Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

110106- “Không làm được các tuyến phố đẹp là lỗi của Hà Nội”

Diện mạo các tuyến phố mới mở của Hà Nội rất “phản cảm” được lý giải là do các quy định pháp luật chưa đủ để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều quan điểm lại thẳng thắn cho rằng, quản lý yếu kém là nguyên nhân của tình trạng trên.

Trong khi nhiều quy chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội của dự thảo luật Thủ đô tiếp tục tạo ra những tranh luận “nóng bỏng”, đề xuất về việc bắt buộc phải quy hoạch các tuyến phố sau mở đường cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp của UBTV Quốc Hội.  

Đi mà không cúi là… ngã

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự thảo luật), thực tế cho thấy tình trạng xây dựng lộn xộn do không có quy hoạch tổng thể hợp lý làm cho diện mạo các đường phố Thủ đô, nhất là các đường phố lớn mới mở rất phản cảm, với kiến trúc, màu sắc rất khác nhau v.v…

Một trong những giải pháp xử lý vấn đề này là khi xây dựng đường phố mới cần có quy hoạch giải phóng mặt bằng cả hai bên đường để xây dựng các công trình, nhà ở theo quy hoạch thống nhất. Biện pháp này tuy đã được pháp luật hiện hành cho phép thực hiện, nhưng do không quy định bắt buộc; đồng thời vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về tài chính, khả năng bảo đảm tái định cư, cũng như do nhiều vấn đề phức tạp khác mà Hà Nội không thực hiện được.

Do vậy, theo ông Thuận có thể nghiên cứu để quy định theo hướng bắt buộc phải thực hiện đối với các đường phố, tuyến phố quan trọng của Thủ đô.
 
Sau mở đường, "nhà xấu" lại mọc lên (Ảnh: Thanh Niên)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cũng cho rằng, mặc dù Luật Quy hoạch mới quy định thu hồi đất theo quy hoạch đã được duyệt, nhưng theo luật Đất đai, thu hồi phải có dự án được duyệt. Đây là vướng mắc để quy hoạch các tuyến phố sau mở đường nên luật Thủ đô cần xử lý vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự thảo luật Quy hoạch trước đây) lại nhìn nhận, việc các tuyến phố mới sau mở đường xấu là… do quản lý yếu kém. Theo ông, khi mở đường phải mở thêm quỹ đất để thêm tiền làm đường cho đẹp đẽ, chúng ta đã có quy định cho phép thực hiện, không cần quy định cứng trong luật.

Từ thực tế các chuyến đi Phnôm pênh, Xiêm Riệp (Campuchia), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, những nơi này quản lý bộ mặt kiến trúc rất tốt, “vỉa hè ra vỉa hè, phố ra phố, không thò ra thụt vào, tầng 1 các toà nhà bằng nhau”.

Trong khi đó, đi trên vỉa hè của ta mà không cúi xuống là… ngã. Nhà thò ra thụt vào, nhà cao, nhà thấp. “Đường Điện Biên Phủ trước đây như một cô gái mười tám, giờ một số nhà nhô ra, mà xây dựng như thế đâu phải một ngày xong. Đó là do mình quản lý chưa chặt, nói nhiều làm ít,”, ông Kiên nhấn mạnh.

Sẽ có “hàng rào” về nhập cư!

Trở lại với các vấn đề tranh luận từ nhiều phiên thảo luận trước, Bộ trưởng Tư pháp, Trưởng ban soạn thảo Hà Hùng Cường cho rằng, với Luật Cư trú không thể quản lý được thường trú ở nội thành Thủ đô, không giải quyết được các áp lực về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật. Cụ thể, quy định chung về quản lý thường trú khá dễ dãi, có thể vận dụng với Đà Nẵng, Cần Thơ, nhưng vận dụng cho nội đô Hà Nội là… “hơi khó”.

Theo ông Cường, nếu Quốc hội thấy phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo văn minh ở nội thành thì cần có quy định khác. “Không thể cho nhập vào nội thành những người ở thuê trên diện tích 5m2 hoặc trả tiền để được chứng nhận ở nhờ… Họ phải có công việc ổn định, có nhà”, ông Cường nói.
 
Hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội đã quá tải từ rất lâu (Ảnh: Tiến Nguyên)

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Vũ Hồng Khanh lại đưa ra các con số: năm 2009 lượng người nhập cư vào Hà Nội năm 2009 là 1,4 vạn, 2010 trên 10 vạn. Theo ông Khanh, nếu chấp nhận cả những người không có việc làm ổn định, những người đi ở nhờ thì tốc độ mở đường của Hà Nội không bằng tốc độ tăng dân cư.

“Muốn có thủ đô khoẻ mạnh, sạch sẽ, an toàn nên hạn chế đông người, hạn chế một số người sinh sống không chính tắc ở trung tâm thủ đô”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên chia sẻ sau đó. Theo ông Kiên, nên có quy định một số vấn đề cư trú, hạn chế tối đa tăng dân số vùng lõi, vùng trung tâm.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lại có cái nhìn khác. Theo ông Vượng, nếu đưa ra điều kiện khắt khe để được cấp giấy chứng nhận cư trú, đó chỉ là vấn đề… giấy. “Vấn đề là nhiều người đến Hà Nội làm thuê, ngày kiếm 20 ngàn, tối thuê chỗ ngủ 2 ngàn, sáng mua cái bánh mỳ 2 ngàn. Việc người ta đến đây làm ăn là việc bình thường, nhất là khi đất đai ngoại thành bị thu hồi hết.”, ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, chúng ta đã có thời kỳ loanh quanh “có nhà mới được nhập khẩu, có hộ khẩu mới mua nhà”, nhưng đến nay ai cũng được mua, cũng được cấp. Vừa qua có nhiều người từ các tỉnh mua nhà trong các khu đô thị, nếu lại quy định hạn chế nhập cư, sẽ có vấn đề được đặt ra, cho mua nhà lại không cho nhập khẩu, lại loanh quanh như trước. Chưa kể việc người nước ngoài mua nhà.  

Ông Vượng đặt vấn đề, khi làm luật này đã tính đến các luật khác chưa và có sửa các luật đó.

Có ý kiến đề nghị chưa thông qua luật Thủ đô tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII vào tháng 3 tới đây do còn nhiều vấn đề tranh luận. Với quan điểm ra luật phải có hiệu quả và tạo ra những cơ chế đặc thù thực sự, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận cũng lo ngại về quỹ thời gian còn lại. Tuy nhiên, lãnh đạo Quốc hội đã quán triệt tinh thần nỗ lực để có thể kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 3 tới đây.

Cấn Cường

nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-449229/khong-lam-duoc-cac-tuyen-pho-dep-la-loi-cua-ha-noi.htm

4 nhận xét:

Kim Han nói...

bó tay, đến nỗi bên Cam mà còn đc hơn mình thì... thua luôn.

Ty Le Vang nói...

bên kia ăn ít hơn bên ni :-)

$♥*LITTLE DAUGHTER OF THE CREATOR*♥$ $♥* nói...

ai troi :(

Mỹ Diên . nói...

:(