Không chỉ bảo tồn các công trình, các hoạt động nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị của di sản như dịch văn bia, nghiên cứu các biến đổi qua các giai đoạn trùng tu và từ đó xác định các nguyên tắc bào tồn, đáp ứng những thực tiễn có yêu cầu khắt khe.
Không chỉ là bảo tồn...
Có bạn phương xa nhận xét: “Người Hà Nội nặng tình với thành phố của mình. Khắp thế giới, chỉ có vài nơi như vậy: Paris , Matxcơva , Bắc Kinh , Roma…” Không biết thực hư ra sao, tự bản thân thì thấy điều ấy có thật. Bạn bè ghé chơi, là chúng tôi đưa đi một vòng thăm thú đình chùa trong phố và quanh ngoại ô. Họ có chung cảm nghĩ là Việt Nam thật cuốn hút và Hà Nội thì quyến rũ thực sự.
Bước chân như quen, thực là đi về những ngày xưa cũ. Cách đây 40 năm, các bạn lớp hoạ thiếu nhi còn nhớ thầy Thẩm Đức Tụ dắt đi vẽ phong cảnh Hà Nội, nhất là những nơi quanh Hồ Tây: chùa Kim Liên, Báo Ân, Tào Sách, Trấn Quốc, Quảng Bá… Sau này mới biết, những thứ mộc mạc đơn sơ ấy chẳng phải bỗng dưng mà có.
- Ảnh bên : Bản vẽ Chùa Một Cột (tên chữ là Diên Hựu) của Louis Bezaceer
Chiếm Hà Nội bằng quân sự, người Pháp đã tiến hành xây dựng thành phố hành chính trên nền đất của kinh đô phong kiến: làng xóm, ao hồ chi chít. Chỉ khu vực Hồ Gươm và phụ cận, họ đã phá huỷ không ít những công trình tôn giáo danh tiếng: Nhà thờ Lớn xây trên nền chùa Lý triều Quốc sư đã đổ nát (1884). Nhà Bưu Điện xây dựng phải phá bỏ chùa Liên Trì (1889). Chùa Táo ( thế kỷ X-XV) bị san phẳng để xây Toà Thị Chính(1886) và đền Huyền Trân (thế kỷ VI) nhường chỗ cho Thư viện (1889) …
- Ảnh bên : Chùa Một cột, xây dựng năm 1049, tu bổ nhiều lần. Ảnh chụp 1952, trước khi bị phá. Chùa hiện tại làm lại năm 1955.
Không biết có bị ân hận về sự huỷ diệt văn hoá hay không, nhưng một số người Pháp đã có nỗ lực thành lập Viện viễn đông bác cổ - L’Ecole Francaise d’Extrême-Orient - EFEO (1898) với tôn chỉ “Tìm hiểu sâu về xứ sở qua nghiên cứu lịch sử và văn hoá nhằm dẫn dắt và phát triển mạnh hơn kho tri thức của Pháp“. Bỏ qua những mục tiêu khoác áo thực dân thì công tác bảo tồn di sản kiến trúc tại Hà Nội được người Pháp tiến hành có phương pháp, kiên định và hiệu quả.
Từ những ngày đầu, EFEO có vai trò giám sát các công trình lịch sử trong khi chính quyền địa phương chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng của chúng. Trong bối cảnh các di tích Hà Nội không hề được bảo vệ, bị những người xâm chiếm phá hoại tràn lan để xây dựng đô thị thì nhiệm vụ này không dễ dàng. Tư liệu EFEO soạn thảo làm cơ sở để tranh luận và thuyết phục các đại diện giới quân sự, tôn giáo và hành chính của Pháp giảm thiểu sự tàn phá di sản ngay từ những ngày đầu Hà Nội bị chiếm đóng.
- Ảnh bên : Các nhân viên của EFEO năm1937. Hàng đầu bên trái là Louis Bezaceer, cụ Nguyễn Văn Tố ở hàng thứ hai, đứng giữa ông George Coedes và bà Madelene Colani (Ảnh: Tạp chí Xưa & Nay)
Cơ quan EFEO có nhiều chuyên gia: Gustave Dumoutier- nhà khảo cổ học, nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học phương Đông; KTS Henri Parmentier, Henri Vildieu, Luis Bezacier và đặc biệt là KTS Ernest Hébrard. Ngoài những nhà khoa học uyên bác người Pháp, có rất nhiều người Việt có trình độ uyên thâm như cụ Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu… Tham gia công tác bảo tồn di sản còn nhiều người Việt tâm huyết nữa với danh hiệu “cộng tác viên của EFEO” từ năm 1902.
Ngoài những nghiên cứu về Khơme, Chăm, Lào …tại Hà Nội, EFEO nhanh chóng lập ra danh sách các 40 công trình di sản được bảo vệ tại Hà Nội: chùa Trấn Quốc, Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, đền Trấn Vũ, chùa Một cột, đền Bạch Mã, Hồng Quang, Hồng Phúc, Chiêu Thiền, Liên Phái…
Không chỉ bảo tồn các công trình, các hoạt động nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị của di sản như dịch văn bia, nghiên cứu các biến đổi qua các giai đoạn trùng tu và từ đó xác định các các nguyên tắc bảo tồn, đáp ứng những thực tiễn có yêu cầu khắt khe.
Hai ví dụ về bảo tồn, phục chế di sản kiến trúc
Văn Miếu tôn tạo từ 1917 dến 1920. Được tổ chức lại từ khung nhà đổ nát, có thể sụp đổ hoàn toàn. Ngay từ lúc đó đã phải di rời những người dân sống trong sân Văn Miếu và dọn cả những ruộng rau.
Bản vẽ Văn Miếu của Louis Bezaceer
Đối mặt với nguy cơ ”khôi phục không nguyên vẹn”, những bộ phận hư hỏng được nghiên cứu phục hồi nguyên mẫu để thay thế, nguyên tắc này áp dụng làm lan can và lối đi lát gạch. Tuy vậy, hai cái ao được tạo mới thành hồ nước, lối đi bộ bên thảm cỏ dưới những tán cây mới trồng thêm. Việc bổ sung khéo léo làm cho du khách đến nay ngỡ là có mấy trăm năm nhưng ít ai nhận ra đó là phong cách sân vườn châu Âu.
Tôn tạo Chùa Một Cột năm 1920-1922. Khu đất bao quanh chùa đã thay đổi khi quy hoạch mạng lưới giao thông. Nghiên cứu văn bia lại phát hiện chùa đã trùng tu nhiều lần nên việc xác định nguyên mẫu trở nên phức tạp hơn. Tuy vậy ngay cả việc chuyển từ bảo tồn đơn thuần sang phục chế toàn bộ thì công việc cũng đã được hoàn thành cẩn trọng.
- Ảnh chụp nhìn từ Khuê Văn Các (khoảng năm 1920)
Việc khôi phục lại các hoa văn ở các góc cạnh hay xây mới một bờ tường hình vuông quanh hồ nước (vốn bị xoá hết dấu vết) với tỷ lệ chọn lọc đã làm cho ta không nhận ra đâu là hiện vật cũ, mới. Năm 1954, quân đội Pháp phá chùa trước khi rút khỏi Hà Nội. Bằng tư liệu lưu trữ, chùa đã được dựng lại như ta thấy hiện nay.
Rất nhiều đình chùa Hà Nội đã được phục chế trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ 20. Một phần do kết cấu gỗ, gạch không giữ được lâu, một phần chiến sự 1947 tại Hà Nội làm đình chùa thiệt hại nặng. Nhờ những kinh nghiệm phục chế có phương pháp đã hình thành bởi EFEO, các công trình này được thực hiện rất thành công.
Phong trào làm mới di tích hiện nay
Quy trình thực hiện bảo tồn di tích hiện nay dễ hay khó? Điều này còn tuỳ. Có ngôi chùa cổ ở quận Hai Bà Trưng mái ngói dột đã lâu, cụ sư trụ trì thật thà mời họp đủ ban bệ, khó nhất là mời hai ông giáo sư bảo tồn. Mấy tháng mới đủ mặt, nhưng suốt buổi, hai ông tranh luận là cái kèo bẩy có chi tiết chạm khắc đời Lê hay đời Nguyễn. Tan họp, các đại biểu nhận phong bì rồi vẫn chưa cho kết luận là mái có được lợp lại hay không. Cụ trụ trì thì nói như đinh đóng cột: “Năm 1950 , tôi về chùa thì chỉ còn khung mái đã cháy, tôi mượn thợ dưới Thường Tín lên sửa chứ Lê , Nguyễn gì đâu”. Vậy là sửa mái chùa rất khó.
Cứ xem xứ Đoài xứ Đông thì đình chùa mấy năm nay ầm ầm xây lại. Không biết khó dễ thế nào mà có bạn KTS trên Sơn Tây cậy cục xin chuyển khỏi Ban quản lý thành cổ. Anh tâm sự: “Theo họ thì hoá mình làm bừa, không theo thì không làm gì được. Sản phẩm là những gì: tường thành cổ Sơn Tây thì xây mới toanh, đình Mông Phụ thì còn lộ nhiều keo gắn với dầu sơn bóng. Bộ vì làm mới đặt sàn đình Tây Đằng thì trông nét chạm ngô nghê như mới học nghề …”. Vậy là làm mới đình cổ, thành cổ khá dễ.
Mươi năm trước, Bộ Văn hoá đã có dự án lập hồ sơ di sản kiến trúc khá quy mô, tốn khá nhiều tiền. Tuy vậy kết quả của dự án nay để đâu, nội dung ra sao ít người biết. Nên chăng có quy chế công bố rộng rãi trên mạng, như vậy sẽ đạt mục đích: sản phẩm nghiên cứu thực hiện bằng ngân sách sẽ được xã hội thẩm định công bằng. Còn những di tích được trùng tu sửa chữa sẽ có chuẩn mực tin cậy để đánh giá. Mặt khác cả xã hội có cơ hội tham gia bảo vệ di sản một cách tích cực, chủ động.
KTS Trần Huy Ánh
(Trong bài sử dụng tư liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn - “Hà Nội nửa đầu Thế kỷ 20” và của France Mangin - “Di tích lịch sử Hà Nội 1900-1930”, tạp chí “Xưa và Nay” 6/2009. Ảnh minh hoạ do HanoiData sưu tầm & biên soạn)
4 nhận xét:
Làm mới di tích, không đơn thuần chỉ là ngu xuẩn. Nó còn là mục đích để kiếm tiền của 1 số kẻ.
chuyện đó còn rất lộ liễu ở một số lĩnh vực khác...buồn nhỉ
Em thấy chùa chiền hiện nay được làm mới rất nhiều, làm hỏng cả di tích xưa có. Nhìn mà chẳng muốn chụp nữa. Ngứa mắt vô cùng.
Đa số những trường hợp đó là do không có tiếng nói chung của bên chùa chiền và ban quản lý di tích.
Càng nghỉ càng buồn
Đăng nhận xét