Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

110830- Các dự án thoát nước tại TP.HCM: Mới sử dụng đã lo lạc hậu

Các dự án thoát nước tại TP.HCM được quảng bá là chống ngập dù mưa lớn cỡ nào, tuy nhiên thực tế diễn ra ngược lại. Lý do là số liệu (lượng mưa, đỉnh triều...) phục vụ thiết kế dự án đã lạc hậu.

Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ, dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè và dự án thành phần số 3 thuộc dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hoá – Lò Gốm là ba dự án chống ngập lớn của TP.HCM.

Tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh) dù mang tiếng được hưởng lợi từ dự án vệ sinh môi trường của thành phố nhưng vẫn bị ngập nặng Ảnh:

Theo các ban quản lý, hiện nay ba dự án này đang trong quá trình hoàn thành giai đoạn 1, thực hiện kết nối chung vào hệ thống thoát nước của thành phố. Cuối năm 2011, tình trạng ngập nước sau mưa ở các quận Bình Thạnh, quận 6, Bình Tân, 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp… sẽ cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên...

Ngập ở nơi chống ngập

Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hoá – Lò Gốm khẳng định rằng, sau khi hoàn thành dự án thành phần số 3 thì mưa cỡ nào, cường độ mưa bao nhiêu cũng không bị ngập. Lý do, theo ông Lê Thanh Liêm, giám đốc ban quản lý dự án: “Do công trình đã lên trên khỏi mức triều cường, đỉnh triều cường cao nhất trong những năm gần đây chỉ ở mức 1,54m, trong khi độ cao của mặt đường lên đến 1,8m”.

Theo ông Liêm, mục tiêu giải quyết tình trạng ngập úng ở lưu vực Tân Hoá – Lò Gốm chắc chắn sẽ đạt được. Ông Liêm đưa dẫn chứng, ngay tại thời điểm này, khi dự án đang chuẩn bị hoàn thành thì nhiều “điểm đen” ngập nước trước đây như đường Hoà Bình, Lạc Long Quân, Ông Ích Khiêm (quận 11), Âu Cơ, Hồng Lạc, Đồng Đen (quận Tân Phú), Huỳnh Thiện Lộc, Phạm Văn Chí và Nguyễn Văn Luông (quận 6) không còn xuất hiện. “Người dân rất phấn khởi!”, ông Liêm khẳng định.

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với những gì ông Liêm nhận định, theo ghi nhận của chúng tôi trong cơn mưa chiều tối 13.8, hầu hết các con hẻm cũng như một số tuyến đường mà ông Liêm nêu trên đều chìm trong biển nước, nhiều nơi ngập sâu trên 0,4m. Cụ thể, trên đường Tân Hoá (quận 11), đoạn từ cầu Tân Hoá hướng về Bà Hom, nước ngập lên đến tận yên xe.

Nếu như trước đây, người dân ở tuyến đường này bức xúc việc thi công chậm trễ, kéo dài bao nhiêu thì giờ bức xúc trước “hiệu quả” bấy nhiêu.

Đường Nguyễn Văn Luông (phường 11, quận 6) mặc dù được ban quản lý dự án đưa ra làm điển hình cho sự thành công của dự án nhưng khu vực dân cư hai bên đường bị ngập sâu. Nhiều con hẻm như 254, 240… bị nước ngập đến 0,5m khiến mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân bị ngưng trệ và xáo trộn. Ông Nguyễn Văn Chí, ngụ ở tuyến đường này ngao ngán, nói: “Lúc chưa nâng cấp các con hẻm ở đây chỉ ngập nhẹ khi có mưa lớn, nhưng sau khi có dự án các con hẻm lại càng ngập sâu, kéo dài hơn. Chỉ cần một cơn mưa liên tục, kéo dài khoảng 15 phút là các con hẻm biến thành sông”.

Tương tự, ở tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Xuân Ngôn (thuộc phường 1, 2 quận Bình Thạnh), khu vực hưởng lợi từ dự án vệ sinh môi trường thành phố, trong cơn mưa chiều tối 16.8, dù vũ lượng đo được ở trạm Cầu Bông lúc 17 giờ 35 – 20 giờ chỉ có 25,8mm nhưng từ 18 giờ, toàn bộ khu vực này đã biến thành sông, với độ ngập sâu gần 0,5m.

Trong khi đó, theo ban quản lý dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè, 22 gói thầu trong số 30 gói thầu của giai đoạn 1 dự án đã hoàn thành, việc nối thông tuyến cống bao thoát nước dài 8,5km trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hạng mục chính quyết định sự thành công toàn bộ dự án, sẽ đưa toàn bộ nước thải của bảy quận trung tâm thành phố về trạm bơm nước công suất 64.000m3/giờ, để trạm này bơm nước ra sông Sài Gòn (giai đoạn 1 của dự án). Đến nay, toàn bộ dự án đã hoàn thành hơn 90% và bắt đầu phát huy hiệu quả.

Lo lạc hậu

Theo các nhà khoa học, từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20, chính quyền TP.HCM đã lên kế hoạch chống ngập cho toàn thành phố. Tại đây, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật (JICA) được chọn làm nhà nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước mưa và nước thải đô thị cho thành phố đến năm 2020. Cuối năm 1999, việc nghiên cứu, lập quy hoạch hoàn thành.

Theo đó, con số mà JICA đưa ra để thiết kế hệ thống cống chính chỉ tương đối phù hợp với tần suất mưa những năm 1980 – 1990. Vũ lượng mưa JICA đưa ra để thiết kế hệ thống cống chính là 85,36mm. Cơ sở số liệu của JICA dựa vào thống kê cơn mưa có vũ lượng như vậy xuất hiện ba năm một lần.

