Nhiều sai phạm, bất cập bị tố. Không ít lần các đơn vị quản lý, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu việc trùng tu tôn tạo, cả chính quyền địa phương cũng như Cục Di sản văn hóa đã thừa nhận sai sót, hứa sẽ đình chỉ các công trình “sửa chữa di tích” có dấu hiệu vi phạm. Nhiều lần ai đó còn nói nhất định sẽ có đơn vị, cá nhân bị phê bình, xử lý nghiêm. Và thế là dư luận lại rụt rè hi vọng: chân lý dẫu đến muộn nhưng có thể sẽ được thực thi. Thật vậy chăng?
May mắn còn lại nguyên vẹn cổng thành tuyệt đẹp này - Ảnh: Thanh Thanh |
Kinh phí to, trùng tu méo mó
Năm 2011, Bộ VH-TT&DL đề xuất một con số khổng lồ cho việc tu bổ, tôn tạo di tích: 11.000 tỉ đồng. Người bi quan thì lo cơ sự này, có lẽ đình chùa miếu mạo ở ta còn bị người ta dùng nhiều nghìn tỉ đồng làm mới, làm méo với mức độ ngày càng khủng khiếp. Người lạc quan hơn thì mỏng manh hi vọng: sau những bất cập quá lớn, tai tiếng quá lớn (trong việc đụng đâu hỏng đấy, tiền về chỗ nào là cổ kính rêu phong, lớp lang văn hóa bị bóc mất; tiêu càng nhiều thì “phá” càng dữ dội), biết đâu bây giờ người ta sẽ bài bản và đúng đắn hơn.
Người viết bài này e rằng những người “chuyên nghiệp” tham gia trùng tu tôn tạo di tích, vì bị đả phá quá nhiều, nay biết đâu sẽ “bài bản”, “ném đá dò đường” kỹ hơn trong việc làm mới di tích. Báo chí, những cá nhân tâm huyết có lên tiếng thì bất quá cũng chỉ khiến “tiến độ thi công” ngừng lại ít lâu, rồi di tích cổ vẫn cứ bị phá, bị bóc, bị vôi ve trát trít lại.
Vậy vì sao người ta cứ lăm lăm trùng tu kiểu “phá hoại di tích” mà không ngại gì? Cái lý đơn giản là tiền. Dự án mà chỉ đuổi mối mọt ở cột đình, dọn cỏ rác ở ven thành cổ thôi thì làm sao “hóa giải” được vài trăm triệu tiền ngân sách được cấp về. Chỉ dỡ ra, xây mới... mới có “cơ” dùng hết một vài chục tỉ, có khi cả trăm tỉ cho một công trình. Anh thiết kế, anh thi công, chị giám sát, bác nghiệm thu, rồi người cấp phép và quản lý, ai cũng được “tính” trong khâu giải ngân. |
Đó là chuyện xảy ra ở thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), di tích quốc gia, tòa thành đá ong diễm lệ và nguyên vẹn nhất Việt Nam. Năm 1994, người ta bỗng nhiên phá đi cái cổng đẹp và cổ kính nhất của thành với hàng cây cổ thụ trùm xòa tuyệt mỹ, xây thế vào đó một cổng thành mới tinh bằng bêtông cốt thép, bên trên treo đèn nhấp nháy. Công luận cực lực lên án khi... sự đã rồi.
12 năm sau (2006), hai cổng còn lại của thành cổ Sơn Tây với cây đề, cây đa, cây si có hệ thống rễ như mãng xà cuồn cuộn ôm trùm những tầng gạch, đá ong cổ... “vô phúc” gặp một dự án trùng tu (gần 50 tỉ) khác đưa về cùng ùn ùn các kíp thợ và kiến trúc sư. Họ lên kế hoạch bằng văn bản, trả lời nhà báo bằng văn bản là sẽ phun hóa chất tiêu diệt “cây dại” trên những cổng thành cổ kính, đưa tòa thành trở về trạng thái khi nó vừa được... khánh thành.
Những dòng tít bức bối trên báo như “Bức tử thành cổ Sơn Tây” cùng lắm cũng chỉ làm “dự án” nọ dừng lại được bốn năm. Cuối đông 2010, người ta lại bỏ nhiều tỉ đồng xin được “xây lại” các bức tường thành cổ dài vài cây số vẫn xanh rì cây cổ thụ và đá ong nâu sậm của di tích quốc gia này. Họ bóc đá cũ, xếp đá mới chất ngất. Báo Tuổi Trẻ lại lên tiếng bằng nhiều tin bài quyết liệt. Lãnh đạo Cục Di sản lên tận hiện trường, bảo đình chỉ thi công. Rồi người ta họp bàn, hội thảo. Cuối cùng thì “thành lũy đá ong mới” vẫn cứ mọc lên theo đúng kiểu “quyết làm xong dự án”, giải ngân một khoản tiền to.
Sau 16 năm, thành cổ Sơn Tây nay tường cao hào sâu mới toe, chỉ còn hai cái cổng cổ nguyên vẹn trong sự giám sát, bảo vệ của bà con Sơn Tây và những người tâm huyết.
Còn nhiều nữa: đình Mông Phụ (di tích quốc gia ở làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây) cũng nhận được hơn 10 tỉ đồng, người ta đem gỗ mới, gạch mới, ngói mới vào, dỡ sạch bách cả đình ra dựng lại, bất chấp bà con kéo lên đình kêu ca. Năm 2010, dăm bảy tỉ đồng ném vào dự án trùng tu thành cổ Tuyên Quang, cổng thành, vòm cây cổ ký ức của bao thế hệ người Tuyên Quang biến mất không chút dấu vết, thay vào đó là “cái lò gạch” vôi vữa trắng toát, đá ong mới tinh, cọc inox xích sắt vây quanh sáng choang.
Hàng chục bài báo, hàng chục chuyên gia nổi tiếng bất bình phát biểu, yêu cầu phá “cái lò gạch”, những mong phục hồi giá trị của di tích quốc gia này, thậm chí yêu cầu khởi tố các vị liên quan đến dự án trùng tu kiểu “tiêu diệt” này. Nhưng bát nước đầy đã đổ, những thành cổ Sơn Tây, đền Và, làng cổ Đường Lâm, đình Thụy Phiêu (ngôi đình cổ nhất Việt Nam)... dù được các chuyên gia, dư luận, báo chí giám sát chặt chẽ, đeo đẳng lên tiếng bảo vệ mười mấy năm còn không giữ được, nữa là “lên tiếng thống thiết” khi ván đã đóng thuyền!
Lại nói về vụ “bức tử đền Và” (ngôi đền có lịch sử nghìn năm, di tích quốc gia thờ Thánh Sơn Tinh ở Hà Nội) mà Tuổi Trẻ đã theo đuổi quyết liệt năm 2009, đích thân phó chủ tịch UBND TP Sơn Tây bấy giờ, ông Nguyễn Lam Điền, nói với Tuổi Trẻ là sẽ “cho dừng dự án”. Một hội đồng chuyên gia được mời lên. Lại bàn, gật gù, rồi trấn an dư luận, trong lúc ấy vẫn âm thầm dỡ nốt đền chính, sửa cổng, đặt thêm sư tử đá kệch cỡm lai căng.
Tuổi Trẻ, trước khi dự án được tiếp tục, đã viết: nếu dùng bốn cái ôtô kéo thì Lầu Chuông, Gác Trống cổ kính và có hồn bậc nhất của đền thiêng cũng không đổ, đừng thành lập hội đồng nói rằng nó hỏng, để dỡ chúng ra bằng được mà làm mới, rằng cần thành lập cơ quan giám sát điều đó. Mặc, đình chỉ thi công rồi người ta tiếp tục hội thảo, bàn bạc, ai bàn ngang thì không mời gật lắc biểu quyết nữa, thế là lại “trùng tu tôn tạo”. Lầu Chuông, Gác Trống bị bóc ra, vôi vữa trát trít.
Cổng phía bắc thành cổ Sơn Tây từng là điểm quyến rũ bậc nhất của tòa thành - bị phá và xây lại năm 1994 - Ảnh: Thanh Thanh |
Có ai chịu trách nhiệm gì?
Sau những tai tiếng, đình chỉ, cảnh cáo, hội thảo lại, “nghiêm túc rút kinh nghiệm”... như đã kể ở trên và ở nhiều vụ trùng tu cẩu thả khác là khoảng trống lớn về trách nhiệm. Vài năm trước, sau khi Tuổi Trẻ và một loạt tờ báo lên tiếng về thảm trạng ở các di tích miền Bắc, bấy giờ Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng dẫn đoàn tùy tùng đi thị sát rất nhiều nơi. Nhiều sai sót được chỉ ra. Nhưng từ bấy đến nay, những ai “bị xử lý” xứng tầm? Câu trả lời là không!
Sai phạm tày trời ở những điểm nóng, tiêu tốn tiền tỉ, hủy hoại giá trị quý báu có một không hai của nhiều di tích mà cả nghìn năm lịch sử dân tộc mới có được, rồi cũng hòa cả làng. Mới nhất là chuyện cơ quan hữu quan lập dự án xin 5 tỉ đồng làm con đường bêtông đuồn đuỗn xuyên thẳng qua vùng lõi di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm, Hà Nội (Tuổi Trẻ, tháng 10-2011), vi phạm đủ thứ luật và quy định. Vậy mà ban quản lý trả lời “không hề biết”, Cục Di sản cũng “không biết”. Nay lại tính chuyện bóc bỏ con đường bêtông, một cách gián tiếp quẳng đi 5 tỉ đồng.
Các vị trả lời, từ cục xuống xã, ai cũng có vẻ trách nhiệm và sốt sắng. Nhưng vậy ai đã “vẽ” ra dự án 5 tỉ đồng bất chấp pháp luật ấy, ai ăn lương nhà nước để nhận nhiệm vụ quản lý và giám sát di tích làng cổ Đường Lâm? Chính quyền cơ sở không nhìn thấy từng hiệp thợ đông đúc thi công cả một con đường bêtông rộng tới 5m ở vùng quê vài vạn người ấy? Và 5 tỉ đồng vừa mới ném đi ấy, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Ông viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) từng trả lời phỏng vấn dạo nào, nói: xây cái cầu bị hỏng, thất thoát tiền thì từ kiến trúc sư, thợ thuyền, đơn vị quản lý giám sát đều “ăn đòn”. Vậy sao xâm hại một tòa đình, một tòa thành mấy trăm năm tuổi, “ném tiền tỉ qua cửa sổ”... mà chẳng thấy ai gánh chút trách nhiệm nào?
Có thể thấy rõ hơn điều này khi chiêm nghiệm: chưa thấy chuyên gia văn hóa ngành dọc, cán bộ quản lý di tích hay chính quyền cơ sở lên tiếng cảnh báo, phát giác hay đi đầu trong việc bảo vệ di tích đang bị trùng tu sai. Đi đầu bao giờ cũng là dân thôn, các nhà báo, những người say mê văn hóa và du lịch.
“Im lặng là vàng” của những người có trách nhiệm đã đành một lẽ. Đau đớn hơn là sự im lặng buồn bã, cạn kiệt lòng tin của những người từng hết lòng bảo vệ hệ thống di tích trước “thảm họa trùng tu tôn tạo”, đó là nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà văn hóa và nghệ sĩ, trí thức. Họ đã đợi quá lâu một cơ chế có “bàn tay sắt” được dẫn lối bởi sự hiểu biết, tôn trọng di sản và năng lực nhận lãnh trách nhiệm cụ thể đối với việc trùng tu, tôn tạo.
TRẦN THỊ THANH THANH
----------------------------
Trùng tu di tích cố đô Huế:
Vẫn “mới, trẻ và rẻ hóa”
TTCT - Cố đô Huế là điểm nóng của việc trùng tu di tích, bởi quần thể di tích đã được xếp hạng “đặc biệt của quốc gia” và là “di sản thế giới” này là nơi được tập trung cao nhất kinh phí và nhân lực trùng tu của cả nước. Năm 2003, TTCT từng lên tiếng qua loạt bài về tình trạng “mới hóa, trẻ hóa, rẻ hóa” di tích Huế. Tám năm sau, quay trở lại công trường trùng tu di tích ở đây vẫn thấy tình trạng “mới, trẻ, rẻ” tái diễn.
