Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

091014- Chúng ta giàu quá trời rồi- cần vốn ODA chi trời!!!

TPHCM:

Cầu vượt hàng trăm tỷ đồng chưa thông xe đã hỏng

Xây xong gần 5 năm nhưng vì đường dẫn chưa hoàn thiện nên cầu vượt Gò Dưa (TPHCM) bị bỏ hoang khiến hàng trăm tỷ đồng cứ phơi nắng phơi sương và đang có dấu hiệu hư hỏng.

Ngã tư xe cộ qua lại nườm nượp và thường xuyên ùn tắc.

Mỗi ngày, hàng ngàn lượt xe khách và xe tải theo quốc lộ 1A vào thành phố, theo tỉnh lộ 43 về Bình Dương đều qua Ngã tư Gò Dưa. Khu vực lận cận còn có khoảng 100.000 công nhân làm việc, mật độ đi lại trong giờ cao điểm rất cao, do vậy tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra tại đây.

Cô Trần Thị Thu Thuỷ, bán nước ngay góc ngã tư Gò Dưa cho biết: “Quốc lộ lớn mà ngày nào cũng kẹt xe. Xe container và xe khách nhiều lắm, có khi sắp thành 3 hàng chen kín hết mặt đường kéo dài cả km chờ băng qua ngã tư”.

Cầu vượt lại bỏ không khiến cỏ mọc um tùm.

Từ mười năm trước, đây đã được xem là một điểm ùn tắc giao thông phức tạp, Bộ Giao thông Vận tải đã lên kế hoạch xây cầu vượt băng qua quốc lộ 1A ngay tại vị trí này để giải quyết vấn nạn kẹt xe.

Năm 2004, cầu vượt Gò Dưa chính thức được khởi công với số vốn đầu tư là 189 tỷ đồng và đến tháng 5/2005 thì phần cầu vượt cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên do sai sót trong công tác đền bù giải toả, người dân khiếu kiện kéo dài nên công tác giải phóng mặt bằng cho hạng mục xây dựng đường dẫn lên cầu thực hiện từ đó đến nay vẫn chưa thể hoàn tất.

Sạt lở hở cả chân cầu.

Do vậy, đến nay cầu vượt này vẫn chỉ mới có một đường dẫn tạm phía Bình Dương và một con đường nhỏ chừng 2m phía Thủ Đức dẫn lên cầu, chỉ đủ chỗ cho xe hai bánh lưu thông, xe ô tô thì không thể lên cầu. Điều đó khiến cây cầu trở nên vô tác dụng, đường thì kẹt cứng bên dưới mà cầu vượt thì để không.

Theo ông Huỳnh Công Hùng, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, muốn giải toả hết phạm vi dự án thì phải điều chỉnh mức hỗ trợ đền bù giải tỏa. Số tiền chênh lệch có thể khiến vốn đầu tư dự án tăng lên cả trăm tỷ đồng. Điều này TP vẫn còn đang cân nhắc, tính toán thực hiện vì vấn đề vốn hiện tại cũng rất khó khăn.

Nhà dân chưa giải toả nên cầu vẫn đang “chờ” đường.

Vì thế qua gần 5 năm “phơi nắng mưa” cây cầu vượt này đang có dấu hiệu xuống cấp, cỏ mọc um tùm phía đường dẫn lên cầu cũng như ven thành cầu. Đặc biệt, phần đường dẫn tạm phía Bình Dương đã bị sạt lở một hố sâu gần 1m, đường kính cũng chừng 1m và tạo thành một hàm ếch ăn sâu vào giữa đường, làm lộ cả chân cầu.

Do cầu bỏ không, ít người qua lại nên chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra nhưng nếu không thường xuyên kiểm tra, duy tu và nhanh chóng đưa cây cầu này vào sử dụng thì đây là một lãng phí lớn cho ngân sách.

Tùng Nguyên

nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-355894/cau-vuot-hang-tram-ty-dong-chua-thong-xe-da-hong.htm

6 nhận xét:

Katty Nguyen nói...

bình thường thôi. :)) ko đáng ngạc nhiên. rút ruột là chuyện thường ngày ở huyện.

Ty Le Vang nói...

vấn đề lớn ở đây là cách làm việc thiếu đồng bộ- đạp chân lên nhau, cuối cùng tiền chùa mất hết- người dân lãnh đủ...

Đàm Quỳnh Anh nói...

Em thì nghĩ rằng: Dân số VN ngày càng phát triển theo cấp số nhân, do vậy, đường sá càng trở nên chật hẹp. Ra đường ai cũng phàn nàn vì đông, vì ô nhiễm. Vì nhà cửa đã xây dựng lên rồi, giờ mở đường tất nhiên là phải giải tỏa. Em không tính đến chuyện tiền đền bù có thỏa đáng hay không, mà thật sự cho thấy, nhiều người không muốn giải tỏa, chỉ muốn bám chỗ cũ để kinh doanh. Vì thế, đường không biết đến bao giờ thì xong. Dân cái gì cũng đòi cũng muốn nhưng thực hiện thì chỉ toàn nghĩ đến lợi ích cá nhân. Cứ thế này thì còn lâu mới có đủ đường rộng, sạch để đi.

Ty Le Vang nói...

cái khó của mình là cuộc sống của người dân lệ thuộc vào mặt tiền đường nhiều quá nên làm gì cũng rắc rối hơn...

Katty Nguyen nói...

vấn đề nữa là nhà nước đền bù không thỏa đáng. và VN mình có cái "hay" là làm nhà rồi mới mở đường :)) quy hoạch lộn xộn. :))

Ty Le Vang nói...

trường hợp này hơi khác.
khi chưa có dự án, thì giá đất rất thấp- khi dự án bung tin ra thì cò làm giá đất cao lên. vô hình chung, ban quản lý phải đối đầu với việc giá đền bù tăng cao hơn trong kế hoạch.
dự án càng để lâu càng chết chùm cả đám...
cốt lõi là các bước tiến hành không hợp lý