Trong khi đó, theo thống kê của trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, từ đầu năm đến nay có ba cơn mưa lớn, trong đó có một cơn mưa đạt vũ lượng trên 100mm và hai cơn mưa có vũ lượng trên 90mm. Chưa kể đỉnh triều những năm gần đây đã cao đến 1,56m và mưa lớn trên 100mm thường xuyên xuất hiện. “Chính vì thi công dựa trên số liệu khảo sát cũ đã khiến nhiều tuyến đường lẽ ra được hưởng lợi của các dự án chống ngập lại tiếp tục ngập, dù dự án có hoàn thành 100%”, ông Hồ Long Phi, một chuyên gia trong lĩnh vực chống ngập, nhấn mạnh.

Xác định đỉnh triều là cơ sở để đưa ra hệ thống thoát nước, nhưng không xác định đúng thì làm sao có được hệ thống thoát nước phù hợp.

Theo ông Phi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến số liệu lạc hậu, ngoài nguyên nhân chủ quan là đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch đã bỏ qua những cơn mưa có vũ lượng rất lớn trên 150mm từng xuất hiện ở TP.HCM vào giữa những năm 90, còn một nguyên nhân nữa là việc đơn vị nghiên cứu đã không lường trước được những tác động của biến đổi khí hậu.

TS Hoàng Đức Thảo, chủ tịch chi hội thoát nước Nam bộ, cho rằng cách tính tần suất mưa của các dự án trên không hợp lý bởi các dự án thoát nước đều dựa vào số liệu lượng mưa của 30 năm để đưa ra lượng mưa cao nhất cho từng tần suất là quá dài, như thế sẽ không phù hợp với thực tế. Cách tốt nhất là nên lấy thời gian khoảng 15 năm gần nhất để đưa ra lượng mưa cao nhất cho từng tần suất.

Nhiều nhà khoa học cũng phân tích, các dự án thoát nước đưa ra đỉnh triều thiếu khoa học, không sát với thực tế. Chẳng hạn, dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè khi thiết kế lấy đỉnh triều là 1,33m, còn dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hoá – Lò Gốm chỉ lấy đỉnh triều 1,313m là không phù hợp. Thực tế thì đỉnh triều của các khu vực trên đều cao hơn nhiều so với mức đưa ra. “Xác định đỉnh triều là cơ sở để đưa ra hệ thống thoát nước, nhưng không xác định đúng thì làm sao có được hệ thống thoát nước phù hợp. Do đó, có hay không có các dự án thoát nước, thành phố vẫn bị ngập, nếu có giảm chăng thì cũng chỉ giảm thời gian ngập so với hiện nay”, ông Thảo khẳng định.

TS Lê Long, nguyên giám đốc công ty xây dựng cấp thoát nước số 2 (bộ Xây dựng) cho biết, khi đóng góp ý kiến cho dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ông đã đề xuất phải xây dựng hồ chứa nước mưa, nhưng ban quản lý dự án không quan tâm.

Đào Lê – Hồ Quang

nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/Trong-nuoc/151963/Moi-su-dung-da-lo-lac-hau.html

13 nhận xét:

Ngô Bảo Trâu | nói...

Các điểm ngập lụt trong TP đã giảm đáng kể rồi còn gì
trước quận BT có 10 điểm ngậm, giờ gom lại chỉ còn 1-2 điểm thôi. Làm tốt quá rồi các bác ;)

Ty Le Vang nói...

còn nhiều mà

Ngô Bảo Trâu | nói...

thì ngập nguyên cái quận nên tính điểm ngập thì chỉ còn lại 1 chứ không lát đát nơi ngập nơi không như trước nữa

Ty Le Vang nói...

mai chuyển qua kinh doanh phao đi

Phuc Nguyen nói...

cho bé Triết học bơi cho chắc ăn :)

Ty Le Vang nói...

dạ. e cũng đang tính đến phương án đó hì hì

Phuc Nguyen nói...

con nít học bơi mau biết lắm , hồi đó con chị mới 7 tuổi chị cho qua hồ bơi Lam Sơn học , một thầy chỉ dạy mỗi mình nó , sau một tháng là bơi như ếch , heheeh....

Ty Le Vang nói...

dạ. chắc mỗi chủ nhật e cho nó đi tập bơi cho khỏe...nhưng ở gần nhà hơn- lỡ mai mốt có ngập nó cũng quen đường dìa nhà :-)

Phuc Nguyen nói...

cái dự án này nghe đâu là anh Tung Của thi công đó , đào nát hết thành phố ...

Ty Le Vang nói...

nát bét hết thuốc chữa rồi chị ơi :-(

Phuc Nguyen nói...

nghĩ lại thấy người dân mình chịu đựng cái dự án này mấy năm trời khổ thiệt ... bây giờ chịu khổ rồi mai mốt chịu cực , làm hoài mà không hết ngập ...

chac kadao nói...

thanh pho Sai Gon do Phap, My xay du tinh cho 3,4 trieu nguoi
Nay dan so 7 trieu, qua tai, ket xe, cau cong, nhan nuoc qui hoach do thi ngu nhu lon, tham nhung, khong co tien dau tu sua sang do thi ,
Dung hi vong nan ket xe, ngap lut se het

Nen tim den nhung noi ngoai thanh pho HCM nhu Binh Duong, Vung Tau, Dong Nai, Bien Hoa
Lay Bombay lam vi du: Bangalor, va khu ngoai thanh BangKok
Khong nen dau tu bat dong san ben trong tp Ho Chi Minh, von cao, kho lay lai,

Ty Le Vang nói...

cái khó là dân vn không chịu định hướng theo kiểu đô thị vệ tinh- vì trung tâm vẫn là nơi tập trung mọi thứ cho họ...