Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

091001- Ngập đến đâu nâng đến đó

TPHCM ngập ngày một nặng hơn. Để tự cứu, người dân ở nhiều con hẻm tự bỏ tiền nâng hẻm. Nâng hẻm rồi nâng nền nhà, nếu lỡ có ngập nữa thì mặt hẻm, nền nhà lại tiếp tục được nâng cao, ngoài vòng kiểm soát của chính quyền địa phương... Một cuộc rượt đuổi giống câu chuyện dân gian Sơn Tinh-Thủy Tinh đang diễn ra

Không dự án, không thiết kế... cách nâng hẻm đơn giản hiện nay của người dân TPHCM là nước ngập đến đâu, hẻm và nhà “leo” cao đến đó.

Quá ngán ngẩm về tình trạng ngập nước, gia đình ông Phùng Bá Quốc (P.7, Q.3)
quyết định nâng cao nền nhà lên thêm 2 m. Ảnh: Q.HIỀN


Nâng chán thì thôi!

Chị Đoàn Thị Thắm, ngụ  trong hẻm 153 nhánh 2, khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7 - TPHCM, nhẩm đếm: Dọn về đây ở đến nay được 6 năm nhưng chúng tôi đã có 4 lần nâng hẻm. Ban đầu lên 20, 30 cm và lần mới nhất đã chạm... độ cao 50 cm.

“Lúc trước, mưa cả buổi không sao, nay chưa đến 30 phút là nước cống, nước mưa thi nhau tràn vào nhà. Tệ hơn, những trận mưa lớn thời gian gần đây chỉ 15 phút là hẻm này biến thành ao. Kêu hoài phường không cải tạo hệ thống thoát nước nên các hộ dân ở đây thi nhau đổ đất nâng nhà cho chắc vì  hẻm nâng nhiều lần nhưng vẫn ngập nên phát chán!” - chị Thắm than.


Vào nhà bà Lê Thị Gái ở 294/122 Xô Viết Nghệ Tĩnh (tổ 16, khu phố 1, phường 21, quận Bình Thạnh), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cửa sổ nhà chỉ cao ngang mặt đường. Bà Gái cho biết đó là kết quả sau ba lần nâng nền theo nâng hẻm: Trần nhà cách nền nhà chưa đầy 2 m, có những chỗ trong nhà đi lại phải khom người. Năm nay con nước đã ngấp nghé nhà bà Gái. Khi chúng tôi hỏi có ý định nâng nền nhà nữa không? Bà Gái rầu rĩ: “Tiền không có mà nếu có đi nữa thì cũng không nâng được, sắp đụng trần rồi!”.


Cùng một con hẻm 117 Nguyễn Hữu Cảnh (tổ 63, khu phố 7, phường 22, quận Bình Thạnh) nhưng có đoạn cao, đoạn thấp. Bà Nguyễn Thị Nữ, nhà số 191, cho biết vì ngập nước nên người dân đã đóng góp nâng hẻm nhưng sau đó vẫn ngập nên những hộ có tiền tiếp tục nâng thêm một lần nữa, những hộ ở cuối hẻm không đủ tiền nên chưa nâng được.

Trong vùng hẻm thấp, căn nhà của bà Nguyễn Thị Huệ (117/189) nổi lên như một “ốc đảo” vì cao hơn hẳn những nhà xung quanh. Bà Huệ cho biết để chạy đua với ngập bà đã nâng nền nhà đến lần thứ sáu. “Nâng lắt nhắt mãi cũng đuối nên đầu năm nay gia đình tôi quyết định làm một lần: nâng gần 1 m, sửa lại toàn bộ nhà luôn!”- bà Huệ nói.


Ghi nhận ở hầu hết các tuyến hẻm, vấn đề cốt lõi là hệ thống thoát nước quá tải, xuống cấp nên không thể bảo đảm tiêu thoát nước trong khi người dân cứ “đè” hẻm, nhà ra mà nâng. Điều này không giải quyết triệt để tình trạng ngập, nghẹt mà đẩy nước từ nơi cao xuống nơi thấp.

 

Sau 3 lần nâng, nền nhà bà Lê Thị Gái (294/122 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh)
đã cao “kịch trần”. Ảnh: T.Sương


Đến nâng... “dự phòng”

Cũng thuộc tổ 16, khu phố 1, phường 21, quận Bình Thạnh, dù hẻm 294 Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được nâng đến hai lần nhưng mỗi đợt triều cường, hẻm vẫn chìm sâu trong nước, nơi ít nhất cũng đến 40 cm. Bà Hà Thị Hoa, một người dân trong hẻm 294, kể: “Mỗi lần nâng hẻm là phải nâng nền nhà nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn hẻm ngập trở lại và nhà cũng ngập luôn. Đêm đang ngủ bỗng nghe róc rách, thấy đồ đạc nổi lềnh bềnh trong nước, sợ nhất là ổ điện cũng ngập chìm trong nước... Đầu năm nay, gia đình tôi quyết định không nâng lẻ tẻ nữa mà nâng hẳn 50 cm để dự phòng”.


Ông Trần Văn Tâm, tổ trưởng tổ 16, cho biết năm 2004, bà con trong hẻm đã đóng góp 100 triệu đồng và quận rót thêm 25 triệu đồng, tổng cộng được 125 triệu đồng để nâng khoảng 100 m hẻm lên cao hơn mực nước triều nhưng chỉ một thời gian ngắn hẻm đã ngập trở lại.

Từ đó, mạnh ai nấy nâng nền nhà để tự cứu, độ cao thấp tùy vào kinh tế mỗi nhà. “Hồi đó, nhiều nhà đề nghị nâng khoảng 30 - 40 cm, cao hơn mực nước một chút  nhưng tôi thuyết phục mọi người nâng 60 cm luôn, khỏi mất công làm đi làm lại. Vậy mà bây giờ nước ngập qua mức “dự phòng” rồi”- ông Tâm ngao ngán.


Trở lại hẻm 235 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 7, quận 3), nơi Báo NLĐ từng phản ánh do tuyến đường này nâng cao nên hẻm biến thành ao sau mỗi cơn mưa, chúng tôi bất ngờ vì nhà nào cũng nâng cao từ 50 cm đến 1 m. Đặc biệt đập vào mắt chúng tôi là căn nhà 3 tầng lầu nhưng độ cao từ mặt hẻm đến tầng trệt chỉ hơn 2 m, chẳng khác nào... nhà sàn.

Chủ nhân căn nhà (235/67 Nam Kỳ Khởi Nghĩa), ông Phùng Bá Quốc, cho biết đầu năm 2008 khi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nâng cao cũng là lúc hẻm này ngập lênh láng sau mỗi trận mưa nên gia đình quyết tâm đổ tiền xây lại nhà.

“Dù biết là khác người nhưng tôi quyết nâng nền lên 2 m so với mặt hẻm. Thà làm một lần còn hơn mỗi lần ngập là đập ra nâng lại”. Nhìn cảnh ông Quốc hì hục đặt 2 tấm kê bằng sắt cao như ván trượt rồi phóng xe máy vào nhà, chúng tôi ớn cả người và tự hỏi: “Cuộc rượt đuổi giữa người dân với con nước không biết bao giờ kết thúc?”. 

 

Ngập do thi công công trình

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện TP đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị với quy mô lớn, nhiều công trình thi công các hệ thống thoát nước lớn đã hoàn thành trục chính nhưng chưa kết nối đồng bộ các cống băng ngang đường, trong quá trình thi công, các nhà thầu thiếu biện pháp dẫn dòng, gây bít dòng chảy, cửa xả... đã gây ngập trên nhiều tuyến đường. Cụ thể có 171 vị trí hệ thống thoát nước trên các tuyến đường bị ảnh hưởng, trong đó có 71 vị trí đã khắc phục, 28 vị trí đang gây ngập và 72 vị trí nếu không nhanh chóng khắc phục sẽ gây ngập.

 
QUÝ HIỀN-THU SƯƠNG

091001- Phóng sự ảnh: Còn đâu phố cổ Hội An?

Ngày 30-9, toàn thành phố Hội An ngập trong nước lũ với mực nước lũ 3,24m; cao hơn đỉnh lũ năm 1999 và 2007. Phố Lê Lợi thành một bến đò dã chiến. Các con đường phố cổ nay thành sông sâu lút đầu.

Mưa to liên tiếp mấy ngày qua đã làm nước sông Thu Bồn (Quảng Nam) dâng cao nhấn chìm phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới. Từ chiều 29-9, các tuyến đường Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Bạch Đằng, Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học… trong khu phố cổ đã biến mất dưới biển nước.

Sau đây là một vài hình ảnh ghi lại được ở Hội An vào trưa 30-9 do bạn đọc N.Tân chia sẻ với Báo Người Lao Động Online: 

Đường vào quảng trường sông Hoài (Hội An) đã mất hút

Nhà cổ ngâm mình trong nước lũ

Góc đường Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh ngập gần 2m nước

Người dân và khách du lịch phải đi lại bằng ghe thuyền

Du khách nước ngoài "ngắm" lũ từ nóc nhà

Ngoài ra, phóng viên NLĐ cũng ghi lại những hình ảnh xót xa xảy ra đối với phố cổ Hội An

Những ngôi nhà cổ trên đường Bạch Đằng chỉ còn nhìn thấy nóc.

Đường phố Hội An thành sông

Chùa Cầu chìm trong nước lũ

3 mẹ con cùng đi tránh lũ

Bà Tư (86 tuổi, thôn Vĩnh Thành, xã Cẩm Kim) buồn rầu nhìn cảnh nước lũ đang dâng cao


Những cửa hiệu bị chìm trong nước cố chuyển hàng hóa đi nơi khác bằng thuyền.

Sáng ngày 30-9, lực lượng cứu hộ phối hợp với chính quyền địa phương xã Cẩm Kim, vận động và di dời 40 hộ dân thôn Vĩnh Thành, xã Cẩm Kim ra khỏi vùng rốn lũ. Mực nước trong thôn có nơi sâu tới 2m.

Báo Người Lao Động mong nhận được sự hưởng ứng và góp sức nhiệt tình của bạn đọc gần xa vì nghĩa lá lành đùm lá rách cho khúc ruột miền Trung.

Tiền ủng hộ nạn nhân cơn bão số 9, xin gửi về địa chỉ: Ban Công tác - Bạn đọc Báo Người Lao Động, số 14 Cách Mạng Tháng Tám, quận 1 - TPHCM, điện thoại số: 39305.376 – 39306.262 (máy nhánh 35).

Tài khoản giao dịch từ thiện: 102010000094045 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương VN (Vietinbank)- Chi nhánh TPHCM.

Kim Ngân - N.Tân
 

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

090929- Chiêm ngưỡng 4 thành phố Olympic trong mơ

Chicago, Tokyo, Madrid và Rio de Janeiro đang cạnh tranh quyết liệt để trở thành chủ nhà của Olympic 2016 và tên ứng viên chiến thắng sẽ được công bố tại Copenhagen vào thứ 6 này.
 
Mỗi thành phố lọt vào vòng bỏ phiếu cuối cùng đều đưa ra những phương án chuẩn bị hoàn hảo nhất với hi vọng giành được lá phiếu ủng hộ từ các thành viên trong Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Hãy cùng xem phương án tổ chức của 4 thành phố này.
 

Phương án tổ chức của Tokyo có lẽ là nhiều tham vọng nhất với kế hoạch cải tạo toàn bộ một khu cảng đã cũ cho Olympic 2016.


Sân vận động Tokyo có thể được xây dựng với sức chứa 100.000 người.


Olympic 2016 còn có thể sử dụng một số công trình vốn được thiết kế cho Olympic 1964, như sân vận động Kasumigaoka.


Khu liên hợp "Hòn đảo Mơ ước" dự kiến là nơi thi bắn cung và cưỡi ngựa.


Khu dành cho các môn vật, đấu kiếm, Taekwondo.


Trung tâm bơi lội quốc tế Tatsumi.
 
Nếu chiến thắng, Chicago sẽ là thành phố thứ 4 của Mỹ đăng cai Olympic, sau St Louis (1904), Los Angeles (1932 và 1984) và Atlanta (1996).

Công viên Grant - nơi Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu sau khi giành chiến thắng bầu cử hồi năm ngoái - dự kiến là nơi thi bắn cung và điểm xuất phát của cuộc thi marathon.
 

Một sân vận động mới có thể được xây dựng.


Cảng Monroe trên hồ Michigan là nơi lý tưởng cho các cuộc đua thuyền, trong khi đảo Northerly có thể trở thành nơi tổ chức thi bóng chuyền bãi biển.
 

Rio de Janeiro tham vọng trở thành thành phố đầu tiên ở Nam Mỹ đăng cai Olympic mùa Hè.


Sân vận động Maracana đang sử dụng thích hợp cho các trận thi đấu bóng đá.


Hồ Rodrigo de Freitas.


Công viên Flamengo - nằm dọc vịnh Guanabara tuyệt đẹp - thích hợp cho các cuộc đua xe đạp.


Rio de Janeiro dự kiến sẽ xây 9 trung tâm thể thao mới, trong đó có trung tâm thể thao dưới nước.


Madrid là một trong số ít các thủ đô ở châu Âu chưa từng đăng cai Olympic.
Được xây dựng vào năm 1994 với sức chứa 22.000 người, sân vận động Olympic có thể được cải tạo và nâng cấp đủ chỗ cho 70.000 người.


Nhà thi đấu bóng chuyền có sức chứa 15.000 người.
Nhà thi đấu bóng rổ.


Trung tâm hockey mới với 2 sân thi đấu có sức chứa 11.500 và 4.800 người.

Đây là nơi có thể tổ chức các cuộc thi như bóng chuyền bãi biển, thể dục dụng cụ, cuộc thi 3 môn phối hợp, bắn cung, tennis...
 
An Bình
Theo Telegraph

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

090926- Độc đáo với sắt nghệ thuật

Cách đơn giản và dễ dàng nhất để mang lại sức sống mới cho căn phòng đó là thay đổi trang trí tường. Nếu bạn chọn được những tác phẩm sắt nghệ thuật trang trí tường phù hợp thì sẽ tạo cho căn phòng một vẻ đẹp hiện đại, lịch lãm đầy ấn tượng. 

Được làm từ chất liệu kim loại nhưng không vì thế mà những đồ vật được làm từ sắt này thiếu đi sự lãng mạn và gợi cảm. Những tác phẩm trang trí được làm bằng sắt có thể là những khung tranh, bình hoa, giá để rượu, chân đèn, móc treo đồ hay những bức tranh…

Các tác phẩm được làm từ sắt này cũng có rất nhiều phong cách khác nhau từ cổ điển đến hiện đại, vì vậy bạn có thể dễ dàng lựa chọn những mẫu trang trí phù hợp cho phong cách kiến trúc của ngôi nhà hoặc sở thích riêng của bạn. Thậm chí đồ trang trí bằng sắt còn dễ dàng để kết hợp với nhau hơn các đồ trang trí thông thường, và vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ.
 
Nhưng để những phụ kiện trang trí bằng sắt phát huy được hết vẻ đẹp của nó và đóng góp vào vẻ đẹp chung của căn phòng bạn cũng cần phải lưu ý chọn những tác phẩm có kích cỡ phù hợp với diện tích tường. Bởi nếu tường phòng rộng mà treo những phụ kiện quá nhỏ hay ngược lại thì sẽ tạo ra sự khập khiễng trong trang trí. Bạn nên treo những phụ kiện trang trí có hình dạng dài hoặc treo những đồ vật nhỏ theo chiều ngang trên tường của những căn phòng hẹp để tạo cảm giác về chiều rộng.

Bạn có thể chọn cho mình những đồ phụ kiên trang trí với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau rồi kết hợp chúng theo cách riêng hoặc chỉ chọn một tác phẩm có kích thước lớn để làm trọng tâm của căn phòng. Những dù bạn có chọn kiểu phong cách nào cho căn phòng của mình thì khi treo những phụ kiện trang trí, bạn nên treo chúng ở vị trí vừa với tầm quan sát của một người có tầm vóc bình thường, không nên treo quá cao hoặc quá thấp.

Sắt trang trí ngày này cũng rất đa dạng về màu sắc, thậm chí bạn cũng có thể tự thay đổi màu sắc của chúng để mang lại nét tươi mới cho không gian riêng của mình.

Để giữ cho những tác phẩm trang trí luôn được như mới bạn cần phải kiểm tra, lau chùi chúng theo định kỳ. Việc vệ sinh cũng rất đơn giản, bạn có thể đánh rửa chúng bằng xà phòng loãng, tráng sạch bằng nước rồi lau khô. Hiện nay trên thị trường có bán cả những loại sáp để bảo vệ đồ sắt trang trí khỏi những tác động của môi trường xung quanh.

Là phụ kiện trang trí được làm từ kim loại nên có độ bền khá cao, không phải ngẫu nhiên mà sắt nghệ thuật đã có một lịch sử khá lâu đời trong trang trí nội thất và vẫn đang rất phổ biến ngày nay. Hãy trải nghiệm vẻ đẹp lãng mạn cá tính của sắt nghệ thuật để thêm một chút “gia vị” cho không gian sống của bạn.

Mai Anh

nguồn: http://www.dothi.net/News/Cam-nang/Khong-gian-song/2009/09/3B9AE8D5/