Minh Ân viện ở lăng vua Đồng Khánh khi còn nguyên vẹn (ảnh chụp vào tháng 5-2003) - Ảnh: Tam Giang |
Minh Ân viện sau khi trùng tu - Ảnh: Thái Lộc |
Lăng vua Gia Long là một trong những di tích quan trọng nhất của cố đô Huế, với kinh phí trùng tu lên đến gần 70 tỉ đồng. Dự án trùng tu này do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương - chi nhánh miền Trung (thuộc Bộ VH-TT&DL) thi công. Công trình trùng tu này đã được Bộ VH-TT&DL và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (sau đây gọi tắt là trung tâm) nghiệm thu hoàn tất tháng 9 vừa qua. Ngay sau đó, chúng tôi đến lăng Gia Long, chứng kiến cuộc trùng tu để lại nhiều sai lệch so với nguyên gốc.
Vàng son và vàng chóe
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết từ năm 1996-2011, tại khu di tích Huế đã có hơn 100 công trình di tích được trùng tu với tổng kinh phí 570 tỉ đồng. Từ năm 2011-2020 sẽ tiếp tục trùng tu rất nhiều công trình ở khu vực Đại nội và các cụm di tích khác, với kinh phí hơn 2.500 tỉ đồng. |
Thật ngỡ ngàng khi bước chân vào khu lăng mộ của vị vua đầu triều Nguyễn, bởi màu rêu phong trầm mặc suốt bao năm qua đã được thay thế bằng một màu vôi mới vàng rực. Trừ bức tường hình vòng cung bao quanh khu vực lăng vua và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu được quét vôi màu xám nhạt, còn lại đều được quét vôi màu vàng.
Theo một nhà nghiên cứu di tích Huế, các lăng vua thường được gọi là “thạch lăng”, tức lăng đá, tượng trưng cho sự trường cửu. Khi xây dựng, chỉ có lăng vua, thềm rồng, bậc cấp và một số mảng nền quan trọng mới lát đá, còn lại thì bằng vữa trộn màu giả đá. Điều này biểu hiện rất rõ trên hiện trạng trước khi trùng tu và nhiều ảnh tư liệu trước đây.
Một hạng mục gây ngỡ ngàng nữa là cổng tam quan của điện Minh Thành, công trình trước khi trùng tu chỉ còn nền móng, nay lợp ngói hoàng lưu ly và sơn son thếp vàng rực rỡ. Năm 1993, khi trùng tu điện Minh Thành sơn son thếp vàng đã có nhiều ý kiến phản đối bởi ngôi điện này vốn không sơn thếp, theo ý của vua Gia Long (ghi rõ trong sách Đại Nam thực lục và nhiều tư liệu khác).
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (nguyên cán bộ nghiên cứu của trung tâm) đưa ra cuốn Trang trí ở An Nam xuất bản tại Paris giữa thập niên 1920, có bức ảnh chụp cổng tam quan năm 1923 với dòng chú thích: “Cửa trước sân của điện thờ hoàng đế Gia Long bằng gỗ chạm trổ sơn màu nâu đỏ”. Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng, nguyên trưởng phòng nghiên cứu của trung tâm, cho biết thêm: “Màu nâu đỏ do gỗ lim để lâu ngày tạo nên, bởi vì vua Gia Long muốn để gỗ mộc với một dụng ý riêng, có chủ đích”.
Bức tường bên trong Vĩnh Khánh đường (lăng vua Đồng Khánh) trang trí hoa văn (ảnh chụp vào tháng 4-2003) - Ảnh: Tam Giang |
Sau khi trùng tu, bức tường đã được sơn phết vôi màu vàng - Ảnh: Thái Lộc |
Xây mới lăng vua
Một di tích khác đang được trùng tu với quy mô lớn là lăng vua Đồng Khánh - di tích được đánh giá là “bảo tàng kiến trúc giai đoạn giao thời”. Dự án này cũng do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương - chi nhánh miền Trung thiết kế và thi công. Khi chúng tôi đến, đây là cả một công trường xây dựng rộn ràng xe máy, một nhóm công nhân dùng búa, xà beng đập bỏ bức tường gạch dày vẫn còn nguyên vẹn. Cạnh đó là những đoạn tường đã được xây mới hoàn toàn.
Bước qua cổng tam quan (đang hạ giải để trùng tu), thấy hiện ra một không gian hoàn toàn xa lạ. Đó là công trình Minh Ân viện và Công Nghĩa đường nằm hai bên sân vừa được trùng tu xong. Ảnh chụp hiện trạng năm 2008 của chúng tôi và nhiều ảnh tư liệu trước đó đều cho thấy rất rõ mái của hai công trình này được lợp ngói liệt, tương tự điện Ngưng Hy (hiện vẫn còn nguyên, chưa trùng tu), tường tô màu xám, vẽ hình mạch gạch. Nhưng ở công trình mới trùng tu thì lợp ngói âm dương thanh lưu ly, tường quét vôi vàng (màu vàng tương tự ở lăng Gia Long).
Vĩnh Khánh đường nằm nối liền điện Ngưng Hy hình dáng cũng hoàn toàn khác trước. Theo những tài liệu và ảnh chụp hiện trạng trước đây, công trình này vốn mang dáng dấp nửa Âu nửa Á, lợp ngói liệt theo hình thức “chồng diêm” (hai mái nối tiếp), nền lát gạch hoa màu trắng ngà, ở giữa nền gạch hoa trang trí theo hình thức “chiếu hoa”. Tường ngoài thì vẽ theo mạch gạch và tường trong màu trắng ngà trang trí hoa văn khắp các bức tường.
Nhưng công trình sau trùng tu đã khác hoàn toàn: mái lợp ngói âm dương thanh lưu ly, nền lát gạch kiểu Bát Tràng, tường nhà phết màu vôi vàng chóe!
Bức tường thành nguyên vẹn của lăng vua Đồng Khánh bị đập bỏ |
Thay vào đó là bức tường xây mới và dùng xe xúc để bới cả nền móng của bức tường cũ - Ảnh: Thái Lộc |
Lăng vua Gia Long nguyên gốc (ảnh chụp vào tháng 5-2003) - Ảnh: Tam Giang |
Sau trùng tu, các bức tường lăng vua Gia Long được quét vôi vàng chóe - Ảnh: Thái Lộc |
Cổng tam quan điện Minh Thành chụp năm 1923 không sơn thếp - Ảnh do nhà nghiên cứu Phan Thuận An cung cấp |
Cổng tam quan điện Minh Thành sau trùng tu đã sơn son thếp vàng - Ảnh: Thái Lộc |
THÁI LỘC
--------------------------
Trùng tu di tích đang “có vấn đề”!
TTCT - Ông Phùng Phu, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trả lời TTCT như vậy về những bất thường trong việc trùng tu di tích Huế.
Điện Ngưng Hy (lăng vua Đồng Khánh) được lợp ngói liệt, theo thiết kế trùng tu sẽ bị thay bằng ngói hoàng lưu ly - Ảnh: Thái Lộc |
Ông Phùng Phu nói: “Trong phục hồi di tích (cố đô Huế), chúng tôi dựa trên một nền tảng chung: đó là một phong cách Nguyễn đã được nghiên cứu. Nhưng triều Nguyễn cũng có những trường hợp riêng rất đặc biệt, có những tác động khiến nó thay đổi cả phong cách. Chính vì việc thay đổi đó mà một số nhà nghiên cứu trước đây cho rằng Huế đã đứt mạch truyền thống, đã lai căng, lòe loẹt…
Tuy nhiên tôi thừa nhận sau 30 năm quản lý chuyên môn ở di tích này, cũng có nhiều việc lực bất tòng tâm. Trong đó, có việc chưa áp dụng tốt bảng màu mà các chuyên gia Ba Lan đã nghiên cứu được ở di tích Huế”.
* Xin hỏi về lăng Gia Long, điện Minh Thành và cổng tam quan đều sơn son thếp vàng. Trong khi rất nhiều tư liệu sử, hình ảnh nguyên trạng đều chứng minh không sơn thếp. Vì sao có chuyện này, thưa ông?
Ông Phùng Phu - Ảnh: Thái Lộc |
* Việc phá bức tường nguyên vẹn để xây lại, thay mái ngói liệt bằng thanh lưu ly… ở lăng Đồng Khánh là xây mới di tích hay trùng tu?
- Những công trình ở các lăng vua ngày xưa các cụ gọi là “nhà xanh nhà vàng”. Điều đó còn lưu lại thông qua các dấu tích trên các lăng và mô tả trong sách sử. Việc triển khai dự án này chúng tôi đã nói rất kỹ trong các cuộc họp của hội đồng khoa học. Nhưng lăng Đồng Khánh thì nói thật lâu rồi tôi chưa lên đó. Tôi sẽ kiểm tra thông tin này để xem kết luận của hội đồng khoa học có được chấp hành và triển khai đúng theo yêu cầu hay không.
* Mới đây ông có ý kiến không hài lòng về chất lượng giám sát kém ở dự án trùng tu lăng Gia Long, cụ thể thế nào thưa ông?
- Tôi khẳng định cho đến bây giờ hoàn toàn chưa yên tâm về năng lực cán bộ kỹ thuật, năng lực giám sát (công trình trùng tu - PV). Nhiều khi anh em phối hợp chưa tốt và cũng chưa tiếp cận tốt với khoa học, công nghệ cho nên dễ dãi. Nhiều anh em làm theo kiểu xây dựng cơ bản.
* Như vậy, chất lượng trùng tu theo ông là đang có vấn đề?
- Đang có vấn đề chứ sao lại không! Tôi nói (việc trùng tu di tích - PV) cả nước Việt Nam đang có vấn đề, từ cán bộ quản lý cho đến cán bộ thực thi dự án, cán bộ giám sát dự án và các đơn vị thi công hoàn toàn có vấn đề. Di sản chúng ta thì đồ sộ, rất nhiều loại hình, rất phong phú, nhưng chuyên gia kém hoặc chưa có chuyên gia. Có nhiều chuyên gia về lý thuyết, nhưng về kỹ năng thực hành thì rất thiếu.
TTCT
18 nhận xét:
Vậy vì sao người ta cứ lăm lăm trùng tu kiểu “phá hoại di tích” mà không ngại gì? Cái lý đơn giản là tiền <= đau xót nhỉ
Hầu như ở mọi nơi đều có kiểu tàn phá hoặc trùng tu "thiếu văn hóa" và "ngu ngốc" anh à. Nhìn đau lòng lắm.
Phố cổ Đồng Văn, đập cũ thay mới.
Đền HÙng, bia cổ thì vứt bỏ
thùng tiền thì khắp nơi
Thành cổ Sơn Tây, còn đâu một thời
Mỹ Sơn ngày càng thành phế tích
Dinh Hoàng A Tưởng, với trùng tu làm đâu lòng người yêu nghệ thuật
còn nhiều lắm anh à.
rồi di tích sẽ dần mai một....thật buồn cho lối làm ăn của ngành Văn hóa VN
Nghe Thuat khong phai la khoa hoc, 9 nguoi 10 y, lam sao danh gia duoc lam the nao la dung
Trung tu de thu hut tien du lich thi co gi la xau ??
Nguoi Ai Cap dao mo to tien ho len de ban ra ngoai quoc vi tien thi VNam lam sao tranh khoi
Lam vi tien khong xau, van de la co dung tien de bao ton van hoa hay khong
Vi du nhu Campuchia, ban ve 25 dollars tham Angkor Wat, co nguoi chiu bo tien ra mua ve, ma khong can dap pha du tich lich su
Khac du lich khong ngu, neu trung tu kieu Ngu xi lam mat ban sac tinh tuy dan toc thi khong thang nao bo tien ra mua ve,
em đi nhiều, gặp nhiều, nên làm 1 loạt bài viết về vấn đề này...nhìn đau xót thật...
toàn là dân có quyền hô hào cái miệng nhưng cái đầu rỗng tuyếch và chỉ chăm chăm bòn rút
tiếc là ở vn hiện nay trường hợp này phổ biến
Dùng từ "DÂN" ở đây, tội cho dân lắm em ui :-(
dạ :-(
bao nhiêu viện nghiên cứu, phòng ban, ban quản lý,...hoành tráng lắm mà hiệu quả ngược lại . ngao ngán thật
Nhớ hồi hội thảo liên sở Nông Nghiệp&Công Nghiệp và các hiệp hội khoa học kỉ thuật của thành phố, anh Già có đặt ra một câu hỏi thôi"Cái trung tâm khoa học kỷ thuật tiên tiến" của miền Nam và cả nước này... Có ai cải tạo được cái máy liên hợp hiệu quả như anh nông dân Long An đã làm và bán rất chạy chưa vậy?". Sau lần ấy, hổng ai kiu anh già đi "Xêmina" nữa hết, hehe.
đau khổ đau khổ thật :-(
Báo cáo đã coi....hình xong :-)
coi tiếp chữ đi :-)
đánh vần lâu lắm
gọi trợ giúp đi
làm chữ to lên nào...dễ oánh vần hơ hơ
yên tâm- bạn kia có kính lúp mừ
Đăng nhận xét