TPHCM ngập ngày một nặng hơn. Để tự cứu, người dân ở nhiều con hẻm tự bỏ tiền nâng hẻm. Nâng hẻm rồi nâng nền nhà, nếu lỡ có ngập nữa thì mặt hẻm, nền nhà lại tiếp tục được nâng cao, ngoài vòng kiểm soát của chính quyền địa phương... Một cuộc rượt đuổi giống câu chuyện dân gian Sơn Tinh-Thủy Tinh đang diễn ra
Không dự án, không thiết kế... cách nâng hẻm đơn giản hiện nay của người dân TPHCM là nước ngập đến đâu, hẻm và nhà “leo” cao đến đó.
Quá ngán ngẩm về tình trạng ngập nước, gia đình ông Phùng Bá Quốc (P.7, Q.3)
quyết định nâng cao nền nhà lên thêm 2 m. Ảnh: Q.HIỀN
Nâng chán thì thôi!
Chị Đoàn Thị Thắm, ngụ trong hẻm 153 nhánh 2, khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7 - TPHCM, nhẩm đếm: Dọn về đây ở đến nay được 6 năm nhưng chúng tôi đã có 4 lần nâng hẻm. Ban đầu lên 20, 30 cm và lần mới nhất đã chạm... độ cao 50 cm.
“Lúc trước, mưa cả buổi không sao, nay chưa đến 30 phút là nước cống, nước mưa thi nhau tràn vào nhà. Tệ hơn, những trận mưa lớn thời gian gần đây chỉ 15 phút là hẻm này biến thành ao. Kêu hoài phường không cải tạo hệ thống thoát nước nên các hộ dân ở đây thi nhau đổ đất nâng nhà cho chắc vì hẻm nâng nhiều lần nhưng vẫn ngập nên phát chán!” - chị Thắm than.
Vào nhà bà Lê Thị Gái ở 294/122 Xô Viết Nghệ Tĩnh (tổ 16, khu phố 1, phường 21, quận Bình Thạnh), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cửa sổ nhà chỉ cao ngang mặt đường. Bà Gái cho biết đó là kết quả sau ba lần nâng nền theo nâng hẻm: Trần nhà cách nền nhà chưa đầy 2 m, có những chỗ trong nhà đi lại phải khom người. Năm nay con nước đã ngấp nghé nhà bà Gái. Khi chúng tôi hỏi có ý định nâng nền nhà nữa không? Bà Gái rầu rĩ: “Tiền không có mà nếu có đi nữa thì cũng không nâng được, sắp đụng trần rồi!”.
Cùng một con hẻm 117 Nguyễn Hữu Cảnh (tổ 63, khu phố 7, phường 22, quận Bình Thạnh) nhưng có đoạn cao, đoạn thấp. Bà Nguyễn Thị Nữ, nhà số 191, cho biết vì ngập nước nên người dân đã đóng góp nâng hẻm nhưng sau đó vẫn ngập nên những hộ có tiền tiếp tục nâng thêm một lần nữa, những hộ ở cuối hẻm không đủ tiền nên chưa nâng được.
Trong vùng hẻm thấp, căn nhà của bà Nguyễn Thị Huệ (117/189) nổi lên như một “ốc đảo” vì cao hơn hẳn những nhà xung quanh. Bà Huệ cho biết để chạy đua với ngập bà đã nâng nền nhà đến lần thứ sáu. “Nâng lắt nhắt mãi cũng đuối nên đầu năm nay gia đình tôi quyết định làm một lần: nâng gần 1 m, sửa lại toàn bộ nhà luôn!”- bà Huệ nói.
Ghi nhận ở hầu hết các tuyến hẻm, vấn đề cốt lõi là hệ thống thoát nước quá tải, xuống cấp nên không thể bảo đảm tiêu thoát nước trong khi người dân cứ “đè” hẻm, nhà ra mà nâng. Điều này không giải quyết triệt để tình trạng ngập, nghẹt mà đẩy nước từ nơi cao xuống nơi thấp.
Sau 3 lần nâng, nền nhà bà Lê Thị Gái (294/122 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh)
đã cao “kịch trần”. Ảnh: T.Sương
Đến nâng... “dự phòng”
Cũng thuộc tổ 16, khu phố 1, phường 21, quận Bình Thạnh, dù hẻm 294 Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được nâng đến hai lần nhưng mỗi đợt triều cường, hẻm vẫn chìm sâu trong nước, nơi ít nhất cũng đến 40 cm. Bà Hà Thị Hoa, một người dân trong hẻm 294, kể: “Mỗi lần nâng hẻm là phải nâng nền nhà nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn hẻm ngập trở lại và nhà cũng ngập luôn. Đêm đang ngủ bỗng nghe róc rách, thấy đồ đạc nổi lềnh bềnh trong nước, sợ nhất là ổ điện cũng ngập chìm trong nước... Đầu năm nay, gia đình tôi quyết định không nâng lẻ tẻ nữa mà nâng hẳn 50 cm để dự phòng”.
Ông Trần Văn Tâm, tổ trưởng tổ 16, cho biết năm 2004, bà con trong hẻm đã đóng góp 100 triệu đồng và quận rót thêm 25 triệu đồng, tổng cộng được 125 triệu đồng để nâng khoảng 100 m hẻm lên cao hơn mực nước triều nhưng chỉ một thời gian ngắn hẻm đã ngập trở lại.
Từ đó, mạnh ai nấy nâng nền nhà để tự cứu, độ cao thấp tùy vào kinh tế mỗi nhà. “Hồi đó, nhiều nhà đề nghị nâng khoảng 30 - 40 cm, cao hơn mực nước một chút nhưng tôi thuyết phục mọi người nâng 60 cm luôn, khỏi mất công làm đi làm lại. Vậy mà bây giờ nước ngập qua mức “dự phòng” rồi”- ông Tâm ngao ngán.
Trở lại hẻm 235 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 7, quận 3), nơi Báo NLĐ từng phản ánh do tuyến đường này nâng cao nên hẻm biến thành ao sau mỗi cơn mưa, chúng tôi bất ngờ vì nhà nào cũng nâng cao từ 50 cm đến 1 m. Đặc biệt đập vào mắt chúng tôi là căn nhà 3 tầng lầu nhưng độ cao từ mặt hẻm đến tầng trệt chỉ hơn 2 m, chẳng khác nào... nhà sàn.
Chủ nhân căn nhà (235/67 Nam Kỳ Khởi Nghĩa), ông Phùng Bá Quốc, cho biết đầu năm 2008 khi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nâng cao cũng là lúc hẻm này ngập lênh láng sau mỗi trận mưa nên gia đình quyết tâm đổ tiền xây lại nhà.
“Dù biết là khác người nhưng tôi quyết nâng nền lên 2 m so với mặt hẻm. Thà làm một lần còn hơn mỗi lần ngập là đập ra nâng lại”. Nhìn cảnh ông Quốc hì hục đặt 2 tấm kê bằng sắt cao như ván trượt rồi phóng xe máy vào nhà, chúng tôi ớn cả người và tự hỏi: “Cuộc rượt đuổi giữa người dân với con nước không biết bao giờ kết thúc?”.
Ngập do thi công công trình
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện TP đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị với quy mô lớn, nhiều công trình thi công các hệ thống thoát nước lớn đã hoàn thành trục chính nhưng chưa kết nối đồng bộ các cống băng ngang đường, trong quá trình thi công, các nhà thầu thiếu biện pháp dẫn dòng, gây bít dòng chảy, cửa xả... đã gây ngập trên nhiều tuyến đường. Cụ thể có 171 vị trí hệ thống thoát nước trên các tuyến đường bị ảnh hưởng, trong đó có 71 vị trí đã khắc phục, 28 vị trí đang gây ngập và 72 vị trí nếu không nhanh chóng khắc phục sẽ gây ngập.
6 nhận xét:
chứ chờ nhà nứơc giải quyết biết đến bao giờ...em về đây...nản nhất vụ nứoc ngập...hic
cái vòng lẩn quẩn- nhà nước chậm có chi tiết nhưng lại không chấp nhận dân làm sai luật; trong khi người dân lại bị áp lực trong cuộc sống nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể nên mạnh ai nấy làm.
rầu quá trời
rầu nó cũng vậy mà kg rầu nó cũng vậy. tốt hơn hết là đối phó với nước tràn cái đã rồi tính sau. :D nhà này nâng thềm riết rồi đẩy xe vô ra cũng muốn chết luôn đây. Đang tính mua xe đạp điện.
chị phải mua thêm 2 cái phao nhỏ gắn 2 bên xe đạp điện vì nếu có bị nước vô, máy không hoạt động - chị vẫn có thể dùng chức năng như phao...-:)
đâu có sao, chúng ta vốn là con cháu của Sơn Tinh mà
nhưng đâu có động cơ gì để sống chung với lũ đâu?!
Đăng nhận xét