Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

091030- Nâng đường, nhà biến thành hầm

Tại TP.HCM, không ít căn nhà “bỗng dưng” trở thành hầm khi phần lớn nhà lọt thỏm xuống so với mặt đường sau mỗi lần các cơ quan chức năng tiến hành nâng đường, làm cầu.
Cứ thế, "cuộc rượt đuổi" nâng đường - nâng nhà như câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, mãi vẫn chưa thấy hồi kết...

Bỗng dưng... thành hầm

Dọc hai bên đường Bùi Hữu Nghĩa, đoạn gần chân cầu Bùi Hữu Nghĩa (thuộc phường 1 và 2, Q.Bình Thạnh) có khoảng mười căn nhà khá đặc biệt, mỗi căn có hẳn một tầng hầm nằm sâu hun hút so với mặt đường phía trước. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, chủ nhà số 20 (phường 2) kể: “Sự tích” căn hầm này là do vào năm 1998, khi các cơ quan chức năng tiến hành nâng cấp, mở rộng đường và xây mới cầu Bùi Hữu Nghĩa, căn nhà của gia đình chị bỗng lọt thỏm xuống so với mặt đường. Sau đó, chị tiến hành cất lại nhà, nhưng do không thể nâng nền cao bằng mặt đường nên căn nhà mới vẫn giữ nguyên một tầng hầm. Tương tự, hàng loạt tầng trệt của các căn nhà khác ở đây cũng biến thành hầm từ khi đường được nâng cao. Chủ nhà số 41 - anh Ngọc - nói, nền nhà anh hiện thấp hơn mặt đường đến 1m, con gái anh đứng trên mặt đường phía trước, chỉ cần với tay là đụng trần nhà!

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, ở các nước, mỗi khi sửa đường, người ta đều cạo hết lớp nhựa cũ rồi mới trải tiếp lớp mới để đảm bảo cốt nền đường, thế nhưng nhiều nhà thầu tại TP.HCM cứ thế đắp lớp nhựa mới lên trên mặt đường cũ, do đó con đường sau mỗi lần sửa lại cao lên vài tấc.
Ông Hòa đề nghị phải kiểm tra, làm rõ trong mỗi hồ sơ thiết kế dự án xây dựng, sửa chữa đường có phần chi phí cho công tác nạo vét lớp bê tông cũ trước khi trải lớp nhựa mới hay không, nếu có thì chi phí này đã đi đâu? Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải có sự kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp xây nhà, làm đường không tuân theo cốt nền quy định, trong đó có biện pháp chế tài mạnh đối với các địa phương trong quá trình cấp phép xây dựng đã để xảy ra tình trạng loạn cốt nền.

Trong khi đó, “cuộc rượt đuổi” giữa nền nhà với nền đường của hàng loạt căn nhà trên đường Âu Dương Lân, Đặng Chất (phường 2 và 3, Q.8) cũng mệt mỏi không kém. Hầu hết các căn nhà tại đây đều thấp hơn mặt đường hơn nửa mét sau khi đường Âu Dương Lân được nâng cách đây 5 năm để chống ngập. Để không bị nước mưa tràn vào nhà, nhiều hộ phải chịu tốn kém tiền bạc, công sức để nâng nền lên bằng hoặc cao hơn mặt đường. Thế nhưng, đường không phải chỉ nâng có một lần, nhà vừa nâng lên một thời gian thì đường lại được nâng cao hơn nữa, thế là nhà lại ngập, phải nâng tiếp...

Chủ nhà số 121 Âu Dương Lân cho biết từ lúc mua nhà đến nay ông đã phải nâng nền nhà cao thêm hơn... 2m để “đuổi” cho kịp tốc độ nâng đường của ngành giao thông. Đành rằng đường ngập thì phải nâng lên nhưng người dân thì không phải ai cũng đủ tiền, đủ thời gian, công sức để cứ lâu lâu lại phải nâng nhà, rất nhiều người đành chấp nhận "sống chung với ngập". Nhiều nhà sau không ít lần nâng nền đã “đụng nóc”, không thể nâng tiếp. Ngay cả những căn nhà mới cất cách đây chừng 3 năm, xây nền nhà cao hơn hẳn mặt đường, thế nhưng đến nay cũng đã “tụt xuống” bằng với vỉa hè mới được nâng.

Tương tự, trên các con đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh), Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.21, Q.Bình Thạnh), không khó để thấy những căn nhà “chìm” hẳn so với mặt đường. Hay tiêu biểu nhất là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) khi bắt đầu được triển khai mở rộng, nâng cấp vào đầu năm 2008, thì cũng là lúc hàng loạt con hẻm trên đường này bị biến thành ao. Điều này buộc người dân phải đua nhau nâng nhà lên từ 0,5 - 1m so với mặt đưòng, thậm chí có nhà nâng hẳn nền lên 2m so với đường, nhìn chẳng khác nào... nhà sàn.

Cốt nền, có cũng như không

Rõ ràng, việc nâng đường để chống ngập ở nhiều khu vực hiện nay không phải là cách chống ngập hiệu quả, vì thực chất chỉ là đưa nước từ chỗ cao sang chỗ thấp, hay nói cách khác, chuyển ngập nước từ điểm này sang điểm khác. Việc nâng đường lên bao nhiêu và nâng như thế nào phải được xem xét trong một bài toán tổng thể của cả TP, trong đó đòi hỏi phải có quy hoạch cốt nền xây dựng hẳn hoi.

Trao đổi với Thanh Niên xung quanh thực trạng nhà và đường đua nhau tôn cao, bà Phạm Thị Thanh Hải - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM - cho biết, thực tế không phải TP.HCM chưa có cốt nền, mà đã có và đưa vào ứng dụng từ năm 2004. Tuy nhiên, đây chỉ là cốt nền khống chế, được thực hiện trên quy hoạch vùng và quy hoạch chung. Trên cơ sở cốt nền khống chế, các địa phương phải làm thêm một bước nữa là tính toán cốt nền xây dựng trong các quy hoạch chi tiết của từng quận huyện và đó mới là cơ sở để cấp cốt nền xây dựng cho các công trình nhà cửa, đường sá... Cốt nền khống chế lấy mực triều cường làm căn cứ tính toán nhằm đảm bảo chống ngập. Còn cốt nền xây dựng lấy cốt nền khống chế làm cao độ tối thiểu, có cập nhật thêm đặc điểm từng khu vực và hướng thoát nước cụ thể của khu vực đó.

Nhà số 20 Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thành hầm sau khi các cơ quan chức năng tiến hành nâng đường - ảnh: D.Đ.Minh

Thế nhưng, việc triển khai cốt nền xây dựng chi tiết trong suốt 5 năm qua, theo bà Hải, gần như chỉ làm cho có và không cơ quan chức năng nào theo sát để quản lý, đảm bảo thực hiện đúng. "Hậu quả là cùng một dãy phố mà nhà cao, nhà thấp, lố nhố, nhìn chẳng ra làm sao! Thậm chí có nơi đường cao vượt nửa tầng trệt của nhà dân, không chỉ mất mỹ quan mà còn biến nhà dân thành điểm trũng hứng nước và rác" - bà Hải nói.

Hậu quả của việc loạn cốt nền không chỉ dừng lại ở đó, bởi việc cấp cốt nền xây dựng phải căn cứ vào dòng chuyển lưu và hướng thoát nước của từng khu vực và tổng thể. Cho nên với kiểu cốt nền loạn xạ thế này, tình trạng ngập tại TP.HCM sẽ ngày thêm bi đát, trong đó có việc nâng đường - nâng nhà cứ đua nhau không biết đến bao nhiêu cho vừa.

Ông Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - đưa ra một ví dụ khác về sự thiếu tuân thủ cốt nền, đó là bao nhiêu năm nay, hầu như các đơn vị thi công khi tu sửa, nâng cấp đường đều nâng đường cao dần lên để chống ngập, mà không nghĩ đến việc đảm bảo một mặt phẳng dốc nghiêng để thoát nước. Cứ nâng đường một cách vô tội vạ, rồi đến một lúc chính con đường lại trở thành gờ chắn dòng thoát nước trong khu vực.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM: Cần nghiên cứu áp dụng cách sửa đường mới

Để sửa đường nhựa ở đô thị, ở ta thường áp dụng các biện pháp sau: Một, phương pháp đơn giản, nhanh và rẻ nhất là xử lý những nơi bị lún rồi trải lên đường cũ lớp bê tông nhựa đường mới, lu lèn, cốt nền đường nâng cao làm cho nền nhà ở hai bên đường trở nên thấp, buộc hàng trăm gia đình phải nâng cao nền nhà của mình, nếu không tầng trệt nhà sẽ trở thành ao. Cách này làm mất lòng dân, hết sức tốn kém, nhà ngày càng thấp. Hai, bóc hết lớp mặt đường cũ, xử lý những nơi bị lún rồi trải lại lớp bê tông nhựa đường mới, lu lèn theo yêu cầu của thiết kế. Phương pháp này tốn rất nhiều thời gian và tiền của, lại gây ô nhiễm môi trường, song không làm tăng cốt nền đường.

Tuy nhiên, hai phương pháp nói trên đều có hạn chế. Một phương pháp mới là ứng dụng công nghệ tái tạo Fortress (Mỹ) vào việc sửa chữa đường nhựa cũ ở đô thị. Theo đó, cần bóc hết lớp mặt đường cũ đến độ sâu theo yêu cầu thiết kế, xử lý những nơi bị lún. Đá, đất, xi măng, nhựa đường... bị bóc lên sẽ được nghiền đạt kích thước theo yêu cầu, pha trộn với một chất nhũ tương đặc biệt trở thành hỗn hợp được tái chế sử dụng lại. Ưu việt của công nghệ này là không làm tăng cốt nền đường nên nhà dân hai bên đường sẽ không phải lo thành ao chứa nước; sử dụng lại toàn bộ vật liệu cũ giúp tiết kiệm tài nguyên; thời gian thi công nhanh, sau khi lu lèn, đường đạt cường độ sớm và thông xe ngay sau khi xây dựng. Để ứng dụng được công nghệ này cùng với một số công nghệ tiên tiến khác của Mỹ về làm đường thì cần phải có sự hợp tác, hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài và phải có đầy đủ thiết bị chuyên dùng.     
Đình Mười (ghi)

Nguyễn Đình Mười -  Phương Thanh

nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200944/20091029233855.aspx

Không có nhận xét nào: