Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

110106- Khổ vì làng cổ, phố cổ- Kỳ 2: Phố cổ...bị treo

Phố cổ Bao Vinh hiện nay chẳng còn gì ngoài vài mái nhà cổ - Ảnh: THÁI LỘC

Hai khu phố cổ Gia Hội và Bao Vinh nằm ngay sát kinh thành Huế đang trong tình cảnh lụi tàn, dù đã được ban hành kế hoạch bảo tồn từ bảy năm trước.

Phố cổ Bao Vinh nằm về phía bắc ngoài kinh thành Huế, là một thương cảng của thủ phủ xứ Ðàng Trong giai đoạn thế kỷ 18 và cũng là thương cảng của kinh thành Phú Xuân vào đầu thời nhà Nguyễn.

Khu phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh nằm ở phía đông ngoài kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất xứ kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh trên diện tích 8ha. Kế đến là phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị cổ dọc trục đường Chi Lăng (còn gọi là khu Gia Hội - Chợ Dinh) rộng 30,66ha.

“Cấn cái quyết định”

Từ trước đó, năm 2002, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thành lập ban điều hành và bảo vệ phố cổ, do ông Phạm Quốc, lúc ấy là chủ tịch phường Phú Cát (hiện là bí thư phường), làm trưởng ban. UBND tỉnh cho lập phố ẩm thực bên bờ sông Ðông Ba, cạnh cầu Gia Hội, cùng với việc đưa tour tham quan phố cổ Gia Hội phục vụ du khách tại Festival Huế 2002 khiến nhiều người dân khấp khởi mừng thầm.

Ðến năm 2003, tỉnh tiếp tục phê duyệt hai đề án bảo tồn phục hồi hai khu phố cổ nói trên khiến người dân Huế xem như cứu tinh trước sự lụi tàn của chuỗi giá trị văn hóa phố thị rất đặc trưng. Hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội lúc này cơ bản vẫn còn nguyên hình hài với những nhà mái ngói liệt liêu xiêu chồng lên nhau xếp thành dãy dài. Thế nhưng sau bảy năm quyết định phê duyệt, hình ảnh hai khu vực phố cổ này hoàn toàn khác.

Theo thống kê của UBND xã Hương Vinh, từ những năm 1990 cụm Bao Vinh còn 39 nhà cổ thì đến nay chỉ còn 15 nhà. Phần lớn trong số 24 nhà cổ mất đi được thay thế bằng nhà tầng kiên cố với lối kiến trúc mới. Ông Nguyễn Văn Bổn - chủ tịch UBND xã Hương Vinh - cho biết kể từ ngày ban hành quyết định bảo tồn, ngoài số tiền 411 triệu đồng do Thượng viện Pháp tài trợ tu bổ ba ngôi nhà, hoàn toàn không có sự đầu tư hay quan tâm gì từ phía Nhà nước.

“Nhiều nhà cổ xuống cấp, dột nát và có nguy cơ sụp trước những trận lụt lớn, người dân xin phép sửa chữa nhà nhưng “cấn cái quyết định” nên xã không cấp phép. Họ tự ý tháo ra làm lại nhưng chúng tôi chẳng làm gì được vì chẳng có gì để hỗ trợ, mà nếu làm căng quá nhà sập, nguy hiểm đến tính mạng họ thì sao!”, ông Bổn nói.

Tương tự, ở khu vực phố cổ Gia Hội, theo điều tra của chúng tôi, trong khoảng 150 nhà mặt tiền đường Chi Lăng (đoạn Bạch Ðằng - Nguyễn Du), chỉ còn 23 nhà theo kiểu truyền thống mái ngói liệt, 32 nhà cổ kiểu Pháp. Số còn lại là nhà kiến trúc mới đủ kiểu, 2-3 tầng... Ông Phạm Quốc cho biết kể từ sau quyết định ban hành, không nghe cấp trên đặt vấn đề gì ngoài việc chỉ đầu tư sửa cái cổng và đường vào chùa Diệu Ðế.

Trong khi đó phần lớn người dân không muốn làm dân phố cổ vì quá bất tiện, lại chẳng được gì, do đó họ tìm cách sửa sang xây mới. Và tỉnh cũng như thành phố vẫn cấp phép xây dựng nhà cửa một cách ồ ạt, kể cả đối với những ngôi nhà mang dáng dấp cổ trong khu vực phố cổ. Ðặc biệt trong đó là việc cấp phép xây dựng Trường Chi Lăng với hai khối nhà cao năm tầng đồ sộ, phá vỡ hẳn không gian phố cổ vốn chủ yếu là nhà thấp tầng.

Ngôi nhà cổ “Đông Mậu từ” số 158 Bạch Đằng, Huế - một kiến trúc độc đáo thuộc phố cổ Gia Hội - đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: THÁI LỘC

Có nên tiếp tục gìn giữ?

Trước hai quyết định bị... treo, có nên tiếp tục gìn giữ hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội? Câu hỏi đó của chúng tôi đã nhận được cách trả lời khác nhau từ nhiều phía.

Ông Nguyễn Việt Tiến (nguyên giám đốc Sở Xây dựng, nguyên chủ tịch UBND TP Huế, hiện là chủ tịch Hội Quy hoạch Thừa Thiên - Huế) cho rằng: “Kiến trúc là sự phản ánh của lịch sử, cho nên không thể không gìn giữ những khu phố cổ như Gia Hội và Bao Vinh. Vấn đề là cần phải có chính sách giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và quyền lợi của người dân sao cho hài hòa; Nhà nước và người dân phải cùng bàn bạc tìm giải pháp để gìn giữ nó. Chúng ta đã ngâm quá lâu! Bây giờ nhất thiết phải làm sớm, nếu không thì cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, công trình ngày càng xuống cấp trong khi Nhà nước lại chẳng khai thác được gì từ những giá trị này”.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Bổn cho rằng: “Không nên giữ nữa vì hiện có quá nhiều bất cập, ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân và kinh tế của địa phương. Cử tri năm nào cũng kêu, xã từng nhiều lần kiến nghị cấp trên hủy quyết định bảo tồn khu phố cổ, nhưng đến nay vẫn không có sự thay đổi nào”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế, người trực tiếp tham gia xây dựng đề án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ của Huế: “Những chủ trương lớn như thế này, theo tôi nên có tổ công tác điều tra, khảo sát lại để đề xuất cấp quản lý nên thực hiện như thế nào. Theo tôi, ở Bao Vinh hoàn toàn không có khả năng tổ chức khắc phục phố cổ. Tất nhiên nói như vậy không phải là xóa sạch tất cả, mà chỉ nên lựa chọn bảo tồn những đơn nguyên thật sự có giá trị.

Tương tự ở Gia Hội - Chợ Dinh, theo tôi không nên đặt vấn đề bảo tồn quá rộng như hiện nay mà chỉ nên tập trung một vài tuyến đường, đặc biệt là vòng cung Bạch Ðằng, đoạn đầu đường Chi Lăng... Khu vực này hội tụ rất nhiều yếu tố quý giá và đặc thù của đô thị cổ, như: quốc tự Diệu Ðế, đền thờ Ấn Ðộ giáo, nhà của người Nhật có công đưa môn võ karate đến VN, hệ thống hội quán Hoa kiều, hệ thống nhà kiểu Pháp đầu thế kỷ 20, những phủ đệ của các ông hoàng bà chúa và những ngôi nhà phố truyền thống... Một khu đô thị sát kinh thành mà hội đủ như thế thì quả là quá thú vị đáng để gìn giữ”!

THÁI LỘC

nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/419072/Pho-co-bi-treo.html

Không có nhận xét nào: