Nhiều người nhìn tấm ảnh này đều dễ dàng nhận ra bức tượng “Nữ thần Tự do” đã quá quen thuộc, sừng sững ở cửa ngõ TP New York của Hoa Kỳ... Bức tượng trong ảnh này đúng là Tượng nữ thần Tự do, nhưng rõ ràng là nó nhỏ hơn, lại nằm trên một đường phố của Hà Nội.
Với những người từng sống ở Hà Nội trước ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) thì vẫn có cơ hội trông thấy bức tượng này, được dựng tại Vườn hoa Neyret (nay là Cửa Nam) ngay đầu phố Hàng Bông và nhìn sang đường Cấm Chỉ.
Tượng Công lý, thường được dân gian gọi là tượng Bà Đầm Xòe. |
Bức tượng này vốn là một phiên bản thu nhỏ của bức tượng Nữ thần Tự do bên Hoa Kỳ, hay nói đúng hơn, nó là phiên bản tượng mẫu của Bartholdi, sau đó được phóng to để làm bức tượng nước Pháp tặng cho Hoa Kỳ. Nó được đúc bằng đồng và cao chừng hơn 2 thước Tây. Chỉ có điều sang Việt Nam, nó lại mang tên là “Tượng Công lý” (Monument de la Justice) như lời chú trong tấm bưu ảnh.
Còn dân gian thì quen miệng gọi là “Bà Đầm Xoè”, không biết vì cái tà váy hay vì những tia sáng toả ra trên đầu (?). Mới đây, ông Đại sứ Ai Cập tại Hà Nội cho biết rằng, bức tượng này thoạt đầu được sáng tác để đặt tại Kênh đào Suez mà lúc đó Pháp đang giữ nhiều lợi ích, vì vậy nguyên mẫu là một cô con gái Ai Cập (?!), về sau, mới chuyển ý định tặng cho Hoa Kỳ với biểu tượng: Tự do.
Bức tượng này vốn được đưa sang nước ta để trưng bày nhân một cuộc đấu xảo tổ chức tại Tràng Thi năm 1887, sau đó nó được dựng tạm tại vườn hoa gần Toà thị chính thành phố (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ). Đến khi chính quyền thực dân quyết định đặt một bức tượng đồng tạc vị Toàn quyền dân sự đầu tiên của xứ Đông Dương là ông Paul Bert tại chính cái vườn hoa này, thì tượng "Bà Đầm Xòe" phải di chuyển đi nơi khác.
Có tài liệu cho rằng đã có một thời, tượng này được “ngự” trên nóc của Tháp Rùa giữa Hồ Hoàn Kiếm. Claude Bourin, tác giả một pho biên niên những sự kiện văn hoá, nghệ thuật về Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có nói đến chuyện này nên mới dẫn ra dư luận đăng trên báo phản đối cách xử sự như vậy mà đưa ra lập luận: “Liệu người ta có thể đặt tượng Trấn Võ lên nóc Nhà Thờ lớn được không !?”. Nhưng cũng nhiều người nghi ngờ, vì làm thế nào đặt được một pho tượng đồng nặng như vậy lên nóc một kiến trúc nhỏ (?!)
Có lẽ vì thế mà “Bà Đầm Xoè” phải di chuyển ra khu vực Vườn hoa Cửa Nam, vốn là một không gian công cộng của Hà Nội. Xa xưa, nó chính là Quảng Văn Đình của thành xưa, nơi triều đình công bố những chỉ lệnh hay giấy tờ, tổ chức để các “câu kê” là những viên quan chuyên giảng tập “thập điều” thời vua Minh Mạng dạy cho dân chúng sống tử tế và biết tuân phục . Vì thế mà dân gian mới có câu ca để nói chuyện đổi thay:
“Nhớ Quảng Văn Đình tớ đến nghe
Câu kê chẳng thấy, thấy Đầm Xoè
Thập điều bặt tiếng ê a giảng
Choáng óc kèn Tây rúc tí toe”.
Sau ngày Nhật Đảo chính Pháp (3-1945) tượng Bà Đầm Xoè cùng ông Paul Bert đều chung số phận như nhau: Bị hạ bệ rồi nấu chảy thành đồng để đúc thành pho tuợng Phật hiện thờ tại Chùa Ngũ Xã.
- Dương Trung Quốc
2 nhận xét:
Khi em học lịch sử báo chí Việt Nam cũng được biết đến tượng "Bà đầm xòe" ở vườn hoa Cửa Nam. Chỉ tiếc rằng, tượng đã bị phá từ lâu. Nếu không cũng là một nơi di tích lịch sử của thủ đô.
như vậy trên Thế giới có đến 3 bức tượng như thế này nhỉ.
Đăng nhận xét