Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

091030- Thay đổi thiết kế nhà phải xin phép

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

1. Điều chỉnh thiết kế nhà

Trong lúc xây nhà, do tôi tự mở rộng 5 cm chiều ngang so với bản vẽ được cấp giấy phép xây dựng nên tôi bị xử phạt buộc tháo dỡ phần xây dựng vi phạm và đình chỉ thi công. Sau khi đóng tiền phạt xong, tôi có thể thi công tiếp hay không? Với diện tích dư nêu trên, tôi có thể xin điều chỉnh thiết kế nhà hay không?

Diệp Mỹ Hạnh (Đường Trần Văn Đang, quận 3, TP.HCM)

Bà Tần Thị Xuân Hằng, Phó phòng Quản lý đô thị quận 3, TP.HCM:

Theo khoản 2c Điều 12 Nghị định 180 ngày 7-12-2007 của Chính phủ, sau khi được cấp giấy phép xây dựng, nếu công trình đã xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai nội dung giấy phép xây dựng. Sau khi tự phá dỡ xong, chủ đầu tư mới được tiếp tục thi công xây dựng.

Như vậy, ngoài việc đóng phạt thì bà còn phải phá dỡ phần diện tích sai nội dung giấy phép và phải được thanh tra xây dựng lập biên bản xác nhận. Sau đó bà mới được tiếp tục thi công xây dựng theo giấy phép cũ.

Ngoài ra, theo khoản 2d Điều 68 Luật Xây dựng, khi muốn điều chỉnh, thay đổi thiết kế, chủ đầu tư phải lập thủ tục xin điều chỉnh và có sự chấp thuận của cơ quan cấp giấy phép xây dựng thì mới được thi công công trình.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh chỉ được chấp thuận khi phần diện tích định xây thêm không vi phạm quy hoạch và vẫn nằm trong phạm vi đất thuộc quyền sử dụng của bà. Hoặc bà phải được hai hộ liền kề chấp nhận và xác nhận ranh giới không có lấn chiếm.

2. Cách tính tiền sử dụng đất

Tôi có mua của ông B. 1.000 m2 đất nông nghiệp và 500 m2 đất phi nông nghiệp. Ông B. cũng đã sang tên đất cho tôi. Nay tôi muốn chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư thì có phải đóng tiền sử dụng đất không? Mức đóng là bao nhiêu?

Thanh Bằng (Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM)

Ông Nguyễn Yểng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 6, TP.HCM:

Theo khoản 2c Điều 6 Nghị định 189 ngày 3-12-2004 của Chính phủ, đối với hộ gia đình, cá nhân, khi chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng của người sử dụng đất hợp pháp sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất như sau:

- Đất nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất nông nghiệp thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp;

- Đất nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất phi nông nghiệp.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 4 của nghị định này, giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm giao đất do UBND cấp tỉnh ban hành.

Để biết số tiền cụ thể phải đóng, ông có thể tham khảo bảng giá đất tại các chi cục thuế quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

3. Không thể sang tên nhà bằng giấy ủy quyền

Gia đình tôi có hai chị em. Năm 2003, chị tôi xuất cảnh sang Mỹ và ủy quyền cho tôi một căn nhà do chị tôi đứng tên. Nay chị tôi đột ngột qua đời không để lại di chúc. Chị tôi không có con và chồng chị là người nước ngoài. Vậy tôi có thể dùng giấy ủy quyền trên để sang tên nhà hay không?

Dương Kim Tiên (Phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM)

Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2, TP.HCM:

Theo khoản 1a Điều 675 và khoản 1a Điều 676 Bộ luật Dân sự, nếu người để lại di sản khi chết không để lại di chúc thì những người được thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thứ nhất gồm có: cha mẹ, vợ hoặc chồng, các con. Như vậy, do thuộc hàng thừa kế thứ hai nên bà không được hưởng di sản thừa kế của người chị. Tuy nhiên, do người anh rể của bà là người nước ngoài nên ông ấy sẽ được hưởng giá trị của phần di sản được thừa kế.

Đồng thời, theo khoản 4 Điều 589 bộ luật trên, hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong trường hợp bên ủy quyền chết. Vì vậy, khi chị bà chết thì việc ủy quyền cho bà quản lý, sử dụng căn nhà trên đã hết hiệu lực. Bà không thể dùng giấy ủy quyền đó để làm thủ tục sang tên nhà cho mình.

4. Đòi lại đất đã cho

Năm 2000, tôi có cắt chia cho con trai 900 m2 đất nông nghiệp và sau đó con trai tôi đã được cấp giấy đỏ. Năm 2008, con trai tôi chết. Bấy giờ, tôi đã ủy quyền cho con dâu và một cháu nội hưởng thừa kế và cả hai cũng đã sang tên đất. Năm 2009, cháu nội tôi chết. Nay con dâu tôi có người đàn ông khác và thường bỏ bê việc hương khói cho chồng, con. Vậy tôi có thể hủy bỏ việc ủy quyền trước đây để lấy lại số đất trên hay không?

Nguyễn Văn H. (Ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM:

Theo khoản 1 Điều 642 Bộ luật Dân sự, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

Sau khi người con trai qua đời, với tư cách là một trong những người thừa kế theo pháp luật của người chết, chắc rằng ông đã làm thủ tục từ chối nhận di sản theo đúng quy định nêu trên nên UBND huyện mới có cơ sở sang tên đất cho người con dâu và cháu nội của ông. Nay khi người cháu nội mất, mẹ cháu được thừa kế phần đất thuộc quyền sử dụng của người chết và như vậy người con dâu của ông được trọn quyền sử dụng đất.

Ông không thể tự hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản để lấy lại một phần đất mà lẽ ra ông được thừa kế từ con trai.

5. Hợp đồng vô hiệu

Năm 2003, tôi có bán một phần đất cho ông A, rồi sau đó ông A đã sang lại cho người khác. Lúc đó đất chưa có giấy tờ hợp lệ nên việc mua bán chỉ bằng giấy tay. Nay tôi đã được cấp giấy đỏ toàn bộ đất (trong đó có cả phần đất đã bán cho ông A). Thấy vậy, ông A và người mua đất sau cùng yêu cầu tôi phải làm thủ tục tách thửa, sang tên đất cho họ. Tôi có thể buộc họ phải trả thêm khoản tiền chênh lệch tính theo giá đất hiện tại hay không?

Trần Văn Thưởng (An Giang)

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM:

Ông có thể thương lượng với ông A (và người mua sau cùng) về cách xử lý cụ thể. Nếu không thể thỏa thuận được về phương thức thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các bên có thể khởi kiện, yêu cầu TAND cấp huyện nơi có đất xem xét, giải quyết việc tranh chấp.

Cũng xin lưu ý thêm: Theo Nghị quyết số 02 ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, đối với những hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ sau ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện luật định (như: đất chưa có giấy đỏ; hợp đồng chuyển nhượng không có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền) nhưng sau đó đã được UBND cấp giấy đỏ mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 1-7-2004 mới có yêu cầu tòa án giải quyết thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này.

nguồn: http://www.phapluattp.vn/news/tu-van/view.aspx?news_id=276090

Không có nhận xét nào: