004 (năm 2000 ra đời mạng lưới công viên địa chất châu Âu), hiện mới có 18 quốc gia sở hữu 58 công viên địa chất (trong đó riêng Trung Quốc đã có 20 công viên địa chất).
Với kế hoạch công nhận 500 công viên địa chất toàn cầu trong 20 năm, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tham gia ngay từ những ngày đầu vào mạng lưới này, những địa danh đã có danh hiệu di sản, khu dự trữ sinh quyển thì việc tiếp tục đăng ký công viên địa chất sẽ dễ dàng hơn.
Ưu tiên số một là Hoàng thành Thăng Long
Xem danh sách 2 hồ sơ khởi động khá muộn nên đang "chạy nước rút" hết tốc lực để kịp hoàn thành trước thời hạn 31/8 năm nay [lễ hội Gióng cho di sản văn hóa đại diện và Bia Văn Miếu cho "Ký ức thế giới"], dễ nhận thấy Hà Nội đang được "ưu tiên" để có di sản được công nhận đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Có khá nhiều đề cử cho cả 3 loại hình (Di sản văn hoá thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Ký ức thế giới) nhưng ai cũng hiểu mục tiêu số một của chúng ta là Hoàng thành Thăng Long "thắng", được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới.
Khó khăn lớn nhất với Hoàng thành hiện nay thể hiện ở khuyến cáo của UNESCO, rằng nếu quy mô Nhà Quốc hội sắp xây dựng quá lớn, kiểu dáng kiến trúc không phù hợp với cảnh quan xung quanh, thì khu di tích trung tâm Hoàng thành ở sát cạnh bên sẽ ít cơ hội để sở hữu danh hiệu di sản văn hóa thế giới danh giá cho thủ đô Hà Nội.
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thể hiện rõ mong muốn thúc đẩy "ráo riết" việc đề cử thêm nhiều di sản mới cho Việt Nam. Ông Phạm Sanh Châu (Tổng Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam) kêu gọi các địa phương chủ động đề nghị "giá trị" của tỉnh mình, và "bật mí" với các tỉnh việc UNESCO đang khuyến khích các khu dự trữ sinh quyển biển đủ điều kiện làm hồ sơ đăng ký di sản thiên nhiên thế giới.
Theo ông, nhiều "ứng cử viên" được đánh giá cao nhưng lại chưa có cơ hội để đăng ký, bởi dù nằm trên địa bàn một tỉnh, nhưng lại do Chính phủ trực tiếp quản lý, như trường hợp Vườn Quốc gia Bạch Mã, hay chuyện chưa có một cơ quan quản lý nhà nước chung cho các Khu dự trữ sinh quyển thế giới để lập chương trình quảng bá chung cho thương hiệu này tại Việt Nam.
Những hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới đã bị thất bại cũng được mang ra mổ xẻ để rút kinh nghiệm, như hồ sơ của vườn quốc gia Ba Bể không chứng minh được tính độc nhất nên "trượt", hồ sơ vườn quốc gia Cát Tiên cũng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nên bị loại ngay từ vòng 1 tại hội nghị Sevilla (Tây Ba Nha) vừa qua.
Nhiều địa danh chúng ta muốn làm chỉ vì "cảm tính", nhưng xét theo tiêu chí của UNESCO thì còn thiếu tính khoa học quốc tế. Vậy nên ta cứ nghe loáng thoáng việc sẽ đề cử di sản này di sản khác, nhưng rất nhiều trong số đó rơi vào "hư không", nhiều hồ sơ khác bị làm vội vàng, cập rập. Có lẽ, cần một cuộc "kiểm kê" di sản hệ thống trên toàn quốc, để các tỉnh thành hiểu hơn về thế mạnh của bản thân, mới mong có chiến lược lâu dài và toàn diện trong việc ghi danh Việt Nam trên "bản đồ" danh hiệu UNESCO của thế giới.
Khánh Